Theo Kế hoạch, trong tháng 11 này, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là khâu tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo trong quy hoạch cán bộ để trình Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 9 diễn ra vào cuối tháng 12 sắp tới.
Việc xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Do đó, mục tiêu quy hoạch lần này khác với những đợt quy hoạch trước là không quy hoạch cho nhiều khóa, mà chỉ tập trung cho khóa tới 2021 - 2026.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh: HH)
Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội sắp tới, mới đây, Ban Chỉ đạo Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được thành lập. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo yêu cầu của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được xây dựng trên cơ sở quy hoạch cấp ủy đảng các cấp, lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch ở cấp trên, bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của các địa phương, ban, bộ, ngành với nhau; giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương với quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Quy định số 90-QĐ/TW về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đề ra tiêu chuẩn chức danh cụ thể đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương: Cùng với việc bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn: Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm, kiến thức toàn diện để tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ và khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về khả năng lãnh đạo, quản lý; được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Để quy trình giới thiệu chặt chẽ, không bỏ sót người tài cũng như không để lọt những cán bộ cơ hội, có biểu hiện suy thoái, tham nhũng vào đội ngũ. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 với quy trình 5 bước, gồm: Bước 1: Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và nguồn cán bộ trong quy hoạch, người đứng đầu, các thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự. Bước 2: Tập thể lãnh đạo thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của cán bộ; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự (được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt). Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.
Trong quy trình thực hiện việc quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các nhân sự do chính địa phương, cơ quan, đơn vị mình giới thiệu vào quy hoạch.
Tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, quan điểm lệch lạc, gây mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là cơ hội chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm khách quan, tuyệt đối không được thiên vị. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy và cá nhân người đứng đầu, trong giới thiệu nhân sự quy hoạch, giúp Trung ương lựa chọn được những cán bộ thực sự xứng đáng, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín.
Bài học từ thực tiễn cho thấy, 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đã có 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có Ủy viên Trung ương Đảng và cả Ủy viên Bộ Chính trị. Một bài học đau xót trong công tác nhân sự khi để lọt những người không xứng đáng vào các vị trí quan trọng. Vì vậy, để không bỏ sót người tài cũng như không để cán bộ tiêu cực có tên trong danh sách quy hoạch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Nếu phát hiện cán bộ có vấn đề sẽ đưa ra khỏi quy hoạch ngay hoặc cũng có thể bổ sung vào quy hoạch.
Trước yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu về trình độ, hiểu biết, phải tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trình độ lý luận cơ bản, bởi đây là những người sẽ hoạch định đường lối chủ trương, lộ trình bước đi sắp tới của đất nước ta, nên phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn những cán bộ có trình độ, hiểu biết về xây dựng Đảng, luật pháp, các trí thức tiêu biểu, các nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín…
Đối với ủy viên dự khuyết, không chỉ chú ý về độ tuổi trẻ, mà trình độ, tiêu chuẩn mới là chính. Đương nhiên, cơ cấu cán bộ phải được tính toán hợp lý.
Yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với những người đứng đầu, có thẩm quyền trong công tác quy hoạch, đó là phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch; can thiệp không đúng thẩm quyền, trái quy định vào công tác cán bộ, vào quy trình giới thiệu cán bộ quy hoạch.
Với những quy định chặt chẽ, cùng sự lãnh đạo sát sao của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ sắp tới, Đảng ta sẽ tìm được những cán bộ thật sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng, đem lại niềm tin trong nhân dân và tạo nên sức mạnh trong toàn Đảng./.
Hoa Hiền