(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP, ngày 12/7/2024, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính.
Ngoài ra, còn quy định việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá, gồm hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá và việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nghị định quy định các hình thức xử phạt, nguyên tắc áp dụng và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm phạt tiền; tước có thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 150.000.000 đồng, đối với tổ chức là 300.000.000 đồng.
Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần các hành vi vi phạm trong Nghị định này thì áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần, trừ các hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 7; khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 20; khoản 3 Điều 22; khoản 5 Điều 23; khoản 4 Điều 25 Nghị định này thì xử phạt về từng hành vi.
Ngoài các hình thức xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; buộc công khai đầy đủ thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định; buộc trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định, số tiền đã thu lợi do hành vi vi phạm hành chính gây ra…
Tùy số lượng hàng hóa, dịch vụ cụ thể thuộc diện kê khai giá, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 đến 25 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng giá bán hoặc không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Từ ngày 12/7/2024, Nghị định này có hiệu lực thi hành và thay thế các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá quy định tại Chương II Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí và hóa đơn; Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Đối với hành vi vi phạm xảy ra và kết thúc trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc đang xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại các Nghị định số 109/2013/NĐ-CP; số 49/2016/NĐ-CP trừ các trường hợp Nghị định này quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn hoặc không quy định trách nhiệm pháp lý./.