THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2017/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC AN TOÀN VÀ VỆ SINH LAO ĐỘNG THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (được đổi tên từ Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động) là tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý, triển khai, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động, môi trường lao động theo quy định của pháp luật.
Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Viet Nam National Institute of Occupational Safety and Health (viết tắt là VNNIOSH).
2. Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại để hoạt động theo quy định của pháp luật. Viện có trụ sở chính đặt tại Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện
1. Nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường lao động:
a) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động.
b) Nghiên cứu xây dựng phương pháp, quy trình đánh giá hợp chuẩn, hợp quy các phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn; nghiên cứu, phát hiện và kiến nghị bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.
2. Nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
a) Nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia cùng các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, các chế độ, chính sách về bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp.
b) Nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động trong hệ thống Công đoàn.
3. Các nhiệm vụ khác về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường lao động:
a) Thực hiện các hoạt động quan trắc, phân tích môi trường lao động; đánh giá, giám sát, dự báo ô nhiễm môi trường lao động; cung cấp thông tin khoa học và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động.
b) Phối hợp xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, đánh giá tác động môi trường,
c) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường lao động.
d) Xây dựng và phát triển tiềm lực của Viện để đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường lao động.
4. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ và hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật:
a) Huấn luyện, đào tạo về an toàn lao động, vệ sinh lao động và sức khỏe nghề nghiệp.
b) Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn và vệ sinh lao động, rủi ro sức khỏe nghề nghiệp. Tư vấn xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động và sức khỏe nghề nghiệp tại doanh nghiệp.
c) Kiểm định hợp chuẩn, hợp quy các phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn lao động.
d) Quan trắc và phân tích, đánh giá tác động môi trường; đo đạc các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường; vệ sinh lao động và nhân trắc học.
đ) Tư vấn, thiết kế, thẩm định, đánh giá hệ thống kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường lao động; cung ứng trang thiết bị bảo hộ lao động và thiết bị an toàn; đầu tư, chuyển giao công nghệ, cung ứng hệ thống kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.
e) Thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến sức khỏe nghề nghiệp.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Viện
1. Lãnh đạo Viện gồm Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
Viện trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Viện. Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng theo phân công của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Viện trưởng và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nhiệm vụ được giao.
2. Cơ cấu tổ chức của Viện do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ chế hoạt động, nhân lực, kinh phí của Viện
1. Viện thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo quy định tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và quy định của pháp luật. Viện được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.
2. Biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc của Viện theo đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Kinh phí hoạt động của Viện bao gồm: Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện; kinh phí do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2017.
2. Quyết định này thay thế Quyết định số 141/1998/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp tổ chức và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
|
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Xuân Phúc
|