Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, ký kết tại Washington, D.C. ngày 3/3/1973, sửa đổi tại Bonn ngày 22/6/1979; Việt Nam tham gia ngày 20/1/1994

Các nước ký kết,

Nhận thức rằng các loài động vật, thực vật hoang dã cùng vẻ đẹp phong phú và đa dạng của chúng là bộ phận không thể thay thế của hệ sinh thái tự nhiên trên trái đất, phải được bảo vệ cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau;

Ý thức được giá trị vĩnh cửu của các loài động vật, thực vật hoang dã về các mặt thẩm mỹ, khoa học, văn hoá, giải trí và kinh tế;

Nhận thức rằng các dân tộc và các quốc gia phải là những người bảo vệ tốt nhất động vật, thực vật hoang dã của mình;

Nhận thức rằng hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để bảo vệ một số loài động vật, thực vật hoang dã nhất định tránh khỏi bị khai thác quá mức do buôn bán quốc tế;

Ý thức rằng cần tìm các biện pháp thích hợp để giải quyết các tình trạng nêu trên là việc làm cấp bách,

Đã thoả thuận như sau:

 

Điều I

Định nghĩa

Những định nghĩa sau đây chỉ phù hợp với phạm vi của Công ước:

(a) "Loài" có nghĩa là bất kỳ một loài, một loài phụ, hoặc các quần thể của một loài, một phụ loài cách biệt nhau về mặt địa lý;

(b)"Mẫu vật" có nghĩa:

(i) bất kỳ một động vật hay thực vật còn sống hay đã chết;

(ii) trong trường hợp của động vật: đối với những loài thuộc Phụ lục I và II, là bất kỳ bộ phận hay dẫn xuất của chúng mà dễ dàng nhận biết; đối với loài thuộc Phụ lục III, là bất kỳ bộ phận hay dẫn xuất của chúng mà dễ dàng nhận biết của loài được nêu cụ thể trong Phụ lục III; và

(iii) trong trường hợp của thực vật: đối với loài thuộc phụ lục I, là bất kỳ bộ phận hay dẫn xuất của chúng mà dễ dàng nhận biết; đối với loài thuộc phụ lục II và III, là bất kỳ bộ phận hay dẫn xuất của chúng mà dễ dàng nhận biết của loài được nêu cụ thể trong Phụ lục II và III;

(c) "Buôn bán" có nghĩa là xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu và nhập nội từ biển;

(d) "Tái xuất khẩu" có nghĩa là xuất khẩu mẫu vật đã được nhập khẩu trước đó;

(e) "Nhập nội từ biển" có nghĩa là vận chuyển đến một quốc gia mẫu vật của bất kỳ loài nào mà chúng được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của nước nào;

(f) "Cơ quan Khoa học" có nghĩa là một cơ quan khoa học quốc gia được chỉ định theo Điều IX;

(f) "Cơ quan Quản lý" có nghĩa là cơ quan quản lý quốc gia được chỉ định theo Điều IX;

(g) "Thành viên" có nghĩa là một quốc gia mà Công ước có hiệu lực thực thi tại đó.

 

Điều II

Những nguyên tắc cơ bản

1. Phụ lục I bao gồm tất cả các loài bị đe doạ tuyệt chủng do buôn bán hoặc do bị tác động của buôn bán. Buôn bán mẫu vật của các loài này phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn các đe doạ tiếp theo đến sự tồn tại của chúng và chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ.

2. Loài Phụ lục II bao gồm:

(a) tất cả các loài hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng nhưng chúng có nguy cơ bị đe doạ nếu việc buôn bán mẫu vật của các loài này không được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh sử dụng chúng không phù hợp với tình trạng tồn tại của loài; và

(b) các loài khác cũng phải được kiểm soát để đảm bảo rằng việc buôn bán mẫu vật của bất kỳ loài nào được nêu tại Điểm (a) Khoản này có thể được kiểm soát hiệu quả.

3. Phụ lục III bao gồm tất cả loài mà bất kỳ một nước thành viên đưa vào kiểm soát theo quy định của nước đó nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế việc khai thác, và cần sự hợp tác của các nước thành viên khác trong quá trình kiểm soát buôn bán.

4. Các nước thành viên không cho phép buôn bán mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục I, II và III nếu việc buôn bán đó không phù hợp với các quy định tại các điều khoản của Công ước này.

 

Điều III

Quy định về buôn bán mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục I

1. Tất cả các hoạt động buôn bán mẫu vật của những loài thuộc Phụ lục I phải tuân thủ các quy định tại Điều này.

2. Việc xuất khẩu bất kỳ mẫu vật của một loài thuộc Phụ lục I đòi hỏi phải được cho phép trước và phải xuất trình giấy phép xuất khẩu. Giấy phép xuất khẩu chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Khoa học của nước xuất khẩu tư vấn rằng việc xuất khẩu sẽ không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó;

(b) Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật thu được không trái với các quy định của quốc gia đó về bảo vệ động vật, thực vật;

(c) Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật sống phải được chuẩn bị và vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo; và

(d) Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu xác nhận rằng giấy phép nhập khẩu đã được cấp cho cho mẫu vật đó.

3. Việc nhập khẩu bất kỳ mẫu vật nào của một loài thuộc Phụ lục I yêu cầu phải được cấp phép trước và phải xuất trình giấy phép nhập khẩu và giấy phép xuất khẩu hoặc chứng chỉ tái xuất khẩu. Chỉ cấp giấy phép nhập khẩu khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Khoa học của nước nhập khẩu tư vấn rằng mục đích của việc nhập khẩu sẽ không làm tổn hại tới sự tồn tại của loài đó;

(b) Cơ quan Khoa học của nước nhập khẩu chấp nhận rằng người nhập khẩu mẫu vật sống có cơ sở phù hợp để nuôi giữ và chăm sóc mẫu vật đó; và

(c) Cơ quan Quản lý của nước nhập khẩu xác nhận rằng mẫu vật đó không được dùng cho mục đích thương mại.

