BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số: 196- TB/TW
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ
Về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”
Tại phiên họp ngày 24/2/2015, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới” (Tờ trình số 133-TTr/BCSĐ, ngày 16/1/2015), ý kiến của các cơ quan có liên quan, Ban Bí thư đã kết luận như sau:
1- Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai, góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu, được Liên hợp quốc công nhận cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Công tác tuyên truyền về công tác này được đẩy mạnh, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác cán bộ nữ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm hơn và đạt kết quả tích cực. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khoảng cách giới và bất bình đẳng giới vẫn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn. Tình trạng bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các tác động mặt trái của hôn nhân có yếu tố nước ngoài chưa có chiều hướng giảm. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều lúng túng và chưa đạt hiệu quả. Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nhiều nơi còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị không đạt kết hoạch và có xu hướng giảm.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữa chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế.
2- Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI, Ban Bí thư yêu cầu các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
- Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân phải xác định công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và thường xuyên ở từng cấp, từng ngành. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Lên án và đề ra biện pháp khắc phục tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư khóa XI, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phù hợp với thực tiễn của nước ta về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; có chính sách đặc thù đối với phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện các biện pháp để ngăn chặn kịp thời có hiệu quả tình trạng bạo lực, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái; mất cân bằng giới tính khi sinh; hôn nhân có yếu tố nước ngoài không lành mạnh.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nữ; thực hiện cho được mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X: “phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỉ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”. Trước mắt, làm tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị: “Cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy”.
3- Đồng ý chủ trương thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cơ quan đảng Trung ương.
4- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các ban đảng Trung ương theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kết luận này.