Khía cạnh tâm lý học quân sự trong nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở các đơn vị quân đội hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh "là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam"(1), đóng vai trò kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của quân đội, đồng thời là cơ sở lý luận và phương pháp luận của việc hình thành, phát triển nhân cách quân nhân, xây dựng con người mới trong quân đội hiện nay. Mục đích tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh là trang bị cho quân nhân hệ thống tri thức, thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản, đạo đức cách mạng, trên cơ sở đó xây dựng ý thức chính trị, tinh thần cách mạng tiến công nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao cho. Để đạt được hiệu quả, hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội phải được tổ chức thật sự khoa học trên cơ sở lý luận giáo dục cộng sản cho quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. 

Thời gian qua, việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội được tập trung ở các bài giảng về công lao của Bác đối với dân tộc, đất nước; về đạo đức, tác phong và những tư tưởng, quan điểm của Bác. Trong đó, tư tưởng của Bác về Đảng Cộng sản, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về lĩnh vực quân sự cách mạng... đã được truyền bá từ rất sớm và là bài học suốt đời của mỗi cán bộ, chiến sĩ ta. ở các trường sĩ quan, chương trình giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho học viên mang tính cơ bản, chuyên sâu với số lượng từ 18 đến 20 chủ đề, sắp xếp theo một trình tự lô-gíc nhất quán. Ngoài ra theo chỉ đạo của trên, mỗi đơn vị còn chủ động biên soạn thêm các chủ đề giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị mình. Về hình thức tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, hầu hết các đơn vị đã xuất phát từ đặc điểm hoạt động thực tiễn để tổ chức nhiều hình thức đa dạng, phong phú như lên lớp, sinh hoạt phòng Hồ Chí Minh, thi tìm hiểu, xem vô tuyến, nghe đài, đọc sách báo, tham quan bảo tàng, nhà truyền thống, thông báo thời sự, nghe kể chuyện, sinh hoạt văn nghệ... 

Tuy nhiên, việc triển khai nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở các đơn vị còn có những hạn chế như chưa đảm bảo tính hệ thống, chưa sâu, chưa kịp thời đưa những kết quả nghiên cứu mới nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh đến cho bộ đội. Việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở các đơn vị cơ sở vẫn chưa thật sáng tạo, có lúc còn rập khuôn, máy móc, hoạt động của phòng Hồ Chí Minh nhìn chung chưa đạt hiệu quả cao; các hình thức cổ động cho nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh chưa hấp dẫn. Do vậy, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở một số đơn vị chưa cao. Điều tra xã hội học của chúng tôi về nhận thức của bộ đội đối với tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cho thấy mặc dù có 94,26% số quân nhân trả lời thường xuyên được nghe nói, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, song chỉ có 12,95% số được hỏi trả lời là có hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh. Một thực tế nữa là nhận thức của các nhóm quân nhân về tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay không đồng đều ở sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, chiến sĩ. Riêng ở đội ngũ sĩ quan, việc nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh mới chỉ dừng lại ở sự thấu triệt từng luận điểm, chưa mang tính hệ thống. Trong một số đơn vị, việc quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị về chính trị, vào thực hiện công tác đảng, công tác chính trị chưa thật tốt, chưa thành nền nếp. 

Thực tiễn cho thấy, để đề ra được các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho bộ đội, đội ngũ cán bộ chủ trì đơn vị cần hiểu rõ phương pháp luận giáo dục tư tưởng lý luận cho quần chúng, hiểu rõ những đặc điểm của sự hình thành tri thức lý luận của quân nhân, đặc biệt là mối quan hệ giữa tri thức lý luận với tri thức kinh nghiệm trên cơ sở hiểu rõ cấu trúc tâm lý, ý thức của quân nhân. Cấu trúc của tâm lý, ý thức quân nhân bao gồm ý thức thông thường và ý thức lý luận. ý thức thông thường của quân nhân được hình thành chủ yếu bằng con đường kinh nghiệm thông qua hoạt động thực tiễn, và do đó kiến thức họ thu nhận được thường là những kiến thức kinh nghiệm. Còn ý thức lý luận là những kiến thức khoa học được hình thành chủ yếu thông qua hoạt động học tập có hệ thống. Do phản ánh đúng bản chất của sự vật, hiện tượng nên kiến thức lý luận đóng vai trò định hướng, điều chỉnh tốt nhất mọi hoạt động của quân nhân. 

Để đề ra được các biện pháp đúng đắn nhằm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, còn phải nắm chắc các đặc điểm tâm lý lứa tuổi của bộ đội. Lớp quân nhân trẻ hiện nay được sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội thuận lợi, được hưởng một nền giáo dục thống nhất do Đảng Cộng sản tổ chức lãnh đạo, do vậy mà trình độ ý thức cao hơn nhiều so với trước đây. Thực tiễn cuộc sống trong nền "kinh tế thị trường" hiện nay làm cho quân nhân hiểu rất rõ những lợi ích của bản thân, của tập thể đơn vị cũng như của toàn xã hội khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Và đương nhiên, ý thức thông thường hay tri thức kinh nghiệm của họ cũng phần nào được "lý luận hoá". Đó chính là điều kiện rất tốt cho quân nhân tiếp thu tri thức lý luận nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, do học vấn không đều nhau; văn hoá, lối sống, mức độ đào tạo nghề nghiệp không giống nhau, nên nhận thức cảm tính, hiểu biết kinh nghiệm vẫn là yếu tố thường trực trong đời sống và hoạt động hàng ngày của họ. Rõ ràng, con đường tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho các đối tượng này vẫn phải thông qua tầng ý thức thông thường, qua dư luận xã hội, trên cơ sở có tính đến những nhu cầu, lợi ích cùng những đặc điểm tâm lý cá nhân của mỗi quân nhân. 