4. Tái xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc Phụ lục I cần phải được cho phép trước và phải xuất trình chứng chỉ tái xuất khẩu. Chứng chỉ tái xuất khẩu chỉ được cấp khi đáp ứng các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Quản lý của nước tái xuất khẩu xác nhận rằng mẫu vật được nhập khẩu trước đó phù hợp với các điều khoản quy định của Công ước;

(b) Trong trường hợp xuất khẩu mẫu vật sống, Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật sống phải được chuẩn bị và vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo; và

(c) Cơ quan Quản lý của nước tái xuất khẩu phải được khẳng định rằng giấy phép nhập khẩu đã được cấp trước đó đối với mẫu vật sống.

5. Nhập nội từ biển bất kỳ mẫu vật của một loài thuộc phụ lục I đều phải có chứng chỉ do Cơ quan Quản lý của nước nhập nội đó cấp. Chứng chỉ chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Khoa học của nước nhập nội tư vấn rằng việc nhập nội đó sẽ không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó;

(b) Cơ quan Quản lý của nước nhập nội chấp thuận rằng người nhập nội mẫu vật sống có cơ sở phù hợp để nuôi giữ và chăm sóc mẫu vật đó; và

(c) Cơ quan Quản lý của nước nhập nội xác nhận rằng mẫu vật đó được nhập nội không được dùng cho mục đích thương mại;

 

Điều IV

Quy định về buôn bán mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục II

1. Tất cả các hoạt động buôn bán mẫu vật của những loài thuộc Phụ lục II phải tuân thủ các quy định tại Điều này.

2. Xuất khẩu bất kỳ mẫu vật nào của loài thuộc Phụ lục II yêu cầu phải được cho phép trước và phải xuất trình giấy phép xuất khẩu. Giấy phép xuất khẩu chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Khoa học của nước xuất khẩu tư vấn rằng việc xuất khẩu không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó;

(b) Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật thu được không trái với các quy định của quốc gia về bảo vệ động vật, thực vật; và

(c) Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật sống phải được chuẩn bị và vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

3. Cơ quan Khoa học của mỗi nước thành viên sẽ theo dõi cả giấy phép xuất khẩu do Nhà nước cấp và việc xuất khẩu thực tế đối với các mẫu vật thuộc Phụ lục II. Khi nào cơ quan Khoa học nhận thấy việc xuất khẩu mẫu vật của bất kỳ loài nào cần phải hạn chế để duy trì sự tồn tại của loài đó trong vùng phân bố ở một mức độ phù hợp với chức năng của loài đó trong hệ sinh thái mà chúng sinh sống và mức độ xuất khẩu loài đó có thể dẫn đến việc xem xét đưa vào Phụ lục I, thì Cơ quan Khoa học phải đề xuất với Cơ quan Quản lý thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mẫu vật của loài đó.

4. Việc nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Phụ lục II đòi hỏi phải xuất trình giấy phép xuất khẩu hoặc chứng chỉ tái xuất khẩu được cấp trước đó.

5. Việc tái xuất khẩu bất kỳ mẫu vật của loài thuộc Phụ lục II đòi hỏi phải xuất trình giấy phép xuất khẩu hoặc chứng chỉ tái xuất khẩu được cấp trước đó. Chứng chỉ tái xuất khẩu chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Quản lý của nước tái xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật được nhập khẩu vào nước đó phù hợp với các quy định hiện hành của Công ước; và

(b) Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật sống phải được chuẩn bị và vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

6. Nhập nội từ biển bất kỳ mẫu vật nào của loài thuộc phụ lục II phải có chứng chỉ do Cơ quan Quản lý của nước nhập nội cấp. Chứng chỉ chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau:

(a) Cơ quan Khoa học của nước nhập nội tư vấn rằng việc nhập nội sẽ không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó; và

(b) Cơ quan Quản lý của nước nhập nội chấp thuận rằng mẫu vật sống được vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

7. Chứng chỉ nêu trong Khoản 6 của Điều này có thể được cấp dựa vào ý kiến tham vấn từ Cơ quan Khoa học, có tham khảo ý kiến của các cơ quan khoa học trong nước khác hoặc nếu thuận lợi thì tham khảo ý kiến của các cơ quan khoa học quốc tế nhưng phải xem xét tổng số lượng mẫu vật được nhập nội trong khoảng thời gian không quá một năm.

 

Điều V

Quy định về buôn bán mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục III

1. Tất cả các hoạt động buôn bán mẫu vật của những loài thuộc Phụ lục III phải tuân thủ các quy định tại Điều này.

2. Xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc Phụ lục III từ bất kỳ một nước thành viên nào mà nước đó đề xuất đưa vào Phụ lục III phải xuất trình giấy phép xuất khẩu được cấp trước đó. Giấy phép xuất khẩu sẽ chỉ được cấp khi thoả mãn các điều kiện sau đây:

(a) Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật thu được không trái với các quy định của quốc gia về bảo vệ động vật, thực vật; và

(b) Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật sống phải được chuẩn bị và vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

3. Trừ những trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này, việc nhập khẩu mẫu vật loài thuộc Phụ lục III phải xuất trình chứng chỉ nguồn gốc và nếu mẫu vật được nhập khẩu từ nước đề xuất đưa loài đó vào Phụ lục III thì phải có giấy phép xuất khẩu của nước đó.

