"Nơi Bác yên nghỉ - Nơi hội tụ niềm tin"

Thưa đồng chí, một mốc quan trọng trong gần 40 năm giữ gìn, bảo vệ an toàn thi hài Hồ Chủ tịch là việc chúng ta đã pha chế thành công dung dịch và làm chủ công nghệ bảo quản thi hài Bác. Xin đồng chí cho biết, Bộ Tư lệnh (BTL) Lăng đã làm thế nào để có được thành tựu quan trọng ấy? 

Sau khi Người qua đời, đồng bào, chiến sĩ cả nước thương nhớ Người khôn xiết, bầu bạn quốc tế cũng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc với chúng ta. Thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định bảo vệ, giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội. Đoàn 69- đơn vị tiền thân của bộ đội bảo vệ Lăng được thành lập và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm đầu giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác. Gần 40 năm qua, cán bộ, chiến sĩ tổ y tế đặc biệt, Đoàn 69 và từ năm 1975 đến nay là Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vừa xây dựng vừa trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng và nhân dân giao phó. 

Ngay từ ngày Bác đi xa, chúng ta đã một mặt dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô để bảo quản tốt thi hài của Người, một mặt tích cực xây dựng lực lượng cán bộ khoa học hướng tới tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác bảo quản và giữ gìn thi hài của Bác. 

Do được chuẩn bị tốt như vậy, nên khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, chúng ta từng bước làm chủ công nghệ giữ gìn thi hài Bác. Song công việc đó không hề đơn giản, bởi đấy là một ngành khoa học công nghệ tổng hợp. Khi thực hiện quá trình công nghệ giữ gìn thi hài Bác, chúng ta phải kết hợp nhiều ngành kĩ thuật trong khi chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên vẫn phải giữ tốt thi hài của Bác với 3 yêu cầu: “Thi hài không bị phân huỷ, không sạm màu, không bị biến dạng” để nhân dân đến viếng vẫn thấy thi hài nguyên vẹn như lúc Bác còn sống. 

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải có một loại dung dịch hóa chất để bảo quản thi hài. Trước năm 1990 các chuyên gia Liên Xô trực tiếp có mặt tại Việt Nam để giúp ta về công nghệ pha chế dung dịch này, nhưng đến năm 1992, do sự biến động chính trị, việc giúp đỡ ngày càng hạn chế. Trước tình hình trên, các nhà khoa học Việt Nam phải nhanh chóng, chủ động khắc phục khó khăn. Sau 3 lần pha chế thành công tại Hà Nội, dung dịch để bảo quản thi hài Bác do các chuyên gia Việt Nam pha chế đã được các bạn Nga công nhận. Vì thế, từ ngày 29/4/1995 các bạn đã chính thức bàn giao cho ta nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên bảo quản thi hài Bác. Cho đến nay, thi hài Bác vẫn rất tốt, và sẽ bảo quản được lâu dài đáp ứng niềm mong mỏi của toàn dân. 

Theo các chuyên gia về y học, việc gìn giữ thi hài trên thế giới rất khó khăn (không chỉ riêng ở VN) để công tác giữ gìn thi hài của Bác được lâu dài, BTL Lăng sẽ phải làm như thế nào? 

Về công nghệ giữ gìn thi hài trên thế giới thì nước Nga có nhiều kinh nghiệm và ta cũng đã tiếp thu, học tập được rất nhiều. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu là giữ gìn thêm mỗi năm là thêm sự phức tạp. Hơn nữa thi hài nào cũng sẽ bị chuyển hoá theo thời gian và năm tháng, do sự tác động của môi trường, nhất là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm ở nước ta. Song, giữ gìn được lâu dài thi hài của Bác luôn là quyết tâm của Bộ Chính trị, Đảng ủy quân sự Trung ương, các ngành khoa học và cũng là mong ước của toàn dân. Để làm được như vậy chúng tôi đã phối hợp với các ngành khoa học, các giáo sư của trường đại học và một số viện nghiên cứu khoa học... nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, sáng tạo của BTL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự giúp đỡ hiệu quả của bạn, tôi xin khẳng định, trong điều kiện hiện nay, chúng ta sẽ tiếp tục bảo quản lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch. 

Vẫn biết việc bảo quản giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao cho các anh và là công việc không đơn giản chút nào. Nhưng hiện nay có ý kiến cho rằng, hoạt động của bộ đội Lăng Chủ tịch là rất " nhàn". Vậy đồng chí suy nghĩ gì về vấn đề này? 

