Nắm vững kế hoạch chiến lược của địch, mặc dù so sánh lực lượng ưu thế hơn, quân đội Liên Xô đã chủ động tổ chức chiến dịch phòng ngự nhằm bẻ gãy chủ lực đối phương, tạo điều kiện cho thắng lợi của đòn tiến công tiếp theo. Cùng với Xtalingrat, chiến dịch Cuốcxcơ kết thúc đã tạo nên bước ngoặt cơ bản của chiến tranh: Hồng quân bước vào chiến lược tiến công trên toàn bộ mặt trận Xô - Đức.
Tình hình chung
Hình thức: Chiến dịch phòng ngự - phản công.
- Không gian: Oriôn - Cuốcxcơ - Bengôrốt - Kháccốp - Brianxcơ - Xumxcơ - Pôntava.
- Thời gian: Từ 5-7-1943 đến 23-8-1943.
Lực lượng tham chiến:
+ Hồng quân Liên Xô: Trong giai đoan phòng ngự có các phương diện quân Trung tâm và Vôrônhegiơ sang giai đoạn phản công được tăng cường thêm các phương diện quân phía tây, Brianxcơ, Thảo Nguyên và Tập đoàn quân 57, phương diện quân Tây Nam. Tổng cộng: 2.640.300 quân, 52.500 pháo, cối, 8.200 xe tăng và pháo tự hành, 6.950 máy bay.
+ Phát xít Đức: Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, cụm Tập đoàn quân Nam và Cụm chiến dịch Kemphơ, khoảng 50 sư đoàn, tổng cộng: 1.514.000 quân, 32.000 pháo, cối, 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 5.000 máy bay.
- Kết quả: Hồng quân tiêu diệt 30 sư đoàn địch, trong đó có 7 sư đoàn tăng, gồm 500.000 quân, 1.500 xe tăng, 3.000 pháo, trên 3.700 máy bay, giải phóng các thành phố lớn Bônkhôp, Oriôn.
Diễn biến chính
Sau chiến dịch phản công Xtalingrát, bước vào mùa Hè năm 1943, tương quan lực lượng đã ngả về phía có lợi cho Hồng quân, hậu thuẫn cho chiến lược tiến công của phía Liên Xô trên mặt trận Xô - Đức. Nhưng nắm được âm mưu tiến công của địch với chiến dịch mang mật danh “Xitađen”. Hồng quân đã chủ động chuyển vào phòng ngự trên vòng cung Cuốcxcơ với ý định sẽ chuyển mạnh sang phản công - tiến công, sau khi đã gây tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện cho địch. Hồng quân đã xây dựng trận địa phòng ngự có chiều sâu (5 dải phòng ngự trên chiều sâu từ 250 đến 300 km), liên hoàn với hệ thống hoả lực, hào chiến đấu và vật cản được chuẩn bị kỹ lưỡng, vững chắc.
Từ 5-7, các đòn tiến công ác liệt của địch đã được thực hiện ở cả phía bắc và phía nam mặt trận nhằm hợp vây, tiêu diệt lực lượng lớn của Hồng quân trên vòng cung Cuốcxcơ. Tất cả các mũi tiến quân của địch đều bị bẻ gãy. Ngày 12-7 đã xảy ra trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh trên cánh đồng làng Prôkhôrôpca với sự tham chiến của 1.500 xe tăng, 1.000 máy bay hai bên.
Không mở được đột phá chiến dịch, lại bị thất bại nặng nề, từ ngày 12-7, phát xít Đức buộc phải chuyển sang phòng ngự trên toàn bộ chính diện mặt trận. Đến 23-7, quân đội Xô Viết đã căn bản khôi phục được dải phòng ngự trước 5-7, đánh lui địch về tuyến xuất phát tiến công của chúng và thực hiện phản công, phòng ngự trên một số hướng.
Chiến dịch phản công - tiến công của Hồng quân đã được thực hiện ngay sau khi giải quyết thắng lợi chiến dịch phòng ngự ở hướng bắc, chiến dịch này được thực hiện với sự tham gia của các Phương diện quân Tây, Brianxcơ, Trung tâm. Ngày 29-7, giải phóng Bônkhôp; ngày 5-8, giải phóng Ori-ôn; ngày 18-8, đập tan ổ đề kháng cuối cùng của địch ở Tây Ori-ôn, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.
Ở hướng nam, chiến dịch tiến công có sự tham gia của Phương diện quân Vôrônhegiơ và Thảo Nguyên. Ngày 5-8, giải phóng Bengôrôt; ngày 23-8, giải phóng Khackốp.
Chiến công giải phóng Khackốp đã kết thúc chiến dịch phản công - tiến công mùa Hè năm 1943 của Hồng quân Liên Xô trên vòng cung Cuốcxcơ.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Nắm vững kế hoạch chiến lược của địch, mặc dù so sánh lực lượng ưu thế hơn, quân đội Liên Xô đã chủ động tổ chức chiến dịch phòng ngự nhằm bẻ gãy chủ lực đối phương, tạo điều kiện cho thắng lợi của đòn tiến công tiếp theo. Đó là nét đặc sắc của hội chiến trên vòng cung Cuốcxcơ và điểm nổi bật của nghệ thuật quân sự Xô viết.
Đợt phản công chuẩn bị phủ đầu đã có tác dụng tích cực tăng cường thế trận phòng ngự, trì hoãn thời gian tiến công của địch. Trong phòng ngự, Hồng quân đã kết hợp giữ trận địa với liên tục phản kích, phản đột kích, với sự tham gia tích cực của bộ đội tăng, điển hình là trận Prôkhôrôpca, đã nhanh chóng làm đảo lộn hình thái hai bên, buộc địch phải chuyển sang phòng ngự sau những thất bại nặng nề. Trong phản công, đã tập trung ưu thế áp đảo, tiến công vũ bão vào chiều sâu phòng ngự địch, bao vây, tiêu diệt các binh đoàn Đức và giải phóng các thành phố lớn. Hành động tiến công đã được thực hiện bằng đột phá mạnh và bằng cả phòng ngự lâm thời kết hợp với bao vây, vu hồi, đã bẻ gãy binh chủng tăng - thiết giáp chủ bài của quân đội phát xít. Cùng với Xtalingrat, chiến dịch Cuốcxcơ kết thúc đã tạo nên bước ngoặt cơ bản của chiến tranh: Hồng quân bước vào chiến lược tiến công trên toàn bộ mặt trận Xô - Đức.
Ban Tư liệu - Văn kiện (sưu tầm)