4. Trong trường hợp tái xuất khẩu, khi có chứng chỉ do Cơ quan Quản lý của nước tái xuất khẩu cấp xác nhận rằng mẫu vật đã được chế biến tại nước đó hoặc được tái xuất, thì nước nhập khẩu sẽ chấp thuận mẫu vật đó đã tuân thủ theo các quy định hiện hành của Công ước.

 

Điều VI

Giấy phép và chứng chỉ

1. Giấy phép và chứng chỉ được cấp theo các quy định tại Điều III, IV, và V phải tuân thủ các quy định tại Điều này.

2. Giấy phép xuất khẩu phải bao gồm các thông tin được liệt kê theo mẫu quy định tại Phụ lục IV và có thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ ngày cấp.

3. Mỗi giấy phép, chứng chỉ phải có tiêu đề của Công ước CITES, tên và dấu của Cơ quan Quản lý cấp giấy phép và số kiểm soát do Cơ quan Quản lý quy định.

4. Bất kỳ bản sao giấy phép hoặc chứng chỉ nào do Cơ quan Quản lý cấp đều phải được đóng dấu rõ ràng là bản sao và không được sử dụng bản sao thay thế bản gốc, trừ trường hợp có ký xác nhận gia hạn.

5. Mỗi một lô hàng yêu cầu có một giấy phép hoặc chứng chỉ riêng.

6. Cơ quan Quản lý của nước nhập khẩu sẽ huỷ hoặc giữ lại giấy phép xuất khẩu hoặc chứng chỉ tái xuất khẩu và bất kỳ giấy tờ nhập khẩu nào có liên quan tới việc nhập khẩu mẫu vật đó.

7. Ở những nơi có điều kiện thì Cơ quan Quản lý có thể đánh dấu mẫu vật để nhận biết. Việc “đánh dấu” được hiểu là sử dụng mực in không tẩy xoá được, kẹp chì hoặc những phương pháp khác phù hợp để xác định mẫu vật, và được thiết kế theo cách mà những người không có thẩm quyền càng khó làm giả được càng tốt.

 

Điều VII

Các trường hợp miễn trừ và các điều khoản đặc biệt khác liên quan tới buôn bán

1. Các quy định tại Điều III, IV và V không được áp dụng đối với quá cảnh hay chuyển tải mẫu vật qua hoặc trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên trong thời gian mẫu vật đang nằm dưới sự kiểm soát của Hải quan.

2. Trường hợp Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu chấp thuận rằng mẫu vật có được trước khi các điều khoản hiện hành của Công ước được áp dụng đối với mẫu vật đó, thì không áp dụng các quy định tại Điều III, IV và V, và Cơ quan Quản lý sẽ cấp một chứng chỉ xác nhận đối với mẫu vật đó.

3. Các quy định tại Điều III, IV và V không áp dụng đối với mẫu vật là tài sản cá nhân hoặc vật dụng gia đình. Sự miễn trừ này không được áp dụng đối với các trường hợp sau:

(a) đối với mẫu vật của loài thuộc phụ lục I, những mẫu vật mà người sở hữu có được ở ngoài quốc gia thường trú, và được nhập khẩu vào nước mà người đó thường trú hoặc

(b) đối với mẫu của loài thuộc phụ lục II:

(i) những mẫu vật mà người sở hữu có được ở ngoài quốc gia thường trú và mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên;

(ii) những mẫu vật được nhập khẩu vào nước mà người sở hữu chúng thường trú; và

(iii) ở quốc gia có quy định mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên phải có giấy phép xuất khẩu cấp trước khi xuất khẩu mẫu vật; trừ khi Cơ quan Quản lý chấp thuận rằng mẫu vật có được trước khi các điều khoản hiện hành của Công ước được áp dụng đối với mẫu vật đó.

4. Mẫu vật của một loài động vật thuộc Phụ lục I có nguồn gốc gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại, hoặc mẫu vật của một loài thực vật thuộc Phụ lục I có nguồn gốc trồng cấy nhân tạo vì mục đích thương mại, sẽ được áp dụng các điều khoản như buôn bán các mẫu vật thuộc phụ lục II.

5. Trường hợp Cơ quan Quản lý của nước xuất khẩu chấp thuận rằng bất kỳ mẫu vật hoặc bộ phận của một loài động vật được gây nuôi sinh sản hoặc của loài thực vật được trồng cấy nhân tạo, thì Cơ quan Quản lý của nước đó có thể cấp một chứng chỉ thay thế giấy phép hoặc chứng chỉ cần có theo quy định của các khoản thuộc Điều III, IV và V.

6. Không áp dụng các quy định tại Điều III, IV và V đối với các mẫu vật cho mượn vì mục đích phi thương mại, các mẫu vật trao tặng hoặc trao đổi giữa các nhà khoa học hoặc các cơ quan khoa học đã đăng ký với Cơ quan Quản lý của nước họ, các mẫu vật là tiêu bản thực vật sống, khô hoặc tiêu bản đã được xử lý, các tiêu bản có dãn nhãn, mác do cơ quan Quản lý cấp hoặc phê duyệt.

