BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH - BỘ NỘI VỤ
----------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2016
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH MÃ SỐ VÀ TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA CƠ SỞ
Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CPngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 2. Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
1. Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở bao gồm: nhóm chức danh phương pháp viên và nhóm chức danh hướng dẫn viên văn hóa.
2. Nhóm chức danh phương pháp viên, bao gồm:
a) Phương pháp viên hạng II
|
Mã số: V.10.06.19
|
b) Phương pháp viên hạng III
|
Mã số: V.10.06.20
|
c) Phương pháp viên hạng IV
|
Mã số: V.10.06.21
|
3. Nhóm chức danh hướng dẫn viên văn hóa, bao gồm:
a) Hướng dẫn viên văn hóa hạng II
|
Mã số: V.10.07.22
|
b) Hướng dẫn viên văn hóa hạng III
|
Mã số: V.10.07.23
|
c) Hướng dẫn viên văn hóa hạng IV
|
Mã số: V.10.07.24
|
Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
1. Có trách nhiệm cao với công việc được giao, tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
2. Có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác văn hóa cơ sở.
3. Trung thực, khách quan, thẳng thắn, làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân; tôn trọng đồng nghiệp; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác.
Chương II
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC
Điều 4. Phương pháp viên hạng II - Mã số: V.10.06.19
1. Nhiệm vụ:
a) Đề xuất, tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về hoạt động nghiệp vụ văn hóa cơ sở tại đơn vị công tác;
b) Biên soạn chương trình hoạt động, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp công tác, kịch bản sinh hoạt cho các thiết chế văn hóa về văn hóa nghệ thuật quần chúng có quy mô và phạm vi hoạt động từ cấp quận, huyện và tương đương đến cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Trực tiếp dàn dựng các chương trình, kịch bản cho các liên hoan, hội thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng với quy mô cấp tỉnh, ngành;
d) Chủ trì hoặc tham gia tổ chức, chuẩn bị nội dung liên hoan, hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ, phương pháp hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng;
đ) Theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ cho thiết chế văn hóa trên địa bàn; đánh giá, đề xuất, phổ biến áp dụng kinh nghiệm giữa các thiết chế văn hóa;
e) Lập kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho phương pháp viên hạng dưới;
g) Có khả năng tổng hợp, nghiên cứu giáo trình, đào tạo về nghiệp vụ văn hóa cơ sở.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh phương pháp viên hạng II.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Có khả năng chỉ đạo và tổ chức công tác chuyên môn được phân công thực hiện;
c) Nắm vững đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội của từng vùng, miền;
d) Am hiểu các phương pháp quản lý và có kinh nghiệm về công tác tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa;
đ) Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, soạn thảo các văn bản trong lĩnh vực văn hóa cơ sở.
4. Viên chức thăng hạng từ chức danh phương pháp viên hạng III lên chức danh phương pháp viên hạng II phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh phương pháp viên hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh phương pháp viên hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.
Điều 5. Phương pháp viên hạng III - Mã số: V.10.06.20
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về một lĩnh vực nghiệp vụ hoặc một phần việc trên cơ sở chương trình, kế hoạch chung;
b) Tham gia tổ chức và chuẩn bị một phần nội dung các hội nghị, hội thảo về nghiệp vụ; tham gia tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, các hoạt động đội, nhóm, câu lạc bộ sở thích, rèn luyện kỹ năng phát triển năng khiếu cho các đối tượng;
c) Dàn dựng các chương trình, cuộc thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ khác với quy mô cấp quận, huyện;
d) Theo dõi hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn để hướng dẫn giúp đỡ về chuyên môn; tổng kết kinh nghiệm để áp dụng cho các thiết chế văn hóa khác.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Phương pháp viên hạng III.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Có kiến thức cơ bản về quản lý công tác văn hóa cơ sở và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực được phân công quản lý;
c) Có hiểu biết về đặc điểm lịch sử văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý;
d) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cơ sở;
đ) Biết phương pháp nghiên cứu, tổng hợp và tham mưu soạn thảo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.
4. Viên chức thăng hạng từ chức danh phương pháp viên hạng IV lên chức danh phương pháp viên hạng III phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh phương pháp viên hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm đối với trình độ cao đẳng hoặc tối thiểu đủ 03 (ba) năm đối với trình độ trung cấp.
Điều 6. Phương pháp viên hạng IV - Mã số: V.10.06.21
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia hướng dẫn thể nghiệm một số mô hình, mẫu hình hoạt động của thiết chế văn hóa trong phạm vi công việc được giao;
b) Thực hiện các công việc được phân công về dàn dựng các chương trình, hội thi, hội diễn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng khác của thiết chế văn hóa;
c) Theo dõi hoạt động của các thiết chế văn hóa trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ thuộc địa bàn quản lý để hướng dẫn về chuyên môn.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Biết phương pháp tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được phân công;
b) Có kiến thức cơ bản về công tác văn hóa cơ sở và các bộ môn văn hóa, nghệ thuật liên quan.
Điều 7. Hướng dẫn viên văn hóa hạng II - Mã số: V.10.07.22
1. Nhiệm vụ:
a) Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung và soạn thảo các tài liệu hướng dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ cho các cơ sở và đối tượng khác nhau thuộc thẩm quyền được giao;
b) Xây dựng kế hoạch, tổ chức và hướng dẫn quần chúng tham gia một trong các hoạt động của thiết chế văn hóa, bao gồm: lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động khác đảm bảo theo đúng định hướng và nội dung tư tưởng đạt hiệu quả cao;
c) Chủ trì hướng dẫn các cơ sở cấp dưới thực hành chương trình chuyên môn có tính chất mẫu, ứng dụng các phương pháp công tác tiên tiến;
d) Lập kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên văn hóa hạng dưới;
đ) Tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng vào ngày lễ, hội hoặc sự kiện quan trọng; tổ chức và tham gia các cuộc tọa đàm, hội nghị, hội diễn chuyên đề thuộc phạm vi chuyên môn, nghiệp vụ được phân công.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hướng dẫn viên văn hóa hạng II.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm vững và thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Nắm vững các hình thức và phương pháp tiến hành công tác văn hóa quần chúng và câu lạc bộ; nguyên lý sư phạm và những kỹ năng, phương pháp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Am hiểu công tác văn hóa cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
d) Có kinh nghiệm hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ; có năng lực trong việc tham mưu, tổng hợp, soạn thảo các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ;
đ) Biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác chuyên môn và nguyên tắc kỹ thuật an toàn lao động nghề nghiệp.
4. Viên chức thăng hạng từ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng III lên chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng II phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 (chín) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng III tối thiểu đủ 02 (hai) năm.
Điều 8. Hướng dẫn viên văn hóa hạng III - Mã số: V.10.07.23
1. Nhiệm vụ:
a) Tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung và các tài liệu hướng dẫn hoạt động phù hợp với đối tượng được giao;
b) Trực tiếp hướng dẫn quần chúng tham gia một trong các hoạt động của thiết chế văn hóa, bao gồm: lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ quần chúng và các hoạt động khác đảm bảo theo đúng định hướng và nội dung tư tưởng đạt hiệu quả cao;
c) Thực hành các chương trình chuyên môn nhằm ứng dụng các phương pháp công tác tiên tiến cho cơ sở;
d) Tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng nhân các ngày lễ, ngày hội, tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;
d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ Hướng dẫn viên văn hóa hạng III.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Nắm được quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
b) Nắm được các hình thức và phương pháp tiến hành công tác văn hóa quần chúng và câu lạc bộ; nguyên lý sư phạm và những kỹ năng, phương pháp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Am hiểu công tác văn hóa cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
d) Có kinh nghiệm hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ; có khả năng tổng hợp, soạn thảo các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ;
đ) Biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuyên môn và nguyên tắc kỹ thuật an toàn lao động nghề nghiệp.
4. Viên chức thăng hạng từ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng IV lên chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng III phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và có thời gian công tác giữ chức danh hướng dẫn viên văn hóa hạng IV tối thiểu đủ 02 (hai) năm đối với trình độ cao đẳng hoặc tối thiểu đủ 03 (ba) năm đối với trình độ trung cấp.
Điều 9. Hướng dẫn viên văn hóa hạng IV - Mã số: V.10.07.24
1. Nhiệm vụ:
a) Trực tiếp hướng dẫn quần chúng tham gia một trong các hoạt động của Nhà văn hóa, bao gồm: lớp năng khiếu, sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan, nghi lễ, biểu diễn văn nghệ quần chúng và các hoạt động khác đảm bảo theo đúng phương hướng và hiệu quả;
b) Tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng nhân dịp các ngày lễ, ngày hội; tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ;
c) Tham gia đề xuất các phương án nhằm bảo đảm an toàn trong các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành văn hóa;
b) Có trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 (A1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Có kiến thức cơ bản về phương pháp hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa cơ sở, nhà văn hóa;
b) Có kinh nghiệm hướng dẫn về chuyên môn trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được phân công thực hiện;
c) Biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho chuyên môn nghiệp vụ được phân công và hiểu biết những nguyên tắc về an toàn lao động nghề nghiệp.
Chương III
BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 10. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở phải căn cứ vào vị trí việc làm, nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định tại Điều 11 của Thông tư liên tịch này.
2. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Điều 11. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở theo quy định tại Quyết định số 428/TCCP-VC ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành Văn hóa - Thông tin và Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này, như sau:
1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng II (mã số V.10.06.19) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch phương pháp viên chính (mã số 17.173).
2. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III (mã số V.10.06.20) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch phương pháp viên (mã số 17.174).
3. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV (mã số V.10.06.21) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch phương pháp viên cao đẳng (mã số 17a.213) hoặc phương pháp viên chưa đạt chuẩn (chưa đạt trình độ cao đẳng, mã số 17a.216).
4. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng III (mã số V.10.07.23) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch hướng dẫn viên chính (mã số 17.175).
5. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV (mã số V.10.07.24) đối với viên chức hiện đang giữ ngạch hướng dẫn viên (văn hóa - thông tin) (mã số 17.176).
Điều 12. Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
a) Đối với chức danh nghề nghiệp phương pháp viên
- Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
- Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
b) Đối với chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa
- Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
- Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
- Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2. Xếp lương khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp.
Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp thì thực hiện xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với chuyên ngành phương pháp viên hoặc hướng dẫn viên văn hóa thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 của chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III (mã số V.10.06.20) hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng III (mã số V.10.07.23);
b) Trường hợp có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành phương pháp viên hoặc hướng dẫn viên văn hóa thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III (mã số V.10.06.20) hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng III (mã số V.10.07.23);
c) Trường hợp có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với chuyên ngành phương pháp viên hoặc hướng dẫn viên văn hóa thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 của chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV (mã số V.10.06.21) hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV (mã số V.10.07.24).
3. Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại khoản 1 Điều này đối với viên chức đã được xếp lương vào các ngạch viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở theo quy định tại Quyết định số 428/TCCP-VC ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành Văn hóa - Thông tin; Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và ngạch viên chức; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức:
a) Trường hợp viên chức đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở có hệ số bậc lương bằng ở ngạch cũ thì thực hiện xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) vào chức danh nghề nghiệp mới được bổ nhiệm.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A đã bổ nhiệm và xếp ngạch phương pháp viên (mã số 17.174) bậc 5, hệ số lương 3,66 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Nay đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III (mã số V.10.06.20), thì xếp bậc 5, hệ số lương 3,66 của chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng III kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
b) Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành văn hóa cơ sở khi tuyển dụng đã được xếp lương ở viên chức loại A0 theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV (mã số V.10.06.21) hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV (mã số V.10.07.24) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV, hướng dẫn viên văn hóa hạng IV được căn cứ vào thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định (trừ thời gian tập sự) như sau:
Tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV, cứ sau thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) được xếp lên 01 bậc lương (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn). Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì bị kéo dài thêm theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên.
Sau khi chuyển xếp lương vào chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV nêu trên, nếu hệ số lương được xếp ở chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn hệ số lương đã hưởng ở ngạch cũ thì được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian viên chức xếp lương ở chức danh nghề nghiệp phương pháp viên hạng IV hoặc hướng dẫn viên văn hóa hạng IV. Sau đó, nếu viên chức được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào chức danh được bổ nhiệm khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở chức danh nghề nghiệp mới.
Ví dụ 2: Ông Trần Văn B, có trình độ cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn viên văn hóa hạng IV đã được tuyển dụng vào làm viên chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh A, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và đã xếp bậc 3, hệ số lương 2,72 của viên chức loại A0 kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, trong thời gian công tác luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật. Nay được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV (mã số V.10.07.24) thì việc xếp bậc lương trong chức danh nghề nghiệp văn hóa cơ sở hạng IV như sau:
Thời gian công tác của ông Trần Văn B từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, trừ thời gian tập sự 06 tháng, tính từ bậc 2 của chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV và cứ 02 năm xếp lên 1 bậc thì đến ngày 01 tháng 7 năm 2014, ông Trần Văn B được xếp vào bậc 5, hệ số lương 2,66 của chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV; thời gian hưởng bậc lương mới ở chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV kể từ ngày ký quyết định; thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, đồng thời hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,06 (2,72 - 2,66).
Đến ngày 01 tháng 7 năm 2016 (đủ 02 năm), ông Trần Văn B đủ điều kiện nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 6, hệ số lương 2,86 của chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên văn hóa hạng IV và tiếp tục được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,06 (tổng hệ số lương được hưởng là 2,92).
4. Việc thăng hạng viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở được thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành phương pháp viên hoặc hướng dẫn viên văn hóa quy định tại Thông tư liên tịch này và thực hiện xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.
2. Bãi bỏ các quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, danh mục ngạch viên chức phương pháp viên, hướng dẫn viên (văn hóa - thông tin) quy định tại Quyết định số 428/TCCP-VC ngày 02/6/1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; Quyết định số 78/2004/QĐ-BNVngày 03/11/2004 và Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ngày 15/6/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này đối với những viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch phương pháp viên, hướng dẫn viên theo quy định tại Quyết định số 428/TCCP-VC ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành Văn hóa - Thông tin.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư liên tịch này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý và sử dụng viên chức có trách nhiệm:
a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;
b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa cơ sở tương ứng trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp, ủy quyền sau khi phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở;
b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang các chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa cơ sở tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch này; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương;
c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở thuộc diện quản lý vào các chức danh chuyên ngành văn hóa cơ sở tương ứng trong các đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
d) Hàng năm, báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ.
4. Các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có thể vận dụng quy định tại Thông tư liên tịch này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp và chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Duy Thăng
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Lê Khánh Hải
|