Quan điểm của Hồ Chí Minh về Đông – Tây y trong đào tạo, hoạt động của đội ngũ thày thuốc nước ta

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng y lý truyền thống, y học cổ truyền dân tộc và tiếp thu tinh hoa y học thế giới, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế vào tháng 2 - 1955, Hồ Chí Minh viết: ''Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuổc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc ''Đông'' và thuốc ''Tây''. Quan điểm về kết hợp Đông - Tây y thể hiện rõ nét nhất khi Người phát biểu tại Bệnh viện Đông y (nay là Viện y học cổ truyền) vào ngày 16 - 1 - 1961: thuốc Tây y cũng chữa đựợc nhiều bệnh song có bệnh không chữa được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng chữa không được mà thuốc Tây chữa được. Thuốc ta có sa nhân, phụ tử chữa được nhiều bệnh; thuốc Tây có Aspirin Penixillin cũng chữa được nhiều bệnh. Bên nào cũng có ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho nhân dân. 

Theo Người, Đông y và Tây y có thể bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bởi lẽ, không có một thứ y học nào hoàn hảo chữa được hết thảy mọi bệnh tật mà con người mắc phải. Nhưng nếu chúng ta biết nghiên cứu loại bỏ cái dở, phối hợp cái hay của y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại sẽ có nhiều khả năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả. Do vậy, thày thuốc Tây y phải học Đông y, thày thuốc ta cũng phải học Tây y. Thày thuốc Đông y và thày thuốc Tây y đều phục vụ nhân dân giống như mỗi người có hai cái tay, hai cái tay cùng làm việc thì việc được tốt. Vì thế phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, kết hợp thuốc ta và thuốc Tây để chữa bệnh cho nhân dân. 

Kết hợp Đông - Tây y là biểu hiện cơ bản của quan điểm xây dựng nền y học Việt Nam của Hồ Chí Minh theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Theo Người, trong quá trình xây dựng nền y học nước nhà cần phải dựa trên nguyên tắc khoa học chứ không chỉ dừng lại ở mức sao cho thích hợp với nhu cầu của nhân dân. Thực tế, không phải chỉ Tây y mới khoa học mà Đông y cũng là khoa học. Không chỉ máy móc hiện đại là khoa học mà cách thức bắt mạch, kê đơn, dùng thuốc lá, thuốc cây, thuốc con, kể cả việc ăn ở hợp vệ sinh cũng là khoa học. Nguyên tắc khoa học trong xây dựng nền y học nước ta nói chung và hoạt động nghề nghiệp của người thày thuốc nói riêng bao gồm không chỉ hệ thống tri thức khoa học, trang thiết bị khoa học mà còn gồm cả thái độ khoa học, tác phong khoa học. Theo Người, đội ngũ thày thuốc y tế ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực khác nhau đều cần phải thực hiện nguyên tắc khoa học trên đây. Tri thức khoa học, thuốc chữa bệnh và máy móc khám chữa bệnh là rất cần thiết nhưng như thế là chưa đủ. Khác với nhiều lĩnh vực, trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân, khâu khám, chữa bệnh không được phép làm thử nghiệm hoặc để xảy ra sai sót. Bởi lẽ, đằng sau các chẩn đoán, nhận định, cách điều trị đúng hay sai là liên quan trực tiếp đến cái sống và cái chết, đến tính mạng một con người. Do đó, không có thái độ khoa học, phong cách khoa học trên nền tảng y đức ''lương y như từ mẫu'' thì hậu quả sẽ là khôn lường. Kết hợp Đông - Tây y sẽ tạo cơ sở cho người thày thuốc vừa có tri thức khoa học vừa có thái độ và tác phong khoa học trên bề dày y đức của truyền thống y học Đông - Tây y để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. 