7. Cơ quan Quản lý của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể cho phép miễn áp dụng các yêu cầu của Điều III, IV và V, và cho phép vận chuyển mẫu vật thuộc một phần của vườn thú di động, gánh xiếc, thực vật trưng bày hoặc các loại hình triển lãm lưu động mà không yêu cầu phải có giấy phép hay chứng chỉ nếu cung cấp các thông tin sau:

(a) nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu phải đăng ký thông tin đầy đủ về mẫu vật đó với Cơ quan Quản lý;

(b) những mẫu vật thuộc các nhóm được đề cập đến ở Khoản 2 hoặc 5 của Điều này; và

(c) Cơ quan Quản lý chấp thuận rằng mẫu vật sống được vận chuyển bằng cách giảm thiểu tối đa về thương tổn, gây hại đối với sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

 

Điều VIII

Những biện pháp các quốc gia thành viên cần thực hiện

1. Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp phù hợp nhằm thực thi các điều khoản hiện hành của Công ước và nghiêm cấm hoạt động buôn bán mẫu vật vi phạm các quy định của Công ước. Những biện pháp này bao gồm:

(a) xử phạt việc buôn bán, hoặc thu giữ các mẫu vật này, hoặc cả hai; và

(b) tịch thu hoặc trả lại nước xuất khẩu những mẫu vật đó.

2. Ngoài các biện pháp được thực hiện tại Khoản 1 của Điều này, thì một nước thành viên, khi cần thiết, có thể thanh toán các chi phí có liên quan đến hoạt động tịch thu mẫu vật bị buôn bán vi phạm các các điều khoản hiện hành của Công ước bằng nguồn chi trả nội bộ.

3. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng mẫu vật sẽ được hoàn tất các thủ tục buôn bán trong khoảng thời gian nhanh nhất. Để tạo điều kiện cho việc thông quan, nước thành viên có thể chỉ định các cảng nhập khẩu và xuất khẩu đối với mẫu vật động vật, thực vật. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng, trong thời gian quá cảnh hoặc chuyển tải, các mẫu vật sống được chăm sóc thích hợp nhằm giảm thiểu tối đa các thương tổn, gây hại cho sức khoẻ hoặc bị đối xử thô bạo.

4. Trường hợp mẫu vật sống tịch thu do thực thi các biện pháp quy định tại Khoản 1 của Điều này thì:

(a) mẫu vật sẽ được giao cho Cơ quan Quản lý của nước tịch thu;

(b) Cơ quan Quản lý của nước bắt giữ, sau khi tham vấn với Nước xuất khẩu, trả mẫu vật cho Nước xuất khẩu với các chi phí do nước đó chi trả, hoặc đưa mẫu vật vào Trung tâm cứu hộ hay đến đến một nơi nào đó mà Cơ quan Quản lý cho là thích hợp và phù hợp với mục tiêu của Công ước; và

(c) Cơ quan Quản lý có thể xin ý kiến của Cơ quan Khoa học, hoặc có thể tham vấn ý kiến từ Ban thư ký CITES trong trường hợp cần thiết, để có thể đưa ra quyết định phù hợp với quy định tại mục (b) của Khoản này, bao gồm cả việc tham vấn việc lựa chọn trung tâm cứu hộ hoặc các địa điểm khác.

5. Trung tâm cứu hộ được nêu tại Khoản 4 của Điều này là cơ sở do Cơ quan Quản lý chỉ định để trông nom, chăm sóc mẫu vật sống, đặc biệt là các mẫu vật bị tịch thu.

6. Mỗi một quốc gia thành viên phải lưu giữ các số liệu về việc buôn bán mẫu vật các loài thuộc phụ lục I, II và III với những thông tin sau:

(a) tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu và nhập khẩu; và

(b) số và loại giấy phép, chứng chỉ đã cấp; Nước buôn bán loài đó; số lượng và loại mẫu vật, tên của loài quy định theo phụ lục I, II và III, và nếu có thể, bao gồm cả các thông tin về kích cỡ và giới tính của mẫu vật có nghi ngờ.

7. Mỗi một Quốc gia thành viên phải chuẩn bị các báo cáo định kỳ về việc thực thi Công ước và gửi Ban Thư ký;

(a) báo cáo hàng năm bao gồm bản tóm tắt các thông tin quy định tại điểm (b), Khoản 6 của Điều này; và

(b) báo cáo định kỳ hai năm bao gồm các thông tin về văn bản quy phạm pháp luật, các quy định và các biện pháp quản lý được thực hiện để thực thi các điều khoản hiện hành của Công ước.

8. Thông tin quy định tại Khoản 7 của Điều này sẽ được công bố rộng rãi khi mà việc công bố không trái với luật pháp của nước đó.

 

Điều IX

Cơ quan Quản lý và Khoa học

1. Theo yêu cầu của Công ước, mỗi nước thành viên phải chỉ định:

(a) ít nhất một Cơ quan Quản lý có đủ thẩm quyền để cấp giấy phép hoặc chứng chỉ, thay mặt cho quốc gia thành viên đó; và

(b) ít nhất một Cơ quan Khoa học.

2. Quốc gia đệ trình văn kiện để phê chuẩn, chấp thuận hoặc tham gia Công ước phải đồng thời thông báo tên và địa chỉ của Cơ quan Quản lý được phép liên hệ với các nước thành viên khác và Ban thư ký.

3. Mọi thay đổi trong việc chỉ định hoặc uỷ quyền nằm trong các điều khoản của Điều này cần được quốc gia đó thông báo cho Ban thư ký để Ban thư ký báo cho tất cả các nước thành viên khác.

4. Cơ quan quản lý nêu trong Khoản 2 của Điều này khi được Ban Thư ký hay Cơ quan quản lý của các nước thành viên khác yêu cầu, cần thông báo về mẫu tem, con dấu hoặc các mẫu khác dùng để xác thực giấy phép hoặc chứng chỉ.

Điều X

Buôn bán với nước không phải là thành viên Công ước

Khi xuất khẩu, tái xuất khẩu tới hay nhập khẩu từ một nước không phải là thành viên Công ước, thì các nước thành viên Công ước có thể chấp thuận loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của nước không phải là thành viên cấp nếu chúng phù hợp với các quy định về giấy phép, chứng chỉ của Công ước.

