Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và tập trung dân chủ

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ. Tư tưởng của Người về vấn đề này hết sức rộng lớn, sâu sắc và có ý nghĩa thời sự nóng bỏng hiện nay. 

Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh là tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa, mang bản chất của giai cấp công nhân thể hiện sự vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo lý luận mác xít về dân chủ. 

Đó là hệ tư tưởng dẫn dắt giai cấp công nhân và quần chúng lao động đi tới cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, không còn chế độ người bóc lột người. Sự nghiệp ấy do Đảng lãnh đạo và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng biểu hiện sức mạnh của mình trong hoạt động có tổ chức, tự giác và sáng tạo để từng bước xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. 

Những luận điểm về dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất cô đọng, hàm súc vừa cụ thể giản dị, vừa khái quát sâu sắc. Trong những luận điểm đó, có những quan điểm mang tính định nghĩa khoa học, sự đúc kết thực tiễn và sự gắn bó hữu cơ giữa lý luận với thực tiễn. Đây không chỉ là sự sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn là nét độc đáo đặc sắc trong phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị và ý nghĩa thực sự của dân chủ chỉ có được khi nhân dân lao động thực hiện lợi ích thiết thực và quyền lợi của họ với tư cách là quyền của người dân làm chủ được tôn trọng, được đảm bảo trong thực tế. Lợi ích và quyền lợi ấy phải mang nội dung toàn diện cả vật chất và tinh thần, cả kinh tế và chính trị văn hóa xã hội. Nó không chỉ được thừa nhận và đảm bảo về mặt pháp lý (được khẳng định trong hiến pháp, pháp luật), mà còn phải được thực hiện thông qua cơ chế chính sách (thông qua hiệu lực và hiệu quả vận hành của các cơ chế dân chủ), trước hết là hoạt động của bộ máy nhà nước. Chính vì thế, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Nhà nước phải thể hiện ý chí quyền lực của dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, phấn đấu đem lại lợi ích cho dân, thoả mãn những nhu cầu hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó là một nhà nước dân chủ và tiến bộ. Những lợi ích và nhu cầu đó lại phải được thể hiện một cách công bằng chính đáng, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa phát triển các cá nhân với mục tiêu phát triển xã hội. Đồng thời, lại phải chăm lo giải quyết những vấn đề bức xúc hàng ngày của dân tộc, của đất nước. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích so sánh làm nổi bật sự khác nhau về bản chất của dân chủ. Dân chủ đối lập với quan liêu. Một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ phải thường xuyên chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, phải ra sức phát huy mọi khả năng của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, đảm bảo cho nhân dân có quyền thực sự tham gia quản lý nhà nước. Người căn dặn cán bộ: “Việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Người yêu cầu mọi cán bộ cơ quan quyền lực phải hết sức tôn trọng dân, có lỗi thì dũng cảm tự nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa. Người phê phán bệnh quan liêu cửa quyền, hách dịch, coi thường dân chúng của cán bộ và chỉ rõ đó là “quan chủ” đâu còn là dân chủ nữa. Đây là những lời dạy quý báu và luôn có tính thời sự trong công tác quản lý nhà nước, trong tu dưỡng đạo đức nâng cao văn hóa dân chủ của cán bộ ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định, xây dựng chế độ dân chủ không chỉ là xây dựng cơ sở kinh tế, chính trị, pháp luật của chế độ đó mà còn là xây dựng đạo đức, môi trường văn hóa-đạo đức trong sạch lành mạnh. Đó là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và xây dựng đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là một căn bệnh nguy hiểm, một thứ “giặc nội xâm”, nó đẻ ra mọi thứ bệnh tật khác, làm thoái hóa tổ chức và làm hư hỏng cán bộ, làm tổn hại đến lợi ích nhân dân và xã hội, làm suy giảm nhiệt tình, lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ còn biểu hiện ở chỗ, Người rất chú trọng đến mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa lợi ích và trách nhiệm bổn phận của công dân đối với nhà nước và xã hội. Đây là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người với tổ chức, giữa thành viên và tập thể; được quy định bởi lợi ích, được điều chỉnh bởi pháp luật và dư luận xã hội, theo chuẩn mực đạo đức và văn hóa. Theo Người, nhân dân có quyền làm chủ thì đồng thời cũng có nghĩa vụ làm chủ. Mỗi công dân đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện pháp luật, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ, làm tròn bổn phận của người dân đối với nhà nước và xã hội. Cũng như vậy, dân chủ phải gắn liền với pháp luật, kỷ cương để đảm bảo cho mọi hoạt động diễn ra một cách có tổ chức, cùng hướng tới mục đích chung vì sự tiến bộ và phát triển, vì lợi ích chung của xã hội và lợi ích riêng của mỗi người. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ như vậy mới tránh được những hành vi tự phát, tự do vô chính phủ, sự hỗn loạn, sự lạm dụng dân chủ để phá hoại dân chủ của nhân dân. Xuất phát từ quan niệm đó, Người đã dày công giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng những phẩm chất cần thiết mà mỗi người phải thấm nhuần, biến nó thành nhu cầu thói quen, tập quán lành mạnh để thực hiện dân chủ, chống tập trung quan liêu, chống tản mạn cục bộ, chống tuỳ tiện coi thường kỷ cương phép nước, tự do vô chính phủ. Người còn nhắc nhở uốn nắn mọi sự ngộ nhận về dân chủ, mọi biểu hiện vừa vi phạm dân chủ, vừa rơi vào dân chủ cực đoan hoặc dân chủ hình thức; quan tâm sâu sắc tới cơ chế biện pháp và các điều kiện bảo đảm dân chủ như áp dụng nghiêm túc chế độ tiếp dân, chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra, phê bình và tự phê bình. Đồng thời, lại phải thực hiện các biện pháp như thông tin kịp thời, khách quan, trung thực, kết hợp giáo dục tuyên truyền, thuyết phục với các biện pháp hành chính, cưỡng chế, thưởng phạt nghiêm minh và sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật. 

