Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh

Ngay từ Ðại hội VI, Ðảng ta đã chủ trương "phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần". Qua mỗi kỳ Ðại hội, chủ trương đó lại được đánh giá khẳng định lại và bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa hơn. 

Ðến Ðại hội X lần này, Ðảng ta đã rút ra bài học: "Ðiều có ý nghĩa quyết định là phải có chính sách phù hợp để phát huy tối đa khả năng về vật chất, trí tuệ và tinh thần của mọi người dân, của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân - một nguồn lực giàu tiềm năng của dân tộc ta - để góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội". 

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Ðại hội đã chỉ rõ: Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở ba chế độ sở hữu ( toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ÐTNN). Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Ðồng thời, Ðại hội cũng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể; phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân; thu hút mạnh nguồn lực của các nhà ÐTNN.... 

Kết quả tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới là cơ sở khoa học, bảo đảm cho tính đúng đắn và khả thi cao của những chủ trương, đường lối nêu trên của Ðảng. Về mặt lý luận, cũng như bất cứ nền kinh tế thị trường nào khác, để hình thành và phát triển, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta cần phải có điều kiện tiền đề của sản xuất hàng hóa; đó là đa dạng hóa về sở hữu, có thị trường mà ở đó có nhiều hàng hóa đa dạng phong phú, có cung lớn, cầu nhiều, có lắm người bán, có nhiều người mua, và việc sản xuất, trao đổi hàng hóa phải được thuận lợi, tự do, bình đẳng theo quy định của pháp luật và phù hợp các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường. 



Về thực tiễn, sự phát triển đa dạng và đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của các thành phần kinh tế những năm qua, đặc biệt trong năm năm 2001 - 2005 chính là thắng lợi đầy sức thuyết phục của đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần. Từ chỗ chỉ có hai thành phần kinh tế là nhà nước và tập thể với hai hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hợp tác xã (HTX) kiểu cũ, đến nay, nền kinh tế nước ta đã bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn ÐTNN với nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh rất đa dạng, phong phú cả về quy mô, trình độ lẫn quan hệ sản xuất. Mỗi thành phần kinh tế và loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với những đối tượng, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, cùng phát triển và đều góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát huy mọi nguồn lực trong nước cũng như ngoài nước làm nên một nền kinh tế Việt Nam sống động, có tốc độ tăng trưởng cao, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật. 

Kinh tế nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục được đổi mới và phát huy vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, bảo đảm tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Trong giai đoạn 2001 - 2005, kinh tế nhà nước luôn chiếm tỷ trọng và có tốc độ tăng trưởng cao trong cơ cấu và tốc độ tăng trưởng được tính theo thành phần kinh tế. Mức đóng góp của kinh tế nhà nước trong tổng GDP hằng năm luôn ở mức trên 38%, trong đó có khoảng 8% là của các đơn vị hành chính, sự nghiệp dịch vụ công, còn lại là của DNNN. Con số cụ thể qua các năm từ 2001 đến 2005 tương ứng là: 34,40; 38,38; 39,08; 39,10; và 38,42. Tốc độ tăng GDP của kinh tế nhà nước trung bình trong năm năm 2001-2005 đạt mức 7,46%, tuy có thấp hơn chút ít tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế cùng kỳ (7,51%) nhưng vẫn là thành tích đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh đang trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại và đảm nhiệm vai trò bảo đảm cung cấp và bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như điện, nước, xăng, dầu... 

Ðồng thời với việc khẳng định vai trò vị trí và ghi nhận những kết quả bước đầu đáng khích lệ như vừa nêu của kinh tế nhà nước, Ðại hội cũng đã chỉ ra những yếu kém, những vấn đề và định hướng chính sách biện pháp đã và sẽ triển khai để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế này. Tuy đã giảm từ 59,8% năm 2001 xuống còn 51,5% năm 2005 nhưng nguồn vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước, vốn đầu tư của DNNN luôn là nguồn lớn nhất, song chưa được sử dụng có hiệu quả, chưa có đóng góp tương xứng cho tăng trưởng và tạo việc làm. Số lượng công ty nhà nước theo Luật DNNN năm 2003 đã giảm đáng kể trong quá trình cải cách DNNN, xuống còn 2.663, trong đó có 740 doanh nghiệp thuộc 101 tổng công ty và 5 tập đoàn kinh tế (mới được thành lập). Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều so với các nước và quan trọng hơn là vẫn giữ khoảng 90% tổng vốn nhà nước có trong các DNNN. 