 

Điều XI

Hội nghị các nước thành viên Công ước

1. Ban thư ký sẽ triệu tập Hội nghị các nước thành viên Công ước trong khoảng thời gian không quá hai năm sau khi Công ước có hiệu lực.

2. Sau đó, Ban thư ký sẽ triệu tập các phiên họp thường kỳ ít nhất hai năm một lần, trừ khi Hội nghị có các quyết định khác, và các phiên họp bất thường sẽ được tổ chức khi nhận được đề nghị bằng văn bản của ít nhất 1/3 số quốc gia thành viên Công ước.

3. Tại các phiên họp, dù là phiên họp thường kỳ hay bất thường, các nước Thành viên Công ước sẽ kiểm điểm hoạt động thực thi Công ước và có thể:

(a) đưa ra các điều khoản cần thiết để giúp cho Ban Thư ký có thể thực thi nhiệm vụ của mình, và thông qua các khoản về tài chính;

(b) xem xét và thông qua việc sửa đổi Phụ lục I và II theo quy định tại Điều XV;

(c) đánh giá thành tựu đạt được đối với việc phục hồi và bảo tồn các loài thuộc Phụ lục I, II và III;

(d) tiếp nhận và xem xét các báo cáo do Ban thư ký hoặc bất kỳ quốc gia thành viên nào đưa ra; và

(e) đưa ra các kiến nghị thích hợp nhằm tăng cường hiệu lực của Công ước.

4. Tại mỗi phiên họp thường kỳ, các quốc gia thành viên có thể xác định thời gian và địa điểm cho phiên họp tiếp theo phù hợp với những điều khoản tại Khoản 2 của Điều này.

5. Tại bất kỳ phiên họp nào, các quốc gia thành viên có thể đề xuất và thông qua các nội quy, thủ tục cho phiên họp.

6. Liên hiệp quốc, các Cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cũng như bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên của Công ước có thể tham dự các cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước với tư cách là quan sát viên, được tham dự nhưng không có quyền bỏ phiếu.

7. Bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn hoặc quản lý động vật, thực vật hoang dã, theo các tiêu chí sau đây, mà đã thông báo với Ban thư ký về nguyện vọng tham dự các cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước với tư cách là quan sát viên, sẽ được chấp thuận tham dự trừ khi có ít nhất một phần ba số quốc gia thành viên tham dự phản đối:

(a) các cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ hoặc phi chính phủ quốc tế, và các cơ quan chính phủ; và

(b) các cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ quốc gia có mục đích nêu trên được quốc gia đó phê chuẩn.

 

Điều XII

Ban Thư ký

1. Ngay sau khi Công ước này có hiệu lực, Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên Hiệp quốc sẽ chọn ra một Ban thư ký. Trong phạm vi và theo phương thức mà Giám đốc điều hành cho là thích hợp, Giám đốc điều hành có được sự trợ giúp của các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ quốc gia và quốc tế có chuyên môn kỹ thuật về bảo vệ, bảo tồn và quản lý các loài động vật, thực vật hoang dã.

2. Chức năng của Ban Thư ký bao gồm:

(a) sắp xếp và tổ chức phục vụ các phiên họp của các nước thành viên;

(b) thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều XV và XVI của Công ước này;

(c) thực hiện các nghiên cứu khoa học và kỹ thuật theo các chương trình đã được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước cho phép để góp phần vào thực thi Công ước, bao gồm cả các nghiên cứu có liên quan tới các tiêu chuẩn để chuẩn bị và vận chuyển một cách thích hợp các mẫu vật sống và các phương thức định loại mẫu vật;

(d) nghiên cứu các báo cáo của các quốc gia thành viên Công ước và yêu cầu các nước thành viên cung cấp các thông tin cụ thể hơn khi cần thiết để đảm bảo việc thực thi Công ước;

(e) hướng các quốc gia thành viên quan tâm đến những vấn đề có liên quan tới các mục tiêu của Công ước;

(f) xuất bản định kỳ và cung cấp cho các nước thành viên những tài liệu cập nhật của Phụ lục I, II và III cùng mọi thông tin giúp cho việc nhận biết mẫu vật của các loài quy định tại những Phụ lục này.

(g) chuẩn bị báo cáo hàng năm về việc thực thi Công ước cho các nước thành viên và những báo cáo theo yêu cầu của các cuộc họp các nước thành viên;

(h) đưa ra các khuyến nghị đối với việc thực thi các mục tiêu và điều khoản của Công ước, bao gồm cả sự trao đổi thông tin có tính chất khoa học hay kỹ thuật.

(i) thực hiện các chức năng khác theo yêu cầu của các quốc gia thành viên.

 

Điều XIII

Các biện pháp quốc tế

1. Khi Ban thư ký nhận được các thông tin cho thấy một loài nào đó thuộc Phụ lục I hoặc Phụ lục II bị ảnh hưởng do buôn bán hoặc khi biết rằng các quy định của Công ước không được thực thi. Ban thư ký sẽ thông báo những thông tin đó tới Cơ quan Quản lý của một hoặc nhiều nước thành viên có liên quan;

2. Khi nhận được thông báo quy định tại Khoản 1 của Điều này, các quốc gia có liên quan phải thông tin cho Ban thư ký những sự việc có liên quan trong khuôn khổ của Luật quốc gia cho phép trong thời gian sớm nhất có thể, và có thể đề xuất các biện pháp giải quyết. Nếu nước thành viên xét thấy cần phải tiến hành điều tra thì việc điều tra đó sẽ do một hoặc một số người thực hiện theo uỷ quyền của quốc gia đó.

