THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2076/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu phát triển:
- Phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
- Phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
- Phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.
2. Phạm vi, quy mô:
Phạm vi vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.
3. Tính chất:
- Là vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.
- Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước, đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
- Là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm quốc gia.
- Là trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh của vùng Nam Bộ và cả nước.
- Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
4. Chỉ tiêu dân số, đô thị hóa, đất xây dựng đô thị và nông thôn:
a) Dự báo dân số, tỷ lệ đô thị hóa:
- Dân số: Đến năm 2030 dân số khoảng 24 - 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 - 7 triệu người; khoảng 18 - 19 triệu lao động.
- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 75%.
b) Đất xây dựng đô thị - nông thôn:
- Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 270.000 - 290.000 ha, bình quân 100 - 150 m2/người.
- Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000 - 170.000 ha, bình quân 180 - 210 m2/người.
5. Mô hình phát triển và cấu trúc không gian:
a) Mô hình phát triển:
Phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể:
- Phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và phát triển các cực tăng trưởng tại các vùng có nền địa hình cao trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và ở khu vực ngoại vi.
- Tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.
- Duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước và các hành lang xanh trong vùng.
b) Cấu trúc không gian vùng:
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế như sau:
- Các tiểu vùng:
+ Tiểu vùng đô thị trung tâm: Bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
+ Tiểu vùng phía Đông: Bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
+ Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc: Bao gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương.
+ Tiểu vùng phía Tây Nam: Bao gồm các tỉnh Tiền Giang và Long An.
- Các trục hành lang kinh tế trọng điểm:
+ Trục hành lang phía Đông Nam dọc quốc lộ 51, gồm chuỗi các đô thị: Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); trong đó, thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Đông dọc quốc lộ 1, gồm chuỗi các đô thị: Dầu Giây, Long Khánh, Gia Ray (Đồng Nai); trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Bắc dọc quốc lộ 13, gồm chuỗi các đô thị: Bàu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư - Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước); trong đó đô thị Chơn Thành là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22, quốc lộ 22B, gồm chuỗi các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông - Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài - Bến Cầu, Hòa Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh); trong đó, các đô thị Trảng Bảng - Gò Dầu, thành phố Tây Ninh là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Tây Nam dọc quốc lộ 1, gồm chuỗi các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang); trong đó, thành phố Tân An - thành phố Mỹ Tho là cực tăng trưởng.
- Các vùng cảnh quan và hành lang xanh:
+ Tổ chức các khu vực cảnh quan nằm giữa các trục hành lang kinh tế trọng điểm, tạo lập các hành lang xanh bao gồm: Phía Nam, phía Đông Nam, phía Đông Bắc, phía Tây Bắc và phía Tây Nam.
+ Vùng cảnh quan nông nghiệp bao gồm vùng cảnh quan sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở phía Đông, phía Tây Bắc và phía Bắc, vùng cảnh quan nông nghiệp ngập nước thích ứng biến đổi khí hậu ở phía Tây Nam, vùng nông nghiệp đô thị ô tiểu vùng đô thị trung tâm, nông nghiệp công nghệ cao.
+ Vùng bảo tồn cảnh quan rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở phía Đông, phía Bắc; bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ, vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, vườn cây ăn trái dọc sông Tiền; bảo tồn cảnh quan dọc các sông, hồ lớn trong vùng.
6. Định hướng phát triển không gian vùng:
a) Định hướng phát triển các tiểu vùng:
- Tiểu vùng đô thị trung tâm: Bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận gồm các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai); trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm vùng; thành phố Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, thành phố Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Các đô thị Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam. Diện tích khoảng 5.164 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85 - 90%.
Tiểu vùng đô thị trung tâm có vị trí trung tâm của toàn vùng, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế. Phát triển không gian về phía Đông và Đông Bắc, xây dựng mô hình đô thị nén và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường không gian xanh dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; duy trì và phát triển các hành lang xanh nhằm giảm nguy cơ ngập lụt; bảo tồn không gian sinh quyển Cần Giờ. Đối với các tỉnh thuộc tiểu vùng:
+ Thành phố Hồ Chí Minh với vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển; là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 của Thành phố đạt khoảng từ 80 - 90%.
+ Khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên) phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ - tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm. Tăng cường phát triển các chức năng về y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và trung chuyển hàng hóa. Duy trì và bảo tồn cảnh quan dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp đô thị.
+ Khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung chuyển hàng hóa gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phát triển du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị. Phát triển du lịch văn hóa lịch sử Cù Lao Phố.
+ Khu vực phía Đông tỉnh Long An (Đức Hòa - Bến Lức - Cần Giuộc) phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm. Tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao gắn với trung tâm giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiểu vùng phía Đông: Gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và phần còn lại phía Đông của tỉnh Đồng Nai (thị xã Long Khánh và các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu). Trong đó, thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51; thị xã Long Khánh là cực tăng trưởng trên hành lang kinh tế dọc quốc lộ 1A. Diện tích 6.266,50 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 2.838.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 55 - 60%.
Tiểu vùng phía Đông có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế của cả vùng và quốc gia thông qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Tập trung phát triển công nghiệp (khai thác dầu khí, cảng, công nghiệp phụ trợ và đa ngành), nông nghiệp (công nghệ cao, chuyên canh, khai thác và đánh bắt nuôi trồng thủy sản). Tăng cường các chức năng dịch vụ trung chuyển hàng hóa, kho vận, tiếp vận cấp quốc gia và quốc tế gắn với đầu mối hạ tầng giao thông cảng biển, sân bay quốc tế; phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch cảnh quan sinh thái rừng. Bảo tồn cảnh quan rừng tự nhiên, vùng sinh thái ngập mặn và nguồn nước hồ Trị An.
+ Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ giao thương quốc tế phía Đông Nam của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung phát triển về công nghiệp (công nghiệp cảng, khai thác dầu khí), dịch vụ tiếp vận và trung chuyển, dịch vụ dầu khí gắn với trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51 và cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển - đảo; nông nghiệp công nghệ cao, đánh bắt nuôi trồng thủy sản.
+ Khu vực phía Đông tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ và đa ngành, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch sinh thái rừng. Bảo vệ nguồn nước hồ Trị An, cảnh quan rừng và bảo tồn sự đa dạng sinh học trong hành lang xanh phía Đông Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh
- Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc: Gồm tỉnh Bình Phước, tỉnh Tây Ninh và một phần của tỉnh Bình Dương (huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên). Trong đó đô thị Chơn Thành - Đồng Xoài là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 13. Đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Hòa Thành - Tây Ninh là cực tăng trưởng trên trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22. Diện tích 13.087 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 3.565.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 40 - 45%.
Với vai trò là cửa ngõ giao thương phía Bắc - Tây Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh kết nối vùng sông Mê Kông mở rộng và vùng Đông Nam Á, tiểu vùng Bắc - Đông Bắc phát triển nổi trội về công nghiệp đa ngành, chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái. Duy trì và bảo vệ hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước, bảo đảm phát triển cân bằng sinh thái cho toàn vùng.
+ Tỉnh Tây Ninh phát triển các chức năng về kinh tế cửa khẩu, kho vận, trung chuyển hàng hóa trên trục hành lang Xuyên Á; công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng cây công nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái rừng, du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia, quốc tế; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, bảo tồn cảnh quan rừng và sự đa dạng sinh học của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 45 - 50%.
+ Tỉnh Bình Phước là cửa ngõ quan trọng phía Bắc vùng Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với vùng Tây Nguyên, vùng sông Mê Kông mở rộng và các nước ASEAN. Phát triển về kinh tế cửa khẩu, công nghiệp (đa ngành, chế biến, sản xuất điện năng), du lịch sinh thái, nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Duy trì và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và nguồn nước trong hành lang xanh phía Đông Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 45 - 50%.
+ Khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương (huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên): Là khu vực bảo vệ hệ sinh thái rừng và nguồn nước, góp phần cân bằng sinh thái cho toàn vùng. Ưu tiên phát triển công nghiệp (đa ngành, chế biến nông lâm sản), trung tâm dịch vụ - thương mại cấp vùng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.
- Tiểu vùng phía Tây Nam: Gồm tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức). Trong đó thành phố Mỹ Tho, thành phố Tân An là cực tăng trưởng trên trục hành lang dọc quốc lộ 1 phía Tây Nam. Diện tích 6.075 km2, dân số dự báo năm 2030 khoảng 2.897.000 người, năm 2050 khoảng 3.410.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 35 - 40%.
Với vai trò là cửa ngõ của vùng Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng sông Mê Kông mở rộng, tiểu vùng phía Tây Nam phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng; nghiên cứu về công nghệ sinh học cấp quốc gia; nông nghiệp chuyên canh lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước trên cơ sở khai thác cảnh quan rừng ngập nước Đồng Tháp Mười và vườn cây ăn trái dọc sông Tiền.
+ Tỉnh Tiền Giang phát triển kinh tế về nông nghiệp chuyên canh trồng lúa, vườn cây ăn trái, thủy sản; du lịch sinh thái đặc trưng sông nước; là trung tâm kho vận về nông sản phía Tây Nam; trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học của quốc gia, trung tâm dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế của tiểu vùng. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 30 - 35%.
+ Khu vực các huyện còn lại của tỉnh Long An (trừ huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức) có vai trò là vùng trữ nước, bảo tồn cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười, điều tiết nước và giảm xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển về nông nghiệp chuyên canh trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến thủy sản; là đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng của vùng với các tỉnh phía Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 40 - 45%.
b) Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
Tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4); các trục, hành lang kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Đà Lạt; Tây Ninh - Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre).
- Hệ thống đô thị trong tiểu vùng đô thị trung tâm: Khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm của tiểu vùng nhằm phát huy thế mạnh của toàn vùng. Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên, ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp. Sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa. Hình thành hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng. Các đô thị tỉnh lỵ và đô thị là cực tăng trưởng của vùng gồm:
+ Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, phát triển theo mô hình tập trung đa cực gồm khu vực trung tâm và 04 cực phát triển được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Nghiên cứu khai thác hiệu quả khu vực lấn biển để hình thành trung tâm đa chức năng gắn với đô thị hiện hữu, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội phía Đông Nam Thành phố trên nguyên tắc đảm bảo môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Không phát triển đô thị tại các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
+ Đô thị Bình Dương dự kiến hình thành gồm thành phố Thủ Dầu Một (đô thị loại I), các đô thị Thuận An, Dĩ An (đô thị loại II) và các đô thị Bến Cát, Tân Uyên (đô thị loại III), tỉnh Bình Dương: Trung tâm cấp vùng về công nghiệp, thương mại - tài chính, đào tạo, y tế, văn hóa - thể dục thể thao, du lịch, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về phía Bắc của vùng Thành phố HồChí Minh.
+ Đô thị Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (đô thị loại I): Là đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm tiếp vận phía Đông của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ đô thị và công; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục thể thao về phía Đông của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đô thị Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (đô thị loại II): Là trung tâm công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành tại khu vực phía Đông; là trung tâm dịch vụ Logistics của vùng, đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đường hàng không; trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái của vùng.
+ Đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai (đô thị loại III): Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Long Thành; trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, thương mại - tài chính cấp vùng; trung tâm dịch vụ Logistics cấp vùng và quốc gia.
+ Đô thị Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (đô thị loại III): Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa huyện Trảng Bom; trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành, trung tâm tiếp vận, kho vận phía Đông; trung tâm giải trí, thể dục thể thao và du lịch sinh thái cấp vùng.
+ Đô thị Hậu Nghĩa - Đức Hòa, tỉnh Long An (đô thị loại III): Là trung tâm hành chính - chính trị và dịch vụ đô thị huyện Đức Hòa; trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo cấp vùng; trung tâm công nghiệp tại khu vực phía Tây Bắc.
+ Đô thị Bến Lức, tỉnh Long An (đô thị loại III): Là trung tâm hành chính - chính trị, thương mại dịch vụ của huyện Bến Lức; trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế, thể dục thể thao, thương mại - dịch vụ và công nghiệp cấp vùng.
+ Đô thị Cần Giuộc, tỉnh Long An (đô thị loại III): Là trung tâm hành chính - chính trị, thương mại dịch vụ của huyện Cần Giuộc; trung tâm giáo dục - đào tạo, giải trí cấp vùng.
- Hệ thống đô thị tại tiểu vùng phía Đông, tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc và tiểu vùng phía Tây Nam: Khuyến khích phát triển hệ thống đô thị vừa và nhỏ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng ngoại vi. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng gắn kết chặt chẽ giữa các đô thị trung tâm với các đô thị trong tỉnh và liên tỉnh, làm cơ sở phát triển các vùng nông, lâm nghiệp kỹ thuật cao. Các đô thị là cực tăng trưởng trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm gồm:
+ Tiểu vùng phía Đông, trên trục hành lang phía Đông Nam dọc quốc lộ 51, và trục hành lang phía Đông quốc lộ 1A qua tỉnh Đồng Nai gồm có các đô thị:
. Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đô thị loại I): Là trung tâm cấp vùng về dịch vụ thương mại; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ dầu khí quan trọng của quốc gia; đầu mối giao thương về cảng biển với quốc tế. Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.
. Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đô thị loại II): Là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông Nam của vùng; trung tâm dịch vụ - thương mại, đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng.
. Đô thị Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đô thị loại III): Là trung tâm công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp cảng biển; trung tâm thương mại - dịch vụ; trung tâm kho vận, dịch vụ Logistics của vùng; đầu mối giao thông cảng quan trọng của vùng và quốc gia.
. Đô thị Long Khánh, tỉnh Đồng Nai (đô thị loại II): Là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông của vùng. Là trung tâm công nghiệp phía Đông, trung tâm thương mại - dịch vụ, kho vận hàng hóa cấp vùng.
+ Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc, trên trục hành lang phía Bắc dọc quốc lộ 13 và trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22 gồm có các đô thị:
. Đô thị Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (đô thị loại III): Là cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc của vùng. Là trung tâm công nghiệp phía Bắc, trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, y tế cấp vùng; đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng của vùng và quốc gia.
. Đô thị Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (đô thị loại II): Là đầu mối giao thương quan trọng kết nối với vùng Tây Nguyên; là trung tâm cấp vùng về thương mại, dịch vụ, y tế - giáo dục - đào tạo phía Đông Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
. Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (đô thị loại II): Là trung tâm cấp vùng về thương mại - dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử phía Tây Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
. Đô thị Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (đô thị loại III): Là cực tăng trưởng trọng điểm phía Tây Bắc vùng Thành phố Hồ Chí Minh, đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á; trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ cấp vùng; trung tâm giáo dục - đào tạo cấp quốc gia.
+ Tại tiểu vùng phía Tây Nam, trên trục hành lang phía Tây Nam dọc quốc lộ 1A, gồm có các đô thị:
. Thành phố Tân An, tỉnh Long An (đô thị loại II): Là trung tâm thương mại - dịch vụ, đào tạo, y tế, thể dục thể thao, giải trí cấp vùng tại phía Tây Nam.
. Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (đô thị loại I): Là cực phát triển phía Tây Nam của vùng; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại - dịch vụ và nghiên cứu khoa học chuyên sâu về chế biến nông sản của vùng; cửa ngõ kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
+ Hệ thống đô thị trong các hành lang xanh:
. Hành lang xanh phía Đông Nam gồm: Phước Bửu, Ngãi Giao (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các đô thị trung tâm huyện trong tiểu vùng.