Ðến nay, đã có hơn 100 DNNN được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, 52 tổng công ty và công ty nhà nước đã được tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ - công ty con, 2.935 công ty cổ phần được hình thành trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có 35% trong số đó Nhà nước vẫn giữ hơn 50% vốn điều lệ; nhưng nhìn chung, quá trình sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN vẫn còn chậm và chưa đạt mục tiêu yêu cầu đã đề ra. Tổ chức hoạt động của các công ty nhà nước và sự quản lý nhà nước đối với chúng với tư cách chủ sở hữu cũng như cơ quan hành chính công quyền vẫn theo quy định của luật DNNN năm 2003 còn nhiều điểm chưa phù hợp kinh tế thị trường. 

Vai trò và hiệu quả của DNNN vẫn chưa được phát huy, nâng cao tương xứng với kỳ vọng và mức độ đầu tư của Nhà nước. Chính vì vậy, Ðại hội đã chỉ rõ: "Khẩn trương hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN theo hướng hình thành loại hình công ty nhà nước đa sở hữu, chủ yếu là các công ty cổ phần... Ðẩy mạnh và mở rộng diện cổ phần hóa DNNN... Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với các tổng công ty, công ty cổ phần hoạt động trong những ngành, những lĩnh vực thiết yếu, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ giữ 100% vốn nhà nước trong các doanh nghiệp hoạt động bảo đảm an ninh, quốc phòng và những doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích thiết yếu mà chưa cổ phần hóa được... 

Ðặt các doanh nghiệp có vốn nhà nước vào môi trường hợp tác cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác... xác định rõ quyền tài sản, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp... Thực hiện cơ chế Nhà nước đầu tư vốn cho doanh nghiệp thông qua công ty đầu tư tài chính nhà nước... Ðổi mới tổ chức và quy chế thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN... Quy định rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước và của đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. 

Có thể nói Nghị quyết Ðại hội X đã đổi mới toàn diện DNNN từ khái niệm, phạm vi, hình thức tổ chức và cơ chế, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đến nội dung và phương thức quản lý nhà nước và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Theo Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, DNNN bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước hơn 50% vốn điều lệ. Tất cả đều được tổ chức, hoạt động hợp tác cạnh tranh bình đẳng theo một mặt bằng pháp lý và điều kiện đầu tư chung được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư 2005 và pháp luật liên quan. 

Trong vòng bốn năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, tất cả các công ty, tổng công ty nhà nước đều phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. DNNN sẽ được sắp xếp, đổi mới, phát triển để nâng cao hiệu quả không những của từng DNNN mà còn nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò định hướng và điều tiết của kinh tế nhà nước, tập trung nguồn vốn có hạn của Nhà nước vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng cho nền kinh tế và đất nước. 

Hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) trước nay vẫn được xem là những hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu của kinh tế tập thể, không chỉ từng phát huy vai trò quan trọng trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở nước ta mà đã và sẽ tiếp tục có vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi vẫn chiếm hơn 70% dân số. Trước những bất cập của mô hình HTX và THT trong điều kiện kinh tế thị trường, Ðảng ta đã chủ trương đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức này mà Luật HTX năm 1996 và năm 2003 là kết tinh của những tư tưởng và nỗ lực đổi mới đó. 

Theo Luật HTX năm 2003: "HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính ghi trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của HTX theo quy định của pháp luật". Như vậy, HTX là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thực thụ và do đó nó mới phù hợp và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Trên cơ sở các luật về HTX và quy định của Bộ luật Dân sự về THT, hàng loạt HTX, THT kiểu cũ đã được chuyển đổi thành HTX, THT kiểu mới, đứng vững và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Ðến năm 2005, cả nước có 1.868 HTX dịch vụ làm đất, 6.253 HTX dịch vụ thủy nông, 4.510 HTX làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 4.768 HTX dịch vụ giống và hàng vạn HTX, THT sản xuất, dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp ở cả nông thôn lẫn thành thị. Năm 2005, kinh tế tập thể đã đóng góp 6,83% GDP. 

Tuy nhiên số HTX, THT kiểu mới, làm ăn có hiệu quả chưa nhiều. Tốc độ tăng GDP của khu vực kinh tế tập thể luôn thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác cũng như so với tốc độ chung của cả nước; mức bình quân trong năm năm 2001-2005 chỉ là 3,88%. Do vậy, Ðại hội X đã xác định: Tiếp tục đổi mới chính sách để khuyến khích, thúc đẩy các loại hình kinh tế tập thể với những hình thức đa dạng, tự nguyện... Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình HTX kiểu mới... để tăng cường sức hấp dẫn, tạo động lực cho kinh tế tập thể... Giải thể hoặc chuyển các HTX chỉ còn là hình thức sang các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp quy định của pháp luật. 

