Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã vùng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm và chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Giá trị phổ quát về quyền dân tộc
Từ giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đã đi tới tột cùng của sự khủng hoảng, suy tàn. Thực dân Pháp đã nổ súng xâm chiếm, biến Việt Nam thành thuộc địa của chúng. Tổ quốc mất độc lập thì dân mất tự do, trở thành nô lệ! Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và tay sai trở thành mâu thuẫn chủ yếu và diễn ra ngày càng gay gắt. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng đã liên tiếp nổ ra. Những nhà lãnh đạo các cuộc đấu tranh bất khuất của quần chúng chỉ “thành nhân”, còn sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc chưa thể thành công vì các lực lượng cách mạng và những người yêu nước thiếu một hệ tư tưởng cách mạng, một lập trường đúng đắn về độc lập, tự do và phát triển xã hội, tiêu biểu cho nguyện vọng chung của cả dân tộc, đáp ứng xu thế tiến hóa của quốc gia dân tộc trong thời đại mới, nên chưa thể phát huy lên tầm cao động lực mới sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng tự do của tổ tiên.
Trước đòi hỏi bức thiết của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận trách nhiệm lịch sử tìm một con đường cứu nước, giải phóng dân tộc mới.
Dựa trên cơ sở nguồn giá trị văn hóa tư tưởng của tổ tiên, Hồ Chí Minh đã kế thừa và nghiên cứu học hỏi, chọn lọc, tiếp thu và tổng hòa biện chứng với nguồn giá trị văn hóa tư tưởng phương Đông và phương Tây, của các cuộc cách mạng tiêu biểu ở Mỹ, Pháp, đặc biệt là kinh nghiệm cách mạng Tháng Mười Nga, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Lê-nin và giá trị phép biện chứng duy vật của Mác đã vạch ra được một hệ tư tưởng cách mạng sáng tạo mang tầm vóc một học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập tự do, làm nền tảng tư tưởng trực tiếp để Người sáng lập một đội cách mạng tiên phong của dân tộc có đủ khả năng quy tụ, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối, đấu tranh để giành lại quyền làm chủ đất nước, lập nên một nhà nước dân chủ mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nói đến vấn đề dân tộc tức là nói đến tự do độc lập, quyền vô cùng thiêng liêng của Việt Nam cũng như mọi quốc gia dân tộc trên thế giới.
Sự ra đời của nền cộng hòa dân chủ Việt Nam
Với trọng trách lịch sử đối với dân tộc, vào mùa xuân năm 1930, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động - của dân tộc Việt Nam.
Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được Hội nghị thành lập Đảng nhất trí thông qua, tuy vắn tắt song đã nêu lên những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, thấm đậm yếu tố dân tộc, yếu tố quyết định tính độc đáo của cách mạng thuộc địa trong thời đại mới. Thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ tiến lên theo định hướng của xã hội cộng sản vì độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng.
Dưới ánh sáng của tư tưởng độc lập, tự do và đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, ngay khi mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo và tổ chức một phong trào dân tộc, dân chủ rộng lớn, tiêu biểu là phong trào đấu tranh của đông đảo quần chúng ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, bộ máy chính quyền của thực dân Pháp từ làng, xã, tổng ở một số huyện, phủ bị tê liệt và tan rã. Các Ban Nông hội, đại diện cho quần chúng đã đứng lên tổ chức quản lý đời sống của mình, hình thành nên chính quyền cách mạng theo kiểu Xô Viết của nhân dân lao động. Đây là một hình thức chính quyền thuộc về “quần chúng số nhiều” đầu tiên ra đời ở Việt Nam.
Phong trào cách mạng năm 1930 - 1931 mà đỉnh cao là sự ra đời của một tổ chức chính quyền cách mạng của quần chúng lao động ở một số địa phương tại Nghệ An và Hà Tĩnh là cuộc tập dượt giành và giữ chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy chính quyền cách mạng không bảo vệ được lâu, song cuộc tập dượt đầu tiên này là một thực tế lịch sử để Hồ Chí Minh và Đảng rút kinh nghiệm để đề ra chủ trương kiến lập một kiểu chính quyền cách mạng phù hợp với nội dung và tính chất của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong thời đại mới.
