Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 29-6 đến 4-7-2009, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) đã họp Hội nghị lần thứ mười, thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng để chuẩn bị Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Ðồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận về Ðề cương chi tiết Báo cáo tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); Ðề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; định hướng chuẩn bị Ðại hội XI của Ðảng và đại hội đảng các cấp; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Ðại hội XI và một số vấn đề quan trọng khác.

1- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Ðại hội VII của Ðảng thông qua năm 1991 có giá trị to lớn cả về lý luận, chính trị, tư tưởng và chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Ðông Âu sụp đổ, nhiều đảng cộng sản bế tắc, mất phương hướng, các thế lực thù địch tiến công quyết liệt; ở trong nước, kinh tế - xã hội khủng hoảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động niềm tin, Cương lĩnh năm 1991 và các nghị quyết tiếp sau của Ðảng theo tinh thần Cương lĩnh đã định hướng cho toàn Ðảng, toàn dân vững bước đi lên giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò lãnh đạo của Ðảng. Từ sau Ðại hội VII đến nay, Ðảng ta đã có những bổ sung, phát triển nhận thức trên nhiều vấn đề của Cương lĩnh. Ðã từng bước hình thành được trên những nét cơ bản một hệ thống quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề này. Tuy nhiên, do tình hình thế giới và trong nước những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX và nhận thức ở thời điểm đó, một số vấn đề trong Cương lĩnh năm 1991 đến nay cần được bổ sung, phát triển. Ngày nay, tình hình thế giới và trong nước đã và đang có nhiều biến đổi to lớn, sâu sắc, xuất hiện nhiều vấn đề mới cần được giải đáp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ðại hội X đã quyết định "Sau Ðại hội X, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội".

Việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 được thực hiện theo tinh thần tiếp tục đổi mới, bám sát thực tiễn của đất nước và thời đại, kế thừa những nội dung vẫn còn nguyên giá trị của Cương lĩnh năm 1991; bổ sung những vấn đề đã được các Ðại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (từ khóa VII đến nay) kết luận, những nội dung đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng; sửa chữa, bổ sung hoặc viết lại những điểm trong Cương lĩnh đến nay không còn phù hợp. Cương lĩnh là tuyên ngôn chính trị của Ðảng, mang tầm định hướng chiến lược về con đường phát triển của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là ngọn cờ chiến đấu của Ðảng và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho mọi hoạt động của chúng ta hiện nay cũng như trong những thập kỷ tới. Do đó, Cương lĩnh phải nêu được những quan điểm cơ bản về xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta cần xây dựng; chỉ ra mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và đến giữa thế kỷ XXI; đề ra những quan điểm, đường lối và định hướng lớn để thực hiện các mục tiêu đó. Cương lĩnh phải có tầm khái quát cao, không đi vào những nội dung quá chi tiết và cụ thể.

Qua thảo luận, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí với nhiều nội dung trong Ðề cương chi tiết, cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, các nội dung cơ bản như: Tổng quát quá trình cách mạng Việt Nam; giá trị to lớn và một số hạn chế của Cương lĩnh năm 1991; quá trình phát triển nhận thức và tổ chức thực hiện Cương lĩnh năm 1991 trong gần 20 năm qua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị; những bài học kinh nghiệm; những quan điểm lớn làm cơ sở cho bổ sung, phát triển Cương lĩnh trên các vấn đề: Tình hình thế giới, những đặc điểm, xu thế lớn của thời đại; về thời kỳ quá độ và đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng; những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ và đến giữa thế kỷ XXI; định hướng lớn về phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; định hướng lớn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường; định hướng lớn về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; về Ðảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng Ðảng.

Trên một số vấn đề, trong quá trình thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau hoặc cần được làm rõ, Ban Chấp hành Trung ương quyết định giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc trình Ban Chấp hành Trung ương thảo luận trong các hội nghị tới.

2 - Về Ðề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu từ những tháng cuối năm 2007, sự chống phá của các thế lực thù địch, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra; nhiều yếu kém trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chậm được khắc phục, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Ðảng, toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: Tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển; nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược đã được thực hiện; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành; văn hóa, xã hội đạt được những kết quả nhất định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, một số mặt đạt trình độ của các nước phát triển trung bình; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng và đạt được nhiều kết quả; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có một số mặt chuyển biến tích cực; môi trường sống được quan tâm và có mặt được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí có kết quả bước đầu; quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước. Bên cạnh thành tựu và ưu điểm, Ban Chấp hành Trung ương cũng thảo luận làm rõ những mặt hạn chế, yếu kém: Những kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng phát triển chậm, thiếu đồng bộ đang cản trở sự phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển; văn hóa, xã hội nhiều mặt còn hạn chế, một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém, là thách thức lớn trong quá trình phát triển; quản lý và điều hành của Nhà nước còn nhiều bất cập. Những hạn chế, yếu kém này do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và nhất trí với nhiều nội dung trong Ðề cương chi tiết: Về bối cảnh tình hình quốc tế và đất nước trong những năm tới, về quan điểm, mục tiêu chiến lược và những khâu đột phá, về định hướng phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển hài hòa, bền vững các vùng và đô thị, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực, hiệu quả, đủ sức quản lý, điều hành thực hiện thắng lợi Chiến lược.

Trong quá trình thảo luận, trên một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau hoặc cần được làm rõ, Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương thảo luận trong các hội nghị tiếp theo.

3 - Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định về định hướng chuẩn bị Ðại hội XI của Ðảng và đại hội đảng các cấp, phân tích bối cảnh Ðại hội XI, xác định yêu cầu đặt ra đối với Ðại hội XI và việc chuẩn bị các văn kiện phải trên tinh thần tranh thủ tận dụng tốt nhất mặt thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Ðại hội XI một cách tích cực, vững chắc, tạo thuận lợi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của các giai đoạn tiếp theo sẽ được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới có đủ trí tuệ, phẩm chất để kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ trước, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI. Ðồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009, 2010, cố gắng phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội X đã đề ra.

Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến định hướng về chủ đề Ðại hội XI và các vấn đề trọng tâm cần đề cập trong các văn kiện, nhất là trong Báo cáo chính trị là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, gắn với thực hiện có chiều sâu Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo được chuyển biến về chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững; tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Chăm lo xây dựng, tạo chuyển biến đồng bộ về văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Mở rộng dân chủ, coi trọng kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển đất nước theo con đường và mục tiêu nêu trong Cương lĩnh và Chiến lược.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định các văn kiện trình Ðại hội XI gồm: Báo cáo chính trị (trong đó bao gồm cả phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và công tác xây dựng Ðảng, không trình Ðại hội báo cáo riêng về những vấn đề này); Báo cáo bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương; Báo cáo bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập 2 tiểu ban: Tiểu ban Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới (giao Tiểu ban này đồng thời làm nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị); Tiểu ban Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương quyết định bổ sung một số đồng chí từ Tiểu ban Chiến lược vào Tiểu ban Cương lĩnh, đồng thời thành lập tiếp 3 tiểu ban : Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Tổng kết thực hiện Ðiều lệ Ðảng và bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Ðại hội.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định thời gian tổ chức Ðại hội XI của Ðảng vào nửa đầu tháng 1-2011. Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) cũng thảo luận, cho ý kiến một số nội dung quan trọng khác.

Ban Chấp hành Trung ương kêu gọi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân phát huy ưu điểm, thành tựu đã đạt được trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ khóa X vừa qua; khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội X, trước mắt là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tích cực chuẩn bị cho Ðại hội XI của Ðảng và đại hội đảng các cấp, đưa đất nước tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website