Vào cuối những năm 50, phong trào cách mạng thế giới có những bước phát triển mới, nhưng đồng thời lại xuất hiện những diễn biến phức tạp. Trong tình hình ấy, Hội nghị các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân quốc tế họp tháng 11-1957 tại Matxcơva (Nga) có ý nghĩa quan trọng, đưa ra nhiều nhận định quan trọng về lí luận, đường lối chiến lược, sách lược, củng cố phong trào cộng sản quốc tế.
Vào cuối những năm 50, phong trào cách mạng thế giới có những bước phát triển mới, nhưng đồng thời lại xuất hiện những diễn biến phức tạp: trong khi phong trào giải phóng dân tộc phát triển như vũ bão thì phong trào công nhân lại tạm thời lắng xuống ở các nước tư bản phát triển và đặc biệt, trong những năm 1956 - 1957, ở một số nước xã hội chủ nghĩa đã xảy ra một loạt những cuộc khủng hoảng chính trị với những sai lầm trong đường lối cải tạo XHCN và xây dựng cơ sở vật chất của CNXH. Những sai lầm này đã tạo điều kiện cho kẻ thù lợi dụng chống lại CNXH, mà tiêu biểu là cuộc bạo động ở Hunggari năm 1956.
Lợi dụng các nghị quyết của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô về việc xóa bỏ hậu quả của tệ sùng bái cá nhân để phá hoại sự thống nhất của các Đảng Cộng sản và công nhân, ở một số Đảng Cộng sản, bọn xét lại hữu khuynh cũng ra sức hoạt động, lợi dụng việc chống sùng bái cá nhân để bôi nhọ tất cả những thành quả của việc xây dựng XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đòi xét lại nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Như thế, nhiều vấn đề quan trọng đang đặt ra trước phong trào cộng sản quốc tế trong khi. Cục Thông tin quốc tế - cơ quan tiếp xúc duy nhất giữa các Đảng Cộng sản và công nhân, đã chấm dứt hoạt động từ tháng 4-1956.
Trong tình hình ấy, Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp tháng 11-1957 tại Matxcơva có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố phong trào cộng sản quốc tế. Trước tiên, đại biểu của 12 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân các nước XHCN đã họp riêng và nhất trí với bản Tuyên bố Matxcơva năm 1957 (trừ Nam Tư). Sau đó đại biểu của 65 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân họp và ra bản Tuyên bố hòa bình gửi nhân dân toàn thế giới.
Hội nghị năm 1957 đã thảo luận tình hình thế giới và đưa ra nhiều nhận định quan trọng về lí luận, đường lối chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản quốc tế.
Hội nghị cho rằng vấn đề nóng hổi của tình hình chính trị thế giới là vấn đề chiến tranh và hòa bình, rằng cùng tồn tại hòa bình là nguyên tắc căn bản của nền chính trị thế giới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước tiên của các Đảng Cộng sản là đấu tranh cho hòa bình.
Hội nghị thừa nhận sự đa dạng các hình thức quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, khả năng thực hiện cách mạng XHCN bằng con đường hòa bình và giành chính quyền không cần nội chiến. Hội nghị nhấn mạnh những quy luật cơ bản của cách mạng XHCN (9 quy luật) trên cơ sở kinh nghiệm của cách mạng Nga, song cũng kêu gọi các đảng cầm quyền phải áp dụng những kinh nghiệm đó sao cho phù hợp với những điều kiện dân tộc - quốc gia riêng của họ, đồng thời chống các biểu hiện cực đoan, coi thường hay thổi phồng những điều kiện đó.
Hội nghị ra Tuyên ngôn hòa bình kêu gọi các Đảng Cộng sản, các lực lượng dân chủ, tiến bộ hợp tác với các nước XHCN trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và CNXH, khẳng định sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, lên án những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại trong một số Đảng Cộng sản ở một số nước.
Tuy trong Tuyên bố Matxcơva năm 1957 đã có sự thỏa hiệp (trước hết là giữa các Đảng Cộng sản lớn), nhưng những bất đồng về đường lối giữa một số đảng vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng.
Sự bất đồng, mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Nam Tư bắt đầu từ cuối những năm 40. Khi Khơrutxốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay Xtalin, ông muốn trở lại quan hệ bình thường với Nam Tư, vì thế, Nam Tư đến tham dự Hội nghị 1957 ở Matxcơva (mặc dù trước đó 9 năm Đảng Cộng sản Nam Tư bị khai trừ ra khỏi Cục Thông tin quốc tế). Khi đứng ở vị trí cao của cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Khơrutxốp đề ra đường lối mới trong xây dựng CNXH, ông phát hiện ra những sai lầm trước đó trong công cuộc xây dựng CNXH, tệ sùng bái cá nhân, sự thiếu dân chủ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội v.v… Trong đối ngoại, ông chủ trương hoà hoãn với Nam Tư và tìm sự ủng hộ của Trung Quốc.
Từ Hội nghị Ianta (2-1945), Mao Trạch Đông vốn đã bất đồng với Liên Xô trên nhiều mặt. Mao Trạch Đông chống lại Liên Xô và không tán thành việc đi theo đường lối của Liên Xô, ông chủ trương dựa vào Mĩ để tiến.
Nhưng lúc đó xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) mà Trung Quốc không thể đứng ngoài, vì thế mâu thuẫn giữa Mĩ và Trung Quốc trở nên gay gắt, sau đó mâu thuẫn này dần dần dịu đi. Trong bối cảnh đó, Khơrutxốp chủ trương nếu Trung Quốc ủng hộ Liên Xô thì Liên Xô sẽ phổ biến vũ khí nguyên tử cho Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc - Liên Xô về cơ bản tốt đẹp lên. Năm l950, Mao Trạch Đông đi thăm Matxcơva và hiệp ước Xô - Trung được kí kết ngày 14-2-1950. Ngay sau khi Xtalin mất, việc Khơrutxốp đi thăm Trung Quốc (10-1954) và kí kết trả lại các công ty hỗn hợp Xô –Trung cho Trung Quốc (12-10-1954) - các công ty này được thành lập những năm 1950 - 1951, cho thấy mối bang giao giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất ngày càng tốt đẹp lên.
Tháng 10 và tháng 11-1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tán thành thái độ của Liên Xô đối với sự kiện 1956 ở Hunggari. Tháng 11-1956, Mao Trạch Đông và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tới dự Hội nghị các Đảng Cộng sản ở Matxcơva năm 1957.
Kết quả của mối quan hệ tốt đẹp này là một bản tuyên bố giữa các Đảng Cộng sản đã được đưa ra. Mặc dù bản tuyên bố còn nhiều điểm thỏa hiệp, nhưng dẫu sao đây cũng là sự thống nhất của phong trào cộng sản trong bối cảnh thế giới đầy phức tạp.
Sau hội nghị Matxcơva (1957), quan hệ Xô - Trung lại dần dần trở nên nguội lạnh. Biểu hiện trước hết là thái độ khác nhau đối với Mĩ. Tuy kí vào văn kiện của Hội nghị Matxcơva, nhưng Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ mùa xuân năm 1960 bắt đầu tuyên bố không đồng tình với đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế do Hội nghị Matxcơva năm 1957 đề ra.
Còn đại biểu của “Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư” không kí vào văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị 1957 và đưa ra đường lối riêng của mình. Đoàn đại biểu Nam Tư cho rằng việc phân chia thế giới thành hai phe là giả tạo và sự chia cắt Đức và Triều Tiên là kết quả của quan điểm đó; rằng mỗi nước đều có đường lối của mình, không nhất thiết phải rập khuôn theo Liên Xô; và Nam Tư đã đề ra đường lối của mình (mà thời kỳ đó người ta gọi là "chủ nghĩa cộng sản quốc gia''). Trong đường lối của mình, trước hết Nam Tư cho rằng tập thể hóa nông nghiệp là tự hủy diệt nền nông nghiệp của mình, việc quản lí doanh nghiệp giao cho công đoàn, trong công nghiệp hóa không nhất thiết phải phát triển công nghiệp nặng, cứ hợp tác với Mĩ trong khi vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng một nền dân chủ XHCN và pháp chế xã hội chủ nghĩa theo đúng nghĩa của nó.
Quan điểm này là biểu hiện của sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế.
Theo Nghị quyết của Hội nghị Matxcơva năm 1957, tháng 9 - 1958, tạp chí ''Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội'' đã ra số đầu tiên, được xuất bản bằng 34 thứ tiếng và phát hành ở 145 nước trên thế giới. Tạp chí đã đóng góp vào việc xây dựng lí luận Mác - Lênin để đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản, vào việc trao đổi kinh nghiệm giữa những người cộng sản và công nhân trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin
Theo "Lịch sử thế giới hiện đại", Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009