. Hành lang xanh phía Đông Bắc gồm: Định Quán, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), Phước Long (tỉnh Bình Phước) và các đô thị trung tâm huyện trong tiểu vùng.
. Hành lang xanh phía Tây Nam gồm: Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa (tỉnh Long An) và các đô thị trung tâm huyện trong tiểu vùng.
. Hành lang xanh phía Nam gồm: Cần Đước (tỉnh Long An), Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và các đô thị trung tâm huyện trong tiểu vùng.
c) Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn:
- Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; theo hướng kết hợp cải tạo không gian cũ với phát triển mới tại các điểm dân cư nông thôn sản xuất nông nghiệp hiện đại, kết hợp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, giữ gìn và bảo vệ môi trường.
- Phát triển hình thái không gian dân cư nông thôn theo đặc trưng của từng tiểu vùng: Tiểu vùng đô thị trung tâm phát triển các khu dân cư nông thôn tập trung, liên kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng phía Bắc và phía Đông ưu tiên phát triển các khu dân cư tập trung trong các vùng chuyên canh lớn phù hợp với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; vùng phía Nam và Tây Nam phát triển theo tuyến dân cư dọc đường giao thông, sông, kênh rạch lớn, thích nghi với vùng sản xuất nông nghiệp ngập lũ, xâm nhập mặn và gắn kết chặt chẽ với mô hình du lịch cộng đồng tại vùng Đồng Tháp Mười.
- Phát triển các trung tâm cụm xã trở thành các trung tâm dịch vụ, gắn với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn.
- Kết hợp không gian văn hóa truyền thống của địa phương với thiết chế văn hóa làng xã, xây dựng đời sống văn minh. Bảo tồn và phát triển các khu vực làng nghề, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ thương mại. Các điểm dân cư nằm trong hành lang du lịch kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, trồng cây ăn trái đặc sản.
- Cải tạo, xây dựng kiến trúc nhà ở và cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện sống của dân cư theo đặc trưng từng vùng, không phá vỡ cảnh quan sinh thái nông thôn; đối với các điểm dân cư mới phát triển phải có quy hoạch kiến trúc cảnh quan phù hợp với truyền thống và đáp ứng điều kiện sống mới.
d) Định hướng phát triển công nghiệp:
- Dự kiến diện tích đất xây dựng các khu công nghiệp đến năm 2030 khoảng 69.000 ha; trong đó (Thành phố Hồ Chí Minh: 7.080 ha, Đồng Nai: 13.400 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu: 9.210 ha, Bình Dương: 14.790 ha, Tây Ninh: 5.185 ha, Bình Phước: 8.220 ha, Long An: 13.500 ha, Tiền Giang: 3.200 ha).
- Phát triển theo hướng hình thành vùng công nghiệp - đô thị hiện đại, gắn kết giữa phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, đảm bảo cho khu công nghiệp phát triển bền vững. Phát triển liên kết các khu công nghiệp thành vùng công nghiệp, hình thành các vùng công nghiệp chuyên sâu và công nghiệp địa phương.
- Phân bố công nghiệp tiểu vùng đô thị trung tâm: Hình thành các vùng công nghiệp khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh gồm các quận 9, quận 7, quận 12, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Chánh; vùng công nghiệp tập trung vành đai phía Đông gồm thành phố Biên Hòa - Trảng Bom - Long Thành - Nhơn Trạch; vùng công nghiệp vành đai phía Bắc gồm thành phố Bình Dương - Thủ Dầu Một - Bến Cát - Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An; vùng công nghiệp vành đai phía Tây gồm Bắc Củ Chi - Đức Hòa; vùng công nghiệp vành đai phía Tây Nam gồm Bến Lức - Hiệp Phước. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ.
- Phân bố công nghiệp tiểu vùng phía Đông:
+ Trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 1A gồm Dầu Giây - Long Khánh - Gia Ray - Cẩm Mỹ. Phát triển các khu công nghiệp đa ngành, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông lâm sản. Phát triển các ngành công nghiệp nhẹ cơ khí, may mặc giày da, công nghệ sinh học.
+ Trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51, phát triển vùng công nghiệp chuyên sâu gắn với đầu mối hạ tầng giao thông hành lang Xuyên Á cảng biển trung chuyển quốc tế, sân bay quốc tế Long Thành. Phát triển các ngành công nghiệp cảng, công nghiệp nặng, công nghiệp dầu khí gắn với các khu công nghiệp Phú Mỹ, khu công nghiệp Bà Rịa - khu công nghiệp Vũng Tàu.
- Phân bố công nghiệp tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc:
+ Trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 13: Phát triển các khu công nghiệp Chơn Thành, Đồng Xoài - Đồng Phú, khu phi thuế quan gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Các khu công nghiệp đa ngành, công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp địa phương. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, công nghiệp chế biến nông sản (cao su, hạt điều, cà phê) công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghiệp cơ khí vật liệu xây dựng.
+ Trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 22: Phát triển các khu công nghiệp tập trung Trảng Bàng - Gò Dầu, Tây Ninh, khu công nghiệp trong khu phi thuế quan gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp đa ngành; phát huy lợi thế về nguyên liệu như mía, sắn, cao su. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến đường mía, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, điều, chế biến súc sản, chế biến gỗ.
- Phân bố công nghiệp tiểu vùng phía Tây Nam, trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 50: Phát triển các khu công nghiệp Mỹ Tho - Gò Công, khu công nghiệp Tân An. Khai thác lợi thế tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, ưu tiên phát triển công nghiệp chuyên sâu về chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ về nông nghiệp, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng.
- Các vùng công nghiệp địa phương trong các hành lang xanh: Phát triển kinh tế địa phương nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, thu hút lao động. Khuyến khích phát triển các ngành nghề tạo sản phẩm đặc trưng tại từng địa phương; duy trì các làng nghề truyền thống, mở rộng phát triển thành các ngành công nghiệp hiện đại.
đ) Định hướng phát triển du lịch vùng:
- Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Nam với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù; kết nối với du lịch sinh thái sông nước, biển đảo của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
+ Trung tâm du lịch trọng điểm là tiểu vùng đô thị trung tâm. Phát triển du lịch hỗn hợp, tham quan, văn hóa, giải trí tại Thành phố Hồ Chí Minh; du lịch nghỉ dưỡng biển và sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực Cần Giờ; du lịch văn hóa lịch sử Cù Lao Phố - cảnh quan sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa - du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử văn hóa tại Bình Dương, Tiền Giang.
+ Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên (đồi núi, rừng, sông hồ...) và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Tòa Thánh Tây Ninh; rừng ngập nước vùng Đồng Tháp Mười, vườn quốc gia Cát Tiên, suối khoáng Bình Châu; du lịch nghỉ dưỡng biển quốc tế Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo.
+ Hình thành các cụm du lịch sinh thái cảnh quan cấp vùng gồm: Thác Mơ, Hoa Lư Xa Mát, Mộc Bài; hồ Thác Mơ - Núi Bà Rá, vườn quốc gia Bù Gia Mập, Trảng cỏ Bù Lạch (Bình Phước); Lò Gò - Xa Mát - Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam và các cụm cảnh quan nông nghiệp đặc trưng trong các hành lang xanh.
- Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đảm bảo liên kết giữa các vùng, khu và điểm du lịch trên địa bàn vùng hoàn thiện các trung tâm dịch vụ, cơ sở lưu trú, lữ hành kết nối với các vùng, khu, điểm du lịch trong vùng và các vùng lân cận khác, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của vùng.
- Thiết lập các tuyến du lịch cấp vùng trên cơ sở kết nối các di sản tự nhiên và văn hóa.
e) Định hướng phát triển thương mại và dịch vụ:
- Phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cấp quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tân An, Biên Hòa, Long Thành, Phú Mỹ, Vũng Tàu, các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Hoa Lư và Long An.
