Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình – phê bình và sửa chữa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng ngày quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải nắm chắc và khéo sử dụng vũ khí tự phê bình – phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch vững mạnh. 


Người vạch rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 442, NXB Sự thật Hà Nội-1984). Theo Bác Hồ: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày, phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. (Sđd. tr 443). 

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tự phê bình” (báo Nhân dân ngày 20-5-1951). Người khuyên: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động đúng đắn”. Bác nêu vấn đề và Bác tự giải đáp: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Theo Bác Hồ, “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Có thể nói, tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản thân mỗi con người chúng ta, là đấu tranh với chính bản thân mình, làm một việc gì xấu mà lúc ấy không biết là xấu. Vậy phải tự xét mình đó là ý thức tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự phấn đấu, tự răn mình. Theo Bác Hồ: “Sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa”. (Sđd, tr. 477). Thực tế cho thấy, những cán bộ không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, thì người đó ngày càng lao vào khuyết điểm, càng giảm sút uy tín dẫn đến hư hỏng. Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền” không? Dứt khoát là có. Nhưng có “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy tín lại tăng lên, nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Trong tư tưởng của Bác Hồ, tự phê bình và phê bình là việc làm như cơm “ăn cho khỏi đói”, như “rửa mặt cho khỏi bẩn”. Đó là công việc hàng ngày, hiển nhiên cần thiết. Đặc biệt, Người phê phán thái độ phê bình không trên tinh thần đồng chí, không có lòng xây dựng, không chân thành giúp đồng chí. Đó là thái độ “đao to búa lớn” “việc bé xé to”, hoặc lợi dụng phê bình, cường điệu nâng quan điểm để hạ bệ nhau, mạt sát nhau. Đó là thái độ phê bình như Bác Hồ viết, là “không nghiêm chỉnh”, không có tinh thần “phụ trách”, không theo phương châm “trị bệnh cứu người”. 

Theo Bác Hồ: “Nói nể từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chất chứa lại. Thế thì khác nào tự mình bỏ thuốc độc cho mình! Nói về Đảng, một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. (Sđd, tr. 477). 
Trong nền kinh tế thị trường, việc sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình có nhiều phức tạp và nhiều hạn chế. Đó là có lúc, có nơi, do sự chi phối của sức mạnh đồng tiền và động cơ cá nhân, mà đổi trắng thay đen, tìm cách dìm người đó xuống và thậm chí “đâm thuê chém mướn”. Những biểu hiện này tuy rất ít nhưng gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín của cán bộ, đảng viên. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình-phê bình và sửa chữa khuyết điểm thật là chí lý, cho đến nay vẫn có ý nghĩa sống còn, cấp thiết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng mỗi cán bộ, mỗi đảng viên góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. 

LÊ VĂN HIẾU

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Bộ Chính trị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35-CT/TW

(ĐCSVN) – Bộ Chính trị thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị khoá XIII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng (Chỉ thị 35) để thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website