Thông báo số 93-TB/TW ngày 30/12/2002 kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công"
  • Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công"
  • 93-TB/TW
  • Thông báo
  • Kinh tế - Xã hội
  • 30/12/2002
  • 30/12/2002
  • Bộ Chính trị
  • Phan Diễn
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 93-TB/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2002

 

THÔNG BÁO

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Về Đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công"


Tại phiên họp ngày 14-12-2002, sau khi nghe đại diện Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về Đề án "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công" (Tờ trình số 104/BCS, ngày 02-12-2002 của Ban cán sự đảng Chính phủ) và ý kiến của các cơ quan có liên quan (Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội), Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận :

 1- Cải cách tiền lương là vấn đề kinh tế - xã hội lớn nhưng cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành có sự chuẩn bị công phu, tích cực. Tuy nhiên, những nội dung trong Đề án chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách cơ bản tiền lương theo tinh thần Đại hội IX đã đề ra. Vì vậy, Bộ Chính trị đồng ý để Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 210 nghìn đồng/tháng lên 290 nghìn đồng/tháng từ 01-01-2003, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp và trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp và tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị tiếp đề án để trình Hội nghị Trung ương lần thứ tám.

2- Về nội dung của Đề án, Bộ Chính trị lưu ý một số vấn đề sau : 
- Đồng ý với phạm vi của Đề án : bao gồm cả vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Đây là các vấn đề có quan hệ gắn bó với nhau.

- Về mức lương tối thiểu : nên tính toán và cân nhắc bước đi của việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu theo hướng tiền lương phải bảo đảm cho cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương và phù hợp với mức tăng năng suất lao động và tăng thu nhập trong xã hội (theo Đề án tới năm 2007, tiền lương mới bảo đảm 58% mức sống tối thiểu, như vậy vẫn chưa đủ sống mà thời gian thì quá dài).

- Cần tách cơ chế trả lương cho cán bộ, công chức khu vực hành chính với khu vực sự nghiệp. Với cán bộ công chức khu vực hành chính, nguồn trả lương là từ ngân sách Nhà nước; cùng với cải cách tiền lương cần có giải pháp kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, của từng vị trí công tác và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ về tiền lương; nhưng cần có phương án đầy đủ, chi tiết hơn với từng loại đơn vị sự nghiệp và có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo khi sử dụng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp.

- Về quan hệ bội số tiền lương : cần nghiên cứu theo hướng chú ý tới mức lương trung bình và mức thấp.

- Hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp cũng cần nghiên cứu đầy đủ hơn. Xác định rõ, có căn cứ khoa học về chế độ phụ cấp, loại nào nên đưa vào lương, loại nào để phụ cấp, không nên mở rộng quá nhiều phụ cấp gây khó khăn phức tạp trong quá trình thực hiện (cân nhắc về bảng lương và phụ cấp của lực lượng vũ trang; về bảng lương các chức vụ bầu cử và các chức vụ bổ nhiệm; xem xét bảng lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước gắn với việc trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc xếp lương và trả lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị...).

- Cần làm rõ hơn vấn đề tiếp tục tiền tệ hoá tiền lương (sử dụng ôtô, nhà ở...) và cơ chế tài chính tạo nguồn trả lương. Cần chỉ ra được những thu nhập bất hợp lý ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách và những lãng phí, thất thoát có thể khắc phục được, để huy động các nguồn này cho giải quyết tiền lương. 

- Chính sách đối với đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công cũng cần nghiên cứu kỹ hơn. Cần có các phương án cụ thể hơn về việc điều chỉnh tiền lương của cán bộ nghỉ hưu ở các thời điểm khác nhau, mức lương khác nhau khi có điều chỉnh tiền lương tối thiểu, đặc biệt quan tâm tới những người về hưu trước năm 1985 và 1993. Nghiên cứu cơ chế để có thể chuyển nhanh việc chi trả bảo hiểm xã hội ra khỏi ngân sách Nhà nước.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Phan Diễn

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
29-CT/TW
17/10/2003
17/10/2003
102/2016/NĐ-CP
01/07/2016
01/07/2016

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website