BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 55/2015/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TẠI CÁC CƠ SỞ TRỢ GIÚP TRẺ EM
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại các cơ sở trợ giúp trẻ em.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và giáo dục người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là đối tượng) tại các cơ sở trợ giúp trẻ em.
2. Cơ sở trợ giúp trẻ em quy định tại Thông tư này gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật, trung tâm công tác xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở).
Điều 2. Đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở
1. Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định là đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được tiếp nhận vào cơ sở thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Trong thời gian lập hồ sơ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Đã có quyết định không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền hoặc đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nguyện vọng ở lại cơ sở.
2. Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định quy định tại Khoản 1 Điều này là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.
Điều 3. Nhiệm vụ của cơ sở
1. Tiếp nhận, quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này.
2. Cử đại diện tham gia cuộc họp tư vấn để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
3. Phân công nhân viên công tác xã hội hoặc người có kinh nghiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên trực tiếp trợ giúp đối tượng.
4. Tạo điều kiện cho đối tượng được đi học, tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương.
5. Phối hợp với trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan để xác minh địa chỉ, người thân của đối tượng để trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng.
6. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tại cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng.
7. Tổ chức quản lý đối tượng phù hợp với nhiệm vụ của cơ sở.
Điều 4. Nhiệm vụ của người được phân công trực tiếp giúp đỡ đối tượng
Người được phân công trực tiếp giúp đỡ đối tượng thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Thu thập thông tin về đối tượng và gia đình.
2. Đánh giá đặc điểm tâm sinh lý, thể chất và nhu cầu trợ giúp của đối tượng.
3. Xây dựng và trình người đứng đầu cơ sở phê duyệt kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng, gồm:
a) Mục tiêu quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
b) Nội dung hoạt động quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng, gồm: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng; giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp; hỗ trợ đối tượng tham gia các chương trình học tập phù hợp; tư vấn, trị liệu tâm lý; tìm gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng (nếu có); hỗ trợ dạy nghề, việc làm; kết nối cá nhân, gia đình, cộng đồng và các tổ chức để trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
d) Theo dõi, đánh giá và đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch (nếu cần thiết);
đ) Thời gian thực hiện.
Điều 5. Hồ sơ tiếp nhận và quản lý đối tượng
1. Hồ sơ tiếp nhận đối tượng vào cơ sở, gồm:
a) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Quyết định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (nếu có);
c) Đơn của đối tượng hoặc người giám hộ đề nghị tiếp nhận đối tượng vào cơ sở đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư này (mẫu số 01 kèm theo Thông tư này);
d) Bản sao chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân của đối tượng (nếu có);
đ) Biên bản bàn giao đối tượng của Uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ sở;
e) Bản sao Bệnh án (nếu có);
g) Quyết định tiếp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (mẫu số 02 kèm theo Thông tư này).
2. Hồ sơ quản lý đối tượng
Cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý đối tượng. Hồ sơ quản lý đối tượng gồm:
a) Hồ sơ tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;
b) Kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
c) Quyết định đưa đối tượng về gia đình, cộng đồng;
d) Các văn bản khác có liên quan đến đối tượng.
Điều 6. Thẩm quyền tiếp nhận và đưa đối tượng ra khỏi cơ sở
1. Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở.
2. Người đứng đầu cơ sở quyết định đưa đối tượng ra khỏi cơ sở.
Điều 7. Trình tự và thủ tục tiếp nhận đối tượng vào cơ sở
1. Trình tự tiếp nhận
a) Trưởng công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng;
b) Đối tượng hoặc người giám hộ có đơn đề nghị gửi trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư này;
c) Khi nhận được 01 hồ sơ đề nghị của Trưởng công an xã và đơn của đối tượng hoặc người giám hộ, trong thời hạn 01 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện thủ tục tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;
d) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc tiếp nhận đối tượng vào cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý hoặc có văn bản đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội quyết định đối tượng vào cơ sở;
đ) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội quyết định việc tiếp nhận đối tượng vào cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý;
e) Trường hợp đối tượng không được tiếp nhận vào cơ sở thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ của đối tượng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức đưa và bàn giao đối tượng cho cơ sở.
2. Thủ tục tiếp nhận
a) Cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận ngay các đối tượng vào cơ sở để quản lý, giáo dục, trợ giúp và hoàn thiện theo quy trình sau:
Bước 1. Lập biên bản bàn giao đối tượng có chữ ký của cơ sở và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền;
Bước 2. Đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp đối tượng;
Bước 3. Bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời;
Bước 4. Quyết định tiếp nhận vào cơ sở;
Bước 5. Hoàn thành các thủ tục, hồ sơ của đối tượng theo quy định.
b) Các thủ tục, hồ sơ phải hoàn thiện theo trình tự tiếp nhận quy định tại Khoản 1 Điều này kể từ khi tiếp nhận đối tượng.
Điều 8. Thủ tục đưa đối tượng ra khỏi cơ sở
1. Điều kiện đưa đối tượng ra khỏi cơ sở
Đối tượng ra khỏi cơ sở khi có một trong các điều kiện sau:
a) Người giám hộ, gia đình ruột thịt hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị;
b) Đối tượng đủ 18 tuổi. Trường hợp từ 18 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi.
2. Trình tự đưa đối tượng ra khỏi cơ sở
a) Người giám hộ, gia đình hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị gửi Giám đốc cơ sở trình bày rõ nguyện vọng đưa đối tượng về gia đình, cộng đồng;
b) Cơ sở bàn giao đối tượng cho Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền để tiếp tục hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Điều 9. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ
1. Hồ sơ quản lý đối tượng được ghi chép đầy đủ, chính xác các thông tin trong quá trình quản lý đối tượng.
2. Hồ sơ quản lý đối tượng được lưu trữ và bảo mật tại cơ sở theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Việc chia sẻ thông tin cá nhân của đối tượng phải có sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ sở.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Rà soát, quyết định danh sách cơ sở tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
b) Hỗ trợ cơ sở nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
c) Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội làm công tác trợ giúp đối tượng;
d) Định kỳ 6 tháng, hàng năm (trước ngày 31 tháng 12) và đột xuất, báo cáo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về công tác quản lý người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại cơ sở.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận đối tượng vào cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý hoặc đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội quyết định tiếp nhận đối tượng theo thẩm quyền;
b) Định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công tác quản lý người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Trưởng công an cấp xã chủ trì, phối hợp với công chức Văn hóa- xã hội hoặc công chức Lao động- Thương binh và Xã hội lập hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào cơ sở;
b) Phối hợp với cơ sở để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
c) Tổ chức đưa và bàn giao đối tượng cho cơ sở; phối hợp với cơ sở hỗ trợ đối tượng đủ điều kiện ra khỏi cơ sở hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống;
d) Định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, giáo dục và trợ giúp người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Cơ sở trợ giúp trẻ em có trách nhiệm:
a) Bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng;
b) Có kế hoạch trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống;
c) Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6), hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) và đột xuất, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp về công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và trợ giúp đối tượng của cơ sở.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2016.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xem xét, hướng dẫn./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Trọng Đàm
|