- Phát triển các trung tâm dịch vụ kho vận cấp quốc gia, quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thành phố Vũng Tàu, Long An, Bình Dương gắn với cảng biển, cảng hàng không, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng.
- Hình thành trung tâm hội chợ triển lãm cấp vùng, quốc gia và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; hình thành các trung tâm triển lãm tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với Thành phố Hồ Chí Minh tạo thành một tổ hợp triển lãm cấp quốc gia, quốc tế. Tại các tỉnh trong vùng, khuyến khích hình thành và phát triển các cụm hoặc khu vực hội chợ triển lãm, các trung tâm xúc tiến quảng bá, giao lưu quốc tế đóng vai trò kết nối nội vùng và giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh với các vùng khác.
- Các trung tâm thương mại chợ đầu mối: Tập trung phát triển tại các vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp có quy mô - sản lượng lớn như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh, chợ nổi An Hữu - Cái Bè, chợ đầu mối trái cây quốc gia tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chợ đầu mối nông sản tại thành phố Mỹ Tho, chợ đầu mối nông sản tại huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh); kết cấu gồm: Trung tâm giao dịch hàng hóa, trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối, tổng kho đầu mối.
g) Định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo:
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các trung tâm đào tạo dạy nghề lớn nhất cả nước, đến năm 2030 có khoảng 1.200.000 - 1.500.000 sinh viên.
- Hình thành các khu đại học tập trung với kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ưu tiên dành quỹ đất mở rộng các trường theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia và và quốc tế. Các trường đại học có các ngành trọng điểm cho vùng và cả nước như kỹ thuật - công nghệ, kinh tế được phát triển gắn với các cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế trọng điểm; các trường đại học gắn với các ngành y tế, văn hóa, xã hội nhân văn, phát triển gắn với vùng đô thị trung tâm đô thị trung tâm vùng tỉnh; các trường cao đẳng đào tạo theo lĩnh vực công nghệ và trường cao đẳng cộng đồng phát triển gắn với đô thị động lực của các tỉnh đô thị chuyên ngành; các trường cao đẳng đào tạo các ngành, đa cấp phân bổ tại các đô thị nhỏ ở vùng nông thôn.
- Thành phố Hồ Chí Minh: Ưu tiên đào tạo đại học và sau đại học ở các ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại Thủ Đức. Khuyến khích đầu tư xây dựng các trường đại học tầm cỡ quốc tế. Di dời các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không còn phù hợp ra khỏi nội thành thành phố.
- Trung tâm giáo dục - đào tạo tầm quốc tế: Phân bố các trường đại học cấp quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; Dĩ An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch - Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và Đức Hòa (tỉnh Long An) - Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh).
- Trung tâm giáo dục - đào tạo cấp quốc gia và vùng bố trí tại: Khu đô thị Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Bến Cát, thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thành phố Tân An, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
- Dự kiến đất xây dựng các trường đại học - cao đẳng đến năm 2030 khoảng 13.700 ha (Thành phố Hồ Chí Minh 3.000 ha, Đồng Nai 2.000 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.500 ha, Bình Dương 2.500 ha, Tây Ninh 1.200 ha, Bình Phước 1.000 ha, Long An 1.500 ha, Tiền Giang 1.000 ha).
- Phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ tầm quốc tế. Tại các thành phố: Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Long Thành, Bình Dương, Vũng Tàu và Mỹ Tho. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị Bình Dương (tỉnh Bình Dương), Long Thành, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) là cụm tri thức mới.
- Phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ tầm quốc gia và vùng. Hình thành Trung tâm nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia tại Quận 9, Hóc Môn, Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh), Thuận An (tỉnh Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Hậu Nghĩa (tỉnh Long An).
h) Định hướng phát triển y tế và văn hóa, thể dục thể thao
- Y tế:
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao lớn nhất cả nước, được phân bổ phù hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương không chỉ phục vụ nội vùng mà còn cho cả các vùng lân cận với tổng nhu cầu giường bệnh toàn vùng đến năm 2030 khoảng 90.000 - 100.000 giường. Trong đó:
+ Thành phố Hồ Chí Minh: Phát huy vai trò là trung tâm y tế lớn nhất khu vực phía Nam. Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia. Thực hiện di dời các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi các khu vực đông dân cư.
+ Hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa; xây dựng bệnh viện theo mô hình du lịch - điều dưỡng với chất lượng dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại các đô thị là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế trọng điểm.
+ Xây dựng các trung tâm y tế đa khoa và chuyên khoa, các bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương tại các đô thị tỉnh lỵ như: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Bà Rịa, Tây Ninh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại các địa phương, hạn chế bệnh nhân tập trung vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Phát triển mạng lưới y tế tại cấp quận/huyện/thị xã để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, dễ tiếp cận dịch vụ y tế đối với người dân. Đặc biệt quan tâm tới hệ thống cơ sở y tế cộng đồng.
Dự kiến đất xây dựng các công trình y tế đến năm 2030 khoảng 920 - 1.020 ha trong đó: Thành phố Hồ Chí Minh 500 - 540 ha, Đồng Nai 110 - 120 ha Bà Rịa - Vũng Tàu 40 - 50 ha, Bình Dương 100 - 110 ha, Tây Ninh 40 - 45 ha Bình Phước 35 - 40 ha, Long An 45 - 55 ha, Tiền Giang 50 - 60 ha.
- Văn hóa, thể dục thể thao:
Phát triển văn hóa, thể dục - thể thao theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trở thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của vùng. Hình thành các trung tâm văn hóa thể dục thể thao cấp vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương và gắn với các đô thị là cực tăng trưởng trong vùng gồm: Nhơn Trạch, Long Khánh, Tân An, Mỹ Tho.
i) Định hướng phát triển nông, lâm nghiệp:
- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ, nông nghiệp thích ứng cho những vùng ngập lũ và xâm nhập mặn. Bảo vệ đất nông nghiệp tại các khu vực ven đô thị, phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh lớn ở vùng phía Đông, phía Tây Bắc và phía Bắc, vùng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Tây Nam. Hình thành các vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao: Rau an toàn, cây cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh; hồ tiêu tại Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; lúa tại Long An, Tiền Giang, Tây Ninh; cây ăn quả đặc sản tại Đồng Nai, Tiền Giang. Hình thành các vùng chuyên canh vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa cho các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm giống cây trồng vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch và an toàn.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm: Vùng phía Bắc và phía Đông, Đông Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) phát triển vùng cây công nghiệp, cây ăn trái đặc sản; vùng phía Tây và Tây Nam (Tiền Giang, Long An) phát triển vùng nuôi trồng thủy sản, vùng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, rau quả sạch, cây ăn trái đặc sản; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
- Chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và hình thành các cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi giống, cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Bảo vệ, xây dựng các tuyến đê, quản lý ven bờ, tôn cao đất đai và bảo vệ các công trình ven sông, hồ... nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
- Phát triển vùng chuyên canh ngành thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các loại giống nuôi phù hợp với từng vùng và có giá trị kinh tế cao. Tăng cường hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản gần bờ và xa bờ, những sản phẩm biển có giá trị kinh tế cao, phục vụ ngành chế biến và xuất khẩu hải sản. Phát triển cảng cá, dịch vụ hậu cần thủy sản, đầu tư xây dựng cảng cá tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
- Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển tại Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Côn Đảo; khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Cần Giờ, Đồng Tháp Mười; khu vực hành lang bảo vệ xung quanh các sông hồ lớn trong vùng. Bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và rừng ngập mặn ven biển tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
7. Định hướng phát triển hệ thống giao thông:
Trên cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, đầu tư nâng cấp và phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông vùng. Đảm bảo nhu cầu về giao thông vận tải, phát huy tối đa lợi thế về đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế của vùng. Tạo mối liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa các loại hình vận tải. Chú trọng phát triển giao thông công cộng trong các đô thị và kết nối giữa các đô thị trong vùng bằng các phương tiện giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường.
a) Đường bộ:
- Đường cao tốc: Hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc hướng tâm và các đường vành đai.
