Đẩy mạnh giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên

(ĐCSVN)- Mỗi một giai cấp trong lịch sử, mỗi một dân tộc, một cộng đồng dù lớn, hay nhỏ đều có giá trị và chuẩn mực đạo đức riêng. Đạo đức thuộc phạm trù ý thức xã hội, cũng như các loại hình thái ý thức xã hội khác, nó được hình thành và phát triển trên một cơ sở kinh tế - xã hội nhất định và điều kiện lịch sử nhất định.

Đạo đức của giai cấp vô sản - đạo đức cộng sản - được hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp những người lao động, giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi áp bức, bất công. Đạo đức ấy tác động góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh đó. Lênin cho rằng đạo đức cộng sản góp phần cải tạo xã hội cũ và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Trên ý nghĩa đó đạo đức mang tính cách mạng.

Nhận thức vai trò chủ động, tích cực của đạo đức, ngay khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1927 trong tác phẩmĐường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt lên trang đầu nội dung về tư cách một người cách mệnh. Có thể coi đó là chuẩn mực đầu tiên cần có cho những ai bước vào con đường cách mạng. Tư cách ấy có 3 nhóm vấn đề: tự mình phải làm gì; đối với người phải thế nào; làm việc phải như thế nào. Trong 14 điểm tự mình phải làm gì rất đáng chú ý như: Giữ chủ nghĩa cho vững; không hiếu danh, không  kiêu ngạo; nói thì phải làm; ít lòng tham muốn về vật chất; cần kiệm; vị công vong tư ... Có ý nghĩa sâu sắc, bền vững. Nhiều thế hệ các chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản đã giữ vững khí tiết cộng sản, ý chí đấu tranh trên nền đạo đức đó.

Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước và chuẩn bị thành lập Đảng, chính Nguyễn Ái Quốc là hiện thân của những tư cách đạo đức đó. Mùa xuân năm 1930 Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đó Đảng được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và cả đạo đức mới - đạo đức cách mạng.

Với thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền ở Việt Nam. Ngay sau đó, trong bộ máy chính quyền cách mạng các cấp đã xuất hiện những tiêu cực, những căn bệnh cần phải loại trừ. Trong thư gửi chính quyền các cấp ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh như: Trái phép, Cậy thế, Hủ hoá, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Người nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”1.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vô cùng khó khăn gian khổ đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc về tu dưỡng đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm sửa đổi lối làm việc (10-1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm của một số cán bộ, đảng viên với các bệnh tham nhũng, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi địa phương chủ nghĩa, bè cánh cá nhân... Người nhấn mạnh 5 đức tính tốt cần rèn luyện đó là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đó là đạo đức cách mạng.

Sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954) và tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền đứng trước những nhiệm vụ mới mẻ, nặng nề. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng phải có trình độ học vấn và lý luận nhất là lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, hiểu biết về kinh tế, nắm bắt quy luật và đặc điểm thực tiễn. Mặt khác phải tu dưỡng đạo đức nhiều hơn để khắc phục những nguy cơ của Đảng cầm quyền. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm quan trọng: Đạo đức cách mạng. Người nêu rõ, đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”1.

Ngày 3-2-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật”2. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Làm theo Di chúc của Người, trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú trọng đổi mới, chỉnh đốn Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Quan điểm nhất quán của Đảng là coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên cả về đức và tài trong đó đức là gốc.

Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2006) nhấn mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nhằm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nội dung xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng được Đại hội đề cập toàn diện từ nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận, bản lĩnh chính trị đến đổi mới tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ, từ thực hiện tốt nhất những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng đến kiện toàn và đổi mới tổ chức hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, từ đổi mới phương thức lãnh đạo đến nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Chất lượng đội ngũ đảng viên thể hiện ở trình độ học vấn, hiểu biết lý luận, ở năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, ở khả năng, trình độ chuyên môn cao và ở phẩm chất, đạo đức tốt. Rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng trở thành yêu cầu và nội dung rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội X cũng thẳng thắn chỉ ra rằng “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ công chức diễn ra nghiêm trọng”1.

