Điểm mới về kinh tế tư nhân trong Văn kiện Đại hội XII

Kinh tế tư nhân (KTTN), với tư cách là một thành phần kinh tế, đã được nâng lên một tầm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đó là kết quả quan trọng của cả một quá trình đổi mới và phát triển nhận thức của Đảng về thành phần kinh tế này.

Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển Kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Đại hội X (4/2006) của Đảng, KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân và được xác định rõ: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”(1).

Đại hội đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm KTTN. Vai trò của KTTN tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XI (1/2011) với luận điểm: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”(2).

Sự phát triển mới về nhận thức của Đảng đối với KTTN tại Đại hội XII là, chính thức xác nhận: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”(3). Đây là một trong những điểm mới nhất của Văn kiện Đại hội XII. Điều đó thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới.

Sự tăng trưởng ngày một mạnh mẽ của KTTN trong nền kinh tế nước ta được thể hiện rất rõ nét. Từ chỗ chỉ tồn tại “thoi thóp”, “cầm chừng” trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, luôn luôn lo ngại về nguy cơ bị “cải tạo”, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà còn cả trong cơ chế, chính sách nhà nước, KTTN đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước.

Sản phẩm của KTTN đã vươn tới các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã, an toàn trong tiêu dùng, cạnh tranh và trụ vững được ở những thị trường đó trong nhiều năm qua.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2015cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP. Tỷ trọng đóng góp vốn đầu tư của khu vực KTTN tăng mạnh, chiếm hơn 2/3 tổng vốn đầu tư xã hội.

Khu vực kinh tế này cũng đã giải quyết cho 4,72 triệu lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 57,1% tổng số việc làm của khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng thêm 8,7% lao động. Sự phổ biến các thương hiệu sản phẩm của KTTN đã thể hiện rõ sự thừa nhận của xã hội đối với thành phần kinh tế này(4).

Những thành tựu đó còn được phản ánh khá đầy đủ, toàn diện trong thực tiễn thị trường trong nước và nước ngoài. Được xác định “là động lực quan trọng của nền kinh tế” trong Văn kiện Đại hội của Đảng có nghĩa là để thực hiện điều đó cần phải có những thay đổi rõ rệt về nhận thức, về thể chế kinh tế để giải phóng và phát huy động lực đó.

Hiện thực hóa Văn kiện Đại hội Đảng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải có sự đổi mới triệt để về nhiều mặt. Trước hết phải đổi mới hơn nữa về nhận thức của toàn xã hội đối với KTTN. Sẽ là không thực tế nếu cho rằng đây là vấn đề đã được giải quyết.

Trên thực tế sau 30 năm đổi mới, về mặt nhận thức của xã hội, vẫn còn có tình trạng hỏi: “Bạn đang công tác ở đâu?” phổ biến hơn so với câu: “Bạn đang làm ở doanh nghiệp nào?”. Điều này cho thấy ý thức xã hội chưa theo kịp tồn tại xã hội - một rào cản mà phải mất thời gian lâu hơn nữa mới vượt qua được.

Trong xã hội ta cũng vẫn còn một bộ phận dân cư và cả trong đội ngũ công chức, viên chức nhà nước có nhận thức không đúng là đồng nhất KTTN với tư bản tư nhân. Từ đó sinh ra mặc cảm, định kiến, không thấy hết được mặt tích cực của KTTN trong nền kinh tế thị trường.

Nguyên nhân chính là do không phân biệt được sự khác nhau về lượng giữa cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân mà chỉ thiên về sự giống nhau về chất (tư hữu). Đồng nhất KTTN với tư bản tư nhân dễ đi đến phiến diện thậm chí cực đoan trong đánh giá về KTTN.

Bài học từ V.I.Lênin khi ông đánh giá về tính hai mặt của tư bản độc quyền(7) cho thấy ngay cả với tư bản tư nhân cỡ lớn cũng cần phải được nhận thức cho rõ về vai trò tích cực của nó trong nền kinh tế thị trường nói chung và kinh tế thị trường định hướng XHCN nói riêng.

Bởi vậy, Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”(8).

Chỉ khi xác định rõ tính hai mặt của KTTN trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đối tượng rất phong phú về hình thức và nhiều cấp độ về tiềm lực này mới có thể phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế này. Đồng thời, mọi cơ chế, chính sách đối với KTTN cũng cần được cụ thể hơn nữa theo hướng có sự phân biệt về “lượng”, không thể chỉ có một cơ chế chung cho tất cả mọi chủ thể thuộc thành phần KTTN vì nó sẽ là không phù hợp và do đó sẽ không thể có tính khả thi.

Khi xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính là nhằm đến vai trò tích cực của thành phần kinh tế này. Nghĩa là đã nhận thấy rõ trong KTTN còn rất nhiều tiềm năng chưa được giải phóng, nhiều nguồn lực chưa được huy động và trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, KTTN chưa hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực của nó, chưa có địa vị phù hợp với đóng góp của chính nó.

Biểu hiện rõ nhất là: Hàng trăm tấn vàng thuộc sở hữu tư nhân đang trong trạng thái bất động; Một bộ phận đáng kể lực lượng lao động có học vấn đang ở độ tuổi sung sức nhất không có hoặc thiếu việc làm; Quy mô các doanh nghiệp đa phần rất nhỏ không thích ứng với độ mở của nền kinh tế; Công nghệ lạc hậu; Nhiều cơ hội kinh doanh từ nhu cầu của thị trường trong nước rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài...

Để phát huy vai trò của KTTN với tư cách là một động lực phát triển của nền kinh tế nước ta thì cần phải ưu tiên cao hơn nữa nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chỉ như những gì đang vận hành thôi thì chắc chắn là không đủ.