3. Thông tin do quốc gia thành viên cung cấp hay là kết quả của quá trình điều tra theo quy định tại Khoản 2 của Điều này sẽ được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước tiếp theo đánh giá, Hội nghị này có thể đưa ra các đề xuất, khuyến nghị phù hợp.

 

Điều XIV

Ảnh hưởng tới Luật quốc gia và các Công ước quốc tế

1. Các điều khoản của Công ước không ảnh hưởng đến quyền của các nước thành viên trong việc áp dụng:

(a) các biện pháp trong nước chặt chẽ hơn liên quan tới điều kiện buôn bán, khai thác, sở hữu hay vận chuyển mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục I, II và III, hoặc quy định nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động này; hoặc

(b) các biện pháp trong nước hạn chế hoặc nghiêm cấm việc buôn bán, khai thác, sở hữu hay vận chuyển các loài không thuộc Phụ lục I, II hoặc III.

2. Các điều khoản của Công ước không ảnh hưởng tới các quy định về kiểm soát nội địa hoặc các nghĩa vụ của nước thành viên với bất kỳ các hiệp ước, công ước hay các thoả thuận quốc tế có liên quan tới hoạt động buôn bán, khai thác, sở hữu hoặc vận chuyển các mẫu vật mà các thoả thuận này vẫn còn hiệu lực hoặc có thể có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên bao gồm cả những biện pháp liên quan tới hải quan, y tế, thú y hay kiểm dịch.

3. Các điều khoản của Công ước không ảnh hưởng tới các quy định hoặc nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với bất kỳ hiệp ước, công ước hoặc các thoả thuận quốc tế nào đã được ký kết hoặc những thoả thuận giữa các quốc gia trong khối liên minh hay thoả thuận buôn bán trong khu vực nhằm xây dựng và vận hành hệ thống kiểm soát hải quan chung ngoài biên giới và việc huỷ bỏ việc kiểm soát hải quan giữa các quốc gia thành viên nằm trong khuôn khổ các quy định có liên quan tới hoạt động buôn bán giữa các nước thành viên trong hiệp hội hay trong các thoả thuận đó;

4. Một quốc gia thành viên Công ước cũng có thể là quốc gia thành viên của bất kỳ một hiệp ước, Công ước hay thoả thuận quốc tế nào có hiệu lực thi hành vào thời điểm Công ước này có hiệu lực và theo quy định trong các điều khoản của công ước đó, các loài động vật biển thuộc Phụ lục II của CITES thuộc diện loài được bảo vệ có điều kiện, thì sẽ áp dụng theo hướng giảm nhẹ đối với các nghĩa vụ phải thực hiện quy định tại các điều khoản của Công ước có liên quan tới hoạt động buôn bán mẫu vật của các loài thuộc Phụ lục II được đánh bắt bởi các tầu biển đã đăng ký với quốc gia thành viên đó và phù hợp với các quy định của hiệp ước, công ước hay thoả thuận quốc tế mà quốc gia thành viên đó đã ký kết tham gia.

5. Theo quy định tại Điều III, IV và V, việc xuất khẩu mẫu vật phù hợp với Khoản 4 của Điều này chỉ đòi hỏi một chứng chỉ do Cơ quan quản lý của nước nhập nội cấp với nội dung khẳng định rằng mẫu vật được đánh bắt phù hợp với các quy định của hiệp ước, công ước hay thoả thuận quốc tế có liên quan.

6. Công ước này không có điều khoản nào gây ảnh hưởng tới hoạt động soạn thảo và xây dựng Luật biển của Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển được triệu tập theo Nghị quyết số 2750C (XXV) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc và cũng không có điều khoản nào ảnh hưởng tới các yêu cầu hiện tại hay tương lai và các quan điểm pháp lý của bất kỳ quốc gia nào có liên quan tới luật biển và phạm vi chủ quyền tài phán đối với bờ biển của quốc gia đó.

 

Điều XV

Các sửa đổi bổ sung Phụ lục I và II

1. Các quy định dưới đây áp dụng cho việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II tại các cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên:

(a) Mọi quốc gia thành viên đều có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II để xem xét tại cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên sắp tới. Nội dung của đề xuất sửa đổi phải được thông báo cho Ban thư ký trước cuộc họp 150 ngày. Ban thư ký sẽ tham vấn ý kiến các quốc gia thành viên khác và các tổ chức có liên quan theo quy định tại Điểm (b) và (c), Khoản 2 của Điều này và sẽ thông báo đến tất cả các quốc gia thành viên 30 ngày trước cuộc họp.

(b) Các sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua với 2/3 số các nước thành viên có mặt và bỏ phiếu tán thành. “Các nước thành viên có mặt và bỏ phiếu” có nghĩa là chỉ tính các nước thành viên có mặt và bỏ phiếu thuận hay phiếu chống. Các quốc gia thành viên bỏ phiếu trắng không được tính trong tỷ lệ 2/3 để thông qua các sửa đổi.

(c) Các sửa đổi, bổ sung được thông qua tại phiên họp sẽ có hiệu lực sau kỳ họp 90 ngày trừ các sửa đổi, bổ sung cần được bảo lưu phù hợp với Khoản 3 của Điều này.

2. Những quy định dưới đây sẽ áp dụng cho việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II giữa các kỳ họp của Hội nghị các quốc gia thành viên:

(a) Mọi quốc gia đều có thể đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II để được xem xét giữa các kỳ họp thông qua thủ tục bỏ phiếu qua đường bưu điện quy định tại Khoản này.

