Năm bài học lớn từ thực tiễn đổi mới

Công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI (1986) đến nay đã vừa tròn 20 năm. Nhìn lại 1/5 thế kỷ đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, đổi mới vừa là một thời cơ lớn cho phát triển, vừa có không ít những thách thức to lớn, thậm chí nghiệt ngã trên con đường phát triển. Thực tiễn đã chứng tỏ tính đúng đắn và sáng tạo của đổi mới với tầm vóc và ý nghĩa là một quyết sách chiến lược của Ðảng đối với phát triển đất nước và dân tộc. 

Ðảng ta, với bản lĩnh chính trị của một Ðảng cách mạng chân chính, Ðảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, với trọng trách lịch sử của một Ðảng cầm quyền, đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc ta, đón kịp thời cơ, vượt qua thách thức trong đổi mới. Trong chặng đường 20 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và cũng còn không ít hạn chế, yếu kém, khó khăn. Toàn bộ thực tiễn ấy đem lại cho Ðảng và nhân dân ta các bài học lớn sau đây: 

Một là, trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tình hình đất nước từ giữa thập kỷ 70 thế kỷ 20 với những khó khăn, khủng hoảng kéo dài và tình hình chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào suy thoái, khủng hoảng đã làm cho đổi mới, cải cách là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Quá trình này được triển khai thực hiện ở hàng loạt quốc gia xã hội chủ nghĩa, gần như trong cùng một thời kỳ, nhưng kết quả thì rất trái ngược nhau. Ở Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu, cải tổ đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về chính trị và rơi vào tình trạng mất phương hướng. Cải tổ chẳng những không khắc phục được suy thoái và khủng hoảng, mà còn làm cho khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, xã hội mất ổn định và trở nên rối loạn, kết cục là làm tan rã Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cải tổ thất bại và cách mạng lâm vào thoái trào. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như ở Cuba và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, công cuộc đổi mới, cải cách đã từng bước tạo lập được ổn định, khắc phục được khủng hoảng, đem lại thế và lực mới cho chủ nghĩa xã hội. Thành thử, vấn đề hệ trọng đầu tiên là phải xác định đúng mục tiêu và nền tảng tư tưởng của công cuộc đổi mới, cải cách chủ nghĩa xã hội. Ðổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội đi tới thắng lợi. Ðổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Ðảng. Ðổi mới không phải là phủ định sạch trơn những thành tựu và cách làm trước đây, mà là khẳng định những gì đã hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, hoặc những gì trước kia đúng, nhưng nay không còn phù hợp nữa, do tình hình và điều kiện đã thay đổi, vì vậy cần phải bổ sung nhận thức mới và cách làm mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. 

Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng đó là con đường đi hợp với quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử, hợp với trào lưu tiến hóa của thế giới nhân loại mà thời đại mới đã mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Trong thời đại ngày nay, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Ðộc lập dân tộc là tiền đề và điều kiện để đi tới chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội là đảm bảo chắc chắn, đầy đủ, triệt để nhất cho độc lập dân tộc. Ðây là sợi chỉ đỏ, là đường nét chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán trong di sản tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bảy thập kỷ qua, Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản đã kiên trì lý tưởng và mục tiêu đó. Thắng lợi của Cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử là minh chứng thực tiễn cho tính đúng đắn, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Là nhà Mác-xít sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917, của thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh thành, đã rút ra kết luận khoa học là: chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc ra khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột, tiến tới độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Người cũng từng nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng, là kết tinh những tinh hoa trí tuệ, tư tưởng của nhân loại, là lý luận soi đường cho công cuộc giải phóng, phát triển của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhằm xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công, trước hết phải có chính đảng cách mạng, và Ðảng đó phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, phải trung thành đến cùng với lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa cộng sản, do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ chủ nghĩa cho vững ("Ðường Cách mệnh", 1927). Thắng lợi của Cách mạng Việt Nam và thành tựu 20 năm đổi mới vừa qua, bắt nguồn từ sự đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển của cách mạng. Ðây là nhận thức khoa học và vận dụng sáng tạo quy luật khách quan vào hoạt động thực tiễn cách mạng của Ðảng ta. Ðây còn là tính kiên định về lập trường quan điểm chính trị dựa trên niềm tin khoa học và kinh nghiệm thực tiễn phong phú được tổng kết thành lý luận, bảo đảm cho Ðảng ta giữ vững phương hướng chính trị, kể cả trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, đầy thử thách sóng gió. 