Thành công nổi bật nhất trong 20 năm đổi mới, phát triển đất nước chính là Ðảng đã đề ra chủ trương, đường lối, Nhà nước đã luật hóa và triển khai thực hiện thắng lợi chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Hiến pháp sửa đổi, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 1999 và Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư 2005 đã tạo đầy đủ cơ sở pháp lý và điều kiện cho người dân tự do, chủ động làm kinh tế, làm giàu cho mình và cho đất nước. Theo đó, mọi công dân có quyền đầu tư, kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ; kinh tế tư nhân được nhìn nhận, đối xử bình đẳng cả về pháp lý lẫn điều kiện sản xuất, kinh doanh so với các thành phần kinh tế khác, kể cả DNNN. 

Nhờ vậy, đến nay cả nước đã có hơn 220 nghìn doanh nghiệp tư nhân, hơn hai triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng 15 triệu hộ nông thôn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại việc làm và thu nhập cho mình và cho xã hội, tạo sức sống mới cho toàn bộ nền kinh tế. Năm 2005, kinh tế tư nhân đã đóng góp 38,86% GDP, trong đó kinh tế doanh nghiệp tư nhân đóng góp 8,91% GDP, kinh tế cá thể đóng góp 29,95% GDP. Tốc độ tăng GDP luôn cao nhất, cao hơn các thành phần kinh tế khác và bình quân chung của cả nước; mức trung bình trong năm năm 2001-2005 đạt 12,57%/năm. Cũng trong năm 2005, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đã huy động được số vốn đầu tư phát triển bằng 32,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đã tạo việc làm và thu nhập cho 37,906 triệu lao động. Rõ ràng, nếu không phát triển kinh tế tư nhân, không có đóng góp như vừa nêu của thành phần kinh tế này, thì nền kinh tế nước ta sẽ không được như hiện nay. 

Chính từ thực tế sinh động nêu trên, Ðại hội X đã khẳng định tiếp tục phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân trên cơ sở những chính sách biện pháp đã ban hành và đang tiếp tục được hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn. Ðồng thời, nhấn mạnh thêm: "Tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế về quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm". 

Ngay từ khi bắt đầu đổi mới, với việc ban hành Luật Ðầu tư nước ngoài tháng 12-1997, Ðảng và Nhà nước ta đã coi trọng nguồn lực của các nhà ÐTNN. Trong các văn kiện của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như trong thực tế cuộc sống, các doanh nghiệp có vốn ÐTNN đã được xác định và cũng đã thật sự trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2005, kinh tế có vốn ÐTNN đóng góp 15,89% GDP, huy động 16,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đem lại việc làm và thu nhập cho 676 nghìn lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp có vốn ÐTNN. Trong năm năm qua, kinh tế có vốn ÐTNN luôn giữ được nhịp tăng trưởng GDP cao, chỉ sau kinh tế tư nhân trong nước, đạt mức trung bình 9,92%/năm. 

Trước bối cảnh cạnh tranh thu hút ÐTNN ngày càng gay gắt trên thế giới, nhất là trong khu vực, Ðại hội X đã tiếp tục khẳng định vai trò vị trí của ÐTNN, đồng thời nêu rõ định hướng chính sách biện pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút mạnh hơn nguồn lực của các nhà ÐTNN. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2006, tức là từ khi Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư 2005 có hiệu lực, các doanh nghiệp có vốn ÐTNN cũng như doanh nghiệp trong nước được chủ động lựa chọn một trong bốn hình thức công ty (trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân), thay vì chỉ được thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn theo từng dự án đầu tư với nhiều quy định hạn chế đặc thù, trái với thông lệ quốc tế. Tuy vẫn bị hạn chế hơn so với nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước khi gia nhập thị trường ở một số ít ngành, lĩnh vực và địa bàn như ở nhiều nước khác, song hiện nay, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn ÐTNN cũng đã có quyền chủ động đầu tư, kinh doanh trong tất cả những lĩnh vực, ngành nghề pháp luật không cấm, phù hợp các cam kết quốc tế; được bảo đảm, ưu đãi đầu tư và đối xử bình đẳng trong kinh doanh, đầu tư như các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam. 

Tóm lại, Ðại hội X đã tiếp tục khẳng định và bổ sung hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, mọi thành phần kinh tế đều được coi trọng, được bảo hộ, khuyến khích, tự do phát triển và được đối xử bình đẳng theo quy định của pháp luật. Nhiều loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh đã, sẽ và tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi hình thành và đi vào hoạt động phù hợp từng loại đối tượng và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. 

Trong môi trường hợp tác và cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh đó, Nhà nước, một mặt phải làm tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển; mặt khác phải làm tốt chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản của toàn dân đầu tư, kinh doanh trong các tổ chức sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, trước hết là DNNN để phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vị trí then chốt của DNNN trong một số ít ngành, lĩnh vực và địa bàn trọng yếu. Với tất cả những gì vừa trình bày trên đây, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự đúng đắn và thành công của chính sách phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh do Ðại hội X của Ðảng đề ra. 

Theo TS Ðinh Văn Ân, Báo Nhân dân ngày 04-7-2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website