Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng vào ngày 30/4/1945 trên Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin. (Ảnh Tư liệu)
Tình hình chung
- Hình thức: Chiến dịch tiến công chiến lược
- Không gian: Beclin và vùng phụ cận.
- Thời gian: Từ 16-4 đến 8-5-1945.
Lực lượng tham chiến:
+ Hồng quân Liên Xô: Các phương diện quân Bêlôrutxia 1, 2, Phương diện quân Ucraina 1, một bộ phận Hạm đội Bantích và Tập đoàn Không quân tầm xa số 18; tổng cộng 162 sư đoàn bộ binh, 21 quân đoàn tăng cơ giới, 42.000 pháo cối, 7.500 máy bay, 63.000 xe tăng, với tổng số quân là 2.500.000 người.
+ Phát xít Đức: Các cụm tập đoàn quân Vixla và Trung tâm phòng ngự trên trục chính Beclin, tổng cộng 63 sư đoàn (có 15 sư tăng - cơ giới), 10.400 pháo, cối, 1.500 xe tăng, 3.310 máy bay, với tổng số quân là 1.200.000 tên (kể cả 200.000 quân đồn trú Bec-lin). Ngoài ra, còn có một số lực lượng được điều từ nơi khác đến trong quá trình chiến dịch.
- Kết quả: Hồng quân Liên Xô tiêu diệt 70 sư đoàn bộ binh, 23 sư đoàn tăng - cơ giới, bắt sống 480.000 quân, thu 1.500 xe tăng, 5.600 pháo, cối, 4.500 máy bay, giải phóng Beclin và vùng phụ cận đến bờ Đông sông Enbơ, dẫn đến sự đầu hàng vô điều kiện của nước Đức phát xít, kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai.
Diễn biến chính
Sau một loạt các chiến dịch tiến công mùa Xuân năm 1945, trên mặt trận phía đông, Hồng quân chỉ còn cách Beclin 60km. Không những thế, quân đội Hitle còn bị uy hiếp từ phía nam.
Trong khi đó, trên mặt trận phía tây, với âm mưu bỏ ngỏ Beclin cho các nước tư bản, quân Đức liên tiếp bỏ vũ khí đầu hàng Đồng minh. Tất cả tình hình đó đã dẫn đến quyết tâm mở chiến dịch Beclin trong tháng 4, một chiến dịch đã được Bộ Tư lệnh tối cao Hồng quân dự kiến từ cuối năm 1944, và được chuẩn xác thêm qua các chiến dịch tiến công mùa Xuân năm 1945.
Rạng ngày 16-4, sau đợt phi pháo bắn chuẩn bị mãnh liệt, dưới ánh sáng của 143 ngọn đèn pha cực mạnh, Phương diện quân Bêlôruxia số 1 đột phá trên hướng chính vào tuyến phòng ngự địch. Trên 1,2 triệu quả đạn pháo các cỡ đã yểm trợ cho bộ binh ngay trong ngày đầu tiên. Nhưng địch ở đây đã chống trả mãnh liệt, nhất là trên điểm cao Dêenlop, nên đến ngày thứ tư mới đột phá qua được khu vực chiến thuật.
Nhưng cùng thời gian đó, hai phương diện quân bạn đã đột phá với tốc độ nhanh. Phương diện quân Bêlôruxia 2 vượt sông Ôđe, làm tê liệt Tập đoàn quân số3, tạo điều kiện phát triển cho cánh trái của phương diện quân Bêlôruxia. Phương diện quân Ucraina 1 vượt sông Nâyxê và sông Xpơrê, ngày 18-4 đã đột phá qua phòng ngự chiến dịch, tiến đến ngoại ô phía nam. Tất cả kết quả đó đã làm tăng tốc độ tiến công của phương diện quân Bêlôruxa 1 và từ ngày 21-4 phương diện quân này đã bước vào chiến đấu trong thành phố. Tập đoàn quân số 9 địch bị hợp vây và bị chia cắt làm đôi. Ngày 22-4 Hitle lệnh cho Tập đoàn quân 12 từ hướng tây về giải vây, nhưng vô hiệu.
Ngày 24-4, Phương diện quân Bêlôruxa 1 đập tan các ổ đề kháng ở gần trung tâm mặt trận, đồng thời một lực lượng quan trọng đã tiến theo kênh đào Ôđe Xpơrê, quặt xuống phía nam hội với Phương diện quân Ucraina 1 và ngày 25-4, hợp vây cụm địch ở phía đông nam Beclin. Cùng ngày, các lực lượng đầu tiên của quân đội Xô viết đã tiến công phòng tuyến trên sông Enbơ và bắt liên lạc với quân Đồng minh.
Từ ngày 26-4, quân đội Xô viết tổ chức tiến công nhằm tiêu diệt các cụm địch bị hợp vây.
Từ 29-4, đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt để chiếm nhà Quốc hội Đức, đến chiều 30-4, Hồng quân cắm cờ trên nóc toà nhà này.
Sau khi Hitle tự sát, chiều 2-5, Tập đoàn phòng ngự Beclin đã chấm dứt chống cự. Các phương diện quân Bêlôruxa1 và 2 tiếp tục phát triển tiến công đến bờ Đông sông Enbơ, và gặp gỡ với các lực lượng Đồng minh ở đây vào ngày 8-5-1945.