Lê-nin đã từng chỉ rõ, với một Ðảng Cách mạng, có sứ mệnh dẫn dắt giai cấp công nhân và dân tộc trong cuộc đấu tranh vì thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, nếu không có lập trường cách mạng kiên định, không giữ vững nguyên tắc và tỏ rõ bản lĩnh chính trị, nếu rơi vào sự tròng trành, dao động, mất phương hướng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt, thì có nghĩa là đưa chính trị tới chỗ tự sát. 

Sự tổng kết ý nghĩa cảnh báo của Lênin trong luận điểm nêu trên cực kỳ sâu sắc và mãi mãi có tính thời sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tương tự như thế và Người đúc kết thành một nguyên tắc, một phương châm ứng xử, hành động, đó là: "dĩ bất biến, ứng vạn biến". 

Giữ vững độc lập dân tộc, kiên trì lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội để đổi mới luôn luôn đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là cái bất biến trong sự nghiệp đổi mới của Ðảng, của dân tộc và nhân dân ta. Cách mạng là sáng tạo bởi chân lý là cụ thể. Trong bối cảnh phức tạp của thế giới ngày nay, thực tiễn biến đổi mau lẹ khôn lường, thời đại và thời cuộc lại đan xen lẫn nhau vô vàn thời cơ cùng với thách thức. Trên con đường đổi mới để phát triển, để tiến tới hiện đại hóa, trong một thế giới mà toàn cầu hóa đang là một xu hướng khách quan, phổ biến, các quốc gia - dân tộc cùng tồn tại trong thế phụ thuộc và tùy thuộc lẫn nhau, cùng cạnh tranh và hợp tác, Ðảng và nhân dân ta hơn lúc nào hết phải nỗ lực vượt lên chính mình, độc lập tự chủ để tìm thấy câu trả lời đúng đắn cho các vấn đề đặt ra của đất nước. Ðó là sự sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo, là ứng vạn biến để dĩ bất biến. Ðó là giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ðó chính là một trong những bài học nổi bật, sâu sắc, ở tầm chiến lược phát triển của Cách mạng Việt Nam, của đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà hiện nay, chúng ta cần tiếp tục giữ vững và phát huy. Có thể nói, kiên trì lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là bảo đảm chính trị, tư tưởng và lý luận của Ðảng Cộng sản với tư cách một đảng cầm quyền tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới đi tới mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đi tới văn minh, hiện đại. 

Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Biện chứng của cuộc sống đặt ra cho Ðảng và nhân dân ta một thử thách to lớn về trí tuệ: đổi mới như thế nào cho hiệu quả và an toàn, nhất là trong đổi mới chính trị và hệ thống chính trị? Cơ đồ xã hội chủ nghĩa ở một số nơi bị sụp đổ cũng là do những người cộng sản và quần chúng cách mạng ở đó mắc sai lầm về phương pháp cải tổ, cải cách chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã chỉ rõ phải đổi mới toàn diện: từ nhận thức tư tưởng đến hoạt động thực tiễn; từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, từ đối nội đến đối ngoại, nghĩa là đổi mới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong chính trị, đổi mới và chỉnh đốn Ðảng, gắn liền với đổi mới quản lý của Nhà nước, đồng thời phải đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Phải đổi mới đồng bộ tất cả các mặt của đời sống xã hội, nhưng không có nghĩa là làm đồng loạt, dàn đều, mà phải có trọng tâm, trọng điểm, có những bước đi thích hợp. Lúc đầu, phải tập trung vào đổi mới kinh tế và từng bước đổi mới hệ thống chính trị. Tiếp theo, phải tiến hành đồng thời đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; có sự tính toán cân nhắc, trù liệu cẩn thận các bước đi, hình thức, biện pháp thích hợp. Vội vã, hấp tấp sẽ gây mất ổn định, thậm chí rối loạn, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá công cuộc đổi mới; ngược lại, quá chậm chạp trong đổi mới, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị sẽ cản trở sự phát triển kinh tế cũng như toàn bộ công cuộc đổi mới. Phải đảm bảo sự gắn kết, đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Ðảng là nhiệm vụ then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. 

