Thông tư số 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
  • Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp
  • 52/2016/TT-BYT
  • Thông tư
  • Y tế - Sức khỏe
  • 30/12/2016
  • 01/03/2017
  • Bộ Y tế
  • Nguyễn Viết Tiến
Nội dung:

 

BỘY TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2016/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 1năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA CÁC CẤP

 

Căn cứ Nghị định s 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu t chức của Bộ Y tế;

Theo đ nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa (sau đây viết tắt là Hội đồng GĐYK) các cấp, bao gồm:

1. Hội đồng GĐYK cấp Trung ương bao gồm: Hội đồng GĐYK Trung ương I, Hội đồng GĐYK Trung ương II, Hội đồng GĐYK Trung ương III.

2. Hội đồng GĐYK cấp tỉnh: Hội đồng GĐYK của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Hội đồng GĐYK các Bộ: Hội đồng GĐYK Bộ Quốc phòng, Hội đồng GĐYK Bộ Công an, Hội đồng GĐYK Bộ Giao thông vận tải.

4. Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hội đồng GĐYK các cấp, Hội đồng GĐYK các Bộ và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

2. Giám định viên Hội đồng GĐYK các cấp, các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có quan hệ làm việc với Hội đồng GĐYK các cấp và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khám giám định lần đầu là lần đầu thực hiện khám giám định cho đối tượng, không phân biệt nội dung yêu cầu giám định, kể cả những đối tượng đã khám xác định mức độ khuyết tật ở Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp Xã hoặc đã khám sức khỏe ở Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự mà đối tượng hoặc tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan không đồng ý với kết quả khám đó.

2. Khám giám định lại là khám giám định từ lần thứ hai trở đi theo yêu cầu của cơ quan quản lý đối tượng hoặc của bản thân đối tượng đã được khám giám định lần đầu.

3. Khám giám định phúc quyết là khám giám định trong trường hợp đã khám giám định lần đầu hoặc khám giám định lại tại Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK các Bộ do Hội đồng GĐYK cấp Trung ương thực hiện.

4. Khám giám định phúc quyết lần cuối (còn gọi là khám giám định đặc biệt) là khám giám định cho các đối tượng đã khám giám định phúc quyết ở Hội đồng GĐYK cấp Trung ương do Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối thực hiện.

5. Bác sĩ thụ lý hồ sơ là viên chức thuộc biên chế cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK, được Thủ trưởng cơ quan thường trực giao nhiệm vụ lập hồ sơ khám giám định.

6. Giám định viên GĐYK (sau đây viết tắt là GĐV) là người được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm GĐV, thực hiện khám giám định lâm sàng hoặc cận lâm sàng theo yêu cầu của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

Chương II

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA CÁC CẤP

Điều 4. Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương

1. Cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý, tư cách pháp nhân của hội đồng GĐYK cấp Trung ương:

a) Hội đồng GĐYK cấp Trung ương là tổ chức bao gồm những thành viên làm việc kiêm nhiệm, có trình độ chuyên môn về y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập;

b) Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có con dấu riêng để sử dụng trong việc xác nhận Biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương sau mỗi phiên họp của Hội đồng theo thẩm quyền quy định tại Thông tư này. Hội đồng GĐYK cấp Trung ương không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng;

c) Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương là 05 (năm) năm, kể từ ngày ký quyết định thành lập. Thành phần tham gia trong nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng có thể được thay đổi do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định.

2. Thành phần Hội đồng GĐYK cấp Trung ương

a) Thành phần Hội đồng GĐYK Trung ương I gồm có 05 (năm) người, trong đó:

- Chủ tịch là Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai;

- 01 Phó Chủ tịch là Lãnh đạo Viện GĐYK, thuộc Bệnh viện Bạch Mai;

- 01 Ủy viên thường trực là viên chức của Viện GĐYK đã được bổ nhiệm làm GĐV;

- 02 Ủy viên chuyên môn là GĐV của Hội đồng GĐYK Trung ương I.

b) Thành phần Hội đồng GĐYK Trung ương II gồm có 05 (năm) người, trong đó:

- Chủ tịch là Lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng;

- 01 Phó Chủ tịch là Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng (Phòng hoặc Trung tâm GĐYK, thuộc Bệnh viện C Đà Nẵng);

- 01 Ủy viên thường trực là viên chức của Cơ quan thường trực Hội đồng đã được bổ nhiệm làm GĐV.

- 02 Ủy viên chuyên môn là GĐV của Hội đồng GĐYK Trung ương II.

c) Thành phần Hội đồng GĐYK Trung ương III gồm có 05 (năm) người, trong đó:

- Chủ tịch là Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy;

- 01 Phó Chủ tịch là Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng (Phòng hoặc Trung tâm GĐYK thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy);

- 01 Ủy viên thường trực là viên chức của Cơ quan thường trực Hội đồng đã được bổ nhiệm làm GĐV;

- 02 Ủy viên chuyên môn là GĐV của Hội đồng GĐYK Trung ương III.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có thể mời GĐV thuộc danh sách GĐV của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương đã khám giám định cho đối tượng tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK và được coi là Ủy viên chuyên môn của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương trong phiên họp đó.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương:

a) Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương I là Viện Giám định y khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai, người làm việc trong Cơ quan thường trực thuộc biên chế của Bệnh viện Bạch Mai và chuyên trách thực hiện công tác GĐYK;

b) Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương II là Phòng hoặc Trung tâm GĐYK thuộc Bệnh viện C Đà Nẵng, người làm việc trong Cơ quan thường trực thuộc biên chế của Bệnh viện C Đà Nẵng và chuyên trách thực hiện công tác GĐYK;

c) Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương III là Phòng hoặc Trung tâm GĐYK thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, người làm việc trong Cơ quan thường trực thuộc biên chế của Bệnh viện Chợ Rẫy và chuyên trách thực hiện công tác GĐYK.

