Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế
  • Về tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế
  • 22/CT-TTg
  • Chỉ thị
  • Ngoại giao - Hợp tác
  • 23/05/2017
  • 23/05/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:22/CT-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC VIỆC THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT, THỎA THUẬN QUỐC TẾ


Việt Nam đang tích cực triển khai các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh cũng thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, các hợp đồng, thỏa thuận quốc tế cũng được các doanh nghiệp tiến hành ký kết nhân dịp các đoàn cấp cao. Trong giai đoạn hiện nay, việc ký kết, thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giúp bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia, tổ chức, công dân của Việt Nam, đóng góp tích cực cho hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như được nêu tại các Nghị quyết của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, Chính phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại như: chưa thực hiện đầy đủ các quy định liên quan của pháp luật trong việc ký kết điều ước quốc tế; có trường hợp chậm triển khai điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo về công tác thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế; chưa nghiêm túc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các cam kết, thỏa thuận quốc tế đến các đối tượng có liên quan.

Nhằm tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế vì mục tiêu đẩy mạnh chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và bảo đảm an ninh - quốc phòng để phát triển đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. Nhiệm vụ chung

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh) tuân thủ quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007; Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế (bao gồm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh; hợp đồng, thỏa thuận quốc tế của các doanh nghiệp được ký kết nhân dịp các Đoàn của Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm nước ngoài và của nước ngoài, tổ chức quốc tế thăm Việt Nam), trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Kiện toàn đơn vị đầu mối, phân công cán bộ đầu mối, cán bộ chuyên trách, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, địa phương có liên quan; tăng cường thông tin, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước liên quan được thành lập theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được kiện toàn theo Quyết định số 30/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài, để kịp thời thúc đẩy thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế, tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Bộ chủ trì Phân ban Việt Nam có trách nhiệm thông báo kịp thời đầu mối, địa chỉ liên lạc của Bộ phận giúp việc Phân ban Việt Nam cho Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh để phối hợp.

2. Tăng cường tổ chức thực hiện hiệu quả các cam kết, thỏa thuận quốc tế thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, trao đổi và tham vấn kịp thời với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan trong nước và phối hợp với bên ký kết nước ngoài; đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam trong từng giai đoạn, trên cơ sở xem xét ưu tiên chung của các bên ký kết; kịp thời tháo gỡ vướng mắc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó cần chú trọng thực hiện:

a) Thường xuyên rà soát, thống kê các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh của mình; cung cấp kịp thời cho Bộ Ngoại giao các thông tin về tình trạng hiệu lực của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; văn bản sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và thông tin liên quan, để cập nhật cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế đặt tại Bộ Ngoại giao.

b) Kịp thời tham vấn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đối với việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế có nội dung liên quan tới an ninh - quốc phòng, chủ quyền, lãnh thổ; các nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, hợp tác pháp luật, truyền thông, báo chí, truyền phát tín hiệu, nghiên cứu lịch sử, địa lý, khảo cổ và hợp tác giáo dục theo quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ.

c) Hoàn thiện Kế hoạch thực hiện các điều ước quốc tế do Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh chủ trì thực hiện; kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế theo quy định; thông báo, hướng dẫn các cơ quan địa phương liên quan triển khai thực hiện bảo đảm đúng lộ trình cam kết. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế phải đề ra lộ trình, biện pháp, phân công cụ thể; bảo đảm phù hợp với cam kết tại điều ước quốc tế đó và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, pháp luật của Việt Nam, chủ trương và Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết hoặc Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phê chuẩn, hoặc phê duyệt điều ước quốc tế đó, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thực hiện điều ước quốc tế.

Hoàn thiện Kế hoạch thực hiện các thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ phù hợp với các điều ước quốc tế trong cùng lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên, các quyết định, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền quyết định ký kết thỏa thuận đó; thông báo, hướng dẫn các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.

