Phòng ngừa, đấu tranh việc xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng
Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng...
Một điểm nổi bật của Luật An ninh mạng là đã quy định rõ về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Đồng thời, để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Phòng ngừa, đấu tranh việc xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: vietnamnet.vn)
Tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc
Luật Quốc phòng gồm 7 chương 40 điều quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Luật thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Sẽ xem xét với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng
Luật Tố cáo gồm 9 chương 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Luật Tố cáo bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Luật vẫn quy định 2 hình thức tố cáo: tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email.
Song đối với tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Một điểm mới của Luật là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận.
Liên kết các chuỗi sản xuất lâm nghiệp
Luật Lâm nghiệp gồm 12 chương, 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan trực tiếp đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc Luật.
Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp 2013, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực
Với bố cục gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục, Luật Quy hoạch quy định hệ thống quy hoạch gồm: Cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên.
Luật không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn. Luật cũng quy định phương án xử lý trong trường hợp nội dung các quy hoạch có sự mâu thuẫn với nhau.
Bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm
Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 12 điều, trong đó quy định việc sửa đổi 11 luật, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật Trẻ em.
Nội dung liên quan của Luật là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại như: quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng…, là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 Luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành; lấy Luật Quy hoạch là Luật gốc.
Theo đó, Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Luật sửa đổi tên và loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục quy hoạch ngành quốc gia và Danh mục có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại các Phụ lục của Luật Quy hoạch. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, để đơn giản thủ tục hành chính, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch, Luật cũng bãi bỏ giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị.
Luật Thủy sản gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với luật hiện hành. Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.
Luật khẳng định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hệ thống Kiểm ngư bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Kiểm ngư tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung 27 điều. Trong đó, bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc. Đáng chú ý, Luật đã bổ sung quy định về đặt cược thể thao.
Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương 61 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luật định./.
Thu Hằng