Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 04/11/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới
  • Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới
  • 44-CT/TW
  • Chỉ thị
  • Chính sách
  • 04/11/1998
  • 04/11/2998
  • Bộ Chính trị
  • Phạm Thế Duyệt
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số 44-CT/TW

 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 1998

 

CHỈ THỊ

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới


Trong những năm qua, hệ thống pháp luật thuế từng bước đã được ban hành, bổ sung và sửa đổi phù hợp với công cuộc cải cách kinh tế và đổi mới công tác quản lý nhà nước. Việc thực hiện các chính sách thuế thống nhất và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đã động viên hợp lý được các nguồn thu quan trọng từ nội bộ nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu chi ngân sách nhà nước và góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá phát triển...

Thực hiện cải cách hệ thống thuế bước hai, Quốc hội đã thông qua Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới để áp dụng từ ngày 01-01-1999 nhằm khắc phục nhược điểm của Luật thuế doanh thu hiện hành, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trong và ngoài nước, bảo hộ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, đặc biệt đối với hàng hoá xuất khẩu, tăng cường hạch toán kế toán trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thuế giá trị gia tăng là thuế mới nên trong thời gian đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Mặt khác, cuộc khủng hoảng về tài chính, tiền tệ và kinh tế đang lan rộng ở nhiều nước và đang có ảnh hưởng tới nền kinh tế nước ta, sẽ phát sinh thêm khó khăn, vướng mắc cho việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới phải được chuẩn bị chu đáo, làm đồng bộ với quyết tâm lớn, có sự thống nhất cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp uỷ đảng.

Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương triển khai gấp và làm tốt các việc dưới đây :

1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của cuộc cải cách thuế bước hai ở nước ta tới từng cấp uỷ đảng, nhất là các tổ chức đảng có liên quan đến việc thực hiện thuế giá trị gia tăng. Từng cấp uỷ đảng và tổ chức đảng các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể phải có chương trình và biện pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chính quyền, chuyên môn, đoàn thể triển khai tích cực công tác tập huấn nội dung Luật thuế giá trị giá tăng và các luật thuế mới; hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ tính toán, kê khai, nộp thuế cho cán bộ trong ngành thuế, ngành tài chính và tất cả các đối tượng nộp thuế. Trong chỉ đạo thực hiện phải tập trung chính vào việc triển khai Luật thuế giá trị gia tăng vì đây là luật thuế mới lại có quan hệ điều chỉnh và tác động tới mọi doanh nghiệp, người kinh doanh và toàn xã hội.

2- Chính phủ kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã xuất hiện và có thể sẽ phát sinh khi thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới đối với các đối tượng nộp thuế, nhất là trong thời gian đầu theo các yêu cầu sau :

- Bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trong nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh, có điều kiện để đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường hạch toán kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và trên thị trường quốc tế.

- Bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu của ngân sách Trung ương trong những năm đầu thực hiện. Tạo điều kiện để ngân sách các địa phương ổn định được nguồn thu, nâng dần tỉ lệ các địa phương tự cân đối ngân sách và có đóng góp vào ngân sách Trung ương.

- Bảo đảm ổn định thị trường trong nước, tránh gây ra những biến động mạnh về giá cả, đặc biệt là giá cả vật tư, hàng hoá quan trọng dùng cho sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu để ổn định sản xuất và không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tạo điều kiện để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, sử dụng có hiệu quả tài sản và các nguồn lực trong xã hội.

3- Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn áp dụng triệt để các biện pháp thích hợp để hạn chế tác động của việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng tới giá cả thị trường. Cơ quan quản lý giá của Chính phủ phải hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp rà soát lại chi phí và xử lý giá bán hợp lý. Đối với các hàng hoá, dịch vụ nhà nước quản lý giá không được điều chỉnh tăng giá trong những tháng đầu năm 1999. Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý thị trường, tích cực triển khai công tác chống buôn lậu, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các đối tượng đầu cơ, lợi dụng tình hình để tăng giá, kiếm lời bất chính.

4- Bộ Tài chính sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức sắp xếp lại ngành Thuế nhằm nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ thu, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các luật thuế và chế độ thu, phù hợp với nội dung, yêu cầu cải cách hệ thống chính sách thuế. Thiết lập cơ chế phối hợp giữa ngành Thuế với các cơ quan ban, ngành chuyên môn và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các luật thuế, bảo đảm sự thống nhất giữa chức năng quản lý ngành của cơ quan thuế với chức năng quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trốn lậu thuế hoặc chống đối việc thực hiện các luật thuế mới, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực thuế.

5- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc thi hành các luật thuế mới nhất là Luật thuế giá trị gia tăng. Ban Tư tưởng-văn hoá Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện tuyên truyền một cách sâu rộng các chính sách thuế mới, để mọi người hiểu và thấy rõ sự cần thiết phải thực hiện, cũng như các khó khăn có thể xảy ra.

6- Để tổ chức thực hiện tốt Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới và ủng hộ chủ trương áp dụng luật thuế mới của Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ đảng các cấp nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị này, lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thi hành các luật thuế ở địa phương, ngành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm sát tình hình triển khai ở địa phương, ngành, đơn vị mình để chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị.

Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp cùng các ban của Đảng theo dõi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này ở các cấp, các ngành, thường xuyên báo cáo Thường vụ Bộ Chính trị.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

(đã ký)

Phạm Thế Duyệt 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
07-NQ/TW
27/11/2001
27/11/2001

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website