(b) Đối với các loài ở biển, Ban Thư ký sau khi nhận được các đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ ngay lập tức thông tin cho các quốc gia thành viên. Ban thư ký cũng sẽ tham vấn với các tổ chức liên chính phủ có chức năng liên quan tới những loài này, đặc biệt là các thông tin về dữ liệu khoa học mà các tổ chức này có thể cung cấp và để đảm bảo kết hợp các biện pháp bảo tồn do các tổ chức đó thực hiện. Ban thư ký sẽ thông tin về các quan điểm và các số liệu do các tổ chức đó cung cấp cũng như các phát hiện và khuyến nghị của Ban thư ký tới các quốc gia thành viên trong thời gian sớm nhất.

(c) Đối với các loài không ở biển, sau khi nhận được đề xuất sửa đổi, Ban thư ký sẽ ngay lập tức thông tin cho các quốc gia thành viên và sau đó sẽ thông báo các khuyến nghị của mình cho các quốc gia thành viên ngay sau khi có thể.

(d) Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày Ban thư ký gửi thông báo các khuyến nghị của mình đến các quốc gia thành viên theo quy định tại Điểm (b) hoặc (c) của Khoản này, thì các quốc gia thành viên phải gửi đến Ban thư ký các ý kiến đóng góp của mình về đề xuất sửa đổi cùng các thông tin và dữ liệu khoa học có liên quan.

(e) Ban thư ký sẽ trao đổi các thông tin phản hồi mà Ban thư ký đã nhận được kèm đề xuất của mình tới các quốc gia thành viên sớm nhất có thể.

(f) Nếu Ban thư ký không nhận được bất kỳ sự phản đối nào về đề xuất sửa đổi thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ban thư ký gửi thông tin phản hồi theo quy định tại Điểm (e) của Khoản này, thì đề xuất sửa đổi sẽ có hiệu lực thực thi sau 90 ngày đối với tất cả các quốc gia thành viên trừ những quốc gia thành viên bảo lưu ý kiến theo quy định tại Khoản 3 của Điều này.

(g) Nếu Ban thư ký nhận được ý kiến phản đối từ bất kỳ một quốc gia thành viên nào, thì mọi đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung sẽ được đệ trình để bỏ phiếu qua đường bưu điện theo quy định tại các Điểm (h), (i) và (j) của Khoản này.

(h) Ban thư ký sẽ thông báo cho các quốc gia thành viên về các ý kiến phản đối mà Ban thư ký nhận được

(i) Nếu Ban thư ký không nhận nhận được phiếu thuận, phiếu chống hoặc phiếu trắng từ ít nhất 1/2 số quốc gia thành viên trong vòng 60 ngày tính từ ngày thông báo theo quy định tại Điểm (h) của Khoản này, đề xuất sửa đổi, bổ xung sẽ được chuyển sang phiên họp tiếp theo của Hội nghị các nước thành viên để xem xét.

(j) Trường hợp Ban thư ký nhận được các phiếu bầu từ ít nhất một nửa số thành viên, các sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua bởi 2/3 số phiếu tính theo phiếu thuận và phiếu chống.

(k) Ban thư ký sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên về kết quả bỏ phiếu.

(l) Nếu đề xuất sửa đổi, bổ sung được thông qua thì đề xuất đó sẽ có hiệu lực thực thi trong vòng 90 ngày tính từ ngày thông báo của Ban thư ký về sự thông qua này tới mọi quốc gia thành viên trừ những quốc gia bảo lưu theo Khoản 3 của Điều này.

3. Trong thời hạn 90 ngày theo quy định tại Điểm (c) Khoản 1 hoặc Điểm (l) Khoản 2 Điều này, mọi quốc gia thành viên đều có thể thông báo bằng văn bản cho Chính phủ nước lưu chiểu để yêu cầu bảo lưu về vấn đề sửa đổi, bổ sung.

Tới khi sự bảo lưu này được rút bỏ, quốc gia thành viên yêu cầu bảo lưu sẽ được coi là một nước khôngthuộc thành viên của Công ước đối với loài đó.

 

Điều XVI

Phụ lục III và các sửa đổi, bổ sung

1. Mọi quốc gia thành viên vào bất cứ thời điểm nào đều có thể trình Ban thư ký danh sách các loài để thực hiện theo các quy định tại Khoản 3 của Điều II. Phụ lục III sẽ bao gồm cả tên của các quốc gia thành viên đề xuất, tên khoa học của loài đề xuất, các bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật đã được xác định có liên quan tới các loài quy định tại Điểm (b) Điều I.

2. Mỗi danh sách được đệ trình theo quy định tại Khoản 1 của Điều này sẽ được Ban thư ký thông báo cho các quốc gia thành viên một cách sớm nhất. Danh mục này được coi như là một phần của phụ lục III và sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày Ban thư ký thông báo. Vào bất kỳ thời gian nào sau khi nhận được thông báo bản danh mục, mọi quốc gia thành viên đều có thể thông báo bằng văn bản tới Chính phủ nước lưu chiểu về việc bảo lưu của mình đối với bất kỳ loài nào hoặc các bộ phận hay dẫn xuất của chúng. Tới khi sự bảo lưu này được rút bỏ, quốc gia thành viên yêu cầu bảo lưu sẽ được coi là một nước không thuộc thành viên của Công ước đối với loài đó hoặc các bộ phận hay dẫn xuất của chúng.

3. Quốc gia thành viên đệ trình đề xuất đưa một loài vào phụ lục III có thể rút đề xuất của mình vào bất kỳ lúc nào bằng cách thông báo với Ban thư ký để Ban thư ký thông báo việc rút đề xuất của quốc gia thành viên đó tới tất cả các quốc gia thành viên khác. Việc huỷ bỏ đề xuất sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày Ban thư ký thông báo.