+ Các tuyến cao tốc tiếp tục hoàn thiện: Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh giai đoạn 3) đoạn Bình Phước - Tây Ninh - Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp.
+ Giai đoạn đến năm 2030, các tuyến xây dựng mới gồm:
. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Là tuyến nối thành phố Biên Hòa với thành phố Vũng Tàu; đây cũng là tuyến Xuyên Á trong tương lai.
. Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước): Dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư kết nối với Campuchia.
. Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh): Từ giao đường vành đai tại ngã tư An Sương đi cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia; nối tiếp từ Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát sang Campuchia.
. Cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt: Từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Đà Lạt (Lâm Đồng).
. Xây dựng khép kín đường Vành đai 3 (điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn).
. Xây dựng đường Vành đai 4. Hoàn thành trước năm 2020 đoạn Bến Lức - Long An đến cuối tuyến Trục Bắc - Nam Thành phố Hồ Chí Minh và đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Trảng Bom - Đồng Nai.
+ Giai đoạn sau năm 2030 nâng cấp các tuyến cao tốc hiện tại lên quy mô 6 - 8 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đường bộ tăng cao.
- Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ:
+ Cải tạo các tuyến quốc lộ hiện hữu và nâng cấp một số tuyến đường tỉnh quan trọng trong vùng lên quốc lộ. Các tuyến này đạt tiêu chuẩn đường cấp I, cấp II đồng bằng.
+ Kết nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong vùng tạo thành mạng lưới liên hoàn và đấu nối với hệ thống đường cao tốc quốc gia góp phần nâng cao năng lực vận tải của mạng lưới đường bộ.
- Các tuyến đường chuyên dụng:
+ Tuyến đường bộ ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang; kết hợp nghiên cứu các giải pháp giao thông phù hợp, kết nối giữa các tỉnh trong vùng.
+ Xây dựng các đường liên cảng tăng cường kết nối giữa cảng biển với hệ thống quốc lộ, gồm đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, từ cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến cảng Phước An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Nâng cấp, cải tạo tuyến đường 991D, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép.
+ Đường liên cảng Đồng Nai: Từ khu công nghiệp Ông Kèo (tại Rạch Chà Là Lớn) đến cảng tổng hợp Việt Thuận Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
+ Đường Gò Găng - Long Sơn: Từ đảo Gò Găng sang đảo Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
+ Đường hành lang tuần tra biên giới từ Bình Phước tới Đồng Tháp theo tuyến N1.
b) Đường sắt
- Đường sắt quốc gia:
+ Nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng.
+ Xây dựng mới các tuyến đường sắt:
. Tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng (Sài Gòn), trong đó xây dựng mới tuyến tránh thành phố Biên Hòa về phía Nam và xây dựng đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao, đường sắt đôi, khổ 1.435 mm.
. Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đường sắt với cảng biển Vũng Tàu, trung chuyển hàng với đường sắt Bắc - Nam tại ga Trảng Bom mới, kết nối với đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng tại ga Biên Hòa mới.
. Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ (định hướng kéo dài đến Cà Mau), kết nối với đường sắt Bắc - Nam tại ga An Bình.
. Tuyến Dĩ An - Lộc Ninh và kết nối Campuchia.
. Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh (định hướng kéo dài lên cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp.
. Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm.
. Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
. Tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia tới cảng Hiệp Phước và cảng Long An. Điểm đầu từ ga Long Định của tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ.
- Đường sắt nội vùng: Xây dựng mới kết hợp nâng cấp một số tuyến đường sắt quốc gia tạo thành mạng lưới đường sắt nội vùng với các tuyến vận tải hành khách, kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến các thành phố trung tâm các tỉnh trong bán kính 60 - 80 km. Quy mô đường sắt đôi, điện khí hóa khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 - 150 km/h. Sử dụng kết hợp đường sắt quốc gia vận tải hành khách nội vùng theo các hướng Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Mỹ Tho, Long Khánh.
- Đường sắt đô thị: Xây mới hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và phát triển các tuyến đường sắt vận chuyển khách nội - ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng 08 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của Thành phố, kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng.
- Công trình đầu mối đường sắt: Hình thành các công trình đầu mối tại các khu vực cửa ngõ đô thị:
+ Ga khách kỹ thuật phía Bắc (ga Bình Triệu), ga khách trung tâm (ga Sài Gòn) và ga trung chuyển hành khách phía Tây (ga Tân Kiên). Xây dựng mới ga Thủ Thiêm và các ga trên các tuyến đường sắt xây dựng mới.
+ Ga hàng: Ga lập tàu An Bình, ga hàng hóa Trảng Bom, Phước Tân và các ga tại các cảng trong khu vực.
c) Đường hàng không:
- Đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp cảng hàng không, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Công suất đạt 40 - 50 triệu hành khách/năm và 1 - 2 triệu tấn hàng hóa/năm đến 2030.
- Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Triển khai thực hiện theo các giai đoạn đầu tư phát triển cảng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Cảng hàng không Côn Sơn: Là cảng hàng không phục vụ bay nội vùng. Cảng hàng không dùng chung mục đích dân dụng và quân sự. Quy mô đạt cấp sân bay 3C theo phân cấp ICAO và sân bay quân sự cấp II, công suất 500.000 hành khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.
- Xây dựng Cảng hàng không Vũng Tàu: Là cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ vận chuyển hàng không nội địa, hoạt động bay trực thăng bay taxi, khai thác du lịch, dầu khí được đầu tư xây dựng mới tại khu vực Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
d) Đường thủy:
- Đường biển:
+ Phát triển cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Bến Đình - Sao Mai, Hiệp Phước và các vị trí tiềm năng như Long Sơn để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng cảng, tăng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, thúc đẩy tiềm năng trung chuyển quốc tế của Nhóm cảng biển số 5.
+ Phát triển cảng biển gắn với việc kết nối đồng bộ các hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Kết hợp phát triển hài hòa các bến cảng chuyên dùng để đáp ứng yêu cầu lưu thông các loại hàng hóa toàn khu vực.
- Cảng biển:
+ Cảng Vũng Tàu: Cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (loại 1A).
+ Cảng Thành phố Hồ Chí Minh: Cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
+ Cảng Đồng Nai: Cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
+ Luồng hàng hải: Tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như: Luồng Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đến Gò Dầu; luồng vào cảng Thành phố Hồ Chí Minh theo sông Soài Rạp; luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Cái Mép - Thị Vải; luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái; luồng Sông Dinh; luồng Sông Tiền qua cửa Tiểu và cửa Hàm Luông.
- Cảng cạn ICD:
+ Phát triển ICD (cảng cạn) chính trong khu vực: Khu vực Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng cảng cạn ICD Trảng Bom. Khu vực Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh hình thành cảng cạn ICD Tân Kiên.
+ Xây dựng và phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch của địa phương gồm: Bình Dương, Tân Cảng Long Bình, Bình Phước tại Chơn Thành, Đức Hòa, Bến Lức, Thành Thành Công, Mộc Bài, Thanh Phước tại tỉnh Tây Ninh,… Từng bước hình thành và phát triển hệ thống các cảng cạn tại các đầu mối nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
đ) Giao thông đô thị và nông thôn:
- Giao thông đô thị:
+ Xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành khác và theo quy hoạch chung xây dựng của các đô thị, đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông đạt tỷ lệ theo quy phạm. Bố trí đủ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các công trình đầu mối; chỉ tiêu về mật độ mạng đường trong đô thị đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
+ Tổ chức hệ thống giao thông đô thị tách biệt với giao thông đối ngoại thông qua đường tránh, đường vành đai, đường gom và hệ thống nút giao thông. Hạn chế tối đa các tuyến quốc lộ đi xuyên qua trung tâm đô thị.
+ Tổ chức mạng lưới giao thông công cộng cho các đô thị: Việc lựa chọn loại hình vận tải hành khách công cộng tùy theo tốc độ phát triển của các đô thị trong vùng; ưu tiên xây dựng phát triển vận tải hành khách công cộng tại vùng đô thị trung tâm của vùng (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Thành) với các loại hình đa dạng gồm: Đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, hệ thống xe buýt thông thường và taxi; hình thành các tuyến xe bus nội vùng kết nối giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị tỉnh lỵ trong vùng; tăng cường phát triển các loại hình giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; hạn chế và từng bước loại bỏ việc sử dụng phương tiện cá nhân trong khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giao thông nông thôn:
+ Đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn trong vùng đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; kết nối liên thông với các tuyến tỉnh lộ quốc lộ đáp ứng nhu cầu về vận tải và phát triển hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
+ Phát huy lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của địa phương, kết hợp giữa giao thông với thủy lợi, nông lâm nghiệp và các ngành kinh tế khác, nhằm đảm bảo khả năng lưu thông hiệu quả.
+ Xây dựng và cải tạo các tuyến giao thông nông thôn hiện hữu, đảm bảo lưu thông suốt, chất lượng mặt đường và các công trình trên đường đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, khuyến khích bê tông hóa mặt đường.
e) Công trình đầu mối giao thông:
Các trung tâm hậu cần, tiếp vận giao thông vận tải là nơi chuyển tiếp giữa các loại hình vận tải được xây dựng tại các khu vực đầu mối giao thông của các đô thị và của vùng, gồm có:
- Trung tâm Long Thành - liên kết đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô với đường bộ và đường hàng không, trung tâm trung chuyển quốc tế trong tương lai.
- Trung tâm Trảng Bom - là trung tâm tiếp vận lớn khu vực phía Đông Bắc của vùng, liên kết đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường bộ, đường thủy (cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Trung tâm Sóng Thần - Bình Dương: Là trung tâm tiếp vận lớn khu vực, cảng cạn; trung chuyển hàng hóa giữa đường sắt quốc gia, đường sắt nội vùng với đường bộ, đường thủy (qua cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Trung tâm tiếp vận Tân Kiên phía Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Trung chuyển hàng hóa giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy (qua cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang) đi các tỉnh trong vùng và các khu vực khác trong nước và quốc tế.
- Các trung tâm tiếp vận tại các địa phương khác trong vùng: Trung chuyển hàng hóa và hành khách giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên,...
8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác:
a) Cao độ nền và tiêu thoát nước:
- Cao độ nền đất xây dựng:
+ Đất xây dựng được lựa chọn phải đảm bảo phát triển đô thị bền vững và ổn định trong xây dựng, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu như ngập lụt, nước biển dâng,...
+ Xác định cao độ xây dựng của các đô thị căn cứ vào hình hiện trạng, tình hình ngập lụt và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - nước biển dâng tới các khu vực phát triển của từng đô thị. San nền cần đảm bảo hiệu quả trong xây dựng, giảm khối lượng san đắp và bảo vệ mặt phủ tự nhiên. Đảm bảo tuân thủ quy định về cao độ khống chế trong quá trình triển khai xây dựng đô thị.
- Thoát nước mặt: Gồm các lưu vực thoát nước chính như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây, sông Tiền và sông Dinh.
+ Nạo vét, cải tạo nâng cao khả năng tiêu thoát nước của các sông chính và hệ thống kênh rạch trong vùng.
+ Thoát nước đô thị: Xây dựng hệ thống thoát nước đô thị hoàn chỉnh và kết nối với hệ thống sông rạch trong vùng. Khu vực đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước chung hiện hữu, xây dựng các tuyến thu gom nước thải sinh hoạt đưa về trạm xử lý; khu vực đô thị xây dựng mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Hạn chế tối đa san lấp hồ, sông, kênh rạch hiện trạng, khuyến khích xây dựng mới các hồ điều hòa.
- Phòng chống lũ, ngập úng:
+ Công tác phòng chống lũ và ngập úng trong vùng được xác định: Xây dựng các công trình điều tiết lũ ở thượng lưu (kết hợp với hồ thủy điện: Hồ Đambri, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6,...) và các hồ chứa nước ở hạ lưu.
+ Thực hiện việc phòng chống lũ tại các địa phương theo quy hoạch thoát lũ chuyên ngành và quy hoạch chống ngập của từng địa phương (đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu - nước biển dâng như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang,...).
- Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển:
+ Có kế hoạch và phương pháp khai thác cát, nạo vét lòng sông một cách khoa học kết hợp với việc điều tiết dòng chảy qua việc xả lũ của các hồ lớn trên thượng nguồn (hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng,...) để đảm bảo không bị ảnh hưởng tới sự ổn định lòng sông và không thay đổi hướng và vận tốc dòng chảy của sông.
+ Gia cố và thường xuyên cải tạo bờ sông tại những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao như kè bờ sông, trong cây bảo vệ bờ,...
+ Có biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn chủ yếu trong phạm vi các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh để giữ nước, giảm tốc độ dòng chảy phòng chống lũ gây xói lở phá hủy mặt phủ tự nhiên.
+ Thường xuyên kiểm tra, nâng cấp cải tạo các công trình đê kè đã có và xây mới các kè biển tại các vị trí thường xuyên bị xói lở (khu vực ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang).
b) Cấp nước:
- Tổ chức hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo cung cấp nước đầy đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất trong vùng theo quy chuẩn hiện hành. Đảm bảo an toàn cấp nước, kinh tế, khả thi, phù hợp với điều kiện hiện tại và tương lai, giảm tối đa thất thoát nước.
- Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt đô thị và công nghiệp toàn vùng đến năm 2030 khoảng 7,506 triệu m3/ngày đêm trong đó nước sinh hoạt đô thị khoảng 6,95 triệu m3/ngày đêm, công nghiệp khoảng 546 ngàn m3/ngày đêm.
- Nguồn nước cấp trong vùng chủ yếu sử dụng nước mặt các sông chính (Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền, Dinh) và các hồ lớn (Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Đá Đen, Sông Ray). Hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm để cấp nước, chỉ sử dụng nước ngầm để cấp nước cho những khu vực phân tán có khó khăn về nguồn nước mặt, những khu dân cư nông thôn với quy mô nhỏ xa mạng lưới cấp nước của vùng.
- Mạng lưới cấp nước được xác định trên cơ sở nâng cấp các nhà máy nước hiện hữu, xây dựng mới nhà máy nước nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước tại các đô thị có thuận lợi về nguồn nước. Xây dựng các tuyến cấp nước thô cung cấp cho các nhà máy nước hiện hữu và dự kiến xây dựng có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Xây dựng các nhà máy nước quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố nhằm cấp nước cho các khu vực đô thị trong địa phương và khu vực nông thôn liền kề.
- Cải tạo, mở rộng nâng công suất các nhà máy nước hiện hữu: Nhà máy nước hồ Đá Đen - 250.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Châu Đức - 100.000 m3/ngày đêm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); nhà máy nước Thủ Dầu Một - 200.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Dĩ An - 200.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Khu liên hợp - 150.000 m3/ngày đêm (tỉnh Bình Dương); nhà máy nước Đồng Xoài - 60.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Bình Phước - 30.000 m3/ngày đêm (tỉnh Bình Phước); nhà máy nước Hòa Khánh Tây - 80.000 m3/ngày đêm (tỉnh Long An); nhà máy nước BOO Đồng Tâm - 160.000 m3/ngày đêm (tỉnh Tiền Giang).
- Xây dựng mới các nhà máy nước mặt quy mô lớn trong từng tỉnh cấp nước cho liên đô thị và kết hợp cấp nước khu vực nông thôn nhà máy nước: Thủ Đức IV công suất 300.000 m3/ngày đêm, Thủ Đức V - 500.000 m3/ngày đêm, Tân Hiệp III - 300.000 m3/ngày đêm (Thành phố Hồ Chí Minh); Thiện Tân II - 100.000 m3/ngày đêm, Thiện Tân III - 200.000 m3/ngày đêm, Nhơn Trạch II -100.000 m3/ngày đêm, Nhơn Trạch III - 200.000 m3/ngày đêm, hệ thống cấp nước Gia Tân - 200.000 m3/ngày đêm, hồ cầu Mới - 90.000 m3/ngày đêm (tỉnh Đồng Nai); Tân Hiệp - 200.000 m3/ngày đêm (tỉnh Bình Dương); Chơn Thành - 120 000 m3/ngày đêm, Nha Bích - 80.000 m3/ngày đêm (tỉnh Bình Phước); dự án cấp nước Phú Mỹ Vinh II - 300.000 m3/ngày đêm (tỉnh Long An); sông Tiền 1 - 300.000 m3/ngày đêm (tỉnh Tiền Giang).
c) Cấp điện:
- Vùng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm năng lượng lớn của quốc gia, gồm các nhà máy nhiệt điện và thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho vùng và quốc gia.
- Tổng nhu cầu cấp điện toàn vùng đến năm 2030 khoảng 28.200 MW (trong đó: Khu vực đô thị khoảng 8.770MW; khu vực nông thôn khoảng 1.000MW; công nghiệp khoảng 13.195MW; công cộng, dịch vụ, hành chính khoảng 5.236MW).
- Xây dựng mới và cải tạo hệ thống điện trong vùng kết nối với hệ thống điện quốc gia đảm bảo đáp ứng cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất của vùng theo quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia và quy hoạch phát triển của các địa phương trong vùng. Đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục, an toàn trong hiện tại và tương lai. Chú trọng phát triển nguồn năng lượng, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
- Nguồn điện:
+ Nguồn điện được cấp từ các nhà máy điện trong vùng: Nhiệt điện Hiệp Phước, Thủ Đức, Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Formosa; thủy điện: Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và cận vùng; phát triển mô hình nguồn điện phân tán sử dụng năng lượng mới và tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió,...)
+ Xây dựng mới nhà máy điện Long An 1 và Long An 2, Tân Phước 1 và Tân Phước 2, Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 và các nguồn điện khác theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Lưới điện:
+ Lưới 500KV:
. Cải tạo nâng công suất các trạm 500kV hiện hữu: Phú Lâm, Nhà Bè, Cầu Bông.
. Xây dựng trạm 500kV: Củ Chi, Thủ Đức Bắc.
. Xây dựng tuyến 500kV: Sông Mây - Tân Uyên, Củ Chi - Đức Hòa, Củ Chi - Mỹ Phước, Củ Chi - Tây Ninh, tuyến 500kV từ trạm 500kV Đức Hòa đến đường dây mạch kép Phú Lâm - Cầu Bông.
. Cải tạo nâng công suất các trạm 500kV hiện hữu: Tân Định, Sông Mây, Mỹ Tho.
. Xây dựng trạm 500KV: Đức Hòa, Long Thành, Mỹ Phước, Bình Dương 1, Tây Ninh.
. Xây dựng tuyến 500KV: Sông Mây - trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Phú Mỹ - trung tâm điện lực Sơn Mỹ, Đức Hòa - Thốt Nốt, Đức Hòa - Mỹ Tho.
+ Lưới 220KV: Cải tạo, nâng cấp hệ thống các trạm 220KV và tuyến 220KV hiện hữu. Xây dựng mới các tuyến 220KV và trạm 220KV dự kiến theo quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia.
d) Thông tin liên lạc:
- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hiện đại, an toàn có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ viễn thông chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế.
- Dịch vụ thông tin liên lạc có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ.
- Thực hiện cáp quang hóa toàn vùng với công nghệ hiện đại, công nghệ truyền dẫn tiên tiến đối với mạng truyền dẫn liên tỉnh, nội tỉnh, nội hạt. Phát triển thông tin di động theo hướng tăng dung lượng, mở rộng và nâng cao chất lượng vùng phủ sóng.
- Ứng dụng rộng rãi và hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng.
đ) Thoát nước và xử lý nước thải:
- Tổng khối lượng nước thải đô thị và công nghiệp toàn vùng đến năm 2030 khoảng 4,52 triệu m3/ngày đêm (trong đó đô thị khoảng 2,95 triệu m3/ngày đêm; công nghiệp khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm).
- Tất cả các đô thị loại 5 trở lên và các khu, cụm công nghiệp tập trung phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Đối với các đô thị, khu, cụm công nghiệp nằm ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A, các khu vực khác nằm ngoài hạ lưu, lưu vực sông đạt tiêu chuẩn loại B theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14/2008 và QCVN 40/2011 trước khi xả ra môi trường. Các khu xử lý rác ở thượng nguồn sông Đồng Nai, sông Sài Gòn (từ biên mặn trở lên) phải xây dựng khu xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn loại A theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14/2008.
- Giải pháp quy hoạch:
+ Các đô thị: Công nghệ xử lý nước thải hiện đại cho các đô thị, đặc biệt là các đô thị tỉnh lỵ và Thành phố Hồ Chí Minh. Các khu đô thị hiện hữu giữ hệ thống cống chung, xây dựng các tuyến cống bao tách dòng để thu nước thải về trạm xử lý. Các khu vực xây dựng mới phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng.
+ Khu vực nông thôn: Các thị tứ, cụm dân cư nông thôn tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung. Xử lý nước thải bằng sinh học tự nhiên tại các hồ, kênh rạch.
+ Khu, cụm công nghiệp: Hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng, xây dựng trạm xử lý nước thải và làm sạch đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN40/2011 trước khi xả ra môi trường.
e) Quản lý chất thải rắn:
- Phát huy năng lực các cơ sở xử lý chất thải rắn (CTR) đang hoạt động, xây dựng 02 khu liên hợp xử lý CTR sinh hoạt, công nghiệp cho các đô thị lớn mang tính chất liên vùng và 01 khu xử lý rác công nghiệp, rác y tế độc hại, có thể chọn một ô chôn rác độc hại trong khu liên hợp để quản lý chung.
- Đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp, 80% lượng chất thải rắn các điểm dân cư nông thôn tập trung và 100% tại các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn.
- Tổng khối lượng chất thải rắn toàn vùng đến năm 2030 khoảng 40.340 tấn/ngày đêm (trong đó: Đô thị khoảng 21.700 tấn/ngày đêm, nông thôn khoảng 4.800 tấn/ngày đêm, công nghiệp khoảng 13.840 tấn/ngày đêm).
- Giải pháp quy hoạch:
+ Các khu xử lý CTR cấp vùng: Xây dựng khu liên hợp xử lý CTR tại Thủ Thừa - Long An cho Thành phố Hồ Chí Minh và Long An với diện tích 1.760 ha (trong đó Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng 1.000 ha).
+ Các khu xử lý CTR cấp tỉnh: Các tỉnh, thành phố đã có các bãi chôn lấp riêng, cần nâng cấp thành khu liên hợp công suất nhỏ với công nghệ tổng hợp (chôn lấp, chế biến, đốt lấy năng lượng) diện tích từ 100 - 200 ha.
+ Hệ thống thu gom và công nghệ xử lý:
. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị, CTR công nghiệp, y tế thông thường, chất thải rắn các khu dân cư tập trung được thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch.
. Chất thải rắn công nghiệp, y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh môi trường.
. Sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến (làm phân bón hoặc tái sử dụng), đốt. Loại hình công nghệ ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực tái sinh tái chế và xử lý CTR đô thị như: Tái sử dụng, tái sinh, tái chế các loại chất thải; sản xuất khí sinh học CH4 và phát điện kết hợp sản xuất phân hữu cơ; sản xuất nhiên liệu (nhiệt phân) và phát điện; đốt kết hợp phát điện; bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
g) Quản lý nghĩa trang:
- Xây dựng nghĩa trang tập trung cho đô thị. Khuyến khích hình thức hỏa táng. Các nghĩa trang xây dựng theo hướng công viên nghĩa trang.
- Quy hoạch vị trí và xác định quy mô các khu hỏa táng và địa táng mang tính chất chức năng vùng tỉnh, với hình thức công viên nghĩa trang.
+ Nghĩa trang cấp vùng:
. Đồng Nai: An viên Vĩnh Hằng, quy mô 316 ha (Vĩnh Cửu) phục vụ cho tỉnh Đồng Nai, khu vực Đông - Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
. Bình Dương: Hoa viên nghĩa trang Bình Dương, quy mô 200 ha (Bến Cát) phục vụ cho tỉnh Bình Dương, khu Đông - Bắc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
. Tây Ninh: Sơn trang Tiên cảnh, quy mô 75 ha (Hòa Thành) đang phục vụ cho tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
. Nghĩa trang cấp tỉnh, huyện: Thực hiện theo quy hoạch của địa phương.
9. Đánh giá môi trường chiến lược:
a) Các giải pháp tổng thể phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục tác động và rủi ro:
- Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế các tác động xấu đến môi trường trong quá trình phát triển đô thị và các khu công nghiệp. Xác định các khu vực cần bảo vệ môi trường, có giải pháp trong quy hoạch phát triển đô thị nhằm phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái chế, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm, phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, đặc biệt lưu ý giải pháp chống ngập tại Tiểu vùng đô thị trung tâm.
- Các đô thị lớn, vùng phát triển công nghiệp tập trung cần được cách ly với các khu dân cư, các khu vực bảo tồn bằng các hành lang xanh, vành đai xanh. Khuyến khích phát triển giao thông công cộng nội thị và đối ngoại để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do giao thông.
- Xử lý triệt để chất thải, kiểm soát và giám sát ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đối với các khu xử lý CTR, ưu tiên dự án có công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại. Nước thải sinh hoạt đô thị, công nghiệp phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.
- Bảo tồn nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai để bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Bảo tồn các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước ven sông Tiền, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và vùng cửa sông. Bảo vệ và phát triển các không gian xanh, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, các hành lang xanh dọc sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền, hồ Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ, Cần Đơn,... Hạn chế các hoạt động phát triển làm biến đổi dòng chảy, gây mất an toàn đối với các khu dân cư và cơ sở hạ tầng.
- Có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng kế hoạch và các biện pháp thích ứng, phòng tránh và ứng phó biến đổi khí hậu chung của vùng. Tăng diện tích cây xanh và mặt nước giúp tăng khả năng thoát nước và điều hòa vi khí hậu. Cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị. Phát triển không gian rừng kết nối với các mảng xanh nông nghiệp, công viên chuyên đề, không gian mở của các đô thị.
b) Chương trình, kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật, quản lý và quan trắc:
- Xây dựng chương trình quản lý tổng hợp các lưu vực sông trong vùng (lưu vực sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây,...).
- Xây dựng chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải từ các đô thị, khu, cụm công nghiệp, giao thông vận tải,...
- Xây dựng hệ thống giám sát chất lượng môi trường vùng, hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tác động của biến đổi khí hậu như cảnh báo mực nước biển, nước sông dâng lên bất thường, hạn hán kéo dài.
10. Khung cơ chế chính sách phát triển vùng:
Từng bước nghiên cứu xây dựng các chính sách phát triển vùng, trong đó tập trung vào 05 nhóm chính sách sau:
- Liên kết chia sẻ giữa các địa phương trong vùng về đầu tư, khai thác các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Phát triển đô thị, công nghiệp và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
- Tài chính hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng.
- Phát triển nguồn nhân lực tạo sự cân bằng, hài hòa lực lượng sản xuất trong vùng.
- Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp.
11. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:
Ưu tiên phát triển các dự án trọng điểm cấp quốc tế, quốc gia và vùng tại tiểu vùng đô thị trung tâm, làm động lực chính phát triển lan tỏa các tiểu vùng khác trong vùng. Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án có vai trò tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng và các tỉnh trong vùng theo từng lĩnh vực cụ thể:
- Về hạ tầng kỹ thuật: Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với quốc tế, quốc gia và vùng như các dự án đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc (Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát); đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4), quốc lộ (quốc lộ 22, 22B, đường N1, quốc lộ 14C kéo dài, quốc lộ 50), đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép, đường 991B, Phước Hòa - Cái Mép, Long Sơn - Cái Mép; đường sắt (nâng cấp đường sắt đầu mối hiện có, xây dựng đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dĩ An - Lộc Ninh, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt nội đô Thành phố Hồ Chí Minh); nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành,...; dự án chống ngập khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án thủy lợi và phòng chống lũ liên tỉnh; xây mới và nâng cấp các nhà máy nước liên vùng tỉnh; xây dựng khu Công nghệ Môi trường xanh tại Thủ Thừa (tỉnh Long An).
- Về hạ tầng xã hội: Đầu tư các dự án trọng điểm đầu tư các trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thể dục thể thao cấp vùng tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng (Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) để giảm tải cho khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.
- Về thương mại - dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch: Ưu tiên đầu tư các dự án lớn tại tiểu vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng trọng điểm, gắn với các đầu mối giao thông quan trọng.
- Về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn: Ưu tiên đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn cây công nghiệp dài ngày, vùng lúa chất lượng cao, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Điều 2. Trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện
1. Mô hình quản lý phát triển vùng:
Thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Chính phủ, là cơ quan tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện theo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
2. Trách nhiệm các bộ, ngành:
a) Bộ Xây dựng:
- Thực hiện công các kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy hoạch; tổ chức rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quy hoạch.
- Đề xuất danh mục các Quy hoạch xây dựng nhằm triển khai cụ thể hóa quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định danh mục các dự án đầu tư, xây dựng các cơ chế chính sách về tài chính để huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội trọng điểm của vùng.
c) Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch, giải pháp, cơ chế chính sách phát triển hạ tầng xã hội vùng theo chức năng nhiệm vụ nhằm giảm tải sức ép cho Thành phố Hồ Chí Minh và chia sẻ cơ hội hưởng lợi từ dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo cho các tỉnh trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
d) Bộ Giao thông vận tải: Tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng, ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường liên cảng gắn với các đô thị động lực thuộc tiểu vùng đô thị trung tâm và đô thị trên các hành lang phát triển; đường sắt nội đô và nội vùng, hàng không.
đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành và địa phương lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch được duyệt.
e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương rà soát các quy hoạch phòng chống lũ theo hướng điều chỉnh bổ sung chức năng sử dụng đất, khai thác hiệu quả quỹ đất và cảnh quan dọc sông để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn phòng chống lũ. Ban hành hướng dẫn khai thác quỹ đất khu vực hành lang ven sông.
g) Bộ Nội vụ:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương trong vùng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo.
- Phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung, các văn bản pháp luật về thể chế chính sách và cơ chế điều hành, chỉ đạo phát triển vùng.
h) Các bộ, ngành theo các chức năng nhiệm vụ xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, các chiến lược phát triển ngành phù hợp với Quy hoạch được duyệt.
3. Trách nhiệm các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh:
a) Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan thuộc trách nhiệm của từng tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện theo các chương trình dự án sau khi Quy hoạch này được phê duyệt.
b) Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế thu hút và đa dạng hóa nguồn lực phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông, cấp nước, bảo vệ môi trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nội vụ, Quốc phòng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Trịnh Đình Dũng
|