BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số 42-QĐ/TW
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương
- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá IX;
- Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII),
BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương
Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời là cơ quan nghiệp vụ bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương.
Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương
1. Nghiên cứu, đề xuất:
- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu cụ thể hoá đường lối của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ; chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các nghị quyết, chỉ thị, quyết định thuộc lĩnh vực nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Chủ trì hoặc phối hợp, thu thập thông tin, khai thác hồ sơ, tài liệu về chính trị nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; nghiên cứu tổng hợp, phân tích tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ trong hệ thống chính trị.
2. Thẩm định:
- Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ dự kiến đề bạt, bổ nhiệm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cán bộ được bố trí làm trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư, của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Thẩm tra xem xét những vấn đề cần thiết về chính trị, lịch sử chính trị đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; báo cáo, đề xuất hướng xử lý để Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kết luận.
3. Hướng dẫn, kiểm tra:
- Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách, các quyết định về lĩnh vực bảo vệ chính trị nội bộ của các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ địa phương.
4. Tham gia công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ trong khối:
- Tham gia với Đảng uỷ khối I cơ quan Trung ương về phương hướng công tác xây dựng Đảng trong khối.
- Tham gia ý kiến về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, khen thưởng, miễn nhiệm, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ trong khối theo danh mục phân cấp quản lý của Trung ương.
5. Thực hiện một số nhiệm vụ do Bộ Chính trị và Ban Bí thư uỷ quyền:
- Quản lý hồ sơ, tài liệu về chính trị nội bộ; quản lý danh sách (bao gồm các hồ sơ tài liệu thẩm tra, kết luận, xử lý) số cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có vấn đề lịch sử chính trị hoặc có vấn đề cần xem xét về chính trị hiện nay.
- Giải quyết hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
- Được cử cán bộ dự các phiên họp bàn công tác bảo vệ chính trị nội bộ của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các ban đảng Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ và các đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương
1. Cơ cấu tổ chức của Ban gồm các vụ và đơn vị sau đây:
- Văn phòng,
- Vụ Nghiên cứu tổng hợp,
- Vụ Địa phương I (các tỉnh, thành phía Bắc),
- Vụ Địa phương II (các tỉnh, thành phía Nam),
- Vụ Địa phương III (các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên),
- Vụ IV (các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương),
- Vụ Hồ sơ,
- Bản tin Bảo vệ chính trị nội bộ.
2. Lãnh đạo Ban gồm:
Trưởng ban và các Phó trưởng ban.
3. Về biên chế:
Thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương trên cơ sở xác định chức danh tiêu chuẩn cán bộ, công chức.
Ngoài số biên chế theo quy định, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương được thực hiện chế độ cộng tác viên phục vụ công tác nghiên cứu của Ban.
Điều 4. Quy chế làm việc
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương tiến hành xây dựng và hoàn chỉnh quy chế làm việc của Ban.
- Quan hệ giữa Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương với các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thực hiện theo chức năng và theo quy định của Ban Bí thư.
Điều 5. Điều khoản thi hành
- Quyết định này thay cho phần quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương trong Quyết định số 70-QĐ/TW, ngày 12-6-1993 của Bộ Chính trị (khoá VII) và có hiệu lực từ ngày ký.
- Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
(đã ký)
PHAN DIỄN