(ĐCSVN)- Bệnh quan liêu mệnh lệnh mà nhiều cán bộ mắc phải, theo Hồ Chí Minh, là rất nguy hiểm. Người mắc bệnh này “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng’, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều về bệnh quan liêu và cách chữa bệnh này.
Tháng 8 năm 1956, Hồ Chí Minh viết bài Phải xem trọng ý kiến nhân dân đăng trên báo Nhân dân, trong đó Người chỉ rõ rằng quần chúng “thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình, hoặc nêu những ý kiến đề nghị thiết thực” thì “đó là một điều rất tốt”, “càng chứng tỏ chế độ ta là thực sự dân chủ”; rồi Người nhấn mạnh: “Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì, nguyên nhân của bệnh này là:
“Xa nhân dân: do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: cho là “dân ngu khu đen”, bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân: họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.
Không hiểu biết nhân dân: họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn quốc). Đối với nhân dân, không thể lý luận, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân”.
Hồ Chí Minh kết luận: “Bệnh quan liêu chỉ đưa đến một kết quả là: hỏng việc”. Cách chữa bệnh này, theo Hồ Chí Minh, “gồm có một nguyên tắc: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:
Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
Sẵn sàng học hỏi nhân dân;
Tự mình làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”.
Theo Hồ Chí Minh, trong lãnh đạo và làm việc, các bộ, nhân viên chính quyền “phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh” và phải thực hành theo 5 nguyên tắc sau đây:
“1.Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”.
“2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết… Có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
“3. … Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra đấu tranh”.
“4…. tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó ra thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân”.
“5. Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. “… việc gì cũng phải từ “dưới dội lên”.
“Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí”, mà Đảng ta cũng phát triển mau chóng, vững vàng.
Cuối năm 1963, nói chuyện tại phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, để khắc phục bệnh quan liêu, để tránh mâu thuẫn xẩy ra giữa nhân dân và chính quyền các cấp, thì giải pháp hàng đầu là cán bộ, công chức các cơ quan công quyền hay các cơ quan hành pháp, từ Chính phủ trung ương đến Uỷ ban Nhân dân các cấp, phải là công bộc, phải là đầy tớ của dân; việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì tránh; không theo đuôi dân chúng, nhưng phải học hỏi nhân dân và việc gì cũng phải bàn bạc với dân, dựa vào nhân dân và phải gương mẫu trước nhân dân.
Trung Thành