Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) - United Nations Economic and Social Council (ECOSOC)

1. Cơ sở pháp lý và tôn chỉ mục đích

 Theo Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), một trong những mục tiêu chính của Tổ chức này là: "Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc nhân đạo, thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo" (Chương I, điều 1, điểm 3). Cụ thể, LHQ sẽ thúc đẩy (Chương IX, điều 55, điểm a,b,c):

- Nâng cao mức sống, đầy đủ việc làm, điều kiện tiến bộ và phát triển kinh tế xã hội

- Giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, y tế và các vấn đề liên quan, và sự hợp tác quốc tế về văn hóa và giáo dục, và

- Tôn trọng và thực hiện quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo

Trách nhiệm thực hiện những chức năng trên trước hết thuộc về Đại hội đồng LHQ. Theo điều 60 của Hiến chương LHQ, ECOSOC được đặt dưới quyền của Đại hội đồng và được Đại hội đồng giao trách nhiệm trực tiếp thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của LHQ.

2 Thành viên:

 Số thành viên ban đầu của ECOSOC là 18. Từ tháng 8/1965 tăng lên 27 và từ tháng 10/1973 cho đến nay là 54 nước thành viên LHQ do Đại hội đồng (ĐHĐ) bầu. Các ghế được phân theo khu vực địa lý : 14 nước Châu Phi, 11 nước Châu Á, 19 nước châu Âu, 10 nước Mỹ La tinh và Caribe và các nước khác.

Hàng năm ĐHĐ LHQ phải bầu lại 18 nước thành viên ECOSOC với nhiệm kỳ 3 năm, thông thường bắt đầu từ 1/1 đến 31/12. Nước thành viên vừa hết nhiệm kỳ có thể tái ứng cử. ĐHĐ thường thông qua không bỏ phiếu bầu các nước đã được các nhóm khu vực nhất trí đề cử (Endorsement). Nếu các nước không thống nhất được trong nhóm thì ĐHĐ phải bỏ phiếu bầu.

3 Chức năng và quyền hạn:

 ECOSOC là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ. Phần lớn các Nghị quyết và Quyết định của ĐHĐ LHQ về kinh tế, xã hội, nhân quyền, nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên.

Theo Hiến chương LHQ, ECOSOC có những chức năng và quyền hạn chính sau:

- Thực hiện hoặc đề xuất những nghiên cứu, điều tra và làm báo cáo về các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục, y tế và những vấn đề liên quan khác, và có thể đưa ra những khuyến nghị về các vấn đề đó đối với ĐHĐ, các nước thành viên LHQ và các tổ chức chuyên môn hữu quan;

- ECOSOC có thể đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện quyền con người;

 - ECOSOC soạn thảo các văn kiện và điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình ĐHĐ và có thể triệu tập các Hội nghị quốc tế về những vấn đề đó, theo các thủ tục của LHQ;

 - ECOSOC có thể phối hợp hoạt động với những tổ chức chuyên môn của LHQ, thông qua tham khảo và khuyến nghị với các tổ chức đó, cũng như bằng cách khuyến nghị với ĐHĐ và các thành viên LHQ;

- ECOSOC có quyền tiến hành mọi biện pháp thích hợp để các tổ chức chuyên môn phải báo cáo đều đặn cho mình những công việc của họ. Hội đồng có thể thỏa thuận với các thành viên LHQ và các tổ chức chuyên môn về việc các thành viên và các tổ chức này báo cáo về những biện pháp đã được áp dụng trong việc thi hành những khuyến nghị của Hội đồng và trong việc thi hành những khuyến nghị của ĐHĐ về những vấn đề thuộc thẩm quyền của ECOSOC;

- Với sự đồng ý của ĐHĐ, ECOSOC có thể làm những việc do các thành viên LHQ, hoặc các tổ chức chuyên môn yêu cầu;

- ECOSOC sẽ mời bất cứ nước thành viên LHQ nào tham dự, không bỏ phiếu, các cuộc thảo luân của HĐ về vấn đề liên quan đến nước thành viên đó;