Những tư tưởng đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn tới mối quan hệ giữa dân chủ với tập trung và việc thực hiện đúng đắn mối quan hệ biện chứng này phải trở thành một nguyên tắc trong lãnh đạo và quản lý. 

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và tập trung dân chủ vào nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ huy, đội ngũ cán bộ quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau: 

Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ huy quản lý tập trung, thống nhất để thực hiện rộng rãi quá trình dân chủ hóa mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ. Dân chủ được đảm bảo bởi tập trung và tập trung phải trên cơ sở dân chủ, vì mục đích dân chủ. Đó là một chỉnh thể thống nhất hữu cơ không thể tách rời trong hoạt động chỉ huy, lãnh đạo, quản lý đơn vị. Đặc biệt, trong hoàn cảnh chiến đấu, tập trung dân chủ phải đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, hành động thống nhất nhưng lại phải biết vận dụng sáng tạo trong những điều kiện tình huống cụ thể. 

Thứ hai, dân chủ trong hệ thống tổ chức quân đội đòi hỏi phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phân công phụ trách. Chủ tịch Hồ Chi Minh đã chỉ rõ, lãnh đạo không tập thể thì đi đến cái tệ bao biện độc đoán, chủ quan, kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phân công phụ trách phải luôn luôn đi đôi với nhau. Từ đó, Người xác định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung”. 

Tư tưởng đó của Người cho thấy, tập trung dân chủ phải thực sự là sức mạnh của dân chủ, bản chất đích thực của nó xa lạ với tập trung quan liêu, tự do vô tổ chức kỷ luật. Dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với quan liêu chuyên chế độc tài; cũng như vậy, tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với phân tán cục bộ, tự do vô chính phủ. 

Thứ ba, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, nhằm tăng cường sức mạnh của bộ máy tổ chức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của người chỉ huy. Khắc phục những hiện tượng tiêu cực chuyên quyền, độc đoán, lộng quyền và lạm dụng quyền bởi vì nó hoàn toàn trái với tập trung dân chủ, có thể dẫn tới thái độ coi thường tập thể dẫn tới thói kiêu căng tự mãn chủ quan, cá nhân độc đoán. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh phê phán những cán bộ núp dưới danh nghĩa tập thể để hoạt động bè phái chia rẽ, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể. Do vậy, Đảng uỷ và chỉ huy các cấp trong quân đội phải tăng cường công tác giáo dục và kiểm tra cán bộ, đề cao kỷ luật, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm nguyên tắc chế độ, điều lệnh, điều lệ của quân đội và pháp luật của Nhà nước. 

Nguyễn Văn Hoà
Học viện Chính trị quân sự

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website