Từ đạo đức cách mạng đến đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

(ĐCSVN)- Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là một bộ phận hữu cơ trong đạo đức của người làm báo. Đối với các nhà báo cách mạng, vấn đề đạo đức nghề nghiệp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong nhiều tác phẩm của Người.

Trước năm 1930, tác phẩm “Đường kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một trong những văn kiện lý luận quan trọng đầu tiên dùng để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam. “Đường kách mệnh” giữ vai trò quyết định trong việc chuẩn bị về tư tưỏng chính trị và tổ chức cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và làm cơ sở hoạch định đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 80 năm qua.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiến hành cuộc “kháng chiến, kiến quốc” thì giáo dục cán bộ, đảng viên, xây dựng và củng cố Đảng ta thành một đảng Mác – Lê-nin chân chính đã trở thành vấn đề cốt tử. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10-1947 với bút danh XYZ thực sự đã trở thành văn kiện có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đáp ứng yêu cầu cốt tử nêu trên.

“Sửa đổi lối làm việc” đã đề cập khá toàn diện về công tác xây dựng Đảng, nội dung vừa có tính khái quát cao vừa có tính cụ thể khá sinh động. Sáu mươi năm qua, tác phẩm bất hủ này đã trở thành cuốn cảm nang không thể thiếu trong công tác xây dựng đảng của Đảng ta.

Hiện nay, khi công cuộc đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi vào chiều sâu thì “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự nóng hổi, tiếp tục soi đường cho công tác xây dựng đảng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình cả về phẩm chất đạo đức cách mạng, cả về sửa đổi lối làm việc để đóng góp nhiều hơn cho cách mạng.

Sửa đổi lối làm việc” gồm sáu chương: Chương I đề cập vấn đề phê bình và sửa chữa; chương II là những bài học kinh nghiệm có tính chất tổng kết; chương III nói về tư cách và đạo đức cách mạng; chương IV nói về cán bộ; chương V nói về cách lãnh đạo và chương VI dành cho việc phê phán thói ba hoa.

Việc Hồ Chí Minh đề cập vấn đề phê bình và sửa chữa ngay ở chương đầu tiên đã giúp chúng ta khẳng định: Sửa đổi lối làm việc trước hết là phải tự sửa mình. Điều đó cũng cho phép chúng ta khẳng định một vấn đề rộng lớn hơn . Đó là, phê bình và sửa chữa là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vì đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản. Trong các chương tiếp theo và trong những tác phẩm sau này, Người đều vận dụng, quán triệt vấn đề đó với tinh thần biện chứng rất cao.

Bài viết này đề cập đên một vấn đề mà chúng tôi cho là tâm đắc nhất bởi nó là phẩm chất quan trọng nhất, là "cái gốc" của mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là vấn đề đạo đức cách mạng đựoc Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đền trong "Sửa đổi lối làm việc". Tuy nhiên, chúng tôi không có tham vọng làm rõ quan niệm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trên mọi bình diện mà xuất phát từ những quan niệm có tính định đề của người để bàn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong giai đoạn hiện nay. Với cách xem xét vấn đề như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ góp thêm một góc nhìn về ảnh hưởng của đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh đối với thời đại mà chúng ta đang sống.

Đạo đức cách mạng là một phần thuộc tiết B, chương III trong tác phẩm ""Sửa đổi lối làm việc". Mở đầu, Người viết: "Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm ngày càng ít mà những tính tốt ngày càng thêm"

Hồ Chí Minh là người tiếp thu khá nhiều những giá trị và sử dụng khá nhuần nhuyễn những quan niệm về đạo đức Nho giáo. Điều đó không đồng nghĩa với việc dùng nguyên mẫu của người xưa mà không có phần sáng tạo. Nếu như Nho giáo xác định tiêu chuẩn đạo đức của người quân tử là nhân, nghĩa, trí, tín thì Hồ Chí Minh đã khái quát đạo đức của người cán bộ là "những tính tốt" gồm: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm

Nội hàm của 5 tính tốt ấy được người giải thích với một tinh thần mới, rất khoa học, hiện đại, nhưng cũng rất dân tộc:

Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không sợ thì việc gì là phải, họ đều làm được.

Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải dấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao việc, thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cần thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói, không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đứng đắn.

Trí nghĩa là, vì không có việc tư túi nó làm mù quáng cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xem việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian.

Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải làm có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, có gan chống lại và những sự vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần có gan hi sinh cả tính mạng cho Đảng cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung xướng, không ham người tâng bốc mình. Về vậy mà quang minh chính đại không bao giờ hủ hoá,  chỉ có 1 thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ."

