Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, danh nhân văn hoá thế giới. Đã hiến dâng cả cuộc đời cho mục đích đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Mong ước lớn lao đó của Người được thể hiện qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời nói bất hủ ấy mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập được trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện với nhau và luôn nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Người. Con đường cách mạng mà Người đã chọn, cuộc cách mạng mà Người đã lãnh đạo, những chủ trương, chính sách mà người đề ra, và cả những việc làm rất cụ thể của Người, tất thảy đều nhằm bảo vệ con người. Không phải ngẫu nhiên mà khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và tiếp theo, Người còn nêu lên một câu nữa trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng hai câu kinh điển đó từ hai cuộc cách mạng tư sản của hai cường quốc lớn là Mỹ và Pháp như một chân lý, không ai chối cãi được. Thông qua chân lý đó, Hồ Chủ tịch muốn khẳng định rằng, nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; và lẽ dĩ nhiên, nhân dân Việt Nam cũng có những quyền đó như nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp. Bằng những hành động và việc làm cụ thể của Người trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phát triển của Bản yêu cầu mà Người đã gửi đến Hội nghị Véc-xây năm 1919, là sự phát triển chương trình hành động của Việt minh mà Người đã viết năm 1941. Đồng thời, đó cũng là sự kết tinh tất cả những quyền lợi cơ bản và nguyện vọng thiết tha nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người không thể tách rời quyền của dân tộc "Tất cả các dân tộc trên thế giới, đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Với cách suy luận biện chứng đó, quyền của mỗi con người là lẽ tự nhiên thì quyền của mỗi dân tộc cũng là lẽ tự nhiên. Từ đó, Người kết tội các thế lực đế quốc xâm lược áp bức dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận. Với việc nâng tầm quyền con người thành quyền dân tộc, không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột khác trên thế giới. Đối với nước ta, khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi dân tộc là lẽ tự nhiên, là chân lý không thể nào phủ nhận được. Logic biện chứng của lập luận đó, về thực chất là Hồ Chủ tịch đã đi đến một điều khẳng định lớn lao hơn: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời cũng hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên, không ai có thể phủ nhận được. Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ở chỗ đó.
Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nướ, sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc trong đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống kẻ thù xâm lược. Người đã từng khẳng định, dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Mỗi khi có giặc xâm lăng thì tinh thần đó lại kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước. Trong các cuộc đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc cướp nước, mỗi cá nhân luôn hoà quyện với cộng đồng dân tộc, tìm thấy giá trị của mình trong giá trị chung của quê hương, đất nước. Mặt khác, cũng xuất phát từ thực tế Tổ quốc đang bị thực dân đô hộ gần một thế kỷ, nên mọi quyền lợi của nhân dân, của dân tộc cũng bị bọn đế quốc vùi dập. Cho nên, giành lại quyền sống, quyền tự do độc lập, quyền làm người từ tay bọn đế quốc là mục tiêu chiến đấu của dân tộc Việt Nam và trên thực tế, Người đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên làm cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, đã vĩnh viễn xoá bỏ mọi sự ràng buộc bất bình đẳng giữa Việt Nam với Pháp. "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lộp và thực sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Giữ vững lời thề độc lập, ngay sau khi cuộc mít tinh kết thúc, ngày 3/9/1945, Chính phủ đã họp đề ra những nhiệm vụ cấp bách: cứu đói, chống đói, xoá bỏ những thứ thuế bất hợp lý do thực dân Pháp áp đặt, ban hành những quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chuẩn bị tổng tuyển cử, thực hiện nam nữ bình đẳng, tự do tín ngưỡng, thực hiện nền giáo dục nhân dân ... Đó là những việc làm rất cụ thể của Người và Chính phủ đặt ra nhằm thực hiện quyền con người. Đặc biệt, sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946, hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh dấu một bước tiến quan trọng về thực hiện dân chủ và quyền con người, quyền công dân trên một đất nước đã hơn 80 năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, mọi quyền tự do dân chủ của con người và của dân tộc bị chà đạp. Tiếp theo, đó là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, kéo dài 30 năm cũng không ngoài mục đích tiếp tục bảo vệ những giá trị về quyền con người và quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Chế Đình Quang