Điều 5. Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

1. Cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý:

a) Mỗi tỉnh, thành phố thành lập 01 (một) Hội đồng GĐYK do Giám đốc Sở Y tế quyết định thành lập;

b) Hội đồng GĐYK cấp tỉnh là tổ chức không có biên chế riêng, bao gồm những thành viên làm việc kiêm nhiệm có trình độ chuyên môn y tế;

c) Hội đồng GĐYK cấp tỉnh có con dấu riêng sử dụng trong việc xác nhận Biên bản GĐYK sau khi Hội đồng GĐYK cấp tỉnh đã họp kết luận. Hội đồng GĐYK cấp tỉnh không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng;

d) Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh là 05 (năm) năm, kể từ ngày ký quyết định thành lập Hội đồng.

2. Thành phần Hội đồng GĐYK cấp tỉnh gồm có 05 (năm) người, trong đó:

a) Chủ tịch là Lãnh đạo Sở Y tế;

b) 02 Phó Chủ tịch:

- 01 Phó Chủ tịch Thường trực là Lãnh đạo Trung tâm GĐYK cấp tỉnh;

- 01 Phó Chủ tịch Chuyên môn là Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh.

c) 01 Ủy viên thường trực là viên chức Trung tâm GĐYK tỉnh, thành phố và đã được bổ nhiệm làm GĐV.

d) 01 Ủy viên chuyên môn là GĐV của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng GĐYK cấp tỉnh có thể mời GĐV thuộc danh sách GĐV của Hội đồng GĐYK cấp tnh đã khám giám định cho đối tượng trước đó tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK và được coi là Ủy viên chuyên môn của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh trong phiên họp đó.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tnh là Trung tâm GĐYK tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 6. Hội đồng Giám định y khoa các Bộ     

1. Hội đồng GĐYK Bộ Quốc phòng:

Cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý, thành phần, số lượng thành viên và cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và quy định tại Thông tư này.

2. Hội đồng GĐYK Bộ Công an:

Cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý, thành phần, số lượng thành viên và cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và quy định tại Thông tư này.

3. Hội đồng GĐYK Bộ Giao thông vận tải:

a) Hội đồng GĐYK của Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết tắt là Bộ GTVT) do Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định thành lập, kiện toàn, bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tham mưu theo quy định của Bộ GTVT. Hội đồng GĐYK của Bộ GTVT không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng;

b) Hội đồng GĐYK Bộ GTVT có con dấu riêng, sử dụng trong việc xác nhận Biên bản GĐYK sau khi Hội đồng GĐYK Bộ đã họp kết luận theo thẩm quyền và các văn bản liên quan đến hoạt động chuyên môn của Hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng ký. Con dấu của Hội đồng GĐYK do Trung tâm GĐYK Giao thông vận tải quản lý;

c) Mô hình tổ chức, thành phần và số lượng thành viên Hội đồng GĐYK do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và quy định tại Thông tư này;

d) Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Bộ GTVT là Trung tâm GĐYK Giao thông vận tải;

đ) Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng GĐYK của Bộ GTVT là 05 (năm) năm, kể từ ngày ký quyết định thành lập.

Điều 7. Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối

1. Cơ cấu tổ chức, vị trí pháp lý:

a) Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối là Hội đồng khám GĐYK cuối cùng cho đối tượng giám định. Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập để khám giám định theo vụ việc, trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và tự giải thể sau khi ban hành Biên bản GĐYK;

b) Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối có con dấu riêng để sử dụng trong việc xác nhận Biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối sau mỗi phiên họp hội đồng theo thẩm quyền quy định tại Thông tư này. Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối không có tư cách pháp nhân, không có tài khoản riêng. Con dấu của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế quản lý.

2. Thành phần của Hội đồng, cơ quan thường trực của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định tùy thuộc vào địa bàn phân công khám giám định phúc quyết của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Mục 1. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương

1. Hội đồng GĐYK cấp Trung ương thực hiện khám giám định, khám giám định phúc quyết đối với các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK các Bộ;

b) Cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết quả khám giám định của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc Hội đồng GĐYK các Bộ và có đề nghị khám giám định phúc quyết;

c) Theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Phân công địa bàn khám giám định của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương:

a) Hội đồng GĐYK Trung ương I khám giám định, khám giám định phúc quyết các đối tượng giám định thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các đối tượng giám định của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải theo đề nghị của cơ quan quản lý đối tượng của các Bộ này, tùy thuộc vào nơi cư trú hoặc công tác;

b) Hội đồng GĐYK Trung ương II khám giám định, khám giám định phúc quyết các đối tượng giám định thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau: Quảng Bình Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và các đối tượng giám định của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải theo đề nghị của cơ quan quản lý đối tượng của các Bộ này, tùy thuộc vào nơi cư trú hoặc công tác;

c) Hội đồng GĐYK Trung ương III khám giám định, khám giám định phúc quyết cho các đối tượng giám định thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và các đối tượng giám định của các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải theo đề nghị của cơ quan quản lý đối tượng của các Bộ này, tùy thuộc vào nơi cư trú hoặc công tác.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

1. Khám giám định lần đầu và khám giám định lại theo quy định của pháp luật cho các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn.

2. Không giám định lại các trường hợp đã được Hội đồng GĐYK cấp Trung ương kết luận với cùng một nội dung giám định.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám định y khoa các Bộ

Khám giám định lần đầu và khám giám định lại cho các đối tượng thuộc Bộ quản lý, phân cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng giám định y khoa phúc quyết lần cuối

Hội đồng GĐYK có nhiệm vụ khám phúc quyết lần cuối cho các đối tượng đã được Hội đồng GĐYK cấp Trung ương khám giám định phúc quyết và thực hiện nhiệm vụ khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Mục 2. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA CÁC CẤP

Điều 12. Mối quan hệ công tác của Hội đồng giám định y khoa cấp Trung ương

1. Bộ Y tế:

Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định thành lập, kiện toàn, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên của Hội đồng GĐYK trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và chỉ đạo hoạt động của Hội đồng GĐYK Trung ương.