Mặc dù đã qua rồi cái thời của tư duy cho rằng: “quan hệ sản xuất tiên tiến có thể “mở đường” cho lực lượng sản xuất phát triển nhưng một khi quan hệ sản xuất dưới hình thức thể chế trở thành yếu tố kìm hãm thì rõ ràng là phải dỡ bỏ những sự kìm hãm đó mới có thể “kiến tạo” được cơ hội cho sự phát triển. Bởi vì, còn rất nhiều rào cản cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt.

Chừng nào còn có sự thiếu minh bạch về thay đổi cơ chế, chính sách, chừng đó còn có những doanh nghiệp bị đổ vỡ “oan”, chừng nào còn tồn tại sự chi phối của “lợi ích nhóm”, chừng đó đa số các doanh nghiệp tư nhân còn bị phân biệt đối xử nếu không chấp nhận sự chi phối của “nhóm” đó, chừng nào độc quyền nhà nước trao cho các doanh nghiệp nhà nước bị lạm dụng để biến thành độc quyền doanh nghiệp thì chừng đó các chủ thể thuộc kinh tế tư nhân còn gặp khó khăn và phải mất thêm nhiều chi phí khi tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ công và các nguồn lực, các cơ hội khác,...

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được xác định là một trong ba giải pháp đột phá ngay từ Đại hội XI, song cho tới nay vẫn còn rất chậm do gặp phải những lực cản từ sự bất cập về năng lực của bộ máy quản lý nhà nước.

Hàng nghìn “giấy phép con” tồn tại cho tới nay dù đã hết hiệu lực từ 1/7/2016 vẫn chưa được xóa bỏ. Một số đạo luật và văn bản dưới luật trong quá trình soạn thảo và thông qua hầu như chỉ ưu tiên cho lợi ích của chủ thể soạn thảo luật mà ít hoặc không chú ý tới ý kiến phản hồi và lợi ích chính đáng của các đối tượng có liên quan.

Hiện tại, vẫn còn rất ít những đạo luật có thể thực thi mà không cần hoặc chỉ cần rất ít các nghị định, thông tư, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước. Tính chất chung chung của các đạo luật và sự thiếu chặt chẽ, đồng bộ của các văn bản dưới luật là mảnh đất màu mỡ nảy sinh các loại “cỏ dại” níu chân, ngăn cản KTTN vươn lên tương xứng với tiềm năng của mình.

Để KTTN trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì thể chế kinh tế phải đạt đến trình độ: Mọi chủ thể kinh tế đều được “làm tất cả những gì luật pháp không cấm”. Khi và chỉ khi đạt đến điều đó mới có thể tạo lập được sự bình đẳng thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trước mọi cơ hội và mọi quy định, chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, như tinh thần Nghị quyết trung ương 6 khóa VI của Đảng đã nêu.

Là bộ phận sử dụng một số lượng lao động đông đảo nhất trong nền kinh tế quốc dân từ khi đổi mới đến nay, nhưng hầu hết các chủ thể KTTN luôn phải chịu thêm những chi phí không đáng có trong đào tạo lao động.

Thị trường sức lao động ở nước ta dù đã được hình thành từ lâu song vẫn không đáp ứng được yêu cầu về cơ cấu, chất lượng lao động,... là những nhân tố cơ bản tạo nên năng suất lao động. Nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục quốc dân đang hoạt động chỉ vì chính nó nhiều hơn là vì nhu cầu của thị trường sức lao động. Chính điều này mới là thực trạng cần phải có giải pháp cấp bách.

Doanh nghiệp nào trong nền kinh tế thị trường muốn hoạt động tốt phải có sẵn một thị trường cung ứng sức lao động ở mức cao hơn so với nhu cầu và luôn trong trạng thái sẵn sàng để sử dụng. Đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước đa phần là nhỏ, ít vốn thì sự bất cập của thị trường sức lao động lại càng tạo nên những khó khăn mà để khắc phục nó là không dễ dàng.

Cuối cùng là về vai trò của Nhà nước đối với phát triển KTTN. Một nhà nước quản lý tốt có thể đạt đến mức chống thất thu thuế và trừng trị các hành vi vi phạm luật của công dân và doanh nghiệp. Nhưng như vậy mới chỉ phù hợp với điều kiện bình thường chứ không phù hợp với nền kinh tế thị trường đang cần gia tăng tốc độ phát triển.

Nhà nước “kiến tạo” các cơ hội phát triển là mô hình ưu việt hơn. Kiểu nhà nước như vậy mới có thể tạo mọi điều kiện để các loại hình doanh nghiệp phát huy tốt nhất tiềm năng của nó.

Tạo mọi cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp. Xét cho cùng, đó cũng chính là thực hiện tối ưu nhất vai trò kinh tế của Nhà nước.

Về chức năng quản lý cũng cần có sự đổi mới hơn nữa, cho tới nay thực tiễn thế giới đã chứng minh rằng, không có phương thức nào tốt hơn trong xử lý vấn đề về mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường bằng phương thức: “Thị trường ở khắp mọi nơi, nhà nước ở những nơi cần thiết”. Với một nhà nước như thế, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ KTTN trở thành động lực phát triển của nền kinh tế nước ta.

________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.83.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

(3), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 107-108, 108.

(4) Tính theo số liệu trên Website: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb Chính trị, Mátxcơva, 1978, tr.402 (Tiếng Nga).

 

 PGS., TS. Nguyễn Khắc Thanh Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hà Nội chính thức tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2

(ĐCSVN) - Ngày 27/9/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website