4. Những quốc gia thành viên đệ trình danh mục các loài theo quy định tại Khoản 1 của Điều này sẽ gửi cho Ban thư ký bản copy tất cả các quy định của luật pháp trong nước có liên quan đến việc bảo vệ các loài đề xuất, kèm theo các lý giải cho đề xuất đó hoặc cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Ban thư ký. Khi các loài có liên quan đã được đưa vào phụ lục III, các quốc gia thành viên sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định luật pháp hoặc những thông tin của loài đó.

 

Điều XVII

Các sửa đổi, bổ sung Công ước

1. Ban Thư ký sẽ triệu tập phiên họp bất thường Hội nghị các quốc gia thành viên khi nhận được yêu cầu của tối thiểu 1/3 số quốc gia thành viên để xem xét và thông qua các sửa đổi, bổ sung nội dung của Công ước. Các sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua với 2/3 số các quốc gia thành viên có mặt và tham gia bỏ phiếu. Chỉ tính những phiếu thuận và phiếu chống. Các thành viên bỏ phiếu trắng sẽ không được tính vào tỷ lệ 2/3 này.

2. Nội dung của những đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ được Ban thư ký gửi đến tất cả các quốc gia thành viên trước phiên họp tối thiểu là 90 ngày .

3. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên chấp thuận sau 60 ngày sau khi kể từ khi nhận được sự ủng hộ của 2/3 số quốc gia thành viên chấp thuận việc sửa đổi, bổ sung.

 

Điều XVIII

Giải quyết tranh chấp

1. Mọi tranh chấp nảy sinh giữa hai hoặc một số quốc gia thành viên về cách hiểu và áp dụng các điều khoản của Công ước này sẽ được các bên có liên quan tới tranh chấp thương lượng với nhau.

2. Nếu tranh chấp không thể giải quyết được như quy định tại Khoản 1 của Điều này, các bên liên quan có thể cùng nhau đệ trình vấn đề còn tranh chấp lên trọng tài để phán xử, cụ thể là Toà án Trọng tài Thường trực tại Hague, các quốc gia thành viên đệ trình vấn đề tranh chấp phải tuân thủ theo quyết định của trọng tài.

 

Điều XIX

Ký kết

Công ước này được công khai cho việc ký kết tại Washington tới ngày 30 tháng 4 năm 1973 và sau đó là tại Bonn cho tới ngày 31 tháng 12 năm 1974.

 

Điều XX

Phê chuẩn, chấp thuận, tán thành

Công ước này sẽ được sử dụng để phê chuẩn, chấp thuận, tán thành. Các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, tán thành sẽ được nộp cho Chính phủ Liên bang Thụy sỹ, là nước lưu chiểu Công ước.

 

Điều XXI

Gia nhập

Công ước này sẽ mở rộng cho tất cả các quốc gia tham gia. Văn bản sẽ được nộp cho Chính phủ nước lưu chiểu Công ước.

 

Điều XXII

Hiệu lực

1. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hoặc văn bản gia nhập thứ 10 được nộp cho Chính phủ nước lưu chiểu.

2. Đối với những quốc gia phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hoặc gia nhập Công ước sau thời gian có 10 văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hoặc gia nhập Công ước, thì Công ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày quốc gia đó nộp văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hoặc gia nhập.

 

Điều XXIII

Bảo lưu

1. Các điều khoản của Công ước này không phải là đối tượng bảo lưu chung. Các bảo lưu đặc biệt có thể được ghi vào theo các điều khoản của Điều này và Điều XV và XVI.

2. Mọi quốc gia khi nộp văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hay gia nhập có thể đưa ra một bảo lưu cụ thể có liên quan tới:

(a) bất kỳ loài nào thuộc Phụ lục I, II hoặc III; hoặc

(b) bất kỳ một bộ phận hay dẫn xuất cụ thể có liên quan tới loài thuộc Phụ lục III.

3. Tới khi quốc gia thành viên rút bỏ bảo lưu đã đề nghị theo quy định tại Điều này, quốc gia thành viên yêu cầu bảo lưu sẽ được coi là một nước không thuộc thành viên của Công ước đối với loài đó hoặc bộ phận hay dẫn xuất của loài bảo lưu.

 

Điều XXIV

Rút khỏi Công ước

Mọi quốc gia thành viên đều có thể rút khỏi Công ước bằng văn bản thông báo tới Chính phủ nước lưu chiểu vào bất kỳ thời gian nào. Việc rút khỏi Công ước của quốc gia đó sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày Chính phủ nước lưu chiểu nhận được thông báo.

 

Điều XXV

Lưu chiểu

1. Bản Công ước gốc được lập bằng các thứ tiếng Trung quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha và có giá trị như nhau, được lưu giữ tại Chính phủ nước lưu chiểu, Chính phủ nước lưu chiểu sẽ nhân bản và xác nhận bản copy gửi cho tất cả các quốc gia tham gia ký kết hoặc có văn kiện xin gia nhập Công ước.

2. Chính phủ nước lưu chiểu sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên và Ban thư ký Công ước về chữ ký, việc nộp lưu chiểu các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, tán thành hoặc tham gia Công ước, hiệu lực của Công ước, các sửa đổi bổ sung, ghi bảo lưu và bãi bỏ bảo lưu và các thông báo bãi ước.

3. Ngay sau khi Công ước có hiệu lực, bản sao xác thực sẽ được Chính phủ nước lưu chiểu chuyển tới Ban Thư ký của Liên Hiệp quốc để đăng ký và phát hành theo như Điều 102 của Hiến chương Liên hiệp quốc.

 

Những người đại diện đã ký tên dưới đây có đầy đủ thầm quyền ký vào Công ước.

Công ước được hoàn thành vào ngày 3 tháng 3 năm 1973 tại Washington.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website