Nghiên cứu những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, chúng ta nhận thấy Người thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng con người công an có đạo đức cách mạng, trong sáng. Trong 6 điều dạy của người về tư cách người công an cách mệnh: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc phải tận tụy; Đối với địch phải cương quyết khôn khéo", đã bao quát nội dung đạo đức của người cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân; đạo đức của người công an cách mạng phải thể hiện bằng hành động chân thực đối với tự mình và nghĩa tình đối với đồng sự và nhân dân.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng người cán bộ cách mạng có đạo đức trong sáng là một nội dung cốt lõi trong nội dung xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đạo đức cách mạng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, song không phải tự có trong mỗi con người, mà đòi hỏi phải có tinh thần quyết tâm rèn luyện qua thử thách, tôi luyện trong cuộc sống mới có được, nhất là những thử thách trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. Việc trau dồi đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ công an phải được làm thường xuyên và bằng nhiều biện pháp. Trong quan điểm giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí minh là "học đi đôi với hành", thực tiễn lao động sản xuất và đấu tranh cách mạng là môi trường giáo dục, rèn luyện đạo đức tốt nhất. Đồng thời, người luôn đề cao vai trò tự tu dưỡng của mỗi cá nhân: "Nếu không cố gắng để tiến bộ thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải."
Trong phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đạo đức giữ một vị trí, vai trò có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của mỗi người, trong mỗi lĩnh vực cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng. "Như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân." Người còn chỉ rõ: "Mọi việc thành hay bại chủ chốt là do cán bộ có thấm thuần đạo đức cách mạng hay là không." "Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng."
1- Người cán bộ có đạo đức trong sáng trước hết phải có lý tưởng cộng sản.
Bất cứ trong tình hình nào, giai đoạn cách mạng nào, lý tưởng của người cán bộ, chiến sĩ công an đều là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Lý tưởng của người cách mạng là lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn là làm cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là nền tảng của đạo đức Cộng sản chủ nghĩa.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ của công an là bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, tẩy trừ những kẻ gian tế", "Làm công an không phải làm quan cách mạng. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa. Xây dựng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hành động trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; Người luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an phải tu dưỡng, rèn luyện ,xây dựng đội ngũ vững mạnh, thực hiện tốt vai trò trọng trách là cánh tay đắc lực của Đảng, là vũ khí sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản; đồng thời công an phải thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Để thực hiện được lý tưởng cao đẹp trên, trước hết người cán bộ, chiến sĩ công an phải ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Muốn vậy, người cán bộ, chiến sĩ công an phải nắm vững đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ. Bởi vì:"Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng thì dù khéo mấy cũng không kết quả." Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự là một nhiệm vụ đặc biệt, rất nặng nề, là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp và lâu dài đối với các loại tội phạm . Cuộc đấu tranh ấy không có trận tuyến, không có ngừng chiến. Trong điều kiện đó, người cán bộ, chiến sĩ công an phải thực sự vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có trình độ khoa học kỹ thuật và kiến thức xã hội cần thiết thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, chiến sĩ công an phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phẩm chất chính trị với trình độ nghiệp vụ. Không thể chỉ có chính trị hay nghiệp vụ đơn thuần.
Thực hiện lý tưởng "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", cán bộ, chiến sĩ công an không chỉ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống sự phá hoại của thù trong, giặc ngoài, mà nhiệm vụ trọng yếu là góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước ta thực sự trong sạch, giữ được đoàn kết thống nhất như "giữ gìn con ngươi của mắt mình". Công an là công cụ để bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích của nhân dân, đại diện cho lẽ phải, cho công lý và pháp luật. Nếu cán bộ, chiến sĩ công an không tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẽ dẫn đến hành động nguy hại cho Tổ quốc và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nếu không xây dựng một lý tưởng cách mạng thì chủ nghĩa cá nhân sẽ phát triển, lý tưởng cách mạng sẽ mai một. Xây dựng lý tưởng của người cán bộ, chiến sĩ công an là xây dựng lòng trung thành với Đảng với Tổ quốc và phấn đấu suốt đời vì nhân dân.
2- Người cán bộ có đạo đức trong sáng phải là ngưòi có tinh thần đấu tranh kiên quyết với chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở những hành động rất cụ thể là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là tinh thần thân ái, giúp đỡ, là thái độ kính trọng, lễ phép theo đúng bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam và tư tưởng tiến bộ của giai cấp công nhân. Đạo đức cách mạng là sức mạnh giúp cho con người có đầy đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn gian khổ, "có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng".
Để có đạo đức cách mạng trong sáng, trước hết mỗi người phải vượt qua được rào cản chủ nghĩa cá nhân, vì nó là nguồn gốc của nhiều cái xấu, trái ngược với đạo đức cách mạng. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm " Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân" để nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện bản thân, không để chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy trong mỗi người, làm xói mòn, thoái hóa đạo đức cách mạng. Muốn tu dưỡng , rèn luyện đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi người phải tự phê bình và phê bình, can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình thì mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Trước hết phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, phải luôn luôn tự phê bình một cách trung thực, tự phê bình từ trên xuống dưới, "Tự phê bình rồi lại phê bình người khác nữa. Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình tức là để cho cái xấu của người ta phát triển lên. Người cán bộ muốn tốt là phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật."
Đấu tranh phê bình và tự phê bình trước hết là để xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nội bộ công an từ cấp cao cho đến nhân viên phải đoàn kết nhất trí, đoàn kết không phải là "chén chú chén anh", là anh A giấu lỗi cho anh B. Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để soi mói."
3- Người có đạo đức cách mạng phải luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật.
Lực lượng công an là cơ quan thừa hành pháp luật, do đó trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần giữ nghiêm kỷ luật; kiên quyết chống mọi biểu hiện coi thường pháp luật, lợi dụng pháp luật để vi phạm kỷ luật công tác, vi phạm đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi người công an cách mạng phải học tập, nắm vững nghiệp vụ, đề cao kỷ luật để tu dưỡng đạo đức cách mạng: "Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải, nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra nghiên cứu, không được tự kiêu tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được".
Trong thời kỳ hiện nay, khi đất nước đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thì yêu cầu xây dựng đạo đức cách mạng càng đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật. Chúng ta phải đề cao pháp luật và giáo dục pháp luật, vì đạo đức và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau, giáo dục đạo đức cách mạng không thể tách rời với giáo dục pháp luật và rèn luyện tính tổ chức kỷ luật của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân
Trong những năm qua, đại đa số cán bộ, chiến sĩ công an do thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng theo 6 điều Bác Hồ dạy nên đã có bản lĩnh, lập trường vững vàng, kiên định, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, là con em yêu quý của nhân dân. Nhưng cũng còn một số ít cán bộ, chiến sĩ do thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, hành động trái với tư cách của người công an cách mạng nên đã bị tha hoá, biến chất, sai phạm, bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp bị truy tố trước pháp luật. Đó cũng là bài học nhắc nhở cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện trau dồi đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta.
N.T.K