Nhận thức đúng mối quan hệ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữa các nội dung và nhiệm vụ mà công cuộc đổi mới đặt ra để từ đó xác định rõ các biện pháp, các bước đi hợp lý cần phải thực hiện có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất to lớn. Trong hệ vấn đề phức tạp này, nổi bật lên mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Việc tiến hành đổi mới hai lĩnh vực trọng yếu này là đòi hỏi Ðảng và Nhà nước, những chủ thể lãnh đạo và quản lý xã hội chẳng những phải thấm nhuần quan điểm thực tiễn, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân, đáp ứng những nhu cầu bức xúc, những lợi ích thường nhật của người dân cùng với sự phát triển lâu dài, bền vững của dân tộc mà còn phải thể hiện được tầm nhìn văn hóa, nhãn quan văn hóa chính trị trong việc đề ra chủ trương và chính sách. Văn hóa, đó là kết quả sáng tạo tổng hợp từ tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra, văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Hai mươi năm đổi mới vừa qua, giờ đây nhìn lại, cả những thành tựu và những hạn chế, khiếm khuyết, ta càng thấy rõ giá trị và ý nghĩa của những đột phá trong đổi mới kinh tế, từ những thử nghiệm ban đầu về khoán, về những điều chỉnh cơ chế quản lý đến việc chuyển sang cơ chế thị trường và định hình đường lối phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung mọi nỗ lực vào đổi mới kinh tế để đạt được tốc độ và nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, nhờ đó mới có thể chăm lo lợi ích cho người lao động, cải thiện điều kiện sống và mức sống của dân cư, tạo ra động lực phát triển xã hội. Với đổi mới kinh tế, gắn liền chính sách kinh tế với chính sách xã hội, kết hợp tăng trưởng kinh tế với từng bước thực hiện công bằng xã hội, Ðảng và Nhà nước không chỉ chú trọng giải quyết các vấn đề thiết yếu trước mắt của cuộc sống dân cư, thực hiện công bằng trong phân phối lợi ích mà còn hướng tới điều căn bản, sâu xa hơn là công bằng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân. Ðó là tầm vóc và ý nghĩa cách mạng của đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế, thể hiện ở tư tưởng lý luận và biện pháp thực hiện về giải phóng và phát triển nguồn lực con người. Ðó cũng chính là dân chủ hóa kinh tế, đồng thời là dân chủ hóa chính trị để thực hiện quyền làm chủ và thụ hưởng lợi ích của những người lao động làm chủ xã hội. Ðổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và đổi mới toàn diện xã hội đã đi đúng quy luật, thuận lòng dân, được nhân dân hết lòng ủng hộ và hăng hái nhập cuộc là vì thế. Một đường lối, chủ trương và chính sách đúng sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và sớm phát huy tác dụng, bởi nó đáp ứng được lợi ích của nhân dân, phát triển được sức dân, đó là sức mạnh nền tảng của xã hội. Thành công của đổi mới kinh tế đã góp phần trực tiếp vào việc củng cố sự vững mạnh của chế độ chính trị, đồng thời đổi mới chính trị đúng đắn, thận trọng, có bước đi hợp lý lại thúc đẩy kinh tế phát triển và làm lành mạnh hóa xã hội. Trong vấn đề này, giữ vững ổn định chính trị tích cực có một tầm quan trọng đặc biệt. Nó là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để đổi mới có kết quả, hiệu quả. Thành bại của mọi chương trình cải cách và đổi mới ở tất cả các nước, trong đó có nước ta, bắt đầu từ việc có giải quyết được vấn đề ổn định chính trị hay không. Hai mươi năm đổi mới vừa qua, nhìn một cách tổng thể, Ðảng và nhân dân ta đã đạt được thành tựu căn bản về: chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, dân tộc đoàn kết và xã hội đồng thuận. Ðó là bài học kinh nghiệm quý báu từ việc đổi mới toàn diện, có biện pháp đúng và bước đi thích hợp. 

Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, luôn luôn nhạy bén với cái mới. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Quy luật này đã từng được thể hiện đặc sắc trong các giai đoạn trước đây của cách mạng Việt Nam, nay lại được chứng minh rất sáng tỏ trong công cuộc đổi mới. Từ nhân dân, từ lợi ích, nhu cầu và tiềm năng sáng tạo của nhân dân, Ðảng đã biết khơi nguồn và phát huy, phát triển động lực ngày càng mạnh mẽ cho quá trình đổi mới liên tục vận động và thành công. Lịch sử ghi lại rất rõ ràng rằng, chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân, từ miền quê trung du Vĩnh Phúc, đến miền ven biển Hải Phòng và vùng đất An Giang (Nam Bộ) cũng như nhiều địa phương khác nữa, là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Ðảng. Dựa vào nhân dân, qua thực tiễn phong phú của đời sống và kinh nghiệm quý báu của nhân dân, Ðảng đã chăm chú phân tích, tổng kết thực tiễn một cách khoa học và nâng lên thành lý luận, đề ra quyết sách đổi mới như một quyết sách chiến lược của phát triển; vận dụng tư duy lý luận để tiến hành tổng kết thực tiễn, nâng những cải tiến, sáng kiến của nhân dân, của các địa phương lên thành chủ trương, đường lối, chính sách chung, rồi chỉ đạo thực hiện, tổ chức thành các phong trào cách mạng của quần chúng để quần chúng phát huy tài năng sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực hoạt động. Ðó chính là chìa khóa của thành công. 

Cuộc sống đang tiếp tục vận động mau lẹ, phức tạp cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế, đặt ra vô vàn vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách cần xử lý, giải đáp. Ðộng lực nào thúc đẩy con thuyền cách mạng, con thuyền đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi lên phía trước? Ðó ắt hẳn là động lực của toàn dân, động lực của thực tiễn sáng tạo và kiên định. Ðể tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Ðảng và nhân dân ta phải không ngừng sáng tạo; song, để sự sáng tạo không chệch hướng, một mặt, phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước; mặt khác, phải luôn luôn xuất phát từ thực tiễn, thường xuyên tổng kết thực tiễn, tìm ra nhân tố mới để nhân rộng và phát hiện những điểm không phù hợp trong chủ trương chính sách, kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung và phát triển đường lối, chính sách. 

Hai mươi năm đổi mới vừa qua, với những tiến bộ và trưởng thành mà Ðảng và nhân dân ta đạt được, đã tỏ rõ sức mạnh sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng. 

Thực tiễn đổi mới cho chúng ta thêm vững tin vào tiềm năng to lớn của nhân dân và dân tộc ta, vào triển vọng tốt đẹp của cách mạng nước ta. Phát huy sức mạnh sáng tạo, sử dụng mọi nguồn lực của xã hội vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc của Tổ quốc, tự do của dân tộc và hạnh phúc của đồng bào, thực hiện hoài bão, khát vọng của Bác Hồ - đó là trọng trách lịch sử của Ðảng khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Dựa vào dân, phát huy sức mạnh sáng tạo của nhân dân để phục vụ nhân dân thì phải ra sức gây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðây là một tư tưởng lớn, một đường lối chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Ðảng ta đang ra sức thực hiện. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một động lực to lớn, quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được nuôi dưỡng và phát huy từ đâu? Từ thực hành dân chủ rộng rãi, từ việc bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân lao động theo đúng những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bao nhiêu lợi ích là của dân, bao nhiêu quyền lực cũng là của dân, mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, ở trong dân. Do đó, phải ra sức làm điều lợi cho dân, tránh điều hại cho dân. Ðem tài dân, sức dân để phục vụ dân, mưu cầu lợi ích cho dân. Có dân thì có tất cả, mất dân thì mất tất cả. Ðó là chân lý của lịch sử, là quy luật của muôn đời. Nguồn gốc sức mạnh của dân tộc, sức chiến đấu của Ðảng và thắng lợi của cách mạng đều do chỗ biết dựa vào dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: làm cho dân hiểu biết, dân tin tưởng, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ. Mấu chốt của thắng lợi và thành công là ở đó. 

Bốn là, phải phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác có hiệu quả ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Phát hiện, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp là một trong những đóng góp lý luận và thực tiễn quý giá của Ðảng và nhân dân ta đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của thế kỷ 20. Bài học kinh nghiệm mang tính quy luật ấy đã được tiếp nối bằng quan điểm, đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng: Phát huy nội lực, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững; đồng thời khai thác ngoại lực, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát huy nội lực mạnh hơn, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc. Nội lực không chỉ bao gồm những nguồn lực vật chất, hữu hình mà còn là những nguồn lực tinh thần, tư tưởng, văn hóa, là đường lối, chính sách đúng đắn của Ðảng, là truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, là ý chí, quyết tâm, tài năng của hàng chục triệu nhân dân... Ngoại lực cũng không chỉ là đầu tư nước ngoài, mà còn là những xu thế lớn của thời đại, những giá trị mới của xã hội loài người, là khả năng, tiềm năng sáng tạo, là những thành tựu vượt bậc của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, là môi trường, cục diện, so sánh lực lượng trong đời sống quốc tế. Hiểu như vậy thì nội lực chính là sức mạnh quốc gia - dân tộc và ngoại lực là sức mạnh thời đại, hai nhân tố không thể thiếu và cần được kết hợp có hiệu quả với nhau trong sự nghiệp đổi mới, trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. 

Kết hợp nội lực với ngoại lực, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - đó là cách thức để Ðảng ta và nhân dân ta có thể đón kịp, tận dụng thời cơ, vận hội của phát triển và vượt qua mọi thách thức, nguy cơ đặt ra trên con đường phát triển trong đổi mới, trong chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. 

Năm là, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Ðảng ta là một đảng cầm quyền, tức là Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Vị trí cầm quyền của Ðảng được xác lập bằng công sức chiến đấu hy sinh lâu dài và gian khổ trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của hàng triệu đảng viên và quần chúng cách mạng. Ðảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo xã hội và nhà nước để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động. Ðó là sự thật lịch sử, là trọng trách của Ðảng đối với nhân dân và dân tộc, được các tầng lớp nhân dân hết lòng ủng hộ. Công cuộc đổi mới 20 năm qua đạt được nhiều thành tựu: chính trị, xã hội ổn định; kinh tế tăng trưởng cao, liên tục; quan hệ quốc tế rộng mở; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhân tố quyết định đem lại thành công này chính là sự lãnh đạo của Ðảng thông qua đường lối đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp với xu thế thế giới; thông qua bản lĩnh chính trị vững vàng của Ðảng và khối đoàn kết thống nhất chặt chẽ trong Ðảng, thông qua mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng với quần chúng. Mặt khác, trong quá trình lãnh đạo đổi mới, Ðảng cũng bộc lộ một số mặt yếu kém và cả biểu hiện tiêu cực như một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa về tư tưởng, lập trường, tham nhũng, suy thoái về lối sống, đạo đức, tác phong. Bởi vậy, để tiếp tục lãnh đạo ngày càng có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Ðảng ta xác định xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt. Ðảng phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc; tiêu biểu cho đạo đức và văn minh, đó là một Ðảng chân chính cách mạng. Chỉ như vậy, Ðảng mới có đủ năng lực đưa ra các quyết sách đúng đắn, kịp thời để định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung. Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. 

Dân chủ được thể hiện và thực hiện chủ yếu và trực tiếp nhất qua Nhà nước, bằng Nhà nước. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là yêu cầu bức thiết của dân chủ hóa xã hội, của đổi mới để phát triển ở nước ta, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Ðể đảm bảo dân chủ, Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người; kết hợp thực hiện các phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, chú trọng phát huy năng lực tự quản cộng đồng của dân cư ở cơ sở; lấy dân chủ trong nội bộ Ðảng làm tấm gương và tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ dân chủ trong xã hội; tích cực nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết những hình thức, biện pháp, giải pháp mới để thực hiện phát huy dân chủ rộng rãi, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong Ðảng, nhà nước và các tổ chức chính trị của hệ thống chính trị... 

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, cần tích cực đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhằm đóng góp được ngày càng nhiều trí tuệ cho Ðảng trong việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện đường lối, chính sách. Cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, đối với tư cách, đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên, của đội ngũ công chức nhà nước trong hệ thống chính quyền các cấp. Xác lập những mối quan hệ hợp lý giữa Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể nhân dân thông qua hệ thống cơ chế thích hợp, làm cho tất cả các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị ngày càng mạnh lên, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện ngày một tốt hơn, từ đó tạo ra động lực vô cùng mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới. 

Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cùng hướng tới mục tiêu phát triển dân chủ, phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, Ðảng, chính quyền, đoàn thể phải tạo ra được sức mạnh thực tế phòng, chống và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, làm cho thể chế vững mạnh, chế độ bền vững, đủ sức bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân đi liền với tiết kiệm sức dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh. Gương mẫu và trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, đề cao kỷ luật, kỷ cương, thực hành văn hóa trọng dân, trọng pháp để làm cho dân tin và dân theo - vào lúc này đang là đòi hỏi vô cùng bức xúc đối với từng tổ chức đảng, từng cơ quan, từng đoàn thể và đối với từng cán bộ đảng viên để làm tròn trọng trách lãnh đạo dân và phục vụ dân. Ðó là thước đo về lòng trung thành với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thước đo về năng lực, phẩm chất và nhân cách của cán bộ đảng viên, của văn hóa Ðảng trong điều kiện Ðảng cầm quyền. 

Năm bài học lớn trên đây được đúc kết từ thực tiễn phong phú của 20 năm đổi mới đầy bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là những bài học có giá trị và ý nghĩa to lớn, tiếp tục soi đường cho chúng ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và vững bước đi tới tương lai dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Theo PGS - TS Tô Huy Rứa - Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, báo Nhân dân ngày 22-6-2006.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website