2. Các Bệnh viện có Cơ quan thường trực Hội đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập khác:

a) Hội đồng GĐYK Trung ương và các Bệnh viện có Cơ quan thường trực Hội đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập khác có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhiệm vụ về khám GĐYK;

b) Các Bệnh viện có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương được sử dụng trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất của bệnh viện trong việc thực hiện khám giám định cho đối tượng giám định theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa cấp Trung ương:

Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có trách nhiệm thực hiện các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng như sau:

a) Rà soát bảo đảm hồ sơ giám định đúng quy định của pháp luật;

b) Là đầu mối tổ chức phiên khám giám định, tổ chức phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương bảo đảm theo quy định tại Chương IV Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Tiếp nhận, giải quyết các công việc liên quan đến khám giám định và nội dung kiến nghị, thắc mắc liên quan đến việc khám giám định của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương;

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tổ chức, nhân lực bảo đảm Hội đồng GĐYK cấp Trung ương có đủ thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

đ) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về GĐYK đối với cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tỉnh và Hội đồng GĐYK các Bộ theo phân công địa bàn khám giám định phúc quyết quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này;

e) Quản lý con dấu của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương;

g) Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương và thực hiện quy định của pháp luật về phí, lệ phí GĐYK;

h) Lưu hồ sơ GĐYK theo quy định của pháp luật.

4. Mối quan hệ công tác của các Hội đồng GĐYK cấp Trung ương

Hội đồng GĐYK Trung ương I, Hội đồng GĐYK Trung ương II, Hội đồng GĐYK Trung ương III là mối quan hệ ngang cấp, không chịu sự chỉ đạo lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về khám giám định y khoa.

5. Mối quan hệ của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương với Hội đồng GĐYK cấp tỉnh:

Hội đồng GĐYK cấp Trung ương là Hội đồng khám giám định phúc quyết đối với đối tượng đã được Hội đồng GĐYK tỉnh khám giám định.

Điều 13. Mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

1. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh với Hội đồng GĐYK cấp Trung ương theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Thông tư này.

2. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh với Sở Y tế:

a) Giám đốc Sở Y tế ra Quyết định thành lập, kiện toàn, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng GĐYK cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK tỉnh và Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế;

b) Sở Y tế quản lý nhà nước về công tác GĐYK đối với Hội đồng GĐYK cấp tỉnh.

3. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh với Cơ quan thường trực Hội đồng

Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tỉnh là Trung tâm GĐYK cấp tỉnh và có trách nhiệm thực hiện các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của Hội đồng GĐYK, cụ thể:

a) Rà soát bảo đảm hồ sơ giám định đúng quy định của pháp luật;

b) Là đầu mối giúp Hội đồng GĐYK cấp tỉnh tổ chức phiên khám giám định và phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh bảo đảm theo quy định tại Chương IV Thông tư này;

c) Giải quyết các công việc có liên quan đến phiên khám giám định và các nội dung kiến nghị, thắc mắc liên quan đến việc khám giám định của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh. Các văn bản giải quyết công việc này do cấp có thẩm quyền của Trung tâm GĐYK tỉnh ký và đóng dấu của Trung tâm GĐYK. Dấu của Trung tâm GĐYK cấp tỉnh không được sử dụng trong Biên bản GĐYK;

d) Làm đầu mối đề xuất công tác tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ GĐYK của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác tổ chức, nhân lực, bảo đảm Hội đồng GĐYK cấp tỉnh có đủ thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

đ) Quản lý con dấu của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh;

e) Lưu hồ sơ GĐYK theo quy định của pháp luật;

g) Bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh và thực hiện quy định của pháp luật về phí và lệ phí GĐYK.

4. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh với với Hội đồng GĐYK Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải:

Thực hiện giám định đối với những đối tượng thuộc quyền quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải khi cơ quan quản lý đối tượng thuộc Bộ đó có văn bản đề nghị.

Điều 14. Mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa các Bộ

1. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK các Bộ với Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương:

Hội đồng GĐYK cấp Trung ương là cấp cao hơn Hội đồng GĐYK của các Bộ. Kết luận khám giám định phúc quyết của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương thay thế kết luận khám giám định đối với cùng một đối tượng với cùng nội dung, mục đích giám định của Hội đồng GĐYK các Bộ theo quy định tại Thông tư này.

2. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK các Bộ với Hội đồng GĐYK cấp tỉnh:

Trường hợp Hội đồng GĐYK các Bộ không thực hiện khám giám định cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thì giới thiệu đối tượng đến Hội đồng GĐYK cấp tỉnh nơi đối tượng cư trú hoặc công tác để khám giám định.

Điều 15. Mối quan hệ công tác của Hội đồng Giám định y khoa phúc quyết lần cuối

1. Bộ Y tế:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định thành lập Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối theo đề nghị của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, thực hiện nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng Bộ Y tế giao tại Quyết định thành lập Hội đồng;

b) Chỉ đạo toàn diện đối với Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối.

2. Mối quan hệ công tác của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối với Hội đồng GĐYK cấp Trung ương:

a) Kết quả khám giám định của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối thay thế cho kết quả khám giám định phúc quyết đối với đối tượng do Hội đồng GĐYK cấp Trung ương thực hiện;

b) Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối là Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương I hoặc Hội đồng GĐYK Trung ương II hoặc Hội đồng GĐYK Trung ương III theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với từng trường hợp và có nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Rà soát hồ sơ giám định phúc quyết lần cuối theo quy định;

- Là đầu mối giúp việc cho Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối tổ chức phiên khám giám định, tổ chức phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối bảo đảm theo quy định tại Thông tư này;

- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Hội đồng GĐYK phúc quyết lần cuối và thực hiện quy định của pháp luật về phí, lệ phí GĐYK;

- Lưu hồ sơ GĐYK phúc quyết lần cuối theo quy định của pháp luật.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Điều 16. Thời gian và số lượng phiên họp kết luận của Hội đồng

1. Thời gian một phiên họp kết luận của Hội đồng do Chủ tịch hoặc người được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền điều hành phiên họp quyết định.

