Một số điểm mới của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 11-NQ/TW NGÀY 3/6/2017

HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XII)

VỀ "HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA"

 

Ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấu trúc của Nghị quyết gồm 4 phần: Tình hình và nguyên nhân; quan điểm chỉ đạo và mục tiêu; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tổ chức thực hiện.

Để phục vụ công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì,  phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương biên soạn, phát hành tài liệu: Một số điểm mới của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Cụ thể, một số điểm mới như sau:

1. Về quan điểm chỉ đạo: Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) và Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa X) đều đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, có thể nói Nghị quyết TW5 khóa XII đã thể hiện một tầm nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn và nội hàm, quy luật, bước đi, lộ trình của quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN; quan điểm chỉ đạo cũng mạnh mẽ hơn, nhấn mạnh hơn yêu cầu hoàn thiện thể chế đối với đổi mới và phát triển kinh tế đất nước; xác định rõ hơn định hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay và xác định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.  

5 quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII), đó là: 1) Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 2) Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Bảo đảm tính đồng bộ giữa các bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế. Gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 3) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình phát triển liên tục; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 4) Hoàn thiện thể chế kinh tế đi đôi với hoàn thiện thể chế chính trị mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và cán bộ. Có bước đi phù hợp, vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện. Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. 5) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Về mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát:  Kế thừa những quan điểm quan trọng của các Nghị quyết Đảng trước đó về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) xác định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Hai nội dung được nhấn mạnh trong mục tiêu đó là vận hành thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và vấn đề huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

b. Về mục tiêu cụ thể: Trong bối cảnh ra đời Nghị quyết 21-NQ/TW (khóa X), mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lúc đó đặt ra rất cấp thiết. Với Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) các yêu cầu về sự đồng bộ hơn trong hệ thống thể chế, đáp ứng các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường …là những nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) xác định, đólà: “Phấn đấu hoàn thiện một bước đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Cơ bản bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững. Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Mục tiêu đến năm 2030, đó là:Hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

3. Về nhiệm vụ, giải pháp

a. Về thống nhất nhận thức: Nhất quán tinh thần Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) đã khái quát làm rõ hơn một bước nội hàm hiện đại và hội nhập quốc tế, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta, đó là: “Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.

Kế thừa quan điểm Đại hội XII của Đảng về vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) tiếp tục xác định:“kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) đã xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; nguyên tắc huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội, theo đó: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.

b. Về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa X) đề xuất 5 nhóm chủ trương, giải pháp với 27 giải pháp cụ thể. Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với 44 giải pháp cụ thể; 5 nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện:

- 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII), đó là: 1) Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. 3) Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. 4) Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 5) Hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. 6) Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Trong 44 giải pháp cụ thể, có một số giải pháp mới, nổi bật, như:

+ Có giải pháp về hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có giải pháp về hoàn thiện thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế (những giải pháp này không có trong Nghị quyết số 21-NQ/TW).

+ Về hoàn thiện thể chế sở hữu, Nghị quyết số 11-NQ/TW đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện pháp luật về đổi mới quản lý, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các loại tài sản công, nhất là tài sản và vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.

+ Về hoàn thiện thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, bên cạnh tiếp tục nhấn mạnh hoàn thiện các thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, Nghị quyết số 11-NQ/TW còn yêu cầu xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

+ Về thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, Nghị quyết số 11-NQ/TW đề xuất các giải pháp cụ thể phát triển và hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất, chú trọng hoàn thiện pháp luật hỗ trợ và thúc đẩy cơ cấu lại thị trường tài chính. Hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản, nhất là về đất đai, bất động sản. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường quyền sử dụng đất. Xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, thoả thuận mua bán trên thị trường; áp dụng phổ biến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thông qua các tổ chức thẩm định giá độc lập, chuyên nghiệp. Rà soát, điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất phù hợp với thị trường ở từng địa phương. Tăng cường áp dụng phương thức cho thuê đất.

+ Về nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 11-NQ/TW đã nhấn mạnh phải “Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Tăng cường lãnh đạo việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng về kinh tế - xã hội. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Đảng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; kịp thời phát hiện và giải quyết đúng đắn những vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp về kinh tế - xã hội của đất nước”.

+ Về nâng cao năng lực, vai trò xây dựng và thực hiện thể chế của Nhà nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW đã chỉ rõ: “Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế; thực hiện đúng đắn và đầy đủ chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Điều hành nền kinh tế không chỉ bảo đảm mục tiêu ngắn hạn mà còn hướng tới thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là dự báo chiến lược. Đổi mới căn bản và toàn diện công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và tài chính công thực sự theo cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng "xin - cho", chủ quan, duy ý chí. Đổi mới công tác thống kê phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và thực thi pháp luật..”

+ Về phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, Nghị quyết số 11-NQ/TW đã chỉ rõ: “Thể chế hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Bảo đảm mọi người đều được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội và điều kiện phát triển, được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển”.

- So với Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa X), xuất phát từ quan điểm coi xây dựng và hoàn thiện thế chế là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Nghị quyết số 11-NQ/TW (khóa XII) đã đề xuất 5 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đây có thể coi là những giải pháp đột phá của Nghị quyết TW5 khóa XII hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Đó là: 1) Hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh. 2) Hoàn thiện thể chế về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên cơ sở đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Xây dựng thể chế làm căn cứ xử lý dứt điểm, hiệu quả các tồn tại, yếu kém đã tích tụ trong nền kinh tế nhiều năm qua, đặc biệt là việc xử lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư công không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. 3) Hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách của Nhà nước. 5) Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị.

 

 BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

 

                                                          

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website