Nắm bắt cơ hội, vượt thách thức, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển

20 năm qua là một trong những thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội rực rỡ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta. Sau 20 năm đổi mới, đất nước ta thay da đổi thịt, dân tộc ta có cuộc đổi đời sâu sắc, con người Việt Nam ta có bước phát triển quan trọng. Trước đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của nước ta dưới 200 USD, nay tăng gấp hơn ba lần. Ngày nay, kim ngạch xuất khẩu trong tám ngày bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm trước đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 giảm gần ba lần so với năm 1993, đạt trước 10 năm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra. 

Tổ chức quốc tế PEW thực hiện dự án Thái độ toàn cầu đã xếp Việt Nam trong số những nước lạc quan nhất thế giới khi đa số người Việt Nam được hỏi tỏ hài lòng với những điều đang diễn ra trên đất nước, 92% số người cho rằng tình hình kinh tế là tốt, 98% cho rằng thương mại quốc tế tăng lên cũng là tốt. Mới đây, Giáo sư kinh tế JOMO K.S là Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về kinh tế Phát triển, tuyên bố tại Hội thảo bàn tròn cấp cao lần thứ tư “Tổng kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam” ngày 15/6/2006 ở Hà Nội: "Tôi thật sự tin rằng những bài học của Việt Nam trong tái thiết và phục hưng mạnh mẽ nền kinh tế đã vươn xa ngoài biên giới Việt Nam và vươn ra cả bên ngoài khu vực Ðông Á". 

Tuy vậy, sau khi khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã nhận định nước ta vẫn còn ở trong "tình trạng kém phát triển". Tình trạng nước kém phát triển thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây: 

Một là, thu nhập bình quân đầu người thấp. 

Theo trình độ phát triển, Liên hợp quốc xếp các nước trên thế giới thành ba nhóm nước khác nhau dựa vào hai tiêu chí là mức thu nhập bình quân đầu người và trình độ phát triển xã hội: 

Nhóm các nước chậm phát triển là những nước thu nhập bình quân đầu người dưới 400 USD. Nhóm các nước đang phát triển chia thành các loại: nước đang phát triển có thu nhập thấp với thu nhập bình quân đầu người dưới 900 USD; nước đang phát triển có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người từ 900 đến 9.385 USD; nước đang phát triển có thu nhập cao trên 9.385 USD. Nhóm các nước phát triển, ngoài mức thu nhập bình quân đầu người trên 9.385 USD, còn phải đạt các tiêu chí về phát triển công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng viện trợ nước ngoài. 

Nước ta thuộc nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp, với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là khoảng 640 USD, bằng khoảng hơn một phần ba của Thái Lan và khoảng một phần sáu của Malaysia. 

Hai là, chỉ số phát triển con người thấp. 

Chỉ số phát triển con người (viết tắt tiếng Anh là HDI) gồm các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, trình độ giáo dục và tuổi thọ. Theo quy ước quốc tế, chỉ số phát triển con người mang giá trị từ 0 đến 1. Năm 2003, chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 108 trong số 177 nước trên thế giới. 

Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội kém phát triển. 

Ðó là tình trạng thiếu thốn, yếu kém, không đồng bộ về: hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển, đường không; hệ thống sân bay, cảng biển, cảng sông, cầu cống, nhà ga, bến xe; hệ thống công trình thủy lợi, cung cấp điện nước và thoát nước; hệ thống bưu chính viễn thông, dịch vụ internet, thông tin liên lạc quốc gia và quốc tế; hệ thống đô thị với kết cấu hạ tầng đô thị hoàn chỉnh; hệ thống bảo vệ môi trường; hệ thống cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao; hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nước ta hiện nay chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. 

Tình trạng kém phát triển của nước ta một phần do những yếu kém của chính chúng ta, nhưng không thể không nói đến do hậu quả nặng nề, lâu dài của mấy thập kỷ chiến tranh ác liệt và liên tục, do bị bao vây, cấm vận và bị cô lập với thế giới trong nhiều năm, làm chậm bước phát triển của nước ta. Ðiều đó càng thôi thúc nhân dân ta vươn lên mạnh mẽ hơn, tăng tốc phát triển để đuổi kịp bước tiến của thế giới. 

