Tư tưởng Hồ Chí Minh có ba nguồn gốc: một là, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; hai là, tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây; ba là, chủ nghĩa Mác-Lênin và đây là nhân tố quyết định nhất. Bài này chỉ đề cập một khía cạnh về mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tại Đại hội II (1951) của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ''Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước''.
Các dân tộc đều có lòng yêu nước. Song, truyền thống yêu nước Việt Nam có những nét đặc sắc: một là, tinh thần độc lập tự chủ, anh dũng bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới ở vào hoàn cảnh lịch sử phải đấu tranh trường kỳ như thế, gay go quyết liệt như thế chống những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp bội, để bảo vệ độc lập, tự do, bản sắc và phẩm chất của dân tộc như dân tộc Việt Nam. Hai là, giàu tính cộng đồng, tính nhân dân, tính nhân bản. Trong tư tưởng, tình cảm yêu nước Việt Nam ngay thời phong kiến, Nước chủ yếu không phải là Vua mà trước hết là dân, là đồng bào, là phẩm giá của dân tộc và con người. Ba là, do hai đặc tính trên, tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam có xu hướng gắn với tiến bộ xã hội. Tư tưởng yêu nước Việt Nam chứa đựng khát vọng về tự do, công bằng, bình đẳng xã hội của nhân dân. Nhân dân Việt Nam yêu đất nước mình nhưng không vị kỷ, hẹp hòi dân tộc mà tôn trọng các dân tộc khác, khoan dung và quý trọng tính hòa hiếu.
Từ tuổi thanh niên, Hồ Chí Minh đã là một trong những người con yêu nước ưu tú nhất, tiêu biểu nhất của dân tộc. Tất cả ý nghĩa cuộc sống đối với Người đó là cứu nước, giải phóng dân tộc, cứu đồng bào bị đọa đày, đau khổ. Người coi đấy là lẽ sống thiêng liêng nhất. Người nói: ''Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu''. Đối với Người, tất cả mọi kế sách đều vô nghĩa nếu không nhằm tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc. Cả cuộc đời, Người ''chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành''. Hồ Chí Minh lúc thiếu thời rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu văn thân, các chí sĩ xả thân vì nước. Nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các vị. Tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh thời trẻ, ngay khi chưa gặp chủ nghĩa xã hội, đã thể hiện có tầm vượt trước những quan niệm cứu nước đương thời. Bởi đó là tư tưởng yêu nước sáng suốt, có tính phê phán, mang đậm tính nhân dân, tính nhân bản. Nó hướng tới việc tìm con đường thật sự cách mạng và khoa học, dẫn tới mục tiêu triệt để giải phóng dân tộc. Người nói: ''Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì''. Rõ ràng mục tiêu ấy không thể tìm thấy ở con đường cứu nước trên lập trường phong kiến và cả trên lập trường tư sản hay tiểu tư sản. Ở tuổi 13, cũng như một số nhà yêu nước đương thời, Hồ Chí Minh đã sớm bị hấp dẫn bởi khẩu hiệu ''Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Song, khác các vị ấy, Hồ Chí Minh muốn tìm hiểu đến tận nơi ''cái gì ẩn đằng sau” những từ đẹp đẽ ấy, không chỉ trên lý thuyết mà ngay trên thực tế. Với một hoài bão và lòng yêu nước như thế làm hành trang, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Như vậy là chủ nghĩa yêu nước truyền thống đang đòi hỏi được đổi mới là tiền đề tư tưởng đưa Hồ Chí Minh đến một cách tự nhiên với chủ nghĩa Mác-Lênin, đáp ứng yêu cầu bức xúc của lịch sử lúc đó là phải xác định một đường lối cứu nước mới, đúng đắn. Tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh phản ánh yêu cầu giải phóng bức xúc của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa nói chung.
Tư tưởng càng vĩ đại khi nguồn gốc của nó càng sâu xa, cơ sở của nó càng rộng lớn. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ kết tinh những giá trị dân tộc, mà còn bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa nhân loại, cả phương Đông và phương Tây mà Người đã thâu thái được. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem Hồ Chí Minh là một điển hình của các bậc hiền triết phương Đông. Cốt cách phương Đông của người không chỉ ở văn hóa ứng xử mà còn thể hiện ở phương pháp, phong cách tư duy và hành động, ở sự am hiểu sâu sắc và tinh tế những vấn đề lịch sử cũng như những vấn đề nóng hổi đương đại của các dân tộc phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia...