Quan điểm của Hồ Chí Minh về kết hợp Đông - Tây y ở đội ngũ thày thuốc Việt Nam đồng thời còn dựa trên nguyên tắc dân tộc. Hồ Chí Minh đánh giá cao truyền thống chữa bệnh của cha ông ta bằng thuốc ta, thuốc bắc. Do vậy, khi gửi thư cho cán bộ ngành y dược, Người thường căn dặn thi đua tìm ra những thứ thuốc mà nước ta sẵn có nguyên liệu, dễ kiếm và chữa bệnh hiệu nghiệm. Những thày thuốc tiêu biểu như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, với một lôgíc chặt chẽ và sắc bén, đã kết hợp kinh nghiệm dân gian cổ truyền và thực tiễn trên lâm sàng, nhờ đó đã giữ vững và phát triển nền y học dân tộc. Nguyên tắc dân tộc còn có nghĩa là trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc tiếp thu tất cả những cái tốt của cả Đông y và Tây y để xây dựng nền y học Việt Nam. Đối với đội ngũ thày thuốc, nguyên tắc dân tộc, việc tổng hợp tri thức y học Đông - Tây là phương châm hành động để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam dân tộc và hiện đại. 

Nguyên tắc khoa học, dân tộc trong xây dựng nền y học nước ta xét đến cùng là xuất phát từ con người và hướng đến con người, thể hiện chủ nghĩa nhân văn thấm đượm từ bản chất đến hành động. Vì vậy, nguyên tắc khoa học, dân tộc tất nhiên đến nguyên tắc đại chúng. Đội ngũ thày thuốc trong quá trình thực hiện kết hợp Đông- Tây y luôn luôn phải dựa vào phong trào quần chúng, nhất là trong lĩnh vực vệ sinh phòng bệnh rèn luyện sức khoẻ. Kết hợp Đong - Tây y là để phục vụ nhân dân lao động, trước hết ở cơ sở. Nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng gắn bó chặt chẽ với nhau. Kết hợp Đông - Tây y trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân của đội ngũ thày thuốc phải dựa vào các nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, để xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại, thích hợp với nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. 

Từ nhiều thập kỷ nay, chúng ta đã thực hiện tốt quan điểm của Hồ Chí Minh về kết hợp Đông - Tây y trong việc đào tạo và hoạt động của đội ngũ thày thuốc Việt Nam. Các văn kiện của Đảng, từ Đại hội III đến nay, đều yêu cầu phải thực hiện kết hợp Đông - Tây y trên mọi mặt: phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc men, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học. Đến tháng 6 - 1999, Nghị định 37/CP của Chính phủ đã xác định những phương hướng mang tính chiến lược cho những năm 1996-2000 và 2020 trong việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại: 

- Triển khai toàn diện chương trình mục tiêu của ngành y tế về y học cổ truyền. 

- Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hoá y học cổ truyền trên các mặt: nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chẩn đoán điều trị, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc. 

- Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành y học cổ truyền, thành lập các khoa y học cổ truyền tại Đại học y Hà Nội và Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. 

- Ngành y tế phối hợp với Hội Y học cổ truyền Việt Nam và các Hội quần chúng khác vận động nhân dân phát triển các loại cây con làm thuốc. 

Cho đến nay, kết quả thực hiện các phương hướng mang tính chiến lược trên đây là đã đào tạo đuợc một đội ngũ thày thuốc mang nét đặc sắc của nền y học nước ta. Đó là đội ngũ thày thuốc thành thạo cả y dược học cổ truyền và y học hiện đại. Nói khác đi đây là đội ngũ “thày thuốc kết hợp'' theo các chuyên ngành y học hiện đại lớn khác nhau như: đa khoa, nha khoa, vệ sinh địch tễ, răng hàm mặt. Từ các chuyên ngành lớn này các bác sĩ có thể am hiểu một hoặc vài chuyên ngành y học cổ truyền như: am hiểu Hán Nôm; luật trị theo lý pháp, phương, dược trong điều trị; thày thuốc chuyên khoa gia truyền dùng thuốc nam hay thuốc bắc trong điều trị; chuyên dùng lý liệu trong điều trị (châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chích lể, khí công...). Xét về cấp bậc học hàm, học vị, đội ngũ này cho đến năm 2000 có: 22 giáo sư, phó giáo sư, 20 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, 48 bác sĩ chuyên khoa 2 và350 bác sĩ chuyên khoa 1. Ngoài ra còn phải kể đến hơn 5.000 bác sĩ và 250 dược sĩ đại học của y dược học hiện đại được bồi dưỡng y dược học cổ truyền dân tộc. Đội ngũ thày thuốc này đã và đang là những người nòng cốt trong quá trình kế thừa, ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại ở Trung ương và địa phương. 

