Chiến dịch Tây Nguyên năm 1972 nhằm giải phóng một vài thị xã và giải phóng phần lớn nông thôn, mở Tây Nguyên thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa rừng núi Trị -Thiên đến miền Đông Nam Bộ và Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, hình thành căn cứ địa vững mạnh rộng lớn của cách mạng ba nước Đông Dương
Sơ đồ diễn biễn chiến dịch Bắc Tây Nguyên - Ảnh Từ điển BKQS Việt Nam.
Tình hình chung
-Hình thức: Chiến dịch tiến công.
-Không gian: Vùng Bắc Tây Nguyên, bao gồm Kon Tum, Gia Lai.
-Thời gian: Từ 24-4 đến 6-6-1972
- Lực lượng tham chiến:
+ Ta: Các sư đoàn bộ binh số 2, 320; 4 trung đoàn bộ binh: 66, 28, 24, 95; 1 tiểu đoàn xe tăng và các đơn vị hoả lực khác, tổng cộng: 45.000 người.
+ Địch: Các sư đoàn bộ binh 22, 23; sư đoàn dù; 2 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn bảo an và các đơn vị khác; tổng cộng: 54.000 tên.
Địch được chi viên tối đa của không quân bao gồm cả không quân chiến lược Mỹ, tổng cộng gần 10.000 lần chiếc trong thời gian chiến dịch.
- Kết quả: Ta đã tiêu diệt 41.000 tên địch, giải phóng tỉnh Kon Tum (trừ thị xã).
Diễn biến chính
Mùa Xuân 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam, mà Tây Nguyên là một trong những hướng chính. Tại đây, ta mở chiến dịch tiến công Kon Tum.
Từ 26/3, ta thực hiện chia cắt chiến dịch đối với địch, cắt đường 14 trên đoạn nối liền thị xã Kon Tum với Plâycu, là căn cứ chủ yếu của Quân đoàn 2. Việc chia cắt kéo dài hơn 2 tháng đã khiến giao thông địch bị tê liệt một phần quan trọng.
Từ 30/3, ta thực hiện nghi binh trên dãy cao điểm phía tây thị xã Kon Tum, khiến địch hoang mang tung một phần quan trọng lực lượng tổng dự bị - 2 lữ đoàn dù ra ngăn chặn ta ở đây để phòng ngự thị xã. Sư đoàn 320 đã liên tục tiến công địch, diệt và đánh thiệt hại hai tiểu đoàn, khiến Lữ đoàn dù số 2 mất sức chiến đấu. Ta cùng đánh thiệt hại một phần Sư đoàn 22 ra ngăn chặn ở phía đông Tân Cảnh, khiến lực lượng phòng ngự của địch ở đây bị tiêu hao.
Đòn nghi binh của ta có hiệu quả rất tốt, nhưng trận đánh then chốt mở màn chiến dịch ở khu vực Tân Cảnh tiến hành chậm do ta gặp rất nhiều khó khăn về mặt đảm bảo hậu cần.
Ngày 24/4, sau một ngày chiến đấu quyết liệt,Sư đoàn 2, Trung đoàn 66 đánh chiếm căn cứ và thị trấn Tân Cảnh, diệt Sư đoàn 22 địch và các lực lượng tăng cường, lần đầu tiên tiêu diệt một sở chỉ huy sư đoàn địch trên chiến trường.
Do không huy động kịp thời lực lượng vì những khó khăn khách quan và chủ quan, ta không tận dụng được thời cơ địch hoang mang, rối loạn sau thất thủ Tân Cảnh để tiến công ngay thị xã Kon Tum. Hơn nữa, trận đánh vào đây phải hoãn lại nhiều lần.
Bởi vậy, địch đã kịp thời tăng cường lực lượng tổ chức phòng ngự vững chắc khu vực thị xã. Những trận đánh ở ngoại vi từ ngày 14/5 và trận tiến công thị xã từ 24/5 do các sư đoàn 2, 320, các trung đoàn 66, 28 thực hiện đã diễn ra quyết liệt ngay từ phút đầu và trong suốt quá trình chiến đấu. Ta chiếm được phần lớn thị xã, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, nhưng sau đó không phát triển được. Địch phản kích liên tục dưới sự chi viện tối đa của hoả lực phi, pháo, chỗ mạnh chủ yếu của chúng. Đến ngày 6/6, do lực lượng hạn chế, khả năng giành thắng lợi không còn, ta rút bộ đội khỏi thị xã, kết thúc chiến dịch.
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972 - Ảnh TL Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên.
Những phát triển nghệ thuật quân sự
Tác chiến hiệp đồng binh chủng trên quy mô tương đối lớn là bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự trên chiến trường rừng núi Tây Nguyên, trong đó bộ đội xe tăng lần đầu tiên xuất hiện ở đây đã phát huy sức mạnh đột kích trong những trận đánh công sự vững chắc.
Nghệ thuật lập thế trận vây hãm, chia cắt và đột phá chiến dịch đã đem đến những thành công mới. Cách cắt đường dài ngày là hình thức chiến thuật vây hãm, cô lập địch c6 hiệu quả. Đột phá vào cụm phòng ngự Tân Cảnh, ta đã đánh gục về cơ bản lực lượng địch ở Kon Tum.
Một điểm đặc sắc khác là trong trận đánh này mưu kế nghi binh lừa địch và điều địch hết sức thành công. Do hoạt động tác chiến nghi binh, tạo thế và việc làm hai con đường của ta, địch đã tập trung phòng ngự Kon Tum, thậm chí đòn lực lượng tổng dự bị ra ngăn chặn vòng ngoài ở dãy điểm cao phía tây sông Pô cô (phía tây bắc thị xã) và bị ta tiêu diệt. Giành được yếu tố bất ngờ, ta đã giải quyết cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh nhanh gọn.
Do nhiều yếu tố, ta đã không tận dụng được thời cơ thuận lợi nhất; cùng với việc thiếu kinh nghiệm trong tổ chức lực lượng, tổ chức hiệp đồng chỉ đạo tình huống và trong tác chiến thành phố đã dẫn đến không thành công trong trận tiến công thị xã Kon Tum.
Theo Lịch sử quân sự Việt Nam