Việc thực hiện Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội đã tạo ra những thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về quy mô, thời gian cũng như về tổ chức, lực lượng tiến hành. Đội ngũ làm công tác này trong quân đội hiện nay khá hùng hậu, bao gồm cấp uỷ đảng, chỉ huy các cấp, các tổ chức đoàn thể cùng các cơ quan, viện nghiên cứu, các học viện, nhà trường quân đội, các cơ quan chuyên trách công tác đảng, công tác chính trị và đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên đông đảo. Đồng thời, tính chất toàn dân trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cũng tạo đà thuận lợi cho quân đội tiến hành tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Từ những đặc điểm tâm lý trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của quân nhân ở các đơn vị quân đội hiện nay, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho bộ đội, cần thực hiện tốt những vấn đề sau: 

1. Cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị ở đơn vị phải đưa công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh lên đúng vị trí và tầm quan trọng của nó. Phải đầu tư mở rộng từng bước nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho quân nhân ở đơn vị. Theo chúng tôi, hiện nay các đơn vị nên "mở rộng" nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh theo các hướng sau: thứ nhất là kết hợp nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với các chủ đề của chương trình giáo dục chính trị ở đơn vị về kinh tế, chính trị - xã hội, dân tộc, tôn giáo, quan hệ quốc tế...; thứ hai là tăng cường những bài học thêm trong chương trình giáo dục chính trị hàng năm cho bộ đội có nội dung liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh; thứ ba là tăng thêm số chủ đề về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ sĩ quan ở đơn vị. 

2. Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho bộ đội là một quá trình mang tính phức hợp, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ nhiều nội dung, nhiều hoạt động khác nhau cùng nhằm một mục đích. Điều đó đòi hỏi các chủ thể giáo dục không chỉ biết tổ chức tốt các tác động sư phạm lên tâm lý, ý thức bộ đội mà còn phải biết xây dựng tốt các mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân. Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho quân nhân ở đơn vị phải tuân thủ các nguyên tắc như: nguyên tắc hệ thống, với sự thống nhất biện chứng giữa mục đích, phương thức, phương tiện, hình thức, phương pháp giáo dục; nguyên tắc xác định mắt khâu chủ yếu của quá trình giáo dục; nguyên tắc tính cân đối, đồng đều giữa hình thành tri thức với bồi dưỡng niềm tin; nguyên tắc thống nhất giữa hình thức và nội dung. 

3. Về xác định nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh cho bộ đội, cần phải phân chia nội dung theo thời gian, từng đối tượng quân nhân một cách chính xác. Trong khi lập kế hoạch nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, cần đảm bảo tính toàn vẹn, đầy đủ, hệ thống, đồng thời phải tính đến những yếu tố đặc thù của hoạt động quân sự, thời gian phục vụ tại ngũ của từng quân nhân, kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết của họ. Theo chúng tôi, nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho bộ đội hiện nay phải bao gồm được các phần sau: lý luận của Hồ Chí Minh về Đảng, Nhà nước, chiến tranh và quân đội; những tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Việc triển khai nội dung đó cần cân đối; kết hợp giữa quá trình trang bị những kiến thức chung về tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với hoạt động phong phú hàng ngày; thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh, các hoạt động văn hoá, văn nghệ... của bộ đội; thông qua hình thức học tập trên lớp, có giáo viên giảng dạy theo chương trình giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh do Tổng cục Chính trị quy định. 

4. Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cần được phát triển ngày càng đa dạng gắn với quá trình thực hiện các chỉ thị của Tổng cục Chính trị, đồng thời được đúc rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn, sáng tạo của bản thân hoạt động thực tiễn ở đơn vị. Có rất nhiều phương pháp giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ở đơn vị, theo chúng tôi, hiện nay có các nhóm phương pháp chủ yếu: nhóm phương pháp thuyết trình, nhằm thông báo cho quân nhân những kiến thức, khái quát mang tính khái niệm, phạm trù nguyên lý, nguyên tắc chung... trong tư tưởng Hồ Chí Minh; nhóm phương pháp nêu vấn đề, nhằm giúp quân nhân tự tìm ra những con đường, biện pháp, cách thức giải quyết vấn đề trong nghiên cứu, học tập để hiểu sâu sắc nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh; nhóm phương pháp tự nhận thức, tìm hiểu, nghiên cứu, tức là hướng dẫn cho bộ đội để họ tự thu nhận kiến thức, tự nghiên cứu một vấn đề nào đó của tư tưởng Hồ Chí Minh, tự rút ra kết luận để vận dụng vào thực tiễn. 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 84. 

Đại tá, TS Đỗ Mạnh Tôn

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website