Chỉ thị số 63-CT/TW ngày 28/02/2001 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn
  • Về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn
  • 63-CT/TW
  • Chỉ thị
  • Khoa học - Công nghệ
  • 28/02/2001
  • 28/02/2001
  • Bộ Chính trị
  • Lê Khả Phiêu
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 63-CT/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2001

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn

 

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn có vai trò cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, làm cơ sở để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thành công của sự nghiệp đó chủ yếu phụ thuộc vào trình độ dân trí, vào việc đẩy mạnh áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ và phát huy lợi thế so sánh của từng vùng trong cả nước để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy sản xuất hàng hoá nông nghiệp, làm chủ thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

I- Tình hình nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

Thời gian qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 2 về khoa học và công nghệ, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hoạt động khoa học và công nghệ đã hướng các chương trình, dự án, đề tài vào việc giải quyết một số nội dung liên quan đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Các hoạt động khuyến nông được tổ chức thành hệ thống, đã cố gắng phổ cập các tiến bộ kỹ thuật về giống cây, giống con, quy trình sản xuất mới đến hộ nông dân. Phong trào đưa cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý tự nguyện về nông thôn giúp đỡ, hướng dẫn nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống đã có tác động tích cực vào việc tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông phẩm hàng hoá. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn hẳn so với mức bình quân chung do tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để tăng sản lượng lương thực, chủ động điều chỉnh cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, chuyên canh có quy mô lớn dựa trên cơ sở lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và kết hợp với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, công nghệ sau thu hoạch theo những hình thức thích hợp. Ngành nghề ở nông thôn, nhất là các làng nghề đã được khôi phục và phát triển, nhờ áp dụng các công nghệ truyền thống tinh xảo kết hợp với công nghệ hiện đại. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân về các công nghệ mới, sản phẩm mới, các quy trình sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Những hoạt động đó đã có tác dụng làm tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích, mỗi người lao động và nhất là tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như gạo, cà phê, chè, rau quả, thuỷ sản. Khoa học và công nghệ đã từng bước trở thành nhu cầu thiết thực của nông dân ở nhiều vùng nông thôn, nhất là ở các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

Tuy nhiên, cho đến nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Cư dân nông thôn nói chung còn ít hiểu biết và còn rất thiếu thông tin về các loại giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, về các nhu cầu đa dạng của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; chưa đủ khả năng chủ động lựa chọn phương án sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Tiềm năng to lớn của khoa học và công nghệ đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn chưa được phát huy đầy đủ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Nhiều mô hình tốt về ứng dụng khoa học và công nghệ chưa được tổng kết kịp thời, chưa được tuyên truyền sâu rộng và còn thiếu các giải pháp phù hợp để giúp các đơn vị kinh tế quốc doanh trong nông nghiệp, các hợp tác xã, các trang trại và nhất là các hộ nông dân tiếp thu và nhân rộng. Lực lượng khoa học và công nghệ chưa được huy động tốt để phục vụ cho công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Nguyên nhân chủ yếu là chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là còn thiếu những đòn bẩy lợi ích kinh tế để khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, những quy định ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo lợi ích của việc chuyển giao công nghệ, tổ chức lại sản xuất, bao tiêu sản phẩm; việc tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ còn phân tán, chưa có sự phối hợp trên cùng một địa bàn, nội dung của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chưa thể hiện đầy đủ vai trò nòng cốt của khoa học và công nghệ; chưa làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ cần thiết cho lực lượng lao động ở nông thôn. Do đó, chưa phát huy được hiệu quả to lớn của thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, chưa làm cho khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với vai trò là đòn bẩy chủ lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

II - Chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp.

Chủ trương :

Để phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục một cách cơ bản những yếu kém nêu trên, cần tăng cường nghiên cứu, áp dụng các thành quả mới nhất của khoa học và công nghệ; nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tại chỗ; cung cấp kịp thời các tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, các quy trình sản xuất tiên tiến, các thông tin về thị trường tiêu thụ; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh ngành nghề ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến và các hình thức dịch vụ ở nông thôn; tạo lập, phát triển thị trường và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới tổ chức quản lý; chuyển mạnh nền sản xuất nông nghiệp hiện có sang sản xuất hàng hoá, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, tích luỹ cho nông dân, tạo thế và lực mới nhằm chủ động hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế.

Nhiệm vụ :

Để đáp ứng được những đòi hỏi đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, các ngành, các đoàn thể kịp thời quán triệt sâu sắc và thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ sau :

Tổ chức quán triệt sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn có nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Chú trọng vai trò tổ chức chỉ đạo thực hiện của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Tăng cường đào tạo cán bộ, đào tạo nghề cho người lao động dưới nhiều hình thức đa dạng và thích hợp, để họ thực sự tiếp thu được và có khả năng phổ cập nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Phát động phong trào rộng lớn trong nông dân, hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, trong các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp cũng như trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, trong các nhà quản lý, các nhà khoa học đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong nông nghiệp và nông thôn nhằm tạo ra bước chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, tăng nhanh thu nhập, tích luỹ cho hộ nông dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh để khoa học và công nghệ trở thành nhu cầu thực sự trong sản xuất và đời sống ở các vùng nông thôn.

Tập trung các lực lượng khoa học và công nghệ vào giải quyết những vấn đề bức xúc trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, như tạo các giống mới giá trị kinh tế cao; áp dụng có hiệu quả các loại hình công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; phát triển mạnh ngành nghề ở nông thôn. Đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng lao động, đất đai, mặt nước, rừng, biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững, hướng vào xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới, phổ cập tri thức thông tin, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại cuộc sống.

Trước mắt cần thực hiện tốt các giải pháp sau :

1- Đối với nông dân, hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và các chủ thể kinh tế khác có liên quan (gọi chung là các chủ thể trong nông nghiệp) được hỗ trợ kinh phí hoặc trợ giá một phần cho việc đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; không điều tiết thuế thu nhập trong những năm đầu đối với nguồn thu do ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ; miễn, giảm thuế cho các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; được đào tạo, bồi dưỡng miễn phí một phần hoặc toàn bộ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã về kiến thức khoa học và công nghệ để triển khai thực hiện các chương trình, dự án về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở nông thôn, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Coi trọng việc chuyển giao tri thức để lực lượng lao động tại chỗ có thể chủ động lựa chọn, tiếp nhận tiến bộ khoa học và công nghệ; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn tín dụng (phải trả lãi nhưng với lãi suất thấp) để có thể tự quyết định hình thức đầu tư phù hợp nhất cho kinh tế hộ hoặc trang trại của họ.

Các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, đặc biệt là những cơ sở có quy mô nhỏ và vừa, các trung tâm dịch vụ tổng hợp (từ tổ chức sản xuất đến bao tiêu sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ...), đổi mới công nghệ hoặc chủ động thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm, được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng chế độ ưu đãi về tín dụng, về sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2- Đối với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp và nông thôn, Nhà nước có cơ chế để nâng cao trách nhiệm, khuyến khích lợi ích thoả đáng, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, quyền công bố, trao đổi, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu và phát triển theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo phương thức hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp tiến hành theo hướng gắn kết bằng các hợp đồng trách nhiệm giữa các tổ chức và các chủ thể trong nông nghiệp.

Đối với cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý về công tác tại cơ sở để trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động ở nông thôn được tạo các điều kiện thuận lợi về ăn, ở, làm việc và được hưởng chế độ ưu đãi về lương và các phụ cấp; có chế độ ưu tiên thoả đáng đối với cán bộ công tác tại các xã vùng cao, vùng sâu và các xã đặc biệt khó khăn.

3- Dưới sự điều hành của Chính phủ, các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát lại các tài liệu về điều tra cơ bản, điều chỉnh quy hoạch cho từng địa bàn; và trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nông nghiệp và nông thôn trong cả nước; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tổ chức phân bố dân cư phù hợp với từng vùng sản xuất.

Trên cơ sở chiến lược và quy hoạch, xây dựng các chương trình (tổng hợp) phát triển nông thôn ở từng vùng trong tỉnh, chú trọng các vùng miền núi, dân tộc, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng tập trung chuyên canh gắn với cơ sở chế biến sản xuất nông sản hàng hoá. Các chương trình này phải dựa trên cơ sở khoa học, có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, có tính khả thi, có sự phối hợp liên ngành, có sự tham gia của các cấp uỷ, chính quyền, hội đồng khoa học của tỉnh.

Trên cơ sở mục tiêu và nhiệm vụ của các chương trình phát triển nông thôn, thực hiện việc lồng ghép, phối hợp các chương trình kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ được tiến hành trên cùng một địa bàn để tập trung các nguồn lực, giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu. Việc phối hợp phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bảo đảm nội dung, mục tiêu của các dự án được thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ; chú ý ứng dụng các thành tựu khoa học mới nhất, đã được các cấp có thẩm quyền giám định, phê duyệt; tạo tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về nội dung và tài chính cho người chủ trì dự án, trên cơ sở bảo đảm hiệu quả cuối cùng về kinh tế và xã hội. Các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp và nông thôn không triển khai riêng biệt mà phải là hạt nhân để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Các trung tâm khoa học quốc gia, các viện nghiên cứu, các trường đại học, trường chuyên nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo những hình thức thích hợp; chú trọng huy động lực lượng khoa học và công nghệ tham gia nghiên cứu, ứng dụng vào các lĩnh vực bức thiết như môi trường sống, nước sạch nông thôn và cơ sở hạ tầng khác để nâng cao đời sống của nông dân.

4- Củng cố và tăng cường đầu tư cho một số trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản hiện đại, nhất là về công nghệ sinh học, tạo bước đột phá mới về giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông - lâm - hải sản để trước mắt khắc phục những yếu kém về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, tiến tới có thể xâm nhập sâu rộng ở thị trường nước ngoài.

Hàng năm, các ngành, các cấp phải dành một tỷ lệ ngân sách thoả đáng cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; đào tạo và bồi dưỡng lực lượng lao động tại chỗ; xây dựng thí điểm các khu nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, tiến tới nhân rộng cho các địa phương.

Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước có nền nông nghiệp phát triển về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao để phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

5- Tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để đổi mới và nâng cao hiệu quả của các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và phổ cập tri thức về tiến bộ khoa học và công nghệ, về kỹ thuật, tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh, về thị trường tiêu thụ nông sản, cho lực lượng lao động ở nông thôn, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở.

Các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí, xuất bản tăng thời lượng, số buổi phát thanh, truyền hình, tài liệu hướng dẫn và khẩn trương phát triển các loại hình thông tin điện tử về phổ biến tri thức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn. Chú trọng các hình thức tuyên truyền thông tin thật sự thiết thực và trực tiếp đến từng người dân thông qua hoạt động khuyến nông, cung cấp cho nông dân càng nhiều thông tin càng tốt, đặc biệt là về kỹ thuật và thị trường dưới những hình thức dễ hiểu và dễ thực hiện.

Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin về nông thôn, cả vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

III- Tổ chức thực hiện.

Các bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp để tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân quán triệt Chỉ thị này và biến thành hành động để đến năm 2005 tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Các bộ, ngành, nhất là các tỉnh, thành uỷ, các huyện ủy và đảng uỷ cấp xã phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị này vào thực tế sản xuất và đời sống ở địa phương mình; xây dựng chương trình hành động cụ thể, trong đó chú trọng lựa chọn các giải pháp ưu tiên, đột phá về ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ; thường xuyên tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và ra các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương, các tỉnh, thành uỷ hàng năm báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện Chỉ thị này cho Bộ Chính trị.

Ban Kinh tế Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tư tưởng -Văn hoá Trung ương, Văn phòng Trung ương phối hợp làm đầu mối giúp Bộ Chính trị theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.


T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Lê Khả Phiêu

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
07-NQ/TW
27/11/2001
27/11/2001

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website