Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn đảng - những vấn đề thời sự

 (ĐCSVN)-Từ một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại mới - con đường giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản. Bằng những hoạt động thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh đã bền bỉ, dẻo dai và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm con đư­ờng, biện pháp để thực hiện mục tiêu "độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi".

 

 Thành công lớn nhất của Hồ Chí Minh trong những năm 30 - 40 của thế kỷ XX là đã kịp thời tổ chức, xây dựng một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam, một lực lư­ợng tiền phong cách mạng, sát cánh cùng “quần chúng nông dân lạc hậu tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng". Hồ Chí Minh và những đóng góp của Ngư­ời trong cách mạng Việt Nam đã làm biến chuyển cả một giai đoạn lịch sử. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong 76 năm qua đã để lại những bài học lịch sử vô giá.   

 

1. Xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành tổ chức cách mạng chân chính - đại biểu cho lợi ích giai cấp, nhân dân và dân tộc

          Vận dụng một cách sáng tạo và thành công những luận điểm của  học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng: Mục đích trước mắt của những người cộng sản là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, và “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc” (1). Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam, từ năm 1927, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền” (2) và “Đảng có vững cách mệnh mới thành công” (3).

 

          Đầu năm 1930, như một tất yếu khách quan của lịch sử, đáp ứng khát vọng của phong trào cách mạng cả nước về sự cần thiết phải có “Đảng cách mạng, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi” (4), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Xây dựng một Đảng cách mạng chân chính với sứ mệnh lịch sử như vậy, Hồ Chí Minh đã tiên lượng và chuẩn bị chu đáo để Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền. Sau đó, để thực hiện được nhiệm vụ và mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, kiên định con đường đã lựa chọn: Độc lập dân tộc và CNXH.

          Cùng với việc giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong điều kiện có chính quyền. Trong điều kiện lịch sử mới, Đảng vẫn luôn là đội tiền phong của giai cấp công nhân, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, danh dự và lương tâm của cả dân tộc. Không thay đổi bản chất của Đảng, không thay đổi mục đích, lý tưởng của mình là: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại, song đã có sự thay đổi căn bản về điều kiện và phương thức hoạt động của Đảng. Trước những thử thách mới, với vị thế và quyền lực mới, Đảng cũng đồng thời đứng trước vấn đề mới, đó là làm thế nào để quyền lực cùng những đặc quyền không làm tha hoá Đảng, không làm biến chất đảng viên.

Hồ Chí Minh đã hơn một lần khẳng định rằng, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Những người cộng sản Việt Nam không một chút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là; hết lòng, hết sức phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới. Do vậy, hơn bao giờ hết Đảng cầm quyền càng phải phấn đấu, rèn luyện để trở thành một Đảng thật trong sạch vững mạnh, phải xây dựng Đảng trên cơ sở “lấy dân làm gốc”. Nhận thức được vị trí và vai trò của Đảng đối với vận mệnh của dân tộc, để Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

 

2. Thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh, luôn là bộ chỉ huy tối cao của toàn dân tộc

Sau thành công của cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản từ hoạt động bất hợp pháp chuyển sang hoạt động hợp pháp. Nhiều cán bộ, đảng viên nắm giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan công quyền của Đảng và Nhà nước. Tâm lý thời bình và vị thế mới đã khiến một số “cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm, mắc nhiều bệnh. Đó là chủ nghĩa cá nhân, là đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh nêu rõ, phải chỉnh huấn, phải chỉnh đốn lại nội bộ Đảng. Phải thông qua chỉnh đốn Đảng để tăng cường xây dựng Đảng, để cán bộ ngoài Đảng hiểu Đảng hơn, gần Đảng hơn và tin Đảng hơn trước. Cán bộ trong Đảng thì hiểu rõ hơn nhiệm vụ đối với cán bộ ngoài Đảng là phải kính trọng, gần gũi giúp đỡ, đồng thời học hỏi cán bộ ngoài Đảng.

Cũng theo Hồ Chí Minh, khi đã trở thành Đảng cầm quyền, để định ra đường lối đúng, quyết sách đúng, xây dựng thành công CNXH, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng phải thường xuyên xây dựng và tăng cường chỉnh đốn lại nội bộ. Bởi rằng, Đảng ta là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, song không phải chỉ như vậy là Đảng trở thành vĩ đại. Biện pháp khoa học nhất, hữu hiệu nhất, thường xuyên nhất để Đảng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử “bộ chỉ huy tối cao của dân tộc”, là “phải củng cố Đảng”, “chỉnh đốn lại Đảng” trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Chúng ta đều biết, ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữa bề bộn công việc, Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn Đảng, củng cố Đảng để Đảng làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Không phải ngẫu nhiên, trong bức thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 1-3-1947, Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Vẫn biết các đồng chí nói chung có nhiều ưu điểm như: nhẫn nại, chịu khó, tháo vát, nhiều sáng kiến. Đó là những tính quý báu. Nó làm căn bản cho những tính tốt khác phát triển. Nhưng trong thời kỳ khó khăn nặng nề này, chỉ những ưu điểm ấy mà thôi, cũng chưa đủ”. Do vậy, để tăng cường sứ mạnh của Đảng, Người yêu cầu: “Mong các đồng chí mang toàn bộ tinh thần cách mạng mà khắc phục các khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chỉnh công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái kháng chiến để đi đến thắng lợi vẻ vang” (6).

