Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Năm 1941, cuộc chiến tranh thế giới đã bước sang năm thứ ba. Tháng 6 năm 1941, phát xít Đức mở cuộc tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu. Tính chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi về căn bản. Trên thế giới hình thành hai trận tuyến: một bên là lực lượng dân chủ do Liên Xô đứng đầu, một bên là khối phát xít Đức, Ý, Nhật.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Hội nghị lần thứ tám). Hội nghị đã nêu một số mâu thuẫn cần giải quyết lúc bấy giờ như mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp – phát xít Nhật. Hội nghị chủ trương trước hết phải giải phóng các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách áp bức Pháp - Nhật. Hội nghị chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) gồm các tổ chức quần chúng, cùng nhau giải phóng dân tộc.

Lễ ra mắt Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quânngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo

(nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) - Ảnh Tư liệu

Từ sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng trở thành hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc. Lực lượng cách mạng giương cao ngọn cờ đại nghĩa của Việt Minh ngày càng được mở rộng và phát triển không ngừng.

Giữa lúc đó, chiến tranh thế giới thứ hai đã có những chuyển biến mau lẹ, phát xít Đức bị tiêu diệt và phải đầu hàng. Ở châu Á, phát xít Nhật cũng đầu hàng vô điều kiện. Ngay lúc đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân đồng minh kéo vào.

Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đề nghị tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh. Đại hội đã nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ''...Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”

Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc bộ phủ, tháng 8 năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Tại Hà Nội, không khí cách mạng vô cùng sôi động. Các tầng lớp nhân dân hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu. Tối ngày 15/8, đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh đã tổ chức diễn thuyết công khai ở các rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16/8, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. Chiều ngày 17/8, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn. Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng bộ Thủ đô đã huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc thành phố, biến cuộc mít tinh thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh, rồi biến thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, vừa cổ động chương trình Việt Minh, vừa hô hào nhân dân tham gia khởi nghĩa. Đến ngày 19/8, khí thế cách mạng tràn ngập khắp thủ đô Hà Nội.

Nhân dân thủ đô kéo tới quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình, nhân dân nhanh chóng chiếm phủ Khâm sai, Toà Thị chính, trại lính bảo an, Sở cảnh sát và các công sở của chính phủ bù nhìn. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Thủ đô hoàn toàn thắng lợi.

Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản (Ảnh tư liệu)

Ngay từ những ngày đầu thu tháng 8, đặc biệt sau khởi nghĩa toàn thắng ở thủ đô Hà Nội, một không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi trong cả nước.

Từ ngày 14 đến ngày 18/8, nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh từ Bắc vào Nam đã nối tiếp nhau nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23/8, Huế, thành lũy hàng trăm năm của triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương đã nhanh chóng lọt vào tay nhân dân. Ngày 25/8, Việt Minh tổ chức biểu tình và cướp chính quyền tại Sài Gòn. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong phạm vi cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã hoàn toàn thành công.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập

khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Ảnh tư liệu)

Cách mạng tháng Tám là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, ngọn cờ dân tộc đã được Đảng ta giương cao hơn bao giờ hết, Mặt trận Việt Minh thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và nâng lên một tầm cao mới.

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỉ tại Việt Nam, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngàn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp đã trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.

Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi đã mở đầu cho thời kì suy sụp của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên thế giới./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website