Để khắc phục tình trạng đó, đẩy mạnh công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã và đang kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tệ quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Từ ngày 1-6-2006 Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, là cơ sở pháp lý quan trọng để chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X (7-2006) đã ra nghị quyết Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trung ương Đảng nhấn mạnh quan điểm, vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Làm sao để tệ nạn tham nhũng, lãng phí bị đẩy lùi, không còn diễn ra nữa. Đó là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân. Các giải pháp cơ bản đã được đề ra. Trong các giải pháp đó, vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng và cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu sắc.

Ngày 7-11-2006 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06-CT/TƯ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Toàn Đảng thực hiện Chỉ thị đó với đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh từ ngày 3-2-2007. Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra những nội dung, tiêu chuẩn của đạo đức cách mạng để mọi đảng viên, cán bộ phấn đấu, rèn luyện, mà chính Người là hiện thân và nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là Người đã suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, là tận trung với nước, tận hiếu với dân. Độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào là mục tiêu phấn đấu của Người. Ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Một ngày mà đất nước chưa độc lập, thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Người đau nỗi đau của nhân dân, vui niềm vui và hạnh phúc của nhân dân. Yêu nước, thương dân, một lòng tận tụy vì nước, vì dân, mở lòng mình hoà vào cuộc sống của nhân dân.

Đạo đức Hồ Chí Minh là ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hiểm nguy với niềm tin vào tương lai của cách mạng, của đất nước, dân tộc, tin vào con người. Đó là một con người mà uy vũ không thể khuất phục, gian khó chẳng thể chuyển lay, vật chất không thể cám dỗ. Ở Hồ Chí Minh sáng ngời lý tưởng cộng sản, phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp, công bằng, căm ghét những gì xấu xa, hư hỏng. Người kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của mọi tiêu cực và những căn bệnh xấu, chủ nghĩa cá nhân làm tha hoá con người:

Hồ Chí Minh đã sống “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.Người là hiện thân của lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, của “muôn vàn tình thân yêu” để lại cho muôn đời con cháu. Người là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng nhưng lại vô cùng khiêm tốn, giản dị, càng vĩ đại vì giản dị. Người luôn luôn sống như một người bình thường, hoà đồng, gần gũi với nhân dân và không chấp nhận bất cứ một đặc ân, đặc quyền, đặc lợi gì cho riêng mình, không ham danh lợi, chức vụ, tiền tài. Hồ Chí Minh không có của cải, tài sản riêng và trên ngực không một tấm Huân chương, “một đời thanh bạch chẳng vàng son”.

Hồ Chí Minh là mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Suốt đời Người học tập và làm việc không mệt mỏi để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Trí tuệ Hồ Chí Minh là kết quả của sự học tập, nghị lực tự học phi thường, học từ thực tiễn, từ sách vở, từ giá trị văn hoá của dân tộc và nhân loại. Người vừa lao động vừa hoạt động cách mạng. Khi ở cương vị lãnh đạo cao nhất vẫn tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo, từng mẩu giấy, mẩu bút chì, tranh thủ từng phút, từng giờ cho công việc. Ở Hồ Chí Minh là sự công minh, chính trực, không thiên tư, thiên vị, đồng thời chứa chan tình yêu thương đối với gia đình, họ hàng, quê hương, xứ sở, một con người trung hiếu vẹn toàn.

Đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa nói và làm. Người coi trọng công việc thực tế mà nói ít. Đã nói là phải làm. Người trân trọng, khích lệ những điều tốt đẹp những gương người tốt việc tốt. Người phê phán thói ba hoa, nói suông, hứa suông mà không làm hoặc nói hay mà làm dở, nói một đằng làm một nẻo. Người kết hợp mật thiết giữa lý luận với thực tiễn, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam và luôn luôn tổng kết thực tiễn để trở thành lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên ý nghĩa đó, đạo đức đúng như Lênin nói đã góp phần cải tạo, đẩy lùi cái xấu và xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh chắc chắn làm cho Đảng ta, Nhà nước ta mạnh lên, chế độ ta và mỗi con người tốt đẹp thêm lên và tin rằng sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi thói hư, tật xấu khác làm cho công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa có thêm nhiều thành tựu mới, thực hiện thành công nguyện ước của Bác Hồ.

 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

 

1 . Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 4, tr.58.

1 . Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 9, tr.285.

2 . Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr.439.

1 . Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.65.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website