Từ năm 1940, Việt Nam bị đặt dưới hai tầng áp bức bóc lột nặng nề của đế quốc thực dân Pháp - Nhật. Quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật. Vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng. Chính trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào cách mạng dân tộc. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đề ra chủ trương và phương thức giải quyết vấn đề vận mạng nguy vong của dân tộc đang diễn ra trước mắt. Đảng đã quyết định cần phải thay đổi chiến lược cách mạng. Cuộc cách mạng Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia lúc bấy giờ không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền phải giải quyết cùng cả hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”. Do đó, cuộc cách mạng ở Đông Dương trong giai đoạn này là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Vậy, nhiệm vụ của Đảng với vấn đề dân tộc của ba nước ở Đông Dương được đặt ra như thế nào? Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ: “Nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc”... Sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý... Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”(1).
Nhiệm vụ đánh Pháp đuổi Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nhân và nông dân, mà là nhiệm vụ chung của toàn dân tộc. Lực lượng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, của các tộc người, các tôn giáo... phải được tập hợp vào mặt trận thống nhất có tính chất dân tộc thật rộng rãi và có thể thực hiện được ngay trong tình thế lúc bấy giờ. Đối với Việt Nam, mặt trận thống nhất đó là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Chương trình cứu nước của Việt Minh bao gồm 44 điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối với các giai cấp và tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào cả nước đang mong ước là: 1 - Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2 - Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do.
Sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới. Chính phủ nước Việt Nam mới không phải là chính phủ theo mô hình Xô Viết công nông binh như đã xuất hiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh năm 1930, mà được xây dựng theo thể chế cộng hòa dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới không phải thuộc riêng của một giai cấp nào mà là của chung của toàn thể dân tộc, chỉ trừ những kẻ làm tay sai của Pháp - Nhật và bọn phản quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy ngọn cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc và do Quốc dân đại hội cử lên.
Quyết định tiến hành chiến lược cách mạng dân tộc giải phóng, xác định vấn đề dân tộc là vấn đề tự do của dân tộc, thành lập chính quyền nhà nước theo thể chế dân chủ mới, lập ra Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra là một bước phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề dân tộc và nhà nước dân tộc, có ý nghĩa quyết định đến chiều hướng phát triển của cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 8-1945.
Đến giữa tháng 8-1945, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, song tình thế đang diễn ra sẽ gay go, phức tạp. Quân Đồng minh đang kéo vào và thực dân Pháp cũng đang ráo riết kéo quân trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai.
Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã kịp thời họp và quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, xác lập địa vị làm chủ đất nước trước khi quân Đồng minh kéo vào giải giáp quân đội Nhật. Toàn quốc đã nhanh chóng, kịp thời nổi dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta, giành lại quyền độc lập, tự do. Tiếp theo, Đại hội đại biểu quốc dân Việt Nam đã họp, nhất trí thực hiện chủ trương phát động tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập và lập ủy ban dân tộc giải phóng có tính chất như một chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, được Đại hội quốc dân giao nhiệm vụ thay mặt quốc dân chủ trì mọi công việc trong nước và giao thiệp với các nước bên ngoài.
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu quốc dân Tân Trào là một điểm sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh, của Đảng và Tổng bộ Việt Minh trong việc phát huy ý chí, sức mạnh vĩ đại của dân tộc và tính pháp quyền của Đại hội quốc dân mang tầm vóc lịch sử một Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của dân tộc, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có quyền thông qua nhiệm vụ lịch sử thực hiện kế hoạch Tổng khởi nghĩa trong cả nước, thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chung của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ủy ban dân tộc giải phóng tự cải tổ, mời thêm một số trí thức, nhân sĩ tham gia để lập thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ngày 28-8-1945. Đây là một chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách chỉ đạo quốc dân, đợi ngày triệu tập quốc hội để cử ra một chính phủ cộng hòa dân chủ chính thức. Ngày 25-8-1945, Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến ra Tuyên cáo thoái vị để Chính phủ dân chủ cộng hòa điều khiển quốc dân và rất lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập. Sự thoái vị của Bảo Đại có ý nghĩa hợp pháp hóa theo truyền thống trên thế giới, chính quyền nhà nước đã được thừa nhận là hợp pháp hóa một cách vẻ vang.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới quyền dân tộc của các nước là bất khả xâm phạm. Đó là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(2).
Tuyên ngôn độc lập là một văn bản pháp lý quan trọng khẳng định độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam là quyền thiêng liêng không ai có quyền xâm phạm!
Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã được mở ra - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Định chế Nhà nước pháp quyền dân tộc, dân chủ
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cơ quan hành chính cao nhất, giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân đội, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày bầu Quốc hội là để cử ra một chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến. Việc quy định cho Việt Nam một hiến pháp, thành lập chính phủ chính thức là những nhiệm vụ hàng đầu lúc bấy giờ của việc định chế nhà nước pháp quyền dân tộc, dân chủ của toàn dân tộc.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, dưới chế độ phong kiến và thực dân, nước Việt Nam không có Hiến pháp; nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta cần có một hiến pháp dân chủ. Vì vậy, Người đề nghị Chính phủ tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu... Đề nghị đó có giá trị lịch sử như một Tuyên bố lập hiến.
Ngày 8-9-1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 14/SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có toàn quyền quyết định Hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người cũng được thành lập theo Sắc lệnh số 34/SL ngày 20-9-1945 và Sắc lệnh số 51/SL ngày 17-10-1945 quy định Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu. Đây là những sắc lệnh đầu tiên về xây dựng quyền làm chủ của mọi công dân Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước qua việc bầu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền đứng ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”(3).
Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, quốc hội lập hiến của nước Việt Nam diễn ra trong cả nước; các vùng có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã diễn ra không kém phần quyết liệt, thậm chí có nơi đã đổ máu để thực thi quyền dân chủ của mọi công dân Việt Nam. Kết quả ở 71 tỉnh, thành trong cả nước có 89% tổng số cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Số người ra ứng cử khá đông, nhân dân đã tự do chọn lựa. Riêng ở Hà Nội, nhân dân đã chọn bầu được 6 đại biểu trong số 74 người ra ứng cử.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2-3-1946 đã bầu được Ban Thường trực Quốc hội do học giả Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tổ chức nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức có cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ do Quốc hội cử ra. Đó là một nhà nước của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc, có đầy đủ tư cách pháp lý và uy tín để thực thi những nhiệm vụ trọng đại của đất nước là kháng chiến và kiến quốc, bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc.
Bản Dự án Hiến pháp do Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo ngắn gọn, súc tích, song đã nêu được bản chất dân tộc, dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước chung của toàn dân tộc. Đó là một quốc gia dân tộc thống nhất có cơ quan quyền lực cao nhất là Nghị viện và Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất với quyền hạn tập trung cao nhất vào Chủ tịch nước trong việc điều hành và quản lý quốc gia và quyền lợi và nghĩa vụ công dân v.v..
Ngày 10-11-1946, bản dự án Hiến pháp được công bố trên báo Cứu quốc để tất cả nhân dân Việt Nam tham dự vào việc lập Hiến pháp của nhà nước. Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân trình lên Quốc hội bàn luận. Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết trực thuộc chính phủ có 50 vị gồm các trí thức, nhân sĩ, các bộ trưởng và thứ trưởng cũng đã nghiên cứu và đưa ra một bản Dự án Hiến pháp đệ trình Chính phủ.
Dựa trên bản Dự án Hiến pháp của Chính phủ là chủ yếu, đối chiếu với bản Dự án Hiến pháp của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và tham khảo các bản hiến pháp của một số nước châu Âu, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã soạn thảo Dự án Hiến pháp mới trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai họp ở Hà Nội từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946. Quốc hội đã nêu lên những ưu điểm, tính chất tiến bộ của dự án, đóng góp thêm một số điểm cụ thể và cuối cùng đã nhất trí tán thành với bản dự án. Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 240 đại biểu tán thành trên tổng số 242 đại biểu có mặt.
Bản Hiến pháp nêu rõ những thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền đất nước, tự do của nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa.
Hiến pháp đã ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất, Trung Nam Bắc không thể phân chia.
- Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô đặt ở Hà Nội”.
Hiến pháp đã nêu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc gồm có chủ tịch nước, phó chủ tịch và nội các; Hệ thống tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp; Hệ thống và quyền hạn của cơ quan tư pháp và về sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một “Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịnh sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập...; dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông, để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (4).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946 đã bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ, công bằng của các giai cấp. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước nhảy vọt lịch sử về định chế pháp quyền dân tộc dân chủ Việt Nam, một minh chứng về giá trị sáng tạo và tính thực tiễn của tư tưởng nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó vẫn còn giá trị để Đảng và Nhà nước tiếp tục kế thừa và hoàn thiện cao hơn, phù hợp với thực tiễn của đất nước và thế giới trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền của dân tộc trên bước đường tiến lên xây dựng Việt Nam thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh và Đảng đã chọn lựa./.
___________________
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 7, tr 113
(2) Tuyên ngôn độc lập, Báo Cứu quốc số 36, ngày 5-9-1945
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 133
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 4, tr 440