Hà Tây miền quê xứ Đoài, một trong những địa phương được Hồ Chủ tịch dành nhiều tình cảm, sự quan tâm sâu sắc trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của Người. Chỉ vài tháng sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã về thăm thị xã Sơn Tây, nói chuyện với cán bộ, nhân dân thị xã trước trụ sở UBND cách mạng lâm thời tỉnh. Đặc biệt, vào những thời điểm lịch sử trọng đại, có tính chất quyết định đến vận mệnh của cả dân tộc, tại Hà Tây, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có những quyết sách quan trọng cho đường lối cách mạng Việt Nam ngay sau khi giành được chính quyền. Những ngày tháng 12-1946, tình hình đất nước diễn biến hết sức phức tạp không có lợi cho cách mạng, thời điểm lịch sử ghi nhớ đó, Bác Hồ đã về ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông từ ngày 3 đến ngày 9-12-1946. Tại đây, Người đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Lời hiệu triệu đanh thép vang lên từ làng lụa Vạn Phúc nhanh chóng được truyền đi khắp cả nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ý thức được vị trí quan trọng và sự tin cậy của Đảng và Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Hà Tây đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cho đến những năm tháng cuối đời, Bác Hồ cũng thường xuyên về Hà Tây. Kỷ niệm sâu sắc nhất để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Hà Tây trước lúc Người đi xa đó là vào ngày 16-2-1969 (tức sáng mồng một Tết Kỷ Dậu), Bác Hồ về thăm và trồng cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Đảng bộ, nhân dân Hà Tây rất trân trọng những tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho: Người cùng tham gia chống hạn với nhân dân; thăm đồng bào đang bắt sâu cứu mạ; thăm nhân dân chống lũ bảo vệ đê; nói chuyện với nông dân chống hạn; thăm hỏi các em nhỏ mồ côi... Mỗi lần Bác Hồ về Hà Tây là một động lực rất lớn thôi thúc nhân dân trong toàn tỉnh từ vùng núi Ba Vì, đến các đô thị, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ra sức thi đua lập thành tích dâng lên Đảng, dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Thấy rõ vinh dự và trách nhiệm trước tình cảm của Người, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tây đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Ghi nhớ lời dạy “Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”, những địa danh đã một thời gắn bó với Người như Vạn Phúc, Văn Khê (thị xã Hà Đông), xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), xã Vật Lại (huyện Ba Vì)... trở thành những tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân no ấm. Đây là những dấu chấm phá cho bức tranh phát triển toàn diện trong hiện tại và ở tương lai. Đóng góp vào bức tranh sống động đó là những hình ảnh về các làng quê đang trên đà CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn; nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp được xây dựng đã giải quyết việc làm cho người lao động ở các vùng nông thôn như huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Chương Mỹ...; sản phẩm thủ công truyền thống ở các làng nghề ngày càng có điều kiện vươn xa ra các thị trường đầy tiềm năng. Thị xã Hà Đông, thị xã Sơn Tây đang trong lộ trình tiến tới thành lập thành phố thuộc tỉnh; và một loạt các đô thị khác cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành những đô thị vệ tinh của tỉnh và của khu vực.
Ngày 25-8-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 195/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tây đến năm 2020 nhằm sớm đưa tỉnh Hà Tây trở thành tỉnh công nghiệp với một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng của vùng Hà Nội. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm tăng khoảng 12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 50 đến 60%; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20 đến 25%/năm; đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; môi trường luôn được quan tâm bảo vệ và ngày càng được cải thiện... Để thực hiện được các mục tiêu kể trên, Hà Tây cần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức; chống quan liêu tham nhũng, lãng phí đi đôi với đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực trong các doanh nghiệp thông qua các hình thức cổ phần hóa, khoán, bán và cho thuê doanh nghiệp; chú trọng phát triển thị trường tài chính; đẩy nhanh xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao...
Hà Tây phối hợp với Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển khoa học và công nghệ; có biện pháp thích hợp khuyến khích và hỗ trợ kinh tế ngoài quốc doanh; phát triển thị trường; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển./.
Theo Chí Đạo
Báo Hà Tây (1/9/2006)