Tác phẩm “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ” của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh)

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Tháng 7-1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được tiếp cận với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin và tìm thấy trong đó “cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta”. Tại Đại hội Tua (12-1920) của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Từ đây, trong những hoạt động thực tiễn và lý luận sôi nổi và phong phú của mình, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam và các nước thuộc địa. Nhận thức của Người về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc ta theo con đường cách mạng vô sản từng bước hình thành.

Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Mátxcơva (Liên Xô) để tham gia những sinh hoạt chính trị quốc tế quan trọng ở đây. Tại Mátxcơva, trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người được theo học một khoá ngắn hạn của Trường Đại học Phương Đông, tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và nhiều đại hội các đoàn thể quần chúng khác như Quốc tế Nông dân, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ và Quốc tế Công hội đỏ, v.v.. Tại các diễn đàn này, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia các cuộc tranh luận về các vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Người nhận thức thêm được nhiều vấn đề lý luận quan trọng, nhưng cũng nhận thấy Quốc tế Cộng sản hiểu biết rất hạn chế về tình hình thuộc địa. Do vậy, trước khi rời Mátxcơva về phương Đông cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản để trình bày nhiều vấn đề về thuộc địa ở Việt Nam[1].

Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ là một trongsố những tác phẩm lần đầu được bổ sung vào bộHồ Chí Minh toàn tập, tập 1 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2000, trong đó nêu một số đoạn quan trọng thể hiện tư tưởng, quan điểm và tinh thần sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Năm 2007, Bảo tàng Hồ Chí Minh, trên cơ sở những tài liệu ở các kho lưu trữ của Liên bang Nga, mới sưu tầm được đầy đủ tác phẩm này.

2. Nội dung chủ yếu của tác phẩm

Toàn văn tác phẩm được trình bày ngắn gọn, rõ ràng với bốn phần.Phần 1, tình hình người bóc lột, nêu khái quát chính sách bóc lột của người Pháp ở thuộc địa.Phần 2, tình hình người bị bóc lột, chia làm bốn mục về các giai cấp trong xã hội; cuộc đấu tranh giai cấp; cuộc xung đột giữa hai thế hệ nhà Nho cũ và thanh niên An Nam đã Âu hoá, hai nền văn minh châu Âu (nhất là Pháp) và châu Á (nhất là Trung Hoa); chủ nghĩa dân tộc, v.v.. Phần 3, cương lĩnh của chúng tôi. Phần 4, tương lai, bao gồm ba mục người bị bóc lột có thắng nổi người bóc lột không; Đông Dương có đi theo chủ nghĩa Bônsêvích được không; thực dân Pháp làm gì để ngăn cản tuyên truyền Bônsêvích. Cuối cùng là kết luận, nêu khả năng và điều kiện của khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Tác phẩm phân tích nhiều vấn đề chính trị ở một nước thuộc địa như Việt Nam, trong đó nhấn mạnh một số luận điểm quan trọng sau đây:

a) Về giai cấp và đấu tranh giai cấp ở Việt Nam

Về mặt giai cấp, trên quan điểm lịch sử - cụ thể, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, ở Đông Dương cũng như ở Trung Quốc và Ấn Độ v.v. tuy có sự phân hoá giai cấp, nhưng không sâu sắc và triệt để như ở phương Tây. Sự đối lập về tài sản, phương tiện sinh hoạt và mức sống giữa địa chủ và nông dân, giữa tư sản và công nhân không lớn, do đó sự xung đột về quyền lợi của họ không những không quyết liệt mà còn được giảm thiểu. Về mặt xã hội, Nguyễn Ái Quốc nêu vấn đề có lẽ các dân tộc Viễn Đông, trong đó có Việt Nam, trong lịch sử không trải qua chế độ nô lệ và chế độ phong kiến nông nô như sự phân tích của C.Mác về sự phát triển các xã hội.

Chế độ phong kiến ở Việt Nam không có chế độ lãnh địa và quan hệ lãnh chúa - nông nô, không có cát cứ lâu dài và tầng lớp tăng lữ, chứa đựng nhiều yếu tố dân chủ và tính tự trị của làng xã. Ngay từ buổi đầu dựng nước, dân tộc Việt Nam đã phải chống ngoại xâm, phải huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành thắng lợi, nên có tính cố kết cộng đồng bền vững. “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Do vậy, cũng không thể áp dụng rập khuôn lý luận đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác.

b) Về dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam

Chủ nghĩa dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đề cập trong tác phẩm là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của các dân tộc thuộc địa đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giành độc lập và là một bộ phận của cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc, dựa trên quan điểm mácxít, thừa nhận đấu tranh giai cấp trong xã hội có giai cấp là một động lực to lớn của lịch sử, nhưng không phải là động lực duy nhất. Là người dân thuộc địa, đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc. Người xem chủ nghĩa dân tộc là một động lực vĩ đại, thậm chí là duy nhất của các dân tộc thuộc địa, nhấn mạnh vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp mà coi nhẹ hoặc bỏ qua vấn đề dân tộc ở thuộc địa là không đúng.