Đồng thời hoàn thiện Kế hoạch thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh; thông báo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện. Kế hoạch thực hiện thỏa thuận quốc tế phải bảo đảm phù hợp với cam kết tại thỏa thuận quốc tế đó, pháp luật của Việt Nam, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến nội dung hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó; đồng thời phù hợp với quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan.

d) Tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức có liên quan các cam kết theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh; trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các cam kết về bảo hộ đầu tư, về hội nhập kinh tế quốc tế đến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Thông tin cung cấp cần cụ thể, chi tiết, bảo đảm cho địa phương, doanh nghiệp có thể hiểu đúng, vận dụng hiệu quả các cam kết, nhằm giúp cho địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng tận dụng đầy đủ các ưu đãi mà các điều ước quốc tế đó mang lại cũng như hạn chế khó khăn phát sinh.

đ) Đôn đốc triển khai kịp thời và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trên cơ sở nội dung điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, kế hoạch thực hiện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, trao đổi và tham vấn kịp thời với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan trong nước và phối hợp với bên ký kết nước ngoài; đáp ứng các ưu tiên của Việt Nam trong từng giai đoạn và xem xét ưu tiên chung của các bên ký kết.

e) Chủ động bố trí kinh phí, huy động tài trợ, hoặc phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị về bố trí nguồn kinh phí theo quy định để các đơn vị đầu mối nâng cao hiệu quả triển khai các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, trong đó có việc triển khai các chương trình hành động, các đoàn công tác chung với các bên ký kết nước ngoài.

g) Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề nghị bên nước ngoài cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi và giảm chi phí giao dịch...

3. Kiểm tra việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế trên cơ sở nội dung kế hoạch thực hiện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó lưu ý:

a) Theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả, vướng mắc trong triển khai thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế; tiến hành hoặc phối hợp với Bộ, ngành có liên quan tiến hành, hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc.

b) Xác định những trường hợp triển khai cam kết, thỏa thuận quốc tế chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu hợp tác, để chủ động tiến hành hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ biện pháp thích hợp, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan, Phân ban Việt Nam để thúc đẩy bên nước ngoài tại các diễn đàn song phương như kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hoặc tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương có liên quan.

c) Kiểm tra, phát hiện sai phạm, xử lý khiếu nại của cơ quan, tổ chức, công dân của Việt Nam hoặc của bên nước ngoài liên quan đến việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế để kịp thời tiến hành biện pháp cần thiết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, Chính phủ, cơ quan, tổ chức công dân Việt Nam, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để phối hợp.

4. Đôn đốc doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng, thỏa thuận quốc tế của doanh nghiệp được ký nhân dịp các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao (bao gồm các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ việt Nam ra nước ngoài và Lãnh đạo nước ngoài, tổ chức quốc tế đến Việt Nam); kịp thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và Phân ban Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, uy tín và quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

5. Kịp thời kiến nghị hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế có hiệu lực với Việt Nam, điều ước quốc tế mới ký chưa có hiệu lực và dự định ký kết trong tương lai gần thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; bảo đảm tính tương thích của đề nghị xây dựng và nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, trong đó lưu ý:

a) Chú trọng nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, đánh giá tính tương thích của đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, cơ quan mình với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật có liên quan; kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tiến hành rà soát, đánh giá sự phù hợp của đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, cơ quan mình với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự xã hội.

6. Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế, hoặc đàm phán, ký mới điều ước quốc tế, văn bản thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình; trình Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ động quyết định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, phù hợp với phạm vi chức năng, thẩm quyền, trong đó lưu ý:

a) Chủ động đề xuất ký kết điều ước quốc tế phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hội nhập quốc tế; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp trong việc kiểm tra, thẩm định về đề xuất ký điều ước quốc tế; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội của điều ước quốc tế dự định ký kết.

Chủ động đề xuất ký kết thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hội nhập quốc tế; lấy ý kiến của Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ, ngành cơ quan cấp tỉnh phù hợp với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, tuân thủ pháp luật của Việt Nam và quốc gia có liên quan, quy định của tổ chức quốc tế có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan trước khi quyết định việc ký thỏa thuận quốc tế theo quy định.