Có thể khẳng định rằng, chỉ những ai ít quan tâm, thiếu hiểu biết về bộ đội Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói như vậy. Chứ còn đại bộ phận nhân dân đều có thể hiểu được sự gian khó, hy sinh của chúng tôi, nhất là những đồng chí đang ngày đêm canh giữ giấc ngủ bình yên cho Bác; các chiến sĩ đã phải vất vả tập luyện gian khó mới có thể đứng nghiêm hàng vài giờ đồng hồ như vậy. Không phải ai cũng có thể làm được việc đó. Rất nhiều đồng chí qua thời gian đầu được rèn luyện, huấn luyện đã không chịu được. Có đồng chí còn ngất đổ "như cây chuối" và phải chuyển sang công việc khác. Đó là còn chưa kể nắng, mưa, đêm hôm... Chúng tôi cũng đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu vươn lên trên tất cả các lĩnh vực công tác. Rồi hàng loạt công việc: nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ ướp, bảo quản thi hài trong điều kiện nhiệt đới, trùng tu để công trình luôn khang trang, đảm bảo an ninh và sạch đẹp khu vực Quảng trường... Nói như thế để thấy rằng, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh đều cống hiến bằng trái tim, khối óc của chính mình. 

Hiện nay đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, xa đến được HN vào thăm viếng Lăng Bác là rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho các đồng bào dân tộc thiểu số và các bà con vùng sâu, xa được vào thăm viếng Bác, BTL Lăng đã tổ chức thực hiện như thế nào? 

Chúng tôi đã phối hợp với ngành đường sắt Việt Nam và các tỉnh ở xa để có sự hỗ trợ về tiền tàu, xe cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa khi về Hà Nội để vào Lăng viếng Bác. Đối với những bà con có chế độ chính sách thì được giảm từ 60% - 90% giá vé đi lại (tùy theo chế độ). Khi bà con đến Hà Nội, chúng tôi cho xe ra tận ga để đón và liên hệ mượn nhà nghỉ để khách thăm Lăng chỉ phải trả tiền điện, nước chứ không phải trả tiền thuê phòng. Vì hiện nay, BTL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa có nhà khách. 

Do làm tốt công tác đó nên mấy năm trở lại đây, những đoàn khách ở xa như: Đồng Nai, Tiền Giang... và các tỉnh khác đến viếng Bác rất đông. Tiêu biểu là ngày 2-9-2004, số lượng khách thăm viếng lên tới hơn 31.000 người trong một buổi sáng. 

Khi có số lượng khách đông như thế, mọi công tác đảm bảo an ninh trật tự cho đến vệ sinh môi trường có nhiều khó khăn... Nhưng chính tình cảm của nhân dân đối với Bác lại là động lực, là niềm vui thôi thúc chúng tôi phục vụ tốt hơn. 

Cùng với nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài của Bác thì một nhiệm vụ rất quan trọng của các đồng chí là phải góp phần làm nổi bật văn hóa Hồ Chí Minh cho du khách. Vậy, BTL Lăng đã quan tâm đến vấn đề này như thế nào? 

Hình ảnh Bác Hồ đã đọng lại không chỉ trong trái tim nhân dân Việt Nam, mà còn đọng lại trong bạn bè quốc tế. Chính vì thế ai tới Hà Nội và nhiều khách quốc tế cũng đều mong muốn vào Lăng viếng Bác. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên BTL Lăng phải thể hiện sự nhiệt tình, chu đáo, văn minh... nhất trong việc tiếp đón và như thế chính là góp phần gìn giữ tư tưởng của Người, bởi vì việc mỗi cán bộ chiến sĩ thể hiện tư thế, tác phong quân nhân chững chạc, có văn hoá cũng chính là góp phần tô thắm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" với những phẩm chất cao đẹp mà chính Người lúc sinh thời đã dày công rèn luyện, vun đắp. Trong những lần du khách đến viếng Lăng Bác, chúng tôi còn chiếu những phim tư liệu để đồng bào được xem những hình ảnh khi Bác còn sống. Chính vì thế mà nhiều du khách đã vào Lăng viếng Bác xong rồi nhưng lại không muốn ra về, cứ nấn ná ở lại như muốn được kéo dài thêm thời gian bên Bác- người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới. 

Xin cảm ơn đồng chí./. 

Triệu Sơn Hảo (thực hiện)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website