Kết họp nhuần nhuyễn và tài tình những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức tiến bộ nhất của thời đại - quan niệm về đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã xây dựng lên khái niệm đạo đức cách mạng. Đó "là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải là danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người".

Người nhấn mạnh vai trò căn bản của đạo đức: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải gốc, không có gốc cây héo. Người cách mạng phải  có đạo đức, không có đạo đức thì dù  tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn nói việc gì?"

*

***

Vấn đề đạo đức trong "Sửa đổi lối làm việc" được đề cập với dung lượng không lớn nhưng nó là sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị đạo đức tinh hoa của nhân loại trên cơ sở đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh là "cuộc hành trình đạo đức từ Đông sang Tây, từ nhân loại trở về dân tộc"(1) . Tìm hiểu khái niệm đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Người vào hoạt động báo chí, chúng ta thấy những chuẩn mực cơ bản về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nói chung, của nhà báo nói riêng là một sự hoà quyện trong một chỉnh thể thống nhất. Cụ thể hoá các chuẩn mực “ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” trong tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí chúng ta thấy:

Cần tức là siêng năng, chăm chỉ... , nghĩa là cần thì việc gì , dù khó khăn mấy cũng làm được... “. Hoạt động báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi tầm trí tuệ cao, hiểu biết rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều năng lực nghề nghiệp. Người làm báo phải biết phát hiện,  tập hợp mọi tiềm năng, mọi nguồn lực trí tuệ, phải có tầm hiểu biết rộng lớn, có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng.  Tại Đại hội lần thư 2 Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người nói: "Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hòan thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị nâng cao tư tưởng đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản ; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình" Theo Người, báo chí phải giúp cho dân chúng ''mở mắt, mở tai'', nghĩa là thức tỉnh dân chúng, nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng, mà để làm được như vậy, những người làm báo trước hết: ''phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào đế vượt khó khăn, làm tròn nhiệm vụ Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn'', ''... phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công''. Người dạy: ''Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài...''.

 Kiệm ... là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí... Nhưng, “ tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, vì lợi ích của đồng bào, cho ổ quốc, thì dù bào nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới là tiết kiệm.”. Đối với các nhà báo, Người nhắc nhở  không nên viết "tràng giang đại hải", "dây cà ra dây muống", lãng phí giấy mực, thời gian, tiền của của nhân dân. Phân tích môt cách sâu sắc về lý do phải viết ngắn gọn,  Người viết: ''Trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mức của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy''.

Liêm là trong sạch không tham lam... Dân chủ trong xã hội ta ngày càng đựoc mở rộng, đội ngũ những người lám báo là những người nắm bắt ngày càng nhiều thông tin về các mặt trái của xã hội, về những hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Do vậy, công việc đòi hỏi họ phải thực sự khách quan, không chỉ trong việc phản ánh lại thông tin, mà cả trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin cho chính bản thân họ. Nếu không giữ được lập trường chính trị và tính khách quan trong công việc, nếu không giữ được “liêm”, mất đi sự trong sạch, trở nên tham lam, ích kỷ, vun vén lợi ích cá nhân,  lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi, kiếm tiền bất chính, vi phạm pháp luật, bất chấp đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo phải luôn ghi nhớ: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ vho đáu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được"

Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với người làm báo, điều quan trọng là phải có  cái tâm trong sáng. Trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc “sáng tạo và cải tạo thế giới”, nhà báo phải có “cái đầu lạnh”, “trái tim nóng” và “ngòi bút sạch''. Tìm trong di sản báo chí Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ điều này. Trong một lần nói chuyện về công tác báo chí cách mạng, Người nói: Báo chí muốn có sức thuyết phục người xem, thì nó phải mang tính chân thực cao. Theo Người, cán bộ làm báo  “Viết phải thiết thực, nói có sách mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra sao''. ''Chống tham ô thì phải nói rõ ai tham ô, ai lãng phí, cơ quan nào tham ô, lãng phí cách nào? ngày tháng nào”.

Tính chân thực là lý do tồn tại của báo chí cách mạng. Lênin đã tổng kết về yêu cầu tính chân thật của báo chí trong một câu nói nổi tiếng: Sự thật - đó là sức mạnh của báo chí chúng ta. Trong "Những yêu sách của nhân dân An Nam" Nguyễn ái Quốc nêu yêu sách thứ ba là "Đòi quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do làm báo chí" . Người hiểu về tự do báo chí là để chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp và thức tỉnh dân chúng, trang bị cho họ kiến thức, trí tuệ, trang bị cho họ sức mạnh của chân lý, của sự thật, của chính nghĩa. Người ý thức rất rõ ràng về nhiệm vụ tuyên truyền của báo chí, đồng thời Người khẳng định, tuyên truyền phải đảm bảo nguyên tắc chân thực. Khi nêu gương người tốt, việc tốt phải: "Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật, không được bịa ra" . Mặt khác, "Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra.

