Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 25 tháng 10 năm 1921, trong kỳ họp thứ ba, và
Sau khi đã quyết định một số đề nghị về nghỉ hàng tuần trong công nghiệp, là vấn đề thuộc điểm thứ bảy trong chương trình nghị sự kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,
Thông qua Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Nghỉ hàng tuần (công nghiệp), 1921.
Điều 1
1. Trong Công ước này, sẽ được coi là “các cơ sở công nghiệp”:
a) các mỏ quặng, mỏ đá và các công nghiệp khai khoáng khác;
b) các ngành công nghiệp trong đó các sản phẩm được chế tạo, cải biến, rửa sạch, sửa chữa, trang trí, hoàn chỉnh, chuẩn bị để đem bán, phá huỷ hoặc trong đó các vật liệu được chế biến kể cả việc đóng tàu, việc sản xuất, biến đổi và truyền dẫn điện và động lực nói chung;
c) xây dựng, xây dựng lại, bảo quản, sửa chữa, cải biến hay phá huỷ mọi công trình kiến trúc, đường sắt, đường xe điện, cảng, bến tàu, cầu cảng, kênh, đường thuỷ nội địa, đường bộ, đường hầm, cầu, cầu cạn, cống chính, cống thường, giếng, các cơ sở điện thoại hoặc điện báo, các cơ sở điện, việc cấp khí đốt, cấp nước, hoặc các công việc xây dựng khác, cũng như việc chuẩn bị xây nền các công việc hoặc công trình kiến trúc đó;
d) vận chuyển người hoặc hàng hoá bằng đường bộ, đường sắt, đường biển hoặc đường thuỷ nội địa, kể cả việc vận chuyển hàng hoá tại các bến tàu, xe, trong kho cảng, kho chứa, trừ việc vận chuyển bằng tay.
2. Trong bảng liệt kê trên, có bảo lưu những trường hợp ngoại lệ cho một số quốc gia đã được quy định trong Công ước Oa-sinh-tơn, nhằm giới hạn số giờ làm việc trong cơ sở công nghiệp ở mức 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần, trong chừng mực mà những trường hợp ngoại lệ đó có thể áp dụng cho Công ước này.
3. Ngoài bảng liệt kê trên, nếu thấy cần thiết, mỗi Nước thành viên có thể xác định ranh giới giữa phạm vi công nghiệp với thương mại và nông nghiệp.
Điều 2
1. Mọi công nhân viên làm các cơ sở công nghiệp, công cộng hay tư nhân, hoặc trong những chi nhánh của những cơ sở đó, phải được nghỉ tối thiểu 24 giờ trong mỗi kỳ 7 ngày, với sự bảo lưu những ngoại lệ nêu trong những điều dưới đây.
2. Chừng nào có thể, thời gian nghỉ đó phải được dành đồng thời cho tất cả công nhân viên trong mỗi cơ sở.
3. Chừng nào có thể, thời gian nghỉ đó nên trùng hợp với những ngày nghỉ theo cổ truyền hoặc tập quán của nước đó hay vùng đó.
Điều 3
Mỗi nước thành viên có thể loại trừ việc áp dụng những quy định của Điều 2 đối với những người làm việc trong các cơ sở công nghiệp mà chỉ gồm các thành viên của cùng một gia đình.
Điều 4
1. Mỗi nước thành viên có thể cho phép có những ngoại lệ toàn bộ hoặc từng phần (kể cả việc tạm hoãn hoặc giảm bớt thời gian nghỉ) đối với quy định tại Điều 2, đặc biệt lưu ý tới mọi lý do kinh tế và nhân đạo chính đáng và sau khi đã tham khảo ý kiến những tổ chức hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao động và người lao động.
2. Trong trường hợp pháp luật hiện hành đã cho phép có những ngoại lệ đó rồi, thì không cần thiết tham khảo ý kiến như nói trên.
Điều 5
Chừng nào có thể, mỗi nước thành viên phải có những điều khoản quy định thời gian nghỉ bù cho những trường hợp tạm hoãn hoặc giảm bớt theo Điều 4, trừ những trường hợp đã có các thoả thuận hoặc có tập quán địa phương về thời gian nghỉ bù đó.
Điều 6
1. Mỗi nước thành viên sẽ lập một danh mục những ngoại lệ được cho phép theo các Điều 3 và 4, Công ước này, và thông báo cho Văn phòng Lao động quốc tế biết. Sau đó, cứ hai năm một lần, mỗi nước thành viên sẽ tiếp tục thông báo mọi sự sửa đổi của mình đối với danh mục đó.
2. Văn phòng Lao động quốc tế sẽ trình một bản báo cáo về vấn đề này ra trước Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế.
Điều 7
Để áp dụng những quy định của Công ước này được dễ dàng, người sử dụng lao động, người giám đốc hoặc người quản lý phải tuân theo những nghĩa vụ sau đây:
a) trong trường hợp việc nghỉ hàng tuần được ban bố tập thể cho toàn bộ công nhân viên, thì phải thông báo ngày và giờ nghỉ tập thể bằng các cáo thị được niêm yết rõ ràng trong cơ sở, hoặc ở những nơi thích hợp, hay bằng các phương thức khác được chính phủ chấp thuận.
b) nếu việc nghỉ không được ban bố tập thể cho toàn bộ công nhân viên thì bằng một cuốn sổ được lập theo phương thức do pháp luật nước đó chấp thuận, hoặc chấp thuận bởi một quy định của cơ quan có thẩm quyền, cho biết những công nhân hay những nhân viên nào phải theo một chế độ nghỉ ngơi riêng và nêu rõ chế độ nghỉ này.
Điều 8
Phê chuẩn: Những quy định cuối cùng mẫu.
Điều 9
Công ước bắt đầu có hiệu lực ngay sau khi đăng ký sự phê chuẩn của hai nước thành viên. Sau đó, với những nước thành viên khác, thời điểm bắt đầu có hiệu lực là khi sự phê chuẩn của họ được đăng ký.
Điều 10
Thông báo tình hình phê chuẩn cho các nước thành viên: những quy định cuối cùng mẫu.
Điều 11
Những nước đã phê chuẩn Công ước thì phải áp dụng những quy định của Công ước, chậm nhất là từ ngày 1 tháng 1 năm 1924.
Điều 12
Áp dụng cho các lãnh thổ phi chính quốc theo Điều 35 của Điều lệ.
Điều 13
Bãi ước việc phê chuẩn: xem Khoản 1 của những quy định cuối cùng mẫu về bãi ước.
Điều 14
Xem xét để sửa đổi: những quy định cuối cùng mẫu.
Điều 15
Những văn bản dùng làm căn cứ: những quy định cuối cùng mẫu.