Hội Y học cổ truyền, Hội Châm cứu cũng đã mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hàng nghìn lương y, y bác sĩ là hội viên. Bộ Y tế đã tổ chức được cho khoảng 300 lương y giỏi trong tổng số khoảng 22.000 thày thuốc y học cổ truyền dân tộc sinh hoạt tại 2.618 chi hội cơ sở của Hội Y học cổ truyền dân tộc, để bồi dưỡng và nâng cao trình độ theo hướng kết hợp Đông - Tây y. Hoạt động của đội ngũ thày thuốc kết hợp Đông - Tây y đã nâng cao phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh của y học cổ truyền như phương pháp dưỡng sinh, phương pháp nắn bó gãy xương, phương pháp bào chế, chế biến thuốc cổ truyền... Khoa học châm cứu của Việt Nam đã đạt trình độ cao được thế giới công nhận. Phương pháp châm cứu đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực y học hiện đại. Hiện nay, châm tê để mổ đã được thực hiện trên 60 loại phẫu thuật, từ tiểu phẫu đến đại phẫu khác nhau và có hiệu quả tại nhiều cơ sở ngoại khoa. Một số phác đồ châm tê mổ bướu cổ, mổ tuyến ức đã được phổ biến đến ột số cơ sở ngoại khoa. Các thày huốc kết hợp Đông - Tây y đã xác định được 35 loại bệnh chữa có kết quả tốt bằng thuốc y học cổ truyền và châm cứu. Phương pháp biện chứng luận trị của y học cổ truyền dân tộc đã được vận dụng để chữa trị có kết quả nhiều chứng bệnh về nội nhi, phụ, ngoại, nhãn khoa, tai mũi họng và ngoài da. Nhiều trường hợp bệnh khó chữa, mãn tính đã được giải quyết tốt bằng y học cổ truyền hoặc bằng kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại 

Việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện nay không chỉ được các thày thuốc thực hiện tại các viện, bệnh viện y học cổ truyền, tại các phòng chẩn trị, tổ chẩn trị y học cổ truyền. mà đã trở thành việc làm bình thường tại nhiều khoa y học cổ truyền trong nhiều viện, bệnh viện y học hiện đại. Các thày thuốc tại cơ sở cũng đã chú trọng hướng dẫn nhân dân sử dụng cây thuốc gia đình: cây rau ăn, cây cảnh, cây ăn quả... ''Tủ thuốc xanh'' của gia đình đang được các thầy thuốc ở cơ sở tiếp tục sưu tầm, làm phong phú hơn. Việc kết hợp xoa bóp, day ấn để tự chữa một số bệnh thông thường tại gia đình và cộng đồng đang được mở rộng ở cơ sở. 

Quá trình đào tạo và hoạt động của đội ngũ thày thuốc kết hợp Đông - Tây y theo quan điểm của Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng nền y học nước ta đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc. Các nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng đã được chỉ đạo và thẩm thấu vào quá trình đào tạo, hoạt động của đội ngũ thày thuốc nước ta ở mọi ngành, mọi cấp. Đây là một nét đặc sắc của giới thày thuốc Việt Nam. 

(Theo Th.s Nguyễn Thị Hòa Bình, Đại học Y Hà Nội 

Tạp chí Lịch sử Đảng)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website