Các nước thuộc địa, nhất là ở Á - Phi, đều là những nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc kìm hãm và bóc lột tàn bạo. Trong cuộc đấu tranh giải phóng, họ không có vũ khí nào khác là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Trong đấu tranh chống đế quốc để giành độc lập, mâu thuẫn dân tộc với đế quốc là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất; mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc tuy vẫn tồn tại nhưng chưa sâu sắc và đứng sau mâu thuẫn dân tộc với đế quốc. Dù là tư sản hay địa chủ cũng đều là người dân nô lệ, mất nước, bị áp bức và ít nhiều đều có tinh thần chống đế quốc. Nguyễn Ái Quốc chứng minh điều đó bằng những cuộc đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia và tất cả đều được thúc đẩy bởi chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”. “Giờ đây, người ta sẽ không thể làm được gì cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất trong đời sống xã hội của họ”.

Đây là một luận điểm mới mẻ và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, vì Người đã sớm đề cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc ở trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, khi chủ nghĩa dân tộc còn bị phân biệt và bị xem là thuộc phạm trù của hệ tư tưởng tư sản, nhận thức của nhiều Đảng Cộng sản và công nhân về vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc còn hạn chế.

c) Về phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác ở Việt Nam

Từ thực tiễn các nước thuộc địa phương Đông và Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề cần vận dụng sáng tạo lý luận của Mác vào thực tiễn của mỗi nước, từ đó bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác. Người nhận định Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng là lịch sử châu Âu, mà châu Âu chưa phải là toàn thể nhân loại. Do đó, cần “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”. Từ tình trạng các nước thuộc địa và nửa thuộc địa ở phương Đông, ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu lên nhiều vấn đề lý luận làm cơ sở cho đường lối và phương pháp giải phóng dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản.

Nguyễn Ái Quốc phác thảo một cương lĩnh hành động của cách mạng Việt Nam trong tương lai với nhiều nội dung lớn. Một là, phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản, khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi, nhất định chủ nghĩa dân tộc sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế và đó là một chính sách hiện thực nhất. Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam như lập các trung tâm tuyên truyền, xuất bản báo chí, lựa chọn những người đi đào tạo ở nước Nga, v.v.. Ba là, dự báo về khả năng và điều kiện của khởi nghĩa vũ trang ở phương Đông. Đó là những cuộc khởi nghĩa của quần chúng, diễn ra ở trung tâm, thành thị chứ không phải ở vùng biên giới như phương pháp của các nhà cách mạng trước đây, phải tranh thủ được sự ủng hộ của cách mạng vô sản thế giới, trước hết là nước Nga Xôviết và cách mạng vô sản Pháp, v.v..

3. Ý nghĩa của tác phẩm

Tác phẩm Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ thể hiện sự am hiểu sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc về lý luận và thực tiễn, cũng như khả năng vận dụng sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn Việt Nam. Đứng vững trên quan điểm thực tiễn và vận dụng phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác, Nguyễn Ái Quốc đã trung thực và dũng cảm, độc lập và sáng tạo trong việc tìm ra chân lý. Những luận điểm trongBáo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ là sự đúc rút từ việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tế ở các nước thuộc địa, nhất là các thuộc địa ở phương Đông và Việt Nam. Theo nhiều giới nghiên cứu trong và ngoài nước, đây là một trong những tác phẩm lý luận chính trị xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc. Tác phẩm đã đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối và phương pháp của cách mạng Việt Nam.

Theo cuốn Tư tưởng chính trị của C.Mác, Ph.ĂngghenV.I.Lênin và Hồ Chí Minh (PGS.TS Lê Minh Quân)


[1]. Trong thời gian từ năm 1923 đến năm 1940, ở những thời điểm quan trọng chuẩn bị về gần Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều báo cáo và thư gửi Quốc tế Cộng sản, trong đó đề cập nhiều vấn đề về thuộc địa và cách mạng ở thuộc địa - trong đó có Đông Dương và Việt Nam, như Báo cáo về Đông Dương (9-1923), Thư gửi Quốc tế Cộng sản (4-1924), Thư gửi Quốc tế Cộng sản (9-1924), Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (1924), Thư gửi Ban Phương Đông - Quốc tế Cộng sản (5-1928), Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản (2-1930), Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản (7-1940), v.v..

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website