Vì vậy, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đề ra mục tiêu năm năm tới (2006 - 2010) của toàn Ðảng, toàn dân ta là: 

"Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". 

Ðại hội X nêu "sớm" là hàm ý phải đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Ðây là nguyện vọng thiết tha, là đòi hỏi bức xúc của nhân dân ta. Nếu trong 5 năm 2006 - 2010, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5 - 8%/năm hoặc cao hơn thì đến năm 2009 nước ta sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 950 USD và lúc đó sẽ ra khỏi "nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp"; sẽ thuộc nhóm nước được xếp thứ hạng trung bình thế giới về chỉ số phát triển con người và có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ theo hướng hiện đại. 

Ðấy là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, cần đến những cố gắng lớn lao của toàn thể nhân dân và của toàn bộ hệ thống chính trị. 

Nhận rõ cơ hội và thách thức 

Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã chỉ rõ: 

"Những năm tới, đất nước ta có cơ hội lớn để tiến lên, tuy khó khăn còn nhiều". 

Thế và lực của nước ta vững mạnh lên nhiều sau 20 năm đổi mới. Kinh tế đang trên đà tăng trưởng khá nhanh. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xây dựng bước đầu. Hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại có bước tiến mới rất quan trọng. Cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường đáng kể. Khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế được nâng lên. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. 

Con người là vốn quý báu nhất. Khả năng và tiềm lực con người Việt Nam rất to lớn, với sức lao động dồi dào, lớp trẻ chiếm tỷ lệ cao, thông minh, hiếu học, năng động và sáng tạo, hăng say và đồng tâm nhất trí thực hiện công cuộc đổi mới, lạc quan, tin tưởng; có tinh thần yêu nước nồng nàn, có thái độ hữu nghị, cởi mở, hợp tác với nhân dân thế giới. Dân trí ngày càng được nâng lên. Toàn dân và các doanh nghiệp đã được trải nghiệm và rèn luyện trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính trị - xã hội nước ta ổn định. Ðộc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia được giữ vững. 

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, phát triển mạnh chưa từng thấy theo chiều sâu, tác động rộng lớn đến cơ cấu và sự phát triển kinh tế thế giới, mở ra triển vọng tốt đẹp cho mọi nền kinh tế. Nhân loại chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi và khó tưởng tượng nổi như ngày nay, cho phép các nước lạc hậu, nghèo đói, đi sau có thể bứt phá đi lên giàu có, hiện đại, nếu có nội lực, có ý thức và có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có quan hệ ngoại giao chính thức và có quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với tất cả các nước lớn trên thế giới, với các trung tâm kinh tế - tài chính - tiền tệ lớn quốc tế. Hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại tất cả các thị trường quan trọng nhất của hành tinh. Việt Nam có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế, nhất là ở khu vực Ðông - Nam Á. Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo thành một sức mạnh tổng hợp vĩ đại. 

Ðấy là cơ hội lớn cho dân tộc ta tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tuy nhiên, nhân dân ta đang đứng trước những thách thức lớn. 

Các đại hội gần đây của Ðảng nêu "bốn nguy cơ" là hàm ý chỉ ra những thách thức, những vấn đề nếu không được giải quyết tốt thì có thể đe dọa sự sống còn của chế độ. Có ý kiến cho rằng, sự tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước và nạn tham nhũng nay không còn là nguy cơ mà đã là một thực tế rõ ràng. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nguy cơ mới. Ðể tránh gây tranh cãi về thế nào là nguy cơ và có mấy nguy cơ, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng không dùng cụm từ "bốn nguy cơ" mà nêu thẳng nội dung các thách thức đối với nhân dân ta. 

Ðấy là tình trạng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tình trạng suy thoái nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục; tình trạng các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện những âm mưu hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Những thách thức trên đan xen nhau, tác động lẫn nhau và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. 