Ngày 8-5, tại Beclin, phát xít Đức đã ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện.
Trên thực tế, văn kiện này được ký ngày 7-5, nhưng phải đến 23h01 ngày 8-5 tính theo giờ Trung Âu, văn bản mới có hiệu lực. Lúc đó ở Matxcơva, vì khác biệt múi giờ, đã sang ngày 9-5.
Do đó Liên Xô, nay là Liên bang Nga và các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đều lấy 9-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức. Các nước Tây Âu và Hoa kỳ lấy ngày 8-5 làm ngày chiến thắng phát xít Đức.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Chiến dịch Beclin thắng lợi rực rỡ đã chứng tỏ trình độ phát triển rất cao của nghệ thuật quân sự Xô viết, mà cốt lõi của nó là những kinh nghiệm chiến đấu của Hồng quân Liên Xô đã được tích luỹ và sáng tạo trong suốt quá trình chiến tranh giữ nước vĩ đại. Đó là chiến dịch tiến công của cụm phương diện quân nhằm bao vây, chia cắt, tiêu diệt một tập đoàn chiến lược của đối phương mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh, đánh thẳng vào sào huyệt của chúng với một thời gian rất ngắn. Trong chiến dịch đã thực hiện đột phá đồng thời, mãnh liệt ở một loạt các địa đoạn trên toàn tuyến phòng ngự vững chắc, dài trên 300km, được bố trí binh lực và hoả lực dày đặc trên toàn bộ chiều sâu tới 100km. Sức đột phá mãnh liệt của Hồng quân đã đẩy đối phương vào thế bị động, mất khả năng điều chỉnh lực lượng và buộc phải đưa dự bị vào sớm. Đó cùng là điển hình về đột phá tuyến phòng ngự chiến thuật của đối phương trong điều kiện những nỗ lực cơ bản của chúng không phải tập trung ở dải 1 mà ở dải 2. Việc đột phá trong Chiến dịch Beclin có những đặc điểm: tiến hành hoả lực chuẩn bị mãnh liệt và chuyển vào tiến công trên chính diện rộng, vào ban đêm, và có sử dụng hệ thống đèn pha cực mạnh, thực hiện đột phá đồng thời với vượt sông, trong đó ngoài bộ đội binh chủng hợp thành, còn có 4 tập đoàn quân xe tăng và nhiều quân đoàn xe tăng - cơ giới khác: đột phá dưới sự chi viện của 4 tập đoàn quân không quân và Hạm đội trên sông Đơnhép.
Chiều sâu của các chiến dịch phương diện quân là 160 - 220km, thời gian là 13-17 ngày đêm, với nhịp độ tiến công trung bình trong đột phá là 8 - 11km. Nét đặc sắc trong hợp vây là để đảm bảo nhịp độ tiến công cao và phát triển kịp thời đến sông Enbơ, Hồng quân đã tiến hành bao vây các cụm quân của địch lại rồi để đó, tiếp tục phát triển tiến công lên phía trước. Việc tiêu diệt hai cụm quân địch bị bao vây (gồm trên 400.000 tên) được tiến hành đồng thời và hết sức sáng tạo. Cụm quân Phranphuốc – Guben bị đập tan chủ yếu không phải bằng đột phá vào nơi địch bị vây, mà bằng tác chiến phòng ngự, chốt chặn diệt địch ở nơi chúng nỗ lực phá vây để chạy về phía tây; cụm quân Beclin bị tiêu diệt bằng cách tiến công, bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận trên từng khu phố.
Tác chiến ban đêm được vận dụng rộng rãi trong suốt quá trình chiến dịch. Việc sử dụng bộ đội xe tăng đóng vai trò chủ chốt trong đột phá đã có hiệu quả cao trong phát triển nhanh vào chiều sâu bảo đảm nhịp độ tiến công cao trong toàn chiến dịch. Trong điều kiện địch phòng ngự dày đặc trên hướng chủ yếu, việc sử dụng tập trung tập đoàn quân xe tăng vào đột phá tuyến phòng ngự chiến thuật của chúng đã có hiệu quả tích cực. Trong các chiến dịch phương diện quân đã đạt được mật độ pháo binh cao nhất trong những năm chiến tranh, và nguyên tắc thành lập cụm pháo binh theo chỉ tiêu tổ chức biên chế chiến đấu (ở các trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn và tập đoàn quân) đã được thể hiện đầy đủ nhất. Không quân được sử dụng tập trung trên các hướng tiến công sâu của các phương diện quân. Sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các tập đoàn quân không quân với nhau, cũng như giữa không quân mặt trận với không quân tầm xa để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và liên tục của không quân trong suốt quá trình chiến dịch. Phương diện quân Bêlôruxa 1 đã tích luỹ được kinh nghiệm tốt về tổ chức hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh với các tàu chiến và tàu pháo của Hạm đội sông Đơnhép, và trong việc sử dụng các tàu chiến để trực tiếp chở các binh đoàn và bộ binh vượt sông bằng sức mạnh. Việc chỉ huy bộ đội trong Chiến dịch Beclin được đặc trưng bởi mức độ tập trung cao: các cơ quan chỉ huy luôn luôn phát triển lên phía trước theo sát bộ đội tiến công để đảm bảo chỉ huy chặt chẽ, linh hoạt và kịp thời trong mọi tình huống.
Ban Tư liệu - Văn Kiện (sưu tầm)