Quy định số 269-QĐ/TW ngày 25/11/2014 của Ban Bí thư về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Đảng
  • Về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Đảng
  • 269-QĐ/TW
  • Quyết định
  • Hành chính
  • 25/11/2014
  • 25/11/2014
  • Ban Bí thư
  • Lê Hồng Anh
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số 269 – QĐ/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

 Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2014

 

QUY ĐỊNH

CỦA BAN BÍ THƯ

Về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Đảng

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;

- Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

- Căn cứ Luật Giao dịch điện tử của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 51/2005/QH11, ngày 29-11-2005;

- Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15-02-2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

- Căn cứ Nghị định số 106/2011/NĐ-CP, ngày 23-11-2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

- Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, ngày 10-4-2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng,

Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy định về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cấp ủy và cơ quan đảng, thực hiện cải cách hành chính trong Đảng.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chi tiết về thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng; không áp dụng đối với hồ sơ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hồ sơ kiểm tra Đảng, hồ sơ khiếu nại, tố cáo và các hồ sơ, tài liệu khác theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng từ Trung ương đến cơ sở lựa chọn hình thức giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Chứng thư số: Là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp.

- Chữ ký số: Là một dạng chữ ký điện tử an toàn, bảo đảm tính xác thực của người hoặc tổ chức có thẩm quyền ký số đối với văn bản điện tử và tính toàn vẹn của nội dung văn bản điện tử đó.

- Văn bản điện tử: Là tập hợp thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số được soạn thảo, trao đổi, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

- Giao dịch điện tử: Là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử.

- Giao dịch điện tử tự động: Là giao dịch điện tử được thực hiện tự động từng phần hoặc toàn bộ thông qua hệ thống thông tin đã được thiết lập sẵn.

- Hệ thống thông tin (điện tử): Là hệ thống được tạo lập để gửi, nhận, xử lý, lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu.

- Phương tiện điện tử: Là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

- Thông điệp dữ liệu: Là thông tin được tạo ra, gửi, nhận, xử lý và lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

- Hủy văn bản điện tử: Là làm cho văn bản điện tử không có giá trị sử dụng.

Điều 5. Nguyên tắc chung thực hiện giao dịch điện tử

- Việc thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng phải phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử và của pháp luật liên quan, Quy định này và quy định khác có liên quan của Đảng.

- Phương thức giao dịch điện tử trong cơ quan đảng phải tuân thủ Quy định này. Nội dung giao dịch phải tuân thủ các quy định liên quan của Đảng và Nhà nước.

- Các cơ quan đảng, căn cứ vào quy định này và tình hình cụ thể của cơ quan mình mà xây dựng lộ trình thực hiện giao dịch điện tử phù hợp.

Điều 6. Ứng dụng, phát triển và quản lý hoạt động giao dịch điện tử

- Khuyến khích các cơ quan đảng và cán bộ, công chức, viên chức sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động của cơ quan mình; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và phát triển giao dịch điện tử nói riêng.

- Việc quản lý hoạt động giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của Chính phủ và Quy định này. Các cơ quan đảng có trách nhiệm quản lý hoạt động giao dịch điện tử trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

II- CHỮ KÝ SỐ VÀ DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ

Điều 7. Về chữ ký số trong các cơ quan đảng

Chữ ký số sử dụng trong các cơ quan đảng là loại chữ ký điện tử an toàn, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Đảng và Nhà nước và do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Ban Cơ yếu Chính phủ cấp.

Điều 8. Về tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số

- Dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các cơ quan đảng được cung cấp bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì bảo đảm kỹ thuật thiết lập, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ phát triển trên mạng thông tin diện rộng của Đảng.

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan đảng trong việc sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số

- Thực hiện trách nhiệm của "người quản lý thuê bao" đối với việc đăng ký, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định.

- Phối hợp bảo đảm kỹ thuật quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ phát triển trên mạng máy tính nội bộ của cơ quan mình.

III- VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

Điều 10. Giá trị pháp lý của chữ ký số

- Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một văn bản điện tử được xem là đáp ứng nếu văn bản điện tử đó được ký bằng chữ ký số.

- Chữ ký số của người có thẩm quyền được sử dụng để ký các văn bản điện tử mà người đó cần ký theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp văn bản cần được đóng dấu của cơ quan theo quy định của pháp luật thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng nếu văn bản điện tử được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

Điều 11. Về việc sử dụng chữ ký số đối với văn bản điện tử

- Thể thức văn bản điện tử được thực hiện theo quy định của Văn phòng Trung ương Đảng.

- Văn bản điện tử khi được phát hành và giao dịch phải có đủ chữ ký số của cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm ký văn bản điện tử theo quy định.

- Đối với văn bản điện tử cần ký số và có giá trị như văn bản giấy được ký tay và không cần đóng dấu thì văn bản đó được xem là đáp ứng nếu được ký bởi chữ ký số của cá nhân.

- Đối với văn bản điện tử cần ký số và có giá trị như văn bản giấy được ký tay và đóng dấu thì văn bản đó được xem là đáp ứng nếu được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

- Trong trường hợp văn bản điện tử chỉ có chữ ký số của người có thẩm quyền thì hệ thống thông tin quản lý văn bản điện tử phải có khả năng nhận biết và xác thực việc đã xử lý của người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình xử lý văn bản điện tử đến người ký cuối cùng.

Điều 12. Tạo lập, xử lý, quản lý văn bản điện tử

Việc tạo lập, phát hành, giao nộp, gửi, nhận, lưu trữ, thu hồi, hủy văn bản điện tử được thực hiện theo quy định của Văn phòng Trung ương Đảng.

Điều 13. Chuyển văn bản điện tử sang văn bản giấy và ngược lại

- Khi cần thiết, văn bản điện tử có thể chuyển sang văn bản giấy và phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Phản ánh toàn vẹn nội dung của văn bản điện tử.

+ Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản điện tử sang văn bản giấy.

+ Có chữ ký, họ và tên của người thực hiện có thẩm quyền chuyển từ văn bản điện tử sang văn bản giấy theo quy định.

- Đối với văn bản điện tử được số hóa từ văn bản giấy được ký tay và đóng dấu thì văn bản đó được xem là có giá trị như văn bản giấy nếu được ký bởi chữ ký số của cơ quan.

- Văn phòng Trung ương Đảng hướng dẫn xác định danh mục văn bản điện tử cần chuyển sang văn bản giấy và giá trị pháp lý của văn bản điện tử khi chuyển sang văn bản giấy.

Điều 14. Sử dụng hệ thống thông tin điện tử

- Văn bản điện tử được phép gửi, nhận, xử lý, lưu trữ giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân với hệ thống thông tin điện tử hoặc giữa các hệ thống thông tin điện tử với nhau theo quy định.

- Văn phòng Trung ương Đảng và các ban Trung ương Đảng hướng dẫn việc quản lý, gửi, nhận, xử lý, lưu trữ văn bản điện tử trong các hệ thống thông tin chuyên ngành thuộc thẩm quyền.

IV- GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Điều 15. Các loại hình giao dịch điện tử

Các loại hình giao dịch điện tử gồm:

- Cập nhật, phát hành, khai thác văn bản điện tử.

- Gửi, nhận văn bản điện tử.

- Gửi, nhận thư điện tử.

- Hội nghị trực tuyến.

Điều 16. Sử dụng chữ ký số đối với giao dịch điện tử

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử phải sử dụng chữ ký số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để xác thực văn bản điện tử và các giao dịch, tác nghiệp liên quan.

- Văn phòng Trung ương Đảng, các ban Trung ương Đảng hướng dẫn danh mục giao dịch điện tử bắt buộc phải sử dụng chữ ký số theo thẩm quyền.

Điều 17. Bảo đảm an toàn, bảo mật

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, định kỳ kiểm tra, rà soát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin điện tử của mình; chịu sự quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hoạt động tin cậy, liên tục, an toàn, kịp thời khắc phục sự cố (nếu có) của hệ thống thông tin điện tử khi tiến hành giao dịch điện tử.

- Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, bảo mật thông tin; phối hợp tổ chức giám sát an toàn thông tin trên mạng thông tin diện rộng của Đảng.

- Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chi tiết yêu cầu, giải pháp kỹ thuật và tổ chức bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật trong giao dịch điện tử; bảo đảm hoạt động tin cậy, liên tục, an toàn của hệ thống chứng thực chữ ký số và các hệ thống thông tin điện tử khác trên mạng thông tin diện rộng của Đảng.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Trách nhiệm của tổ chức

- Văn phòng Trung ương Đảng, các văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phối hợp với các cơ quan đảng và các cơ quan hữu quan có biện pháp quản lý, bảo vệ, bảo đảm kỹ thuật cho việc thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng.

- Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các ban Trung ương Đảng và các cơ quan nhà nước liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, nắm tình hình, kiểm tra việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng, định kỳ báo cáo và kiến nghị với Ban Bí thư bổ sung, sửa đổi Quy định khi cần thiết.

Điều 19. Trách nhiệm của cá nhân

Cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan đảng có trách nhiệm: Bảo mật thông tin; quản lý, sử dụng, bảo mật chữ ký số của mình theo quy định; sử dụng giao dịch điện tử, các hệ thống thông tin điện tử đúng thẩm quyền.

Mọi vi phạm các điều, khoản trong Quy định này, tùy theo mức độ đều bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Điều 20. Điều khoản thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. 

 

 

 T/M BAN BÍ THƯ

(Đã ký)

Lê Hồng Anh

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website