2. Thời điểm, số lượng phiên họp của Hội đồng GĐYK và số đối tượng giám định trong mỗi phiên họp của Hội đồng do Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đề xuất trên cơ sở số lượng hồ sơ khám giám định của đối tượng giám định và thực trạng nhân lực, trang bị y tế của Cơ quan thường trực Hội đồng.

Điều 17. Thành phần tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng

1. Thành viên Hội đồng

Số lượng thành viên Hội đồng GĐYK tham dự họp kết luận phải bảo đảm có ít nhất 3/5 trong số thành viên chính thức của Hội đồng được cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Đối tượng giám định

Đối tượng giám định phải có mặt trong phiên họp của Hội đồng để Hội đồng kiểm tra tình trạng thương tật, bệnh, tật. Nếu đối tượng giám định không có mặt thì Hội đồng không kết luận đối với trường hợp đó, trừ các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng giám định đang trong tình trạng thương tật, bệnh, tật nặng không thể đến Hội đồng GĐYK để khám giám định và đã được Cơ quan thường trực Hội đồng tổ chức khám giám định tại chỗ theo Giấy đề nghị của tổ chức có liên quan, thân nhân hoặc người giám hộ, được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng GĐYK phê duyệt. Quá trình khám giám định tại chỗ đối với đối tượng này phải được ghi hình và âm thanh, để trình chiếu trong các phiên họp hội chẩn chuyên môn và phiên họp kết luận của Hội đồng. Thân nhân hoặc người giám hộ của đối tượng theo quy định của pháp luật có thể tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng trong trường hợp này;

b) Đối tượng giám định đã có mặt tại phiên họp Hội đồng trước đó, được Hội đồng GĐYK chỉ định bổ sung khám lâm sàng và/hoặc cận lâm sàng, nay đã có kết quả khám bổ sung.

3. Bác sỹ thụ lý hồ sơ

Bác sỹ đã thụ lý hồ sơ của đối tượng giám định có trách nhiệm tham dự để báo cáo với Hội đồng GĐYK về hồ sơ giám định, trừ trường hợp vắng mặt có lý do. Trong trường hợp này, Thủ trưởng cơ quan thường trực Hội đồng cử người báo cáo thay.

Điều 18. Nguyên tắc làm việc của phiên họp kết luận của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng GĐYK chủ trì phiên họp theo sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng. Việc ủy quyền này phải được thực hiện bằng văn bản.

2. Hội đồng họp kết luận về tình trạng thương tật, bệnh, tật, tỷ lệ phần trăm (%) tổn thương cơ thể (nếu có) của đối tượng giám định trên cơ sở hồ sơ khám GĐYK và thực chứng đối tượng hoặc hình ảnh khám đối với đối tượng giám định được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Thông tư này và ghi vào Sổ họp Hội đồng, hồ sơ khám giám định y khoa.

3. Kết luận của Hội đồng phải bảo đảm có sự nhất trí của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên chính thức có mặt tại phiên họp Hội đồng.

4. Kết luận của Hội đồng GĐYK được lập dưới hình thức Biên bản GĐYK theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản phải do Chủ tịch Hội đồng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền chủ trì phiên họp Hội đồng ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Hội đồng GĐYK.

5. Trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ khi Hội đồng có kết luận, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm phát hành Biên bản GĐYK.

Điều 19. Giải quyết hồ sơ giám định y khoa

1. Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời hạn quy định của pháp luật.

2. Trường hợp không khám giám định, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK phải có văn bản trả lời cơ quan giới thiệu và/hoặc đối tượng giám định, trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng.

3. Trường hợp vượt khả năng chuyên môn của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh:

a) Trường hợp Hội đồng GĐYK cấp tỉnh chưa khám giám định thì trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ theo quy định, căn cứ hồ sơ GĐYK của đối tượng giám định và điều kiện của Hội đồng GĐYK cấp tnh, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK báo cáo Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp để kết luận về vượt khả năng chuyên môn và chuyển hồ sơ, giới thiệu đối tượng lên Hội đồng GĐYK cấp Trung ương để khám giám định phúc quyết và ghi nội dung này vào Sổ họp Hội đồng;

b) Trường hợp Hội đồng GĐYK cấp tỉnh đã khám giám định và kết luận vượt khả năng chuyên môn thì trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày họp Hội đồng, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK có trách nhiệm hoàn thiện Biên bản, ghi rõ kết luận vượt khả năng chuyên môn, chuyển hồ sơ và giới thiệu đối tượng giám định lên Hội đồng GĐYK cấp Trung ương đ khám giám định phúc quyết.

4. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không đồng ý với kết luận của Hội đồng GĐYK, thì có văn bản đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức khám giám định phúc quyết, khám phúc quyết lần cuối theo quy định.

Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đã khám giám định cho đối tượng phải hoàn thiện và chuyển hồ sơ khám giám định của đối tượng đến Hội đồng GĐYK để khám giám định phúc quyết hoặc khám phúc quyết lần cuối theo quy định.