Nền học vấn đầu tiên mà Người tíếp nhận là Nho học. Đến tuổi thanh niên và cả thời kỳ hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến nghiên cứu các giá trị phương Đông. Trong các hệ tư tưởng cổ truyền, dễ nhận thấy Hồ Chí Minh nhắc nhiều tới Nho giáo trong các bài viết, bài nói của mình. Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu, trong Toàn tập Hồ Chí Minh thấy có tới khoảng 100 lần Người nhắc đến các luận điểm, cách ngôn của Khổng Mạnh. Lúc này Hồ Chí Minh dẫn lời Khổng Tử: ''Học không biết chán, dạy không biết mỏi''. Lúc khác người dẫn lời Mạnh Tử: ''Ai cũng tham thì nước sẽ nguy''. Chỉ riêng một luận điểm của Nho giáo “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc” (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ), tính ra Hồ Chí Minh đã nhắc tới 14 lần ở những thời điểm khác nhau và với những cách diễn đạt khác nhau. Theo Người, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, đạo đức người cộng sản cũng phải như thế.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế lớn của Nho giáo như phân chia đẳng cấp, coi thường phụ nữ, khinh lao động chân tay, v.v.. Hồ Chí Minh căn bản không dùng học thuyết Khổng Tử để cải tạo xã hội, song người nói ''Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học''. Người cho rằng để kế thừa những cái hay trong tư tưởng các bậc tiền bối cần theo phương pháp Lênin. Người nói ''Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại. Lênin dạy chúng ta như vậy''.
Hồ Chí Minh sử dụng không ít mệnh đề và thuật ngữ Nho giáo, song chúng ta không đồng tình quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh ''chở chủ nghĩa Mác–Lênin trên cỗ xe Nho giáo'', rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là sự hội tụ giữa học thuyết Khổng Tử với học thuyết Mác. Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước cách mạng và yếu tố này tuyệt nhiên không có trong học thuyết Khổng Tử. Người không bài bác những yếu tố tiến bộ trong đạo Nho nhưng sử dụng chúng có phê phán và cải tạo lại nội dung trên cơ sở thế giới quan Mac-Lênin và nhân sinh quan cách mạng.
Từ tưổi thiếu niên, Hồ Chí Minh đã tiếp cận những yếu tố văn hóa phương Tây qua trường học Pháp - Việt. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã đến tất cả các nước chủ yếu phương Tây như Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Italia... Mang đậm cốt cách nhà hiền triết phương Đông nhưng Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng văn hóa, văn minh phương Tây. Trong giao tiếp, ứng xử hay biểu đạt tư duy khi cần Người cũng tỏ ra đầy bản lĩnh hiểu biết và phong cách phương Tây. Đúng hơn và phải nói rất tinh vi là một nhận xét có giá trị phát hiện của nhà báo Ôxíp Manđenxtam từ 1923 như sau: ''Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai''.
Nguồn văn hóa phương Tây tác động tới Hồ Chí Minh trước hết phải kể đến tư tưởng ''tự do, bình đẳng, bác ái'' mà giai cấp tư sản thời đang lên nêu cao để tập hợp lực lượng lật đổ chế độ phong kiến. Những tư tưởng đó cũng trở thành giá trị của nhân loại, mặc dầu trong nguồn gốc ra đời nó thể hiện lợi ích của giai cấp tư sản. Hồ Chí Minh kể lại: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy''.
Khi chủ nghĩa Mác-Lênin chưa thâm nhập vào Việt Nam, những người yêu nước Việt Nam hết sức ngưỡng mộ Đại cách mạng Pháp năm 1789. Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng rất muốn tìm hiểu xem nó có thể giúp ích gì cho công cuộc giải phóng đồng bào. Có thể nói, sức hấp dẫn đối với Nguyễn Tất Thành lúc đó không phải đường lối, cách làm của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu; cũng không phải lá cờ cải lương tư sản của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc) mà chính là những tư tưởng tiến bộ của Đại cách mạng Pháp năm 1789, mặc dầu ngay từ đầu Người đã cho rằng phải tìm hiểu đến cả mặt hạn chế của nó. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Hồ Chí Minh đi Pháp vào năm 1911. Người kể với nhà báo Ôxíp Manđenxtam: ''Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài''.
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, đi khắp các châu lục, nhất là đến những trung tâm văn minh đương thời... Từ các thư viện Pari, Luân Đôn; từ những cuộc sinh hoạt luận bàn trong các hội thảo, các câu lạc bộ chính trị, văn hóa; từ sách báo; từ những quan hệ tiếp xúc với nhiều trí thức, các chính khách có tiếng ở Pháp và thế giới,... Hồ Chí Minh đã thâu thái được những tinh hoa văn hóa của phương Tây cần thiết cho hoạt động cách mạng của Người.
