WHO gồm 192 quốc gia thành viên (2004).
Nhiệm vụ: Điều hoà các hoạt động y tế và chăm lo sức khoẻ cho con người trên phạm vi toàn thế giới; hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc và các chính phủ tìm cách nâng cao sự hiểu biết trong lĩnh vực y tế, giúp đỡ kĩ thuật cho các nước trong việc bảo vệ sức khoẻ cho con người.
Cơ quan lãnh đạo: Đại hội Y tế thế giới, gồm tất cả các thành viên, mỗi năm họp một lần; Hội đồng Chấp hành gồm 32 thành viên do Đại hội bầu, họp mỗi năm 2 lần. Cơ quan thường trực: Ban Thư kí đứng đầu là một tổng giám đốc, nhiệm kì 5 năm.
Trụ sở: Giơnevơ (Genève; Thuỵ Sĩ). Các văn phòng khu vực: Văn phòng khu vực châu Âu (Côpenhagen), Văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải (Cairô), Văn phòng khu vực Đông và Nam Á (Niu Đêli), Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương (Manila), Văn phòng khu vực châu Mỹ (Oasinhtơn), Văn phòng khu vực châu Phi (Brazavin). Ngoài ra WHO còn có 150 đại diện ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là thành viên từ 20.7.1976 và thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương.
WHO đề xuất các chiến dịch phòng chống các bệnh truyền nhiễm (bệnh đậu mùa, phong, bại liệt, lao, sốt rét, vv.). WHO còn tài trợ cho các chương trình nghiên cứu y học, mạng lưới các phòng xét nghiệm chuẩn thức ở một số nước, cung cấp thông tin chuyên môn cho các nước thành viên về những vấn đề tổ chức y tế, sử dụng thuốc. Chiến lược gần đây của WHO là "Sức khoẻ cho tất cả mọi người đến năm 2000" (Tuyên ngôn Anma Ata, 1978) với các chương trình mục tiêu: cung cấp nước sạch và thanh khiết môi trường; tiêm chủng mở rộng cho trẻ em chống 6 bệnh (bạch hầu, bại liệt, ho gà, lao, sởi, uốn ván); giảm hút thuốc lá; giảm uống rượu, v v.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam