Cục Thông tin quốc tế

Vấn đề phối hợp hành động giữa các Đảng Cộng sản trên thế giới, vấn đề trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các Đảng Cộng sản là điều đặc biệt cần thiết trong tình hình cao trào cách mạng và tinh hình thế giới diễn biến phức tạp sau chiến tranh, vì sau khi Quốc tế cộng sản giải tán (1943), phong trào cộng sản lại không có một tổ chức quốc tế nào để thống nhất hành động, trong khi đó quan hệ giữa các đảng có biểu hiện giảm sút, những cuộc tiếp xúc trực tiếp gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, để đoàn kết những người cộng sản trên thế giới trong một sách lược, chiến lược cách mạng thống nhất, phong trào cộng sản quốc tế cần có những hình thức liên hệ mới trong điều kiện đã thay đổi.

Tháng 9-1947, theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Liên Xô, tại Vacxava đã họp Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản Liên Xô, Bungari, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp và Italia. Hội nghị đã nghe thông báo về hoạt động của các đảng, nghe bản báo cáo nhan đề ''thế giới sau chiến tranh” của Đanốp, trưởng đoàn đại biểu Liên Xô và thông qua bản tuyên bố, trong đó phân tích tình hình thế giới, đánh giá so sánh lực lượng trên thế giới và xác định những nhiệm vụ cơ bản của các Đảng Cộng sản là nhằm đoàn kết tất cả các lực lượng dân chủ và yêu nước để chống lại chủ nghĩa đế quốc trên cơ sở một cương lĩnh chung đòi dân sinh, dân chủ. Hội nghị quyết định thành lập cơ quan thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân (Kominform, thường gọi là Cục Thông tin quốc tế) với nhiệm vụ tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động giữa các đảng một cách tự nguyện. Để trao đổi thông tin và liên lạc, Hội nghị đã xuất bản tạp chí “Vì một nền hòa bình thực sự, vì một nền dân chủ nhân dân”. Hội nghị cũng quyết định sẽ tiến hành những cuộc họp thường kì của các đảng tham gia Cục Thông tin quốc tế.

Việc thành lập Cục Thông tin quốc tế và quá trình hoạt động của nó trên những mức độ nào đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế, góp phần tác động đến sự trưởng thành về chính trị - tư tưởng và tổ chức của các Đảng Cộng sản xúc tiến việc phối hợp chung trong đường lối chiến lược, sách lược của phong trào cộng sản quốc tế trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, Hội nghị Vacxava cũng chưa đánh giá đầy đủ vai trò, tác dụng của cao trào giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mĩ Latinh. Và cũng từ Hội nghị này, phong trào cộng sản quốc tế đã biểu lộ những rạn nứt, bất đồng về quan điểm.

Ngay trong Hội nghị Vacxava, đoàn đại biểu Nam Tư đã không nhất trí với nhận định: thế giới chia làm hai phe (như báo cáo của Đanốp nêu) và cho rằng, nêu lên nhận định như thế sẽ làm cho tình hình thế giới thêm căng thẳng, dẫn đến xung đột giữa hai khối Đông và Tây. Đến Hội nghị của Cục Thông tin (11-1949 ở Hunggari) lại nhận định phe xã hội chủ nghĩa mạnh hơn phe đế quốc chủ nghĩa. Riêng Nam Tư cho rằng nhận định như thế là quá tả, vì rằng lúc ấy chủ nghĩa đế quốc còn rất mạnh.

Trong những năm 1947 - 1948, Nam Tư không chấp nhận sự can thiệp vào nội bộ Nam Tư của Liên Xô. Về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Nam Tư đã không công nhận đường lối tập thể hóa nông nghiệp. Nam Tư đã chọn cho mình con đường riêng – “con đường Nam Tư” trong việc xây dựng CNXH.

Sự bất đồng quan điểm này đã dẫn đến việc Liên Xô triệu tập Cục Thông tin quốc tế và tuyên truyền khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư ra khỏi cơ quan này vào 26/1/1948. Đến 1949, Cộng hòa XHCN Nam Tư cũng bị khai trừ khỏi phe xã hội chủ nghĩa. Từ đây, phong trào cộng sản quốc tế diễn ra sự phân liệt.

Cục Thông tin quốc tế không phải là cơ quan lãnh đạo, nhưng đã phạm sai lầm, như áp đặt tư tưởng và đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với các đảng khác. Thậm chí đã sử dụng biểu quyết đa số để thi hành kỉ luật đối với một đảng, khi đảng ấy chống đối ý kiến của người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô (như trường hợp Nam Tư). Điều ấy đã làm phương hại đến sự thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế.

Đến nửa sau những năm 50, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, nhiệm vụ mới đang đặt ra trước các Đảng Cộng sản, nhưng hình thức liên lạc dưới dạng Cục Thông tin quốc tế đã không đảm bảo được việc giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có hình thức liên hệ quốc tế rộng lớn hơn.

Tháng 4-1956, Cục Thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân đã thông qua nghị quyết về việc ngừng hoạt động của tổ chức này.

Sau khi Cục Thông tin quốc tế chấm dứt hoạt động, trong những năm 1956 – 1958 đã phát triển những hình thức trao đổi, liên hệ mới - những cuộc hội đàm tay đôi, những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và công nhân, việc các đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và công nhân đi tham dự đại hội của các đảng anh em - nhằm thảo luận những vấn đề có liên quan đến các đảng, những vấn đề chung của phong trào cách mạng thế giới. Trong cuối năm 1956 và 1957, tại Matxcơva đã diễn ra các cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô với các đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ các nước XHCN châu Âu, châu Á như Liên Xô – Ba Lan (11-1956), Liên Xô – Rumani (12-1956), Liên Xô – Cộng hòa dân chủ Đức (1-1957), Xô - Trung (1-1957) v.v…

 

(Theo "Lịch sử thế giới hiện đại", NXb. Giáo dục)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website