Ðối với nước ta, cơ hội và thách thức đều lớn. Ðánh giá quá cao cơ hội dễ sinh chủ quan, nóng vội; nhấn mạnh quá đáng thách thức dễ sinh do dự, bi quan. Cơ hội đan xen thách thức. Ðể mất và bỏ lỡ cơ hội thì chậm trễ, thua thiệt, tạo ra thách thức mới hoặc làm cho thách thức sẵn có gay gắt hơn. Tận dụng được cơ hội và chủ động tạo cơ hội thì thành công và càng hạn chế thách thức. Bối cảnh trong nước và thế giới ngày nay đang đặt chúng ta trước cơ hội nghìn năm có một để phát triển vượt bậc, cuộc sống của mọi người dân tốt đẹp hơn, tuy khó khăn còn nhiều. Cơ hội không tự nó biến ngay thành thắng lợi mà còn phải nhờ đến tác động của con người, trí tuệ, năng lực và những quyết sách đúng đắn, kịp thời. 

Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã chỉ rõ: "Ðòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn". 

Ý chí dân tộc và hào khí đổi mới, phát triển 

Tinh thần nổi bật của Nghị quyết Ðại hội X là tăng tốc độ đổi mới và phát triển. Thời gian là vàng bạc. Cơ hội và mục tiêu phát triển đòi hỏi đi nhanh. 

Ðể phát triển nhanh và bền vững, trước hết, vẫn cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, có cách nhìn mới về các vấn đề trong nước và thế giới, cách nghĩ mới, cách làm mới theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, khắc phục tư tưởng bảo thủ, giáo điều, trì trệ, ỷ lại. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực và của nền kinh tế là một yêu cầu cấp bách. Với tinh thần khẩn trương hơn, chúng ta giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực; chuyển mạnh sang kinh tế thị trường, hoàn thiện các loại thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

Cần có bước đột phá về phát triển con người cả về thể chất, trí tuệ, tay nghề và văn hóa, lối sống; về phát huy mạnh mẽ dân chủ để từng người dân thật sự làm chủ đất nước, đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; về tạo cơ hội cho mọi người phát huy khả năng vì lợi ích của mình và của đất nước. Ðiều đó đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và nâng cao chất lượng hơn nữa giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ để nhanh chóng thu hẹp sự thua kém về trình độ phát triển của nước ta so với nhiều nước trong khu vực. Nhân dân là nguồn lực to lớn nhất, quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới và phát triển ở nước ta. 

Ðổi mới hệ thống chính trị, cải cách hệ thống hành chính nhanh hơn, mạnh hơn, phòng, chống tham nhũng quan liêu, lãng phí kiên quyết hơn, mọi người, không phân biệt địa vị xã hội, tuân thủ triệt để pháp luật, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong toàn xã hội cũng góp phần tăng tốc độ phát triển. 

Sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định bảo đảm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhận rõ trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã nêu quyết tâm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Và Ðảng đã nêu lên hàng đầu nhiệm vụ then chốt, bức bách, có ý nghĩa sống còn đối với Ðảng những năm tới là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Ðảng. Ðấy là nâng cao năng lực đổi mới tư duy lý luận, năng lực xây dựng và hoạch định đường lối, chính sách đúng đắn; năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện, xử lý và ứng phó có hiệu quả đối với các tình huống phức tạp, bất trắc nảy sinh, tổng kết lý luận - thực tiễn, tạo thống nhất nhận thức và hành động trong Ðảng; năng lực lãnh đạo hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; năng lực xây dựng được đội ngũ cán bộ cho toàn bộ hệ thống chính trị có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ðấy là làm cho cán bộ, đảng viên và toàn Ðảng có ý chí phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái trong Ðảng và trong xã hội; bảo vệ lý tưởng, đường lối, quan điểm của Ðảng. 

Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, vươn lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã xác định là khát vọng cháy bỏng và là ý chí dân tộc của mọi người Việt Nam đang đi tới trong hào khí đổi mới và phát triển. 

Theo Hồng Hà Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, báo Nhân dân ngày 27-6-2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website