Cũng như đối với những giá trị của phương Đông, Hồ Chí Minh tiếp thu những giá trị tư tưởng văn hóa phương Tây với tinh thần độc lập tự chủ và phê phán. Người đã trực tiếp thấy rõ cách thống trị cực kỳ tàn bạo của thực dân Pháp ở Đông Dương, những thống khổ không sao kể xiết của đồng bào mình, đã tận mắt trông thấy tội ác dã man của bọn thực dân ở tất cả các nước thuộc địa mà Người đi qua, trực tiếp chứng kiến những bất công phổ biến ngay ở những nước ''văn minh''. Qua thực tế, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mặt trái của nền văn minh phương Tây. Song điều đó không ngăn cản Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn minh phương Tây.
Trên cơ sở những thực tế và nhân tố tư tưởng nói trên, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự gặp gỡ tất yếu và tự nhiên giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với chủ nghĩa Mác-Lênin. Việc Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin ''cái cần thiết” và ''con đường” giải phóng dân tộc Việt Nam, “ngọn hải đăng soi đường cho toàn thể nhân loại bị áp bức đi tới giải phóng'', là bước quyết định trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước ở Nguyễn Ái Quốc có bước nhảy vọt về chất - tư tưởng yêu nước ở Nguyễn Ái Quốc trở thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng yêu nước, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc không phải chất riêng có những người cộng sản mà là vốn có ở hàng triệu người trong Đảng cũng như ngoài Đảng. Song chỉ có Đảng của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin mới có đường lối đúng đắn để giải phóng dân tộc, biến chủ nghĩa yêu nước truyền thống thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tê vô sản. Được hệ tư tưởng khoa học của giai cấp công nhân quốc tế soi sáng, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tưởng Hồ Chí Minh. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh là đỉnh cao chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam. Chính lý luận Mác-Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận khoa học biện chứng để tổng kết kiến thức, tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vuợt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục căn bản cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc. Theo V.I.Lênin, ''một người'' chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng'' khi nào họ đi trước phong trào tự phát chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết trước những người khác, tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà ''những yếu tố vật chất” của phong trào húc phải một cách tự phát''. Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất trong những con người như thế.
Chủ nghĩa yêu nước là cơ sở ban đầu, là động lực trực tiếp và xuyên suốt thúc đẩy Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Còn chủ nghĩa Mác-Lênin đã nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống ở Hồ Chí Minh lên bước phát triển mới về chất phù hợp với thời đại mới. Người nói: ''Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ''.
Ngay từ tác phẩm Đường Cách mệnh (1927) Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin''. Sau bao năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người cho khắc lên ngọn núi đá có hang Pắc Bó và dòng suối đầu nguồn hai tên tuổi vĩ đại: “núi Các Mác'' và “suối Lênin''. Người làm điều đó không do tình cảm ngẫu nhiên mà cốt để nhắc nhở đời đời. Cho đến khi sắp từ giã thế giới này, Bác còn “để sẵn mấy lời... phòng khi tôi sẽ đi gặp Các Mác, cụ Lê nin...''. Đủ thấy Hồ Chí Minh thủy chung là nhà mácxít – lêninnít vĩ đại, vĩ đại ở sự trung thành theo nghĩa đầy đủ và cao nhất của từ đó, nghĩa là bao hàm phát triển sáng tạo; trung thành không phải trên từng câu, chữ mà trung thành với thực chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, trên tinh thàn ''dĩ bất biến ứng vạn biến”. Thật không đúng nếu chú tâm đi tìm sự khác biệt, sự đối lập nào đó giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Là kết quả lịch sử và lôgíc từ sự kết hợp tự nhiên truyền thống yêu nước với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự vận dụng mà còn phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam và cả các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Càng sai lầm nếu ai đó chủ trương “đề cao'' tư tưởng Hồ Chí Minh thành chủ đạo để hạ thấp và xoá bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ trương “đề cao'' “chủ nghĩa dân tộc'' và “Đảng của chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh'', hòng hạ thấp thậm chí gạt bỏ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin. ''Đề cao'' tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách đó rốt cuộc là xoá bỏ chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh bởi tư tưởng Hồ Chí Minh từ đâu hình thành nếu không có cội nguồn chính yếu là chủ nghĩa Mác-Lênin?
Cương lĩnh của Đảng năm 1991 đã khẳng định: chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và của cách mạng Việt Nam. Nền tảng đó là thể thống nhất như cả một khối thép đúc thành, không gì phá vỡ nổi. Không ngừng củng cố vững chắc và phát triển sáng tạo nền tảng ấy là bảo đảm cơ bản cho Đảng ta không thay đổi màu sắc mà vẫn luôn xứng đáng là đội tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc, là Đảng của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, Đảng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
GS Nguyễn Đức Bình
Nguyên uỷ viên Bộ Chính trị,
Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong Di sản Hồ chí Minh trong thời đại ngày nay
(Nxb Chính trị - Hành chính- 2010)