          Khi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của nhân dân Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, khi mà vấn đề phát triển lực lượng, tăng cường đội ngũ cán bộ, đảng viên phục vụ cho nhu cầu cuộc chiến trở nên cấp bách, thì việc số lượng đảng viên mới được bổ sung một cách ồ ạt đã không thể không làm vị lãnh tụ tối cao của dân tộc băn khoăn. Theo Người, tăng cường lực lượng là yêu cầu không thể thiếu, song vấn đề bồi dưỡng lập trường chính trị, tư tưởng và tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua những yêu cầu nghiêm ngặt của chiến tranh cho cán bộ, đảng viên cũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi rằng, tất cả các nội dung và mục tiêu của dân tộc ta đều hướng vào một đường đi, đó là kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới CNXH. Và như một tất yếu, Hồ Chí Minh lại chỉ rõ: Đảng ta thành tích nhiều nhưng khuyết điểm cũng không ít nên muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. “Vì vậy học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng” (7).

          Tiếp đến, trong các bài viết, bài nói thời kỳ này như: thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan ngày 16-6-1953, thư gửi lớp chỉnh Đảng Liên khu V 1953, bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn các cơ quan khu I, ngày 25-8-1953,…Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh: Chỉnh huấn (chỉnh đốn) Đảng là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mục đích của chỉnh Đảng là để dùi mài cán bộ và đảng viên thành những chiến sỹ xứng đáng đối với Đảng, xứng đáng là người đày tớ của nhân dân. Song không chỉ dừng lại ở đó, Hồ Chí Minh cũng đồng thời nêu rõ, để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, “sự lãnh đạo của Trung ương và của toàn Đảng cần cải tiến hơn nữa. Chúng ta cần phải ra sức sửa chữa những tư tưởng sai lầm, như tư tưởng thái bình, khuynh hữu, muốn nghỉ ngơi, hưởng lạc,v.v”. Vì thế, phải kiện toàn việc lãnh đạo (bổ sung Trung ương), kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên.

Chuẩn bị cho tổng phản công giành thắng lợi, chuẩn bị cho những trận đánh quyết định trên toàn chiến trường, vị cha già kính yêu của dân tộc lại một lần nữa khẳng định rằng: Chỉnh Đảng là việc chính mà chúng ta phải làm ngay. Và chỉnh Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư trưởng, tổ chức đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.Tuy nhiên, chiến thắng to lớn đó đã làm xuất hiện trong không ít người tâm trạng thoả mãn thời bình. Người thì do vô tình, người thì vì ý chí ươn hèn, lập trường không vững mà xa dần Đạo đức cách mạng, xa dần vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng. Phải xem trọng lại công tác chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, phải tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài Đảng để Đảng luôn mạnh khoẻ và phát triển.

Trong những năm miền Bắc tiến hành xây dựng CNXH, lại cũng chính Hồ Chí Minh đã từ những băn khoăn, trăn trở của mình, từ sự vận động và phát triển của Đảng qua mỗi bước chuyển của cách mạng, đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề chỉnh đốn Đảng và việc phải giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. P.Ăng Ghen đã từng nói,“trong bất kỳ cuộc cách mạng nào, cũng như trong bất kỳ thời gian nào, người ta không tránh khỏi làm điều ngu ngốc”, vì vậy cho dù mang bản chất  cách mạng và khoa học, nhưng cũng là một tổ chức - cho dù là tổ chức của những con người ưu tú nhất thì việc mắc sai lầm, khuyết điểm cũng là điều dễ hiểu. Vì thế , cần phải cố gắng để làm sao mắc thật ít những sai lầm và sửa chữa hết sức nhanh chóng những sai lầm đó. Thật đặc biệt song không phải ngẫu nhiên, trong bản Di chúc lịch sử để lại cho chúng ta và muôn đời con cháu mai sau, Hồ Chí Minh lại viết: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý, phục vụ nhân dân” và “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (8).

Thấm nhuần lời dạy của Lênin, có ba kẻ thù chính mà những người cộng sản chân chính của Đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh, đó là tính kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ và nạn hối lộ, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng nhất định phải dám nhìn nhận khuyết điểm, sửa chữa sai lầm, phải có sự kiểm tra chặt chẽ. Các cán bộ, đảng viên của Đảng phải đoàn kết, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để Đảng luôn là một tập thể lãnh đạo thống nhất, vững mạnh, luôn là bộ chỉ huy tối cao của toàn dân tộc. Người luôn xem đó là tiêu chuẩn của một Đảng cách mạng thật sự, nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm trước giai cấp, nhân dân và dân tộc.

3. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh – những vấn đề thời sự

Một trong những vấn đề bức xúc và cấp thiết hiện nay là phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch và vững mạnh ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Phải nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, để Đảng luôn đi tiên phong về lý luận và hoạt động thực tiễn. Đó không chỉ là nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân mà còn là yêu cầu tất yếu của lịch sử. Sự thật này sẽ tồn tại và phát triển bất chấp mọi âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù. Do vậy, ghi sâu lời căn dặn, “ lý luận tạo cho các đồng chí làm công tác thực tế, sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp của chúng ta” (9), kiên định lý tưởng cộng sản và lập trường chính trị, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) - những người cộng sản Việt Nam đã tự đổi mới. Khởi xướng và trong 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đưa đất nước ta thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng. Thực tế cho thấy, tự chỉnh đốn và tự đổi mới, Đảng ta đã tránh được những sai lầm cố hữu, tránh được những tổn thất do chủ quan duy ý chí, đưa đất nước tiến lên.

Song cũng từ chính những lời can dặn đầy tâm huyết của Hồ Chí Minh: mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải cố gắng học tập chính trị, chuyên môn, gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gương mẫu trước quần chúng, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết và chỉ thị của các cấp về vấn đề làm trong sạch đội ngũ đảng viên theo tinh thần của Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ khoá VII: “Về một số nhiệm vụ đổi mới , chỉnh đốn Đảng”, đặc biệt là Hội nghị TƯ6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, cùng với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Đảng đã “tập trung chỉ đạo qyuết liệt hơn nhiệm vụ xây dựng Đảng tương xứng với vị trí là nhiệm vụ then chốt” và nhấn mạnh nhiệm vụ “kiên quyết khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên” (10), thực hiện mối liên hệ gắn bó Đảng – Dân. Không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, Đảng đồng thời phải đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo để “xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, nâng cao uy tín và thanh danh của Đảng ta” (11).

Xác định vị trí của Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất của tổ chức cơ sở Đảng làm nên sức mạnh vô địch của Đảng,  cho nên việc coi trọng và kiện toàn các cơ sở Đảng về các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ… đề cao tinh thần phê bình và tự phê bình, để Đảng thành một lực lượng vững mạnh, đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công càng trở nên cực kỳ quan trọng.

Then chốt trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là thật thà tự phê bình và phê bình. Bởi rằng, có thường xuyên làm được như vậy, người đảng viên mới gột rửa những tư tưởng, quan điểm, hành vi sai trái với phẩm chất của của người cách mạng. Hơn nữa, phê và tự phê của người cán bộ, đảng viên chính là đấu tranh để góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, “cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Tuy nhiên vẫn chính Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình là phải thành khẩn, trung thực, kiên quyết và có văn hoá, để đó thực sự là xây dựng Đảng, là để học cái hay và tránh cái dở. Trong bối cảnh hiện tại, khi xây dựng văn hoá Đảng đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn, khi suy thoái đạo đức không còn dừng lại ở một “bộ phận” thì những điều căn dặn của Hồ Chí Minh về phê và tự phê (đặc biệt ở đội ngũ lãnh đạo cấp cao) trong Đảng, về thực hiện dân chủ, về giám sát, kiểm tra càng trở nên có ý nghĩa.

Chúng ta đều biết, sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết, thống nhất. Chúng ta càng không quên rằng: khi khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng rạn nứt thì sức chiến đấu của Đảng bị tê liệt, nguồn sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân cũng vì thế mà suy kiệt. Vì vậy, càng đầy cam go, thử thách, Đảng càng phải thống nhất ý chí, thống nhất hành động trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, càng phải có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau. Đảng phải gắn lợi ích giai cấp, dân tộc với đoàn kết quốc tế để tranh thủ nguồn sức mạnh của dân tộc và thời đại, đảm bảo đưa cách mạng đến thắng lợi.

          Sự nghiệp Đổi mới của nhân dân Việt Nam là con đường vẻ vang, tự hào song cũng đầy gian nan, thử thách. Hồ Chí Minh – Người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta đã yêu cầu Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn để tăng cường sức mạnh, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới. Với Người - đó không chỉ là nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền, đó còn là trách nhiệm của những người cộng sản Việt Nam trước lịch sử, nhân dân và dân tộc.

                               Ths. Văn Thị Thanh Mai (CTV)

                                                                           

-------------------

 

Chú thích:

1. C Mác – P Ăng Ghen, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà nội 1980, tập 1, tr565

2, 3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 2, tr280-268

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội   2002,Tập 1, tr36

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 5, tr75

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 6, tr167

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 12, tr503-497

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập3, tr86

10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị TƯ lần thứ 9 BCHTƯ khoá IX, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, tr106-107

11. Lê Khả Phiêu, Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website