- ECOSOC có thể thu xếp cho đại diện các tổ chức chuyên môn LHQ tham dự, không bỏ phiếu, các cuộc thảo luận của HĐ và các cuộc thảo luận của các Ủy ban do HĐ lập ra, và cho các đại diện của HĐ tham gia các cuộc thảo luận của các tổ chức chuyên môn LHQ;

- ECOSOC có thể có những thu xếp thích hợp để tham khảo các tổ chức phi chính phủ liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐ, thu xếp qua các tổ chức quốc tế và khi thích hợp, có thể qua các tổ chức quốc gia của nước thành viên sau khi đã tham khảo nước thành viên đó;

- ECOSOC có nghĩa vụ thực hiện những chức năng khác được quy định trong Hiến chương LHQ, hoặc có thể được ĐHĐ giao cho.

4 Hoạt động và thủ tục ra quyết định:

Mỗi nước thành viên ECOSOC có một phiếu. ECOSOC thông qua quyết định theo đa số những thành viên có mặt tham gia bỏ phiếu.

ECOSOC có 2 phiên họp trong một năm: phiên họp về nội dung (substantive session) được tổ chức trong vòng 4 tuần vào khoảng tháng 7, luân phiên ở New York và Geneva, và trước đó là phiên họp về tổ chức (organizational session) diễn ra trong 4 ngày thường vào đầu tháng 2 và được họp lại vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm.

Trong phiên họp về nội dung của ECOSOC có 4 ngày họp cấp Bộ trưởng của các nước thành viên Hội đồng để xem xét những chủ đề lớn về kinh tế và/hoặc xã hội; 1 ngày đối thoại về chính sách liên quan những vấn đề quan trọng của kinh tế thế giới và hợp tác kinh tế quốc tế, những người đứng đầu các tổ chức tài chính, thương mại quốc tế của LHQ có thể được mời tham dự cuộc đối thoại này. Sau phần họp cấp cao (high level segment) là phần họp về phối hợp (coordination segment), phần họp về hoạt động tác nghiệp (operational activities segment), và phần họp chung (general segment) để xem xét những vấn đề kinh tế, xã hội và những vấn đề liên quan.

Phiên họp về tổ chức thường bầu ra Chủ tịch và các Phó chủ tịch ECOSOC, cũng như bầu bổ sung thành viên của các cơ quan chức năng của Hội đồng. Việc bầu cử, bổ nhiệm, đề cử sẽ diễn ra tại phiên họp về tổ chức được nối lại (resumed session) thường vào tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm.

Theo Hiến Chương LHQ, ECOSOC sẽ thông qua những quy định riêng về thủ tục, kể cả cách thức chọn Chủ tịch. HĐ sẽ họp khi cần phù hợp với những quy định của HĐ, kể cả triệu tập họp theo yêu cầu của đa số các nước thành viên HĐ.

5 Các cơ quan trực thuộc ECOSOC:

 Điều 68 của Hiến chương LHQ quy định rằng: "ECOSOC sẽ thành lập những Ủy ban trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và thúc đẩy nhân quyền, và các Ủy ban khác theo nhu cầu để thực hiện chức năng của HĐ".

Có 5 loại cơ quan trực thuộc ECOSOC:

- Ủy ban chức năng (Funtional Commission);

- Ủy ban khu vực (Regional Commission);

- Ủy ban thường trực (Standing Committee);

- Cơ quan chuyên môn (Expert Bodies) và

- Ủy ban hành chính điều phối (Administrative Committee on Coordination).

Mỗi Ủy ban có thể thành lập các tiểu ban (Subcommission) hoặc nhóm làm việc (Working Group)

Các Ủy ban chức năng (Funtional Commission):

 + Ủy ban Phát triển xã hội (Commission for Social Development - CSD):Ủy ban có chức năng tư vấn cho ECOSOC về những chính sách xã hội chung, và đặc biệt về tất cả những vấn đề xã hội mà các tổ chức chuyên môn liên Chính phủ không đề cập đến. UB còn có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện tiếp kết quả Hội nghị thượng đỉnh TG về phát triển xã hội họp tại Copenhagen 1995. Hiện UB có 46 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm. UB họp hàng năm ở New York khoảng 8 ngày. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của CSD nhiệm kỳ 2001-2005.

+ Ủy ban về ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (Commission on Crime prevention and Criminal Justice - CCPCJ):Ủy ban có trụ sở tại Vienna gồm 40 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm, họp hàng năm thường ở Vienna. Ủy ban có chức năng:

- Hướng dẫn về chính sách cho các nước thành viên LHQ trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự;

- Theo dõi và kiểm điểm việc thực hiện các chương trình LHQ về phòng ngừa tội phạm;

- Giúp phối hợp các hoạt động của các viện khu vực và liên khu vực về phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội;

- Huy động sự ủng hộ của các nước thành viên;

- Chuẩn bị cuộc họp của LHQ về ngăn ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội.

+ Ủy ban nhân quyền (Commission on Human Rights - CHR):Ủy ban có trụ sở tại Geneva, hiện gồm 53 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm, họp hàng năm tại Geneva. UB có các chức năng chủ yếu như xây dựng các văn kiện và tài liệu pháp lý quy định về các quyền con người và các quyền tự do cơ bản; đưa ra những khuyến nghị và báo cáo về các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, các quyền phụ nữ, trẻ em, quyền của các nhóm thiểu số về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, hay tôn giáo...; xây dựng các dự thảo tuyên bố hoặc công ước quốc tế về các quyền con người.

Để giúp việc cho mình, Ủy ban nhân quyền đã thiết lập các cơ chế nhân quyền như các nhóm làm việc (working groups) hoặc cử các báo cáo viên đặc biệt theo chủ đề (giam giữ độc đoán, tự do tôn giáo, tự do chính kiến, chống tra tấn...) và về tình hình nhân quyền ở các nước cụ thể. Việc lập ra các cơ chế nêu trên phải được ECOSOC và Đại hội đồng chấp thuận.

+ Ủy ban về Ma túy (Commission on Narcotic Drugs - CND):có trụ sở tại Vienna, hiện gồm 53 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ từ 3 đến 4 năm, họp hàng năm tại Vienna. Ủy ban có chức năng tư vấn cho Hội đồng và xây dựng dự thảo hiệp định quốc tế về các vấn đề liên quan tới kiểm soát ma túy, theo dõi việc thực hiện chương trình hành động toàn cầu và hướng dẫn về chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ma tuý. Ủy ban là cơ quan điều hành Chương trình kiểm soát ma tuý của LHQ (UNDCP), xây dựng và thông qua các chương trình dự án của UNDCP. Văn phòng Ma tuý và Tội phạm của LHQ (UNODC) có chức năng là ban thư ký cho Uỷ ban.

+ Ủy ban Dân số và phát triển (Commission on Population and Development - CPD):gồm 47 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm, họp hàng năm ở New York. UB có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn ECOSOC về những thay đổi về dân số, kể cả việc di cư và ảnh hưởng của nó tới các điều kiện kinh tế, xã hội; theo dõi, kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

+ Ủy ban Khoa học, công nghệ vì phát triển (Commssion on Science and Technology for Development - CSTD):gồm 53 nước do ECOSOC bầu, họp hai năm một lần.

+ Ủy ban về phát triển bền vững (Commission on Sustainable Development - CSD):gồm 53 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm. Ủy ban có chức năng chủ yếu theo dõi việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) của Hội nghị LHQ về Môi trường và Phát triển tổ chức tại Riođờ Gianerô, Braxin (21-27/6/1997).

+ Ủy ban về địa vị phụ nữ (Commission on the Status of Women - CSW):hiện gồm 45 nước thành viên nhiệm kỳ 4 năm, có trụ sở ở New york, họp hàng năm. UB có nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo và đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng về các vấn đề liên quan đến việc cải thiện các quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục; Ủy ban đóng vai trò chính theo dõi việc thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị TG lần thứ 4 về Phụ nữ (Bejing 1995).

+ Ủy ban Thống kê (Statistical Commission - SC):hiện gồm 24 nước thành viên nhiệm kỳ 4 năm, họp 2 năm một lần tại New york. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Hội đồng thúc đẩy phát triển thống kê quốc gia, phối hợp công tác thống kê của các cơ quan chuyên môn và nâng cấp công tác thống kê của Ban thư ký LHQ; tư vấn cho các cơ quan LHQ về các vấn đề chung liên quan tới việc thu thập, phân tích và phổ biến những thông tin thống kê, thúc đẩy cải tiến phương pháp chung làm thống kê.

Các Ủy ban Thường trực (Standing Committees):

 + Ủy ban Chương trình và điều phối (Committee for Programme and Co-ordination - CPC):hiện có 34 thành viên nhiệm kỳ 3 năm. UB có nhiệm vụ xem xét các chương trình của LHQ trong kế hoạch trung hạn, kiến nghị những chương trình ưu tiên, chỉ đạo Ban thư ký cụ thể hóa những luật lệ thành chương trình, kiến nghị bỏ những văn bản chồng chéo, xây dựng các thủ tục thẩm định, và giúp Hội đồng trong thực thi chức năng điều phối.

+ Ủy ban các Tổ chức phi chính phủ (Committee on Non-Governmental Organisations - CNGO):gồm 19 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm, có nhiệm vụ chính là thẩm tra, xem xét và cấp quy chế tư vấn của ECOSOC cho các NGOs có đơn yêu cầu, giám sát hoạt động của các NGOs có quy chế tư vấn theo quy định của Hội đồng, đưa ra những khuyến nghị về những gì các tổ chức NGO phải trình ECOSOC.

Các cơ quan chuyên môn (Expert Bodies):

 - Nhóm Adhoc các chuyên gia hợp tác quốc tế về các vấn đề thuế (Ad hoc Group of Experts on International Cooperation in Tax Matters);

- Ủy ban về chính sách phát triển (Committee for Development Policy);

- Ủy ban chuyên gia về vận chuyển hàng nguy hiểm (Committee of Expert on the Transport of Dangerous Good and on the Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals);

- Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (Committee on Economic, Social and Cultural rights);

- Ủy ban chuyên gia về hành chính công (Committee of Experts on Public Administration);

- Diễn đàn Thường trực về các vấn đề người bản xứ (Permanent forum on Indigenous Issues);

 - Nhóm chuyên gia LHQ về địa danh (UN Group of Experts on Geographical Names).

 Ủy ban Hành chính điều phối (Administrative Committee on Coordination - ACC)thành phần gồm Tổng thư ký LHQ và các Giám đốc các cơ quan chuyên môn của LHQ và IAEA, họp 2 lần một năm. Ủy ban có chức năng phối hợp các chương trình của LHQ, thúc đẩy sự hợp tác trong hệ thống LHQ nhằm mục tiêu chung của tất cả các nước thành viên LHQ. Trực thuộc và báo cáo trực tiếp với Ủy ban có 5 tiểu ban là: Tiểu ban tổ chức (Organizational Committee), Tiểu ban tư vấn về những vấn đề hành chính (Consultative Committee on Administrative Questions), Tiểu ban tư vấn về chương trình và các vấn đề tác nghiệp (Consultative Committee on Programme and Operational Questions), Tiểu ban liên ngành về phát triển bền vững (Inter-Agency Committee on Sustainable Development) và Tiểu ban liên ngành về phụ nữ và bình đẳng giới (Inter-Agency Committee on Women and Gender Equality).

Các Ủy ban khu vực (Regional Commissions)gồm: Ủy ban Kinh tế châu Phi-ECA, Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương - ESCAP, Ủy ban Kinh tế châu Âu - ECE, Ủy ban Kinh tế Mỹ La tinh và vùng Caribe - ECLAC và Ủy ban Kinh tế xã hội Tây Á - ESCWA.


Các từ khóa theo tin:

(Bộ Ngoại giao)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website