PGS, TS. Lê Doãn Tá
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì non sông đất nước ta lại sản sinh ra những anh hùng dân tộc, đáp ứng yêu cầu của lịch sử, tiêu biểu cho sự phát triển của lịch sử. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê và Tây Sơn, biết bao anh hùng do lịch sử sản sinh ra đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta. Đến thời nhà Nguyễn, vua quan đồi bại, thối nát, đầu hàng, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Nhân dân ta kẻ trước ngã, người sau đứng dậy, mưu cầu giải phóng song chưa có đường lối đúng nên cách mạng chưa thành công. Phan Bội Châu chủ trương cầu ngoại viện, dùng bạo lực để khôi phục độc lập không thành. Phan Chu Trinh muốn "ỷ Pháp cầu tiến bộ" khai thông dân trí, nâng cao dân khí để tính chuyện giải phóng lại cũng không thành. Người anh hùng Yên Thế - Hoàng Hoa Thám nổi dậy, dũng cảm trong đấu tranh chống Pháp, song "còn nặng cốt cách phong kiến", chưa có phương hướng chính xác, chưa có lối thoát rõ ràng. Cuộc nổi dậy thất bại. Con thuyền Việt Nam còn lênh đênh chưa rõ bến bờ phải đi tới.
Chính lúc đó, Nguyễn ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) đã xuất hiện. Vượt lên những hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Con đường cứu nước đúng đắn đã được tìm thấy. "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Con đường cứu nước ấy của Người đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cách mạng Việt Nam. Cách mạng Việt Nam từ đó tiến bước theo dòng thác tiến bộ của lịch sử. Sự áp bức, nô dịch các dân tộc của chủ nghĩa tư bản đế quốc nhất định sản sinh ra phong trào dân tộc, đấu tranh để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đân tộc, cho Tổ quốc. Đó là một quy luật của bản thân chủ nghĩa tư bản đế quốc Cách mạng vô sản chủ trương giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân đế quốc đồng thời với cuộc cách mạng giải phóng giai cấp vô sản khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Bởi vì "một dân tộc áp bức dân tộc khác thì, dân tộc đó không có tự do", như các nhà sáng lập của chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ rõ. Chủ trương đó của cách mạng vô sản vì thế tự thân nó đã lôi cuốn được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc hoà vào dòng thác cách mạng chung. Mặt khác, sự độc lập tự do của mỗi dân tộc lại chính là tiền đề tư tưởng cho sự thống nhất quốc tế xã hội chủ nghĩa mà các dòng thác tiến bộ lịch sử phải tiến tới để hợp lưu. Hồ Chí Minh đi theo con đường cách mạng vô sản chính là bắt nhập được quy luật ấy của lịch sử.
Một quy luật nữa của chủ nghĩa tư bản đế quốc là sự phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc. Sự quốc tế hoá đời sống kinh tế chung gắn với sự xuất khẩu tư bản, khai thác các thuộc địa. Tất nhiên gắn với nó đã từng là sự nô dịch, bạo lực, bóc lột nhân lực, vật lực, tài lực các thuộc địa mà các dân tộc phải đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc thực dân. Song về mặt khách quan mà nói, dù chỉ giới hạn trong sự quốc tế hoá đời sống kinh tế theo chiều dọc của hệ thống thuộc địa của một nước đế quốc nhất định, sự quốc tế hoá đời sấng kinh tế ấy cũng đã tạo ra tiền đề kinh tế cho sự phát triển, kể cả tạo ra giai eấp vô sản bản xứ, ở các thuộc địa, tạo tiền đề vật chất, tiền đề kinh tếcho sự thống nhất và hoà nhập quốc tế về sau này. Giai cấp vô sản chủ trương liên minh với các dân tộc bị áp bức chính là hoà theo dòng thác ấy của sự tiến bộ lịch sử. Cách mạng giải phóng dân tộc vì vậy dễ bắt nhập với xu thế của thời đại. Hồ Chí Minh đi theo con đường cách mạng vô sản chính là đã dựa trên cái cơ sở khách quan đó, đi theo quy luật của sự phát triển.