Cơ quan chủ trì tổ chức chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm kịp thời kiến nghị, phối hợp với Bộ, ngành, địa phương liên quan để đưa vào chương trình trao đổi về thúc đẩy thực hiện cam kết, thỏa thuận quốc tế với quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan, chương trình ký điều ước quốc tế, thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ, thỏa thuận quốc tế hoặc hợp đồng có ý nghĩa của doanh nghiệp. Lưu ý rằng, cơ quan chủ trì tổ chức chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao chỉ kiến nghị đưa vào chương trình việc ký kết hợp đồng, thỏa thuận quốc tế của doanh nghiệp nào đã thực hiện nghiêm túc và có cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc hợp đồng và trách nhiệm báo cáo với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ quản.

b) Nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, đồng thời tránh phải tiến hành thủ tục quá gấp, trước khi đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, cần chủ động sớm thảo luận, nghiên cứu kỹ tiềm năng, triển vọng hợp tác với đối tác; đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh kinh tế - xã hội và các tác động khác của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; đánh giá tính tương thích của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế dự kiến ký với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam; xây dựng dự kiến kế hoạch triển khai thực hiện với lộ trình, biện pháp và phân công cụ thể.

c) Tham vấn tổ chức đại diện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của điều ước quốc tế trong quá trình đàm phán, đặc biệt đối với những đề xuất ký kết điều ước quốc tế có nội dung liên quan đến đầu tư, thương mại, thuế...

d) Sau khi ký điều ước quốc tế mà phải phê chuẩn hoặc phê duyệt để có hiệu lực, phải khẩn trương trình Chính phủ để kịp thời hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ và thủ tục đối ngoại để điều ước quốc tế sớm có hiệu lực.

7. Thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc ký kết và thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh, trong đó chú trọng đánh giá kết quả, tồn tại trong việc ký kết, thực hiện cam kết, thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực; trong đó lưu ý:

a) Báo cáo định kỳ hàng năm về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và kế hoạch năm tiếp theo, gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp trình Chính phủ.

b) Đối với các điều ước quốc tế có quy định về việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hoặc Tiểu ban hỗn hợp về hợp tác với nước đối tác, các Bộ, ngành căn cứ nhiệm vụ được giao có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất cho Phân ban Việt Nam về tình hình hợp tác và thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế với nước đối tác để Phân ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Ngoại giao để phối hợp.

c) Báo cáo hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Phân ban Việt Nam hoặc Bộ Ngoại giao về việc thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận quốc tế của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình được ký nhân dịp các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao gửi Phân ban Việt Nam nêu tại điểm b trên đây để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao để phối hợp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không có Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác với nước có liên quan.

Báo cáo hàng năm về lĩnh vực này được gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để Bộ Ngoại giao tổng hợp đưa vào báo cáo hàng năm về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trình Chính phủ.

Báo cáo được xây dựng theo mẫu thống nhất do Bộ Ngoại giao hướng dẫn.

8. Phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức và địa phương liên quan trong công tác ký kết và thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

II. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Bộ Ngoại giao thực hiện các nhiệm vụ chung nêu tại Phần I trên đây; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế cho cán bộ các Bộ, ngành, cơ quan cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác này.

2. Tổ chức tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong nửa cuối năm 2017 và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2017 về việc tổng kết thực hiện Pháp lệnh này và đề xuất hoàn thiện pháp luật về thỏa thuận quốc tế.

3. Cập nhật và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu điều ước quốc tế của Việt Nam do Bộ Ngoại giao quản lý; cập nhật và hoàn thiện trang điện tử điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Ngoại giao vận hành.

4. Tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực; trình Chính phủ báo cáo hàng năm trước ngày 30 tháng 12 về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và dự kiến kế hoạch năm tiếp theo.

III. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

2. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị s 09/CT-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2012 về tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác điều ước quốc tế và thỏa thuận quc tế./.

 

 

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website