Hiệp định Giơnevơ về Lào 1962 là hiệp định quốc tế xác nhận và phát triển thêm những điểm cơ bản trong Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương 1954. Kí tại Hội nghị quốc tế về Lào tại Giơnevơ (Genève), từ 5/1961 đến 7/1962.
Tham dự Hội nghị có đại diện của: Liên Xô, Anh, Pháp, Hoa Kì, Trung Quốc, Miến Điện (Myanma), Ấn Độ, Ba Lan, Canađa, Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Thái Lan, Cămpuchia, Chính quyền Ngô Đình Diệm và Lào (đại diện ba phái). Về phía Lào có Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ trung lập của hoàng thân Xuvanna Phuma (Souvanna Phouma), đại diện của Mặt trận Yêu nước Lào, đại diện của Chính phủ phái hữu Lào.
Ngày 23/6/1962, Chính phủ Liên hợp ba phái được thành lập.
Ngày 23/7/1962, Hiệp định Giơnevơ về Lào được kí, gồm hai văn kiện: Tuyên bố về nền trung lập của Lào và Nghị định thư kèm theo.
Hiệp định Giơnevơ về Lào đánh dấu những thất bại quân sự của phái hữu Lào và đế quốc Mĩ (giai đoạn 1960 – 1962), mà đặc biệt là thất bại trong Chiến dịch Nậm Thà (2 - 8/5/1962). Các bên tham dự Hội nghị đã thoả thuận nội dung của bản tuyên bố, công nhận và tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết tuân thủ một số nguyên tắc và điều kiện liên quan đến nền độc lập và trung lập Lào.
Nghị định thư nêu những quy định cụ thể nhằm bảo đảm nền trung lập của Lào, bao gồm việc rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài 30 ngày sau khi các đội kiểm tra củaUỷ ban Quốc tếđược thiết lập, thả tù binh, quy định tổ chức và chức năng, quyền hạn của Uỷ ban Quốc tế.
Tuy nhiên, do đế quốc Mĩ và phái hữu Lào phá hoại (bằng việc ném bom năm 1964, tiến công vùng giải phóng năm 1969), nên Hiệp định Giơnevơ về Lào năm 1962 trong thực tế không được thực hiện.