Chủ tịch Hồ Chí Minh vui cùng các cháu thiếu nhi (ảnh tư liệu)
Năm 1942, phần lớn các nước ở châu Âu bị dày xéo dưới gót giày của quân đội phát xít Đức. Ở khắp mọi nơi chúng dựng lên những giá treo cổ, những nhà tù, những trại tập trung và những lò thiêu người. Chúng đã tàn sát cực kỳ man rợ hàng chục triệu người, từ các cụ già cho tới các em thơ. Cũng vào năm 1942, một làng nhỏ ở Tiệp Khắc - làng Liđixơ đã phải chịu đựng những tội ác tàn bạo của chúng. 11 giờ đêm ngày 9 tháng 6, bọn phát xít Đức bất ngờ sục vào làng, chúng tập trung dân làng và vơ vét hết tiền bạc, của cải của họ. Cướp xong, bọn phát xít bắt đầu tàn sát. Những em bé chưa đầy một tuổi bị giật khỏi tay những bà mẹ, quẳng lên xe chở đi nơi khác. Những thiếu nữ khoảng 15 tuổi cùng các phụ nữ trong làng đều bị đưa đến trại tập trung. Những thiếu niên, thanh niên và nhiều người khác bị bắn chết ngay tại chỗ. Những người còn lại thì bị chúng đẩy vào các lò thiêu người. Chỉ trong một ngày hôm đó, 192 người dân làng Liđixơ, trong đó có 98 trẻ em đã bị giết.
Hai năm sau, năm 1944, cũng vào ngày 10 tháng 6, phát xít Đức lại gây ra những tội ác man rợ như ở Liđixơ. Chúng đến bao vây Ôrađua, một thị trấn nhỏ ở miền Trung nước Pháp, đẩy họ vào trong nhà thờ, rồi tưới dầu xăng thiêu chết (642 người trong đó có tới 267 trẻ em).
Sau chiến tranh, nhiều nơi ở châu Âu và trên thế giới đã dựng đài và đặt tên Liđixơ, nhiều người đã tới Liđixơ.
Tháng 1-1949, Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới họp ở Matxcơva đã quyết định lấy ngày 1-6 hàng năm làm ngày Quốc tế thiếu nhi. Đây là ngày biểu dương sức mạnh các lực lượng yêu chuộng công lý, hoà bình vì hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới.
Ngay sau đó, nhiều tổ chức dân chủ quốc tế như Liên hiệp công đoàn thế giới, Liên đoàn thanh niên dân chủ quốc tế, đã hoàn toàn nhất trí với quyết định trên của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế. Từ trở đi, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1-6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Tháng 4 năm 1952 tại Viên (thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả Chính phủ các nước đặt ra pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.
Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxcơva đã tố cáo các nước đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1-6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ quốc. Nhà nước Việt Nam cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân.
Vào cuối năm 1957, trong dịp đi thăm nước Cộng hòa Tiệp Khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm Liđixơ. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Liđixơ nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình".
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ban Tư liệu - Văn kiện (sưu tầm)