Hồ Chí Minh xuất hiện đúng vào lúc Lênin và Cách mạng tháng Mười đã vạch ra con đường giải phóng giai eấp và dân tộc nhằm giải phóng triệt để loài người khỏi sự áp bức giai cấp và dân tộc. Theo dòng thác đó của lịch sử, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam của Hồ Chí Minh đã vươn tới nhận thức đúng quy luật của lịch sử, vươn tới chân lý của thời đại là độc lập dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội kết hợp chặt chẽ với nhau. Cách mạng vô sản tuyên bố rõ mục tiêu là xây dựng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà các cuộc cách mạng của thời đại nhất định sẽ dẫn tới. Đó là một hình thái kinh tế - xã hội vượt hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Nó chủ trương giải pbóng dân tộc giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hệ tư tưởng của cuộc cách mạng ấy là đỉnh cao của sự phát triển tư tưởng của nhân loại mà cho tới nay chưa có bất cứ học thuyết nào đạt tới, ngoài học thuyết cách mạng và khoa học của Mác. Hồ Chí Minh bắt nhập tư tưởng của thời đại. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, yếu tố thời đại và bản thân thiên tài trí tuệ của Người đã tạo cho Người trở thành con người lịch sử.
Đồng chí Gớt Hôn, Tổng bí thư Đảng cộng sản Mỹ đã khẳng định: "Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử, vào lúc mà hch sử loài người đang ở bước ngoặt có tính cách mạng nhất" .
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một kho tàng mà chúng ta được thừa hưởng. Và chính cái kho tàng ấy được Người xây dựng nên từ những kho báu của nhân dân ta và của nhân loại, từ tinh hoa của dân tộc và của thời đại.
Có thể nêu lên mấy nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, như sau:
Một là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam:
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hun đúc nên bởi cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, của dân tộc ta. Tinh thần yêu nước đã trở thành đạo lý triết lý sống, niềm tự hào của con người Việt Nam. Bởi vậy, ở mỗi người dân Việt Nam gắn mình với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc thì chủ nghĩa yêu nước ấy lại nhân sức mạnh của bản thân, biến thành một sức mạnh thúc đẩy mình vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, mọi thử thách gian nan. Chính từ thực tiễn, Hồ Chí Minh đã đúc kết chân lý ấy: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, của chủ nghĩa yêu nước mang tính cộng đồng ấy, đã nhân sức mạnh của bản thân Nguyễn ái Quốc để Người có thể vượt lên mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Và anh phụ bếp Văn Ba trên chiếc tàu lênh đênh trên biển khơi sang Pháp... rồi anh Ba quét tuyết ở Luân Đôn, từ á sang Âu, từ Phi sang Mỹ; rồi Nguyễn ái Quốc vào đảng xã hội Pháp, làm báo Paris; rồi sang Đức sang Nga; rồi qua Trung Quốc.., lăn lội, bôn ba nơi hải ngoại; đấu tranh, lao động và học tập; vào tù ra tội không sờn lòng...
Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành động lực tư tưởng, tình cảm chi phối mọi suy nghĩ, hành động trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh - Nguyễn ái Quốc, là cơ sở dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu lý luận cách mạng và khoa học đó để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoài bão của các thế hệ cách mạng Việt Nam. "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba". Và khi Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm được con đường cứu nước đúng đắn thì chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lại được nâng lên một tầm cao mới: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Hai là, tinh hoa triết học, văn hoá phương Đông và phương Tây
Ngay từ thuở thiếu thời, Hồ Chí Minh đã là một học trò thông minh, chăm chỉ và ham tìm hiểu những điều mới lạ. Người ham đọc văn thơ, am hiểu Nho học; rồi quốc ngữ, tiếp xúc với văn hoá phương Tây, Người từng kể lại: "Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp: tự do, bình đẳng và bác ái... Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp tìm xem những gì bí ẩn giấu đằng sau những từ ấy".
Vào khoảng mùa hè 1908, Nguyễn áiQuốc rời Huế đi vào Nam. Người dừng lại ở Phan Thiết và đã dạy học trong một thời gian ngắn tại trường Dục Thanh, do một số văn thân yêu nước lập ra. Sau đó Người vào Sài Gòn để tìm cách ra nước ngoài, sang các nước Phương Tây, nơi có tư tưởng tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong thời kỳ từ 1911 đến khi gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã lao động, học tập và hoạt động thực tiễn. Người tiếp xúc với các danh nhân văn hoá chính trị của Pháp; Người tiếp xúc với những tư tưởng nhân văn qua văn học Pháp, Nga, Anh, Mỹ. Trên con dường học hỏi, Hồ Chí Minh đã làm giàu vốn trí tuệ của mình qua nghiên cứu và tiếp thu có phê phán chọn lọc những di sản quý báu của nhân loại, của triết học và văn hoá, cả phương Đông và phương Tây.
Nói về thái độ của mình đối với các học thuyết chính trị và tôn giáo, Người viết:
"Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân".
Tôn giáo Giễu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng Tử, Giễu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn "muốn hạnh phúc cho loài người mưu phúc lợi cho xã hội". Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như nhưng người bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".
Lời nói trên đây càng chứng tỏ Hồ Chí Minh đã biết kế thừa những tinh hoa triết học, văn hoá cả cổ kim, Đông Tây, làm giàu cho tư tưởng của mình. Tất cả những hiểu biết ấy đã góp phần quan trọng vào việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh sau này.
Ba là, chủ nghĩa Mác - Lênin
Cuối năm 1917, Nguyễn ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật nhưng Người vẫn lạc quan, say sưa học tập và hoạt động, kiên trì mục tiêu đã định. Được sự giúp đỡ của một số đảng viên Đảng xã hội Pháp, Người gia nhập Đảng xã hội Pháp. Người sung sướng khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Người tìm thấy trong bản luận cương này phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Qua tìm hiểu và học tập các tác phẩm của Lênin và của Mác, Người tìm thấy con đường giải phóng dân tộc: đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Từ đó cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam được định hướng đúng đắn. Chủ nghĩa yêu nước được gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng Hồ Chí Minh được định hình. Bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh từ đó thuộc hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, mang tính cách mạng và khoa học.
Chính thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh tổng kết kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của mình mà tìm ra con đường cứu nước. ảnh hưởng sâu sắc và quyết định ấy đã thể hiện trong câu nói của Người: "Chủ nghĩa Lênin là cái cẩm nang thần kỳ", hoặc: "Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III. Trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được eác dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân thế giới". "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin". Và "Chính do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn".
Trong quá trình hoạt động của Người, hoạt động thực tiễn phong phú và đa dạng gắn với cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc và của thời dại làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi nói đến Tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến sự vận dụng và một bước phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giải đáp những vấn đề thực tiễn mới của đất nước và thời đại đặt ra gắn với nhân cách con người đã sản sinh ra tư tưởng đó, gắn với bản tính, phẩm chất, tình cảm, tư chất, tính cách, phong cách, Hồ Chí Minh.
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 4-2000
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai. Nxb CTQG. H.1996, tập.9, tr. 314.
2. "Một lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử", Báo Nhân dân số ra ngày 17-9-1969.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, (xuất bản lần thứ 2), Nxb CTQG, H.1995, tr.171.
4. Hồ Chí Minh: Sđd, tập l0, tr. 128.
5. Theo Ô-xíp Man-đen-stam: "Thăm một chiến sĩ (~uốc tế cộng sản - Nguyễn ái quốc", Báo Đốm lửa (Liên Xô) số 39, ngày 23-12.1923.
6. Dẫn theo Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, Nxb. CTQG, H. 997. tr.43.