Tổ chức này hoạt động dưới sự lãnh đạo chung của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Tiền thân của ESCAP là Ủy ban Kinh tế châu Á và Viễn Đông (A. Economic Commission for Asia and the Far - East: ECAFE), được thành lập vào tháng 10/1947 tại Thượng Hải, Trung Quốc, xuất phát từ nhu cầu của các nước trong khu vực cần có sự giúp đỡ để xây dựng lại đất nước và phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đến năm 1974, tổ chức này đổi tên thành Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) để phù hợp hơn với quy mô và phương hướng hoạt động mới của mình.
Hiện nay, Tổ chức này gồm 53 nước thành viên chính thức (trong đó có Nga, Nhật Bản, Hoa Kì, Anh, Pháp, Hà Lan) và 9 nước thành viên liên kết (năm 2004). Thư ký điều hành ESCAP là bà Noeleen Heyzer (người Singapore). Trụ sở Ban Thư ký đặt tại Băng Cốc (Thái Lan).
Từ ngày thành lập cho tới nay, ESCAP luôn tìm cách vượt qua những thách thức lớn của khu vực. ESCAP có hồ sơ theo dõi lâu dài về một tổ chức bất kỳ ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong việc xác định và phân tích các xu hướng kinh tế và xã hội của nó. Thông qua các hoạt động đa dạng của mình (tập trung chủ yếu vào trợ giúp về kỹ thuật, dịch vụ cố vấn cho Chính phủ các nước khi được yêu cầu; nghiên cứu và phân tích đánh giá tình hình kinh tế-xã hội ở khu vực và các nước thành viên, huấn luyện và đào tạo chuyên gia...), ESCAP thể hiện vai trò hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực trên 3 lĩnh vực quan trọng sau:
- Phối hợp nỗ lực chung của Liên hợp quốc cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực.
- Diễn đàn chính của các nước trong khu vực để thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.
- Hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển kinh tế-xã hội ở các nước thành viên.
Về mặt tổ chức, Uỷ ban gồm đại diện của tất cả các nước thành viên. Uỷ ban mỗi năm họp một lần. Dưới Uỷ ban có 3 ban chuyên ngành: Ban Xoá đói giảm nghèo, Ban Quản lý toàn cầu hoá và Ban về các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Đặc biệt, ESCAP có Ban Cố vấn, có nhiệm vụ đóng góp và trao đổi ý kiến với Thư ký chấp hành ESCAP về mọi mặt hoạt động và công việc của ESCAP. Ban Thư ký là cơ quan giúp việc cho Uỷ ban thực hiện các chương trình công tác được Uỷ ban thông qua. Đứng đầu Ban Thư ký là Thư ký Chấp hành do Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm.
ESCAP hoạt động dựa vào nguồn ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc và những đóng góp tự nguyện của các nước thành viên ESCAP hay của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Việt Nam chính thức gia nhập ESCAP từ năm 1976. Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề ESCAP quan tâm ưu tiên cũng là những vấn đề lớn được Chính phủ ta quan tâm. Sự tương đồng này là điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của ESCAP, đặc biệt trên một số phương diện như: hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể; nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thông qua các khoá đào tạo, hội thảo do ESCAP tổ chức.
|