5. Trường hợp cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong Biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương:

a) Trong thời gian 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày ban hành Biên bản GĐYK, cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận trong Biên bản GĐYK của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương có văn bản gửi Hội đồng GĐYK nơi đã khám giám định cho đối tượng, nêu rõ lý do không đồng ý. Quá thời hạn nêu trên, Hội đồng GĐYK không xem xét giải quyết;

b) Trong thời gian 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cá nhân hoặc t chức, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đã khám giám định cho đối tượng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời đối tượng:

- Nếu cá nhân hoặc tổ chức vẫn không đồng ý với kết luận của Hội đồng GĐYK cấp tỉnh, Hội đồng GĐYK các Bộ thì Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tỉnh, Hội đồng GĐYK các Bộ hoàn thiện, chuyển hồ sơ và giới thiệu đối tượng lên Hội đồng GĐYK cấp Trung ương theo quy định về phạm vi phân công khám giám định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 8 Thông tư này để khám giám định phúc quyết;

- Nếu cá nhân hoặc tổ chức không đồng ý với kết luận của Hội đồng GĐYK cấp Trung ương thì Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương đã khám giám định cho đối tượng hoàn thiện, chuyển hồ sơ và báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét khám giám định phúc quyết lần cuối.

6. Một số trường hợp khác:

a) Trường hợp Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đã gửi giấy mời 03 (ba) lần nhưng đối tượng giám định không đến khám giám định hoặc không tham dự phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK mà không có lý do, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK gửi trả hồ sơ của đối tượng giám định về nơi đã giới thiệu đối tượng đi giám định;

b) Trường hợp thu hồi để hủy bỏ hoặc thay thế Biên bản GĐYK:

- Hội đồng GĐYK chịu trách nhiệm về việc thu hồi để hủy bỏ hoặc ban hành Biên bản GĐYK mới.

- Hội đồng GĐYK có quyền thu hồi để hủy bỏ hoặc thay thế Biên bản GĐYK thuộc thẩm quyền ban hành khi Hội đồng phát hiện Biên bản GĐYK của mình không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm khám giám định và ban hành Biên bản GĐYK mới để thay thế, cụ thể:

+ Trường hợp không thay đổi kết luận về tỷ lệ % tổn thương cơ thể (sau đây viết tắt là TTCT) trong Biên bản GĐYK bị thu hồi hoặc bãi bỏ (Biên bản cũ) thì Hội đồng ban hành Biên bản GĐYK mới và vẫn sử dụng số, ngày, tháng, năm ban hành của Biên bản GĐYK cũ;

+ Trường hợp có thay đổi kết luận về tỷ lệ % TTCT trong Biên bản cũ của Hội đồng GĐYK, Hội đồng GĐYK có văn bản báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp. Khi có ý kiến chỉ đạo cần ban hành Biên bản mới thì phải lấy số, ngày, tháng, năm ban hành Biên bản GĐYK mới theo phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK để điều chỉnh nội dung kết luận trước đó của Hội đồng GĐYK.

- Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK thông báo bằng văn bản về việc thu hồi hoặc bãi bỏ, sau đó ban hành Biên bản GĐYK gửi đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Các văn bản, nội dung liên quan đến việc thu hồi, bãi bỏ và Biên bản GĐYK được lưu cùng với hồ sơ giám định của đối tượng giám định và được ghi trong Sổ họp Hội đồng GĐYK;

c) Trường hợp đã chuyển hồ sơ lên Hội đồng GĐYK cấp trên để khám giám định phúc quyết hoặc khám giám định phúc quyết lần cuối thì Biên bản GĐYK đã ban hành đương nhiên không còn hiệu lực pháp lý để thực hiện chế độ, quyền lợi đối với đối tượng giám định. Chế độ, quyền lợi đối với đối tượng giám định chỉ được thực hiện khi có kết quả (Biên bản) giám định của Hội đồng GĐYK có thẩm quyền theo qui định của pháp luật.

Điều 20. Trình tự khám giám định y khoa

1. Kiểm tra đối chiếu

Người thực hiện khám GĐYK có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu người khám giám định với một trong các giấy tờ của người đó: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú có dán ảnh chân dung của đối tượng chụp trên nền trắng cỡ ảnh 4 cm nhân với (x) 6 cm, cách ngày lập hồ sơ không quá 06 (sáu) tháng và đóng dấu giáp lai.

2. Khám tổng quát

Bác sỹ Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK được giao thụ lý hồ sơ có trách nhiệm lập hồ sơ giám định, khám tổng quát và trình Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK duyệt chỉ định khám chuyên khoa (khám lâm sàng, cận lâm sàng) phù hợp với hồ sơ giám định do tổ chức hoặc cá nhân người khám giám định đề nghị.

3. Khám chuyên khoa

Giám định viên chuyên khoa thực hiện khám và kết luận về những nội dung theo chỉ định của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK. Trường hợp cần thiết phải hội chẩn chuyên môn (chuyên khoa).

4. Hội chẩn chuyên môn

Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK là thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm tổ chức, chủ trì hội chẩn trước khi Hội đồng GĐYK họp. Trường hợp cần thiết, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK mời đối tượng và các GĐV chuyên khoa đã khám cho đối tượng tham dự.

5. Họp Hội đồng GĐYK

Thực hiện theo trình tự phiên họp kết luận của Hội đồng quy định tại Điều 21 Thông tư này.

6. Ban hành Biên bản GĐYK

Biên bản GĐYK do Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư này.

7. Lưu trữ hồ sơ khám GĐYK

a) Hồ sơ khám GĐYK được quản lý, lưu trữ tại Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK theo quy định của pháp luật về lưu trữ là 70 (bảy mươi) năm;

b) Trường hợp khám giám định đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 thì phải lưu thêm 01 (một) ảnh của đối tượng giám định trong hồ sơ khám GĐYK.

Điều 21. Trình tự phiên họp kết luận của Hội đồng

1. Bác sĩ thụ lý hồ sơ giám định của đối tượng nào có trách nhiệm báo cáo tóm tắt kết quả khám giám định trong hồ sơ giám định của đối tượng đó, gồm: dự kiến tình trạng thương tật, bệnh, tật và tỷ lệ % TTCT của từng đối tượng giám định. Hồ sơ chỉ được trình Hội đồng khi đã được thông qua tại cuộc họp hội chẩn chuyên môn do Cơ quan thường trực Hội đồng tổ chức.

2. Đại diện thành viên tham dự phiên họp Hội đồng thực chứng tình trạng thương tật, bệnh, tật của đối tượng giám định.

3. Đối tượng giám định hoặc thân nhân hoặc người giám hộ của đối tượng giám định phát biểu ý kiến (nếu có) trước toàn thể Hội đồng.

4. Hội đồng thảo luận và biểu quyết kết luận:

a) Tình trạng thương tật, bệnh, tật, tỷ lệ % TTCT và/hoặc kết luận khác phù hợp với quy định của pháp luật và đề nghị khám giám định của cá nhân, tổ chức;

b) Trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận, Hội đồng có thể chỉ định bổ sung khám lâm sàng và/hoặc cận lâm sàng và/hoặc điều trị và/hoặc tham khảo hồ sơ bệnh án đã điều trị và các văn bản liên quan khác để giúp Hội đồng có thêm căn cứ kết luận đối với đối tượng giám định;

c) Trường hợp các cơ sở y tế trong tỉnh hoặc trong khu vực không đủ điều kiện để thực hiện khám chuyên khoa (khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng) thì Hội đồng có thể gửi đối tượng giám định tới cơ sở y tế công lập có đủ điều kiện để khám chuyên khoa, làm cơ sở để Hội đồng GĐYK tham khảo, xem xét, kết luận tình trạng thương tật, bệnh, tật và tỷ lệ % TTCT đối với đối tượng giám định.

5. Các thành viên Hội đồng và người tham dự phiên họp phát biểu ý kiến. Trường hợp có ý kiến chưa nhất trí với đa số thành viên Hội đồng thì được bảo lưu và ghi vào sổ họp Hội đồng.

6. Các thành viên chính thức của Hội đồng tham dự phiên họp có trách nhiệm ký tên trong sổ họp Hội đồng. Người ghi Sổ họp Hội đồng do Thủ trưởng Cơ quan thường trực Hội đồng phân công.

7. Biên bản GĐYK được bác s thụ lý hồ sơ hoàn thiện theo mẫu và trình Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng phê duyệt trước khi trình Người có thẩm quyền ký, đóng dấu theo qui định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư này.

Chương V

THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng

1. Chủ trì, điều hành phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì, điều hành phiên họp trong trường hợp không thể tham gia phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK.

2. Kết luận giám định của từng đối tượng giám định trên cơ sở ý kiến thống nhất của ít nhất 2/3 số thành viên chính thức có mặt tham dự phiên họp của Hội đồng GĐYK.

3. Cùng các thành viên trong Hội đồng GĐYK chịu trách nhiệm về kết luận của Hội đồng GĐYK trong phiên họp mà cá nhân tham dự.

4. Ký Sổ họp Hội đồng GĐYK, Biên bản GĐYK trong phiên chủ trì điều hành.

5. Tham gia ý kiến và được bảo lưu ý kiến về nội dung liên quan đến GĐYK được ghi nhận trong Sổ họp Hội đồng GĐYK để Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK thực hiện hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

6. Chủ trì giải quyết các vấn đề phát sinh trong phiên họp Hội đồng GĐYK.

7. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến GĐYK theo đề nghị của Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng

1. Điều hành họp hội chẩn chuyên môn và hội chẩn chuyên khoa (nếu có).

2. Chủ trì, điều hành phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK khi được Chủ tịch Hội đồng GĐYK ủy quyền và thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng GĐYK trong phiên họp Hội đồng GĐYK được ủy quyền.

3. Chịu trách nhiệm về hồ sơ khám GĐYK.

4. Chịu trách nhiệm chính về kết luận chuyên môn, nghiệp vụ GĐYK của Hội đồng GĐYK và cùng các thành viên trong Hội đồng GĐYK chịu trách nhiệm về kết luận của Hội đồng GĐYK trong phiên họp mà cá nhân tham dự.

5. Ký Sổ họp Hội đồng GĐYK trong phiên họp mà cá nhân tham dự; ký Biên bản GĐYK khi được ủy quyền chủ trì điều hành phiên họp Hội đồng.

6. Tham gia ý kiến và được bảo lưu ý kiến về nội dung liên quan đến GĐYK được ghi nhận trong sổ họp Hội đồng GĐYK để Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK thực hiện hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

7. Tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong phiên họp Hội đồng GĐYK theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng GĐYK.

8. Tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến GĐYK theo đề nghị của Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

9. Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Phó Chủ tịch Chuyên môn của Hội đồng GĐYK tỉnh có trách nhiệm chính về bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để khám chuyên khoa cho các đối tượng giám định và tham dự phiên họp hội chẩn chuyên môn, hội chẩn chuyên khoa, phiên họp kết luận của Hội đồng (không chủ trì, điều hành phiên họp kết luận của Hội đồng).

Điều 24. Ủy viên Chuyên môn và Ủy viên Thường trực Hội đồng

1. Chịu trách nhiệm về kết quả khám giám định chuyên khoa do mình thực hiện và cùng các thành viên trong Hội đồng GĐYK chịu trách nhiệm về kết luận của Hội đồng GĐYK trong phiên họp mà cá nhân tham dự.

2. Tham gia đầy đủ phiên họp của Hội đồng GĐYK theo đề nghị của Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK. Trường hợp không tham dự được phải có văn bản báo cáo Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng.

3. Ký Sổ họp Hội đồng GĐYK trong phiên họp mà người đó tham dự.

4. Tham gia ý kiến và được bảo lưu ý kiến cá nhân về nội dung có liên quan đến khám giám định chuyên khoa được ghi nhận trong Sổ họp Hội đồng GĐYK để Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK xem xét thực hiện.

5. Tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong phiên họp Hội đồng GĐYK theo yêu cầu của người chủ trì điều hành phiên họp Hội đồng GĐYK.

6. Tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến GĐYK theo đề nghị của Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

7. Ngoài các nhiệm vụ được quy định từ khoản 1 đến khoản 6 Điều này, Ủy viên Thường trực còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.

Chương VI

GIÁM ĐỊNH VIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Điều 25. Tiêu chuẩn Giám định viên Hội đồng Giám định y khoa cấp Trung ương

1. Trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sỹ y khoa đang công tác tại các các cơ sở y tế công lập tuyến Trung ương và có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 05 (năm) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó.

2. Không vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Có đủ sức khỏe để công tác, thực hiện nhiệm vụ.

3. Trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp Trung ương và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét, quyết định.

Điều 26. Tiêu chuẩn giám định viên Hội đồng Giám định y khoa tỉnh

1. Trình độ chuyên môn là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên, đang công tác tại các các cơ sở y tế công lập thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả Trung tâm GĐYK) hoặc thuộc Bộ Y tế quản lý, đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực chuyên khoa tối thiểu 03 (ba) năm, kể cả thời gian theo học chuyên khoa đó.

2. Không vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Có đủ sức khỏe để công tác, thực hiện nhiệm vụ.

3. Trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tỉnh đề xuất với Giám đốc Sở Y tế để xem xét, quyết định.

Điều 27. Tiêu chuẩn giám định viên Hội đồng Giám định y khoa các Bộ

Tiêu chuẩn GĐV Hội đồng GĐYK của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT do Bộ trưởng các Bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng GĐYK và quy định về tiêu chuẩn GĐV quy định tại Điều 26 Thông tư này.

Điều 28. Số lượng giám định viên của Hội đồng Giám định y khoa

1. Số lượng GĐV của Hội đồng GĐYK cấp nào do Chủ tịch Hội đồng GĐYK cấp đó quyết định, tùy thuộc vào yêu cầu, nhiệm vụ của Hội đồng GĐYK. Mỗi chuyên khoa phải có ít nhất 02 (hai) GĐV.

2. Trường hợp Hội đồng GĐYK không có bác sĩ chuyên khoa: Tim mạch, Hô hấp, Tiết niệu, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Huyết học - Truyền máu, Nội tiết, Miễn dịch thì có thể bổ nhiệm bác sĩ chuyên khoa Nội tổng hợp thay thế. Trong trường hợp này chỉ phân công mỗi GĐV chịu trách nhiệm khám giám định nhiều nhất không quá 02 (hai) chuyên khoa để bảo đảm chất lượng khám giám định.

Điều 29. Bổ nhiệm và bổ nhiệm lại giám định viên

1. Giám định viên thuộc Hội đồng GĐYK cấp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề xuất của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

2. Giám định viên thuộc Hội đồng GĐYK cấp tỉnh của tỉnh nào do Giám đốc Sở Y tế tỉnh đó ký quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK cấp tỉnh và Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế.

3. Giám định viên Hội đồng GĐYK của Bộ nào do Thủ trưởng Cơ quan y tế của Bộ đó quyết định bổ nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK của Bộ đó.

4. Thời hạn một nhiệm kỳ GĐV là 05 (năm) năm, kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

5. Bổ nhiệm bổ sung: Trong thời gian thuộc nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng GĐYK, nếu thấy cần thiết thì Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm bổ sung GĐV.

6. Bổ nhiệm lại: Không hạn chế số lần bổ nhiệm lại đối với mỗi GĐV.

Điều 30. Miễn nhiệm giám định viên

1. Miễn nhiệm Giám định viên: Lãnh đạo Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm GĐV khi GĐV có một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ GĐYK, đạo đức nghề nghiệp;

b) Không đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện công tác GĐYK;

c) Không đủ sức khỏe để làm việc;

d) Có đơn đề nghị không tiếp tục tham gia GĐV.

2. Trong nhiệm kỳ, nếu người được bổ nhiệm là GĐV nghỉ hưu theo chế độ hoặc chuyển công tác ra ngoài cơ sở y tế công lập thì người đó đương nhiên không còn là GĐV kể từ thời điểm nghỉ hoặc chuyển công tác.

3. Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm GĐV cũng là cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm GĐV.

Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám định viên

1. Nhiệm vụ của Giám định viên:

a) Thực hiện khám giám định chuyên khoa theo nội dung yêu cầu ghi trên Phiếu khám chuyên khoa của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK gửi. Sau khi khám xong thì gửi trả kết quả về Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK, đồng thời lưu kết quả khám vào sổ khám chuyên khoa tại nơi GĐV công tác.

b) Tham gia họp hội chẩn chuyên khoa theo nội dung yêu cầu của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

c) Giám định viên hoạt động kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám giám định chuyên khoa do cá nhân thực hiện.

d) Tham gia phiên họp kết luận của Hội đồng GĐYK với vị trí Ủy viên chuyên môn của Hội đồng GĐYK trong phiên họp đó khi được Hội đồng mời theo quy định tại khoản 2 Điều 4 hoặc khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Quyền hạn của Giám định viên:

a) Được tham dự các khóa đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ về GĐYK.

b) Được hưởng quyền lợi, chế độ khi tham gia các hoạt động khám giám định chuyên khoa, hội chẩn chuyên môn, họp Hội đồng theo quy định của pháp luật và của Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK.

c) Có quyền đề nghị không làm hoặc thôi làm GĐV.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2017.

2. Thông tư liên bộ số 377/TT-LB ngày 21 tháng 3 năm 1977 của liên Bộ Y tế - Thương binh và Xã hội về việc kiện toàn hệ thống tổ chức giám định y khoa ở địa phương và Thông tư liên bộ số 25/LB-TT ngày 29 tháng 8 năm 1979 của liên Bộ Y tế - Thương binh và Xã hội và Lao động về việc kiện toàn Hội đồng Giám định y khoa Trung ương và Hội đồng Giám định y khoa các ngành thuộc Trung ương và các quy định trái với quy định tại Thông tư này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 33. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hội đồng GĐYK được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Hội đồng GĐYK các cấp phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Giám định viên Hội đồng GĐYK đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục thực hiện cho đến hết nhiệm kỳ đã bổ nhiệm. Trường hợp bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm mới kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

3. Mẫu Biên bản GĐYK đã được ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn khám giám định của mỗi nhóm đối tượng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn được thực hiện cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Điều 34. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK trong phạm vi cả nước.

b) Kiểm tra, thanh tra hoạt động liên quan đến công tác khám GĐYK của Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật; đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động hoặc xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực của GĐYK.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh

Chỉ đạo Sở Y tế và các cơ quan liên quan giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Hội đồng GĐYK và Trung tâm GĐYK cấp tỉnh theo đúng quy định tại Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Sở Y tế

a) Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động khám GĐYK của Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Kiểm tra, thanh tra hoạt động khám GĐYK của Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực hội đồng theo quy định, đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động khám GĐYK của Hội đồng và Cơ quan thường trực hội đồng GĐYK hoặc xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với Hội đồng GĐYK và Cơ quan thường trực hội đồng GĐYK theo quy định của pháp luật và của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân, gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.

 

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Nguyễn Viết Tiến

 

-------------

PHỤ LỤC

MẪU BIÊN BẢN GIÁM ĐỊNH Y KHOA
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 52/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

CƠ QUAN CHỦ QUẢN
HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:……../GĐYK-(1)………

…………., ngày……tháng……năm………

 

BIÊN BẢN GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Khám giám định: ………………………………….. (2)

Hội đồng Giám định y khoa …………………………………..(3) ……………………………

Đã họp ngày: …….tháng …. Năm ………….. để khám giám định đối với

Ông/Bà: …………………………….…………………….. Sinh ngày……tháng…..năm ……..

Chỗ  hiện tại: …………………………………..…………………………………………………

Giấy CMND/Thẻ căn cước/Hộ chiếu số:…………(4)….... Ngày...../..../……. Nơi cấp: ……

Số sổ BHXH (nếu có): …………………………………..…………………………………………

Khám giám định theo đề nghị/giới thiệu của …………………………………..………………..

Giấy giới thiệu/ văn bản đề nghị số:……………… ngày……tháng…..năm ………..(nếu có)

Đối tượng khám giám định:…………………………………..………………………………. (5)

Đang hưởng chế độ ………… (Thương tích, bệnh tật, bệnh nghề nghiệp...) tỷ lệ …..% (6)

KẾT QUẢ KHÁM HIỆN TẠI

(Ghi rõ tiền sử bệnh, tật, dị dạng, dị tật, thương tích, bệnh nghề nghiệp, thời gian bị thương hoặc bị TNLĐ, điều trị, kết quả khám giám định lần trước nếu cần. Các kết quả khám giám định hiện tại về lâm sàng, cận lâm sàng có giá trị để Hội đồng GĐYK kết luận)

KẾT LUẬN

Căn cứ Thông tư số..(7)..ngày... tháng...năm...và Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH, Hội đồng Giám định Y khoa kết luận:

Ông (bà): ……..……………………………………………..……………………………………

Được xác định: ………………………………….. (8) ………………………………………….

Tỷ lệ tổn thương cơ thể là : ………… %; (ghi bằng chữ ………………………..………. %)

Tổng hợp với tỷ lệ % TTCT đã có thì tỷ lệ % TTCT là: ...(9)…. % (ghi bằng chữ ....(9)….%)

Đề nghị: ……..……………………………………………..………………………………………

 

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG(10)
(ký, ghi rõ họ và tên vàđóng dấu của HĐ)

Ghi chú:

(1), (5). Ghi rõ đối tượng khám giám định, ví dụ: Thương binh (TB), Bệnh binh (BB), Chất độc hóa học (CĐHH), Bệnh nghề nghiệp (BNN), Giám định tổng hợp (TH), Tai nạn lao động (TNLĐ), Nghỉ hưu trước tuổi và tuất (KNLĐ), Người khuyết tật (NKT), Khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) ...

(2) Ghi rõ: Khám giám định Lần đầu/Khám phúc quyết (vượt KNCM, đối tượng không đồng ý, theo đề nghị của Cục QLKCB/Cục NCC/BHXH)/Khám phúc quyết lần cuối.

(3). Tên Hội đồng GĐYK tổ chức cuộc họp.

(4). Trường hợp chưa có CMNN/Th căn cước/ Hộ chiếu thì ghi giấy t tùy thân hợp lệ khác (Giấy khai sinh, giấy xác nhận của công an cp xã nơi ĐTGĐ cư trú kèm theo ảnh của ĐTGĐ có đóng dấu giáp lai trên ảnh).

(6). Ghi rõ đang hưng chế độ gì (theo Quyết định mà đi tưng đang được hưng chế độ trợ cấp).

(7). Ghi tên Thông tư làm căn cứ khám giám định phù hợp với đối tượng giám định.

(8). Ghi rõ kết luận theo yêu cầu giám đnh của tổ chức, cá nhân.

(9). Ch ghi trong trường hợp khám giám định tổng hợp.

(10). Trường hợp Phó Ch tịch HĐ được Chủ tịch HĐ ủy quyền chủ trì phiên họp kết luận của Hội đồng thì ký thay Ch tịch Hội đồng tại ô (10): “KT. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG - PHÓ CHỦ TỊCH”.

- Riêng đối với khám giám định Người khuyết tật thì trước Mục “Đề nghị” trong phần Kết luận, bổ sung thêm 01 dòng để ghi nội dung “Mức độ khuyết tật”.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website