Nói du kích đánh thắng, đánh thắng ngày nào, thắng cách thế nào, giết được bao nhiêu địch, bắt được bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng, phải nói cho rõ ràng, đồng thời chớ lộ bí mật”. Khi được hỏi về kinh nghiệm viết báo, làm báo thì Bác nói: Kinh nghiệm viết báo của Bác là phải viết chính xác, phải đọc đi đọc lại bài viết của mình.

Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi ... Bác phê phán lối viết một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích hoặc tránh né các khuyết nhược điểm, những khó khăn, tiêu cực trong xã hội. Tin tức thì có báo đưa hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối, đáng viết dài thì lại viết ngắn và tin nên ngắn thì lại viết dài, nên để sau thì lại để trước, nên để trước thì lại để sau...'' .

Hồ Chí Minh dặn những người làm báo phải chữa thói ba hoa, tức là 1) Phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như cách giảng sách; 2) Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; 3) Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "ta viết cho ai xem, nói cho ai nghe?" 4) Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết; 5) Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận...

Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, hưởng thụ đi sau; là “ lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “ không kèn cựa về mặt hưởng thụ”, “ mình vì mọi người”, “ phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trước hết “. Bác thường nhắc nhở những người làm báo, báo chí không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Chính phủ. Bác quan niệm: báo chí của ta phải viết cho ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với đông đảo quần chúng nhân dân lao động, không nên viết dài dòng, khó hiểu, "tràng giang, đại hải" , "dây cà ra dây muống" . Người căn dặn: "Ta là cán bộ cách mạng, ta viết và nói cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được" .

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy các nhà báo phải chú ý đến đối tượng bạn đọc. Cần viết sao cho phù hợp với trình độ của đại đa số dân chúng Việt Nam, cho người ta thích đọc, đọc rồi hiểu và dễ dàng vận dụng, làm theo. Đồng thời đây cũng là cơ sở để đánh giá chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Có nghĩa là phải trả lời được các câu hỏi: "Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc" .

Người chỉ ra cho những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng. Làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (6/1968) về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Người chỉ dạy: "... Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: "Hoan nghênh bạn đọc phê bình". Từ nay trở đi, trên sách hay trên báo, các chú nên luôn luôn có câu đó. Bác biết các chú văn hay, chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai, nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân" .

Người hướng dẫn những người làm báo phải học cách nói của nhân dân: "Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân..." .

Muốn thực hành “ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” . Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một trong ba kẻ địch cần phải chống, mà kẻ địch này nó lại ẩn lấp trong mỗi mình chúng ta. Nó là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thư vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, độc quyền, quan liêu mệnh lệnh...; chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng; nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp – hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để phát triển để che lấp đạo đức cách mạng .

*

**           **

Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, noi theo tấm gương  thực hành đạo đức cách mạng của Người, phần lớn cán bộ đảng viên, trong đó có các nhà báo lấy việc luôn trau dồi đạo đức cách mạng, tự rèn luyện, tự giáo dục, thực hiện tự phê bình và nghiêm túc theo yêu cầu mới làm tiêu chí phấn đấu tu dưỡng. Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"  các tổ chức cơ sở đảng coi nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên. Đối với mỗi nhà báo, việc thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cụ thể hoá những quan điểm, tư tưởng đạo đức của Người để định hướng giá trị cho bạn đọc trong mỗi tác phẩm báo chí đã trở thành nguyên tắc. Trong giai đoạn hiện nay khi trên thế giới gười ta chỉ nói đến hội nhập kinh tế, hội nhập thương mại thì việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có các giá trị đạo đức là dấu hiệu phân biệt duy nhất có thể phát huy. Do đó, việc kế thừa, phát huy các giá trị đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trực tiếp, vừa có tính lâu dài lại vừa có tính cấp bách của Đảng cũng như của mỗi cán bộ đảng viên. Mục đích là để giữ gìn cái gốc, uy tín và sức mạnh của Đảng ta, đảm bảo sự vững mạnh, trong sạch của Đảng - điều kiện tiên quyết để đưa cách mạng nước ta tiến lên giành nhiều thắng lợi mới./.

Th.S Nguyễn Vũ Cân


 

 (1) C. Mác và